Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Luật biểu tình sẽ có nội dung như thế nào?



Điều 69 của Hiến pháp hiện hành quy định:

"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật"

Nhưng chính quyền thì không muốn cho dân biểu tình. Cấm biểu tình lại không được, họ liền nghĩ ra sáng kiến đem nghị định 38/2005/NĐ-CP ra áp dụng, qui cho người biểu tình tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng để bắt nhốt vào các trại hoặc quây trong các sân đồn công an.

Lạ hơn, ngày 18/8/2011, UBND Hà Nội lại ra một bản thông báo không số, không người ký và đóng dấu treo với nội dung chính là cấm biểu tình, phát cho các cơ quan báo chi loan tải và phô tô ra đưa đến tận tay từng người biểu tình. Đây là một văn bản vi hiến, quái dị và đương nhiên hết sức khôi hài có lẽ chưa từng thấy trong lịch sử quản lý hành chính của các quốc gia.

Qua 14 cuộc biểu tình ở Hà Nội, những người biểu tình đi có trật tự, không hề có hành động gây rối, không đánh lẫn nhau và không đánh nhau với ai (nhưng bị công an đánh thì có).

Nếu hành vi của người biểu tình vi phạm pháp luật thì tại sao lúc thì bị bắt bớ đánh đập, lúc thì được làm ngơ, thậm chí còn được dẹp đường cho đi, trong khi cảnh sát đông không kém người biểu tình là mấy? Vậy các cơ quan hành pháp thực thi pháp luật như thế nào? Công an làm ngơ cho hành vi gây rối trật tự công cộng có cần xử lý kỷ luật không? Có phải thích thì để, không thích thì dẹp không? Như vậy, người biểu tình bị ai lợi dụng? Thế lực thù địch hay chính quyền?

Hiến pháp qui định công dân có quyền biểu tình. Biểu tình thì phải hô khẩu hiệu, giăng biểu ngữ. Thế nhưng việc này lại bị coi là gây rối. Vậy luật biểu tình khi ra đời sẽ có nội dung thế nào?

Phải chăng, Luật biểu tình sẽ qui định người biểu tình đi từng tốp 4 người trở xuống, mỗi tốp cách nhau 10 mét, chỉ được nói chuyện, không được hô khẩu hiệu, không được giăng biểu ngữ để không trái nghị định 38 của ... Chính phủ.

Thế thì làm sao gọi là biểu tình mà phải gọi là những đám người thần kinh.

Vì vậy, hoặc là không được xuyên tạc nghị định 38 để ghép tội người biểu tình.

Hoặc là khi ra luật biểu tình, Quốc hội phải "đề nghị" Chính phủ sửa lại nghị định 38? (tôi dùng chữ "đề nghị" vì chính quyền Hà Nội đã dùng nghị định 38 của Chính phủ để điều chỉnh điều 69 của Hiến pháp).

Chỉ có hai cách ấy.

À quên, vẫn còn một cách nữa là bỏ quyền biểu tình trong điều 69 của Hiến pháp đi.


07/12/2012

NTT

1 nhận xét:

  1. Giáo sư Tương Lai: "Đảng nên đặt Tổ quốc lên trên hết"

    Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng hiểu điều này. Họ phải tìm cách gỡ thế bí vì lợi ích của dân tộc. Nếu đặt Tổ quốc lên trên hết, họ sẽ gỡ ra được. Nếu không, họ quay lại đối lập với dân, sợ dân biểu tình chống Trung Quốc lại quay ra chống mình.

    Bây giờ người ta sợ biểu tình chống Trung Quốc thì dễ đẩy tới như Mùa xuân Ả Rập. Nhưng tôi nghĩ thực ra tình hình Việt Nam khác. Trước mặt là bài học dân chủ hóa của Miến Điện. Chính quyền quân phiệt độc tài phải nhượng bộ vì biết rằng nếu không thay đổi, họ sẽ trở thành nô lệ của Trung Quốc. Họ thực sự muốn cứu đất nước nên đã đặt lợi ích dân tộc, quốc gia lên trên lợi ích phe nhóm.


    Nghe chi tiết cuộc phỏng vấn của giáo sư với đài BBC:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121206_tuonglai_phongvan_viet_trung.shtml

    Trả lờiXóa