Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Lưu Quang Vũ và Tôi

Nguyễn Ngọc Dương

Chắc quý vị có người sẽ hỏi: Ông là cái thá gì, liên quan gì đến Lưu Quang Vũ, một nhà thơ, nhà viết kịch tài năng mà “thấy người sang bắt quàng làm họ” vậy? Vâng, đúng như thế. Lưu Quang Vũ khi sinh thời chẳng hề biết đến cái thằng tôi, một kẻ sống ở tỉnh lẻ, không có tài cán gì, trong khi anh đã là một văn nghệ sĩ nổi tiếng cả nước. Và tôi cũng chưa từng gặp anh bao giờ... 

Nhưng vào khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi biết đến Lưu Quang Vũ là do xem vở kịch Nàng Sita của anh do một đoàn nghệ thuật biểu diễn ở thị xã Yên Bái. Đã trên 30 năm, tôi vẫn còn lờ mờ nhớ nội dung vở kịch. Tôi bị ám ảnh do sức hút của tác phẩm bởi anh đã “thổi hồn” vào câu chuyện thần thoại Ấn Độ, khiến tôi nhận ra tư duy triết học rất nhân bản của anh qua tác phẩm. Nàng Sita là một bi kịch về sai lầm do ích kỷ của con người. Khi chàng Hoàng tử Pơ liêm cùng Sita ở rừng về, do ghen mù quáng, và bị vua quỷ Ravana xúc xiểm nên dẫn đến sai lầm mà đẩy người vợ yêu quý và thủy chung của mình vào cái chết oan uổng, thương tâm... Và tôi nhớ nhất hai câu thoại trong vở kịch. Một câu do vua khỉ Hanuman (một đại diện nửa vật người nửa người) chỉ vào mặt Hoàng tử mà nói, đại ý: Hỡi con người, ta tưởng các ngươi là người ở nơi cung đình như thế này thì phải sống lương thiện, chứ độc ác như thế thì sao không vào chốn rừng xanh mà sống! Một câu nữa của chính vua quỷ, đại diện cho cái ác cũng chỉ vào mặt con người mà nói, đại ý: Các ngươi nên nhớ rằng, ta luôn luôn ở trong trái tim các ngươi. Ta bất tử như Thượng Đế! 

Qua những câu thoại ấy, tôi hiểu Lưu Quang Vũ rất trăn trở về những cái ác đang tồn tại trong xã hội đương thời. Nhưng anh cũng lại nhận ra trong chính con người bao giờ cũng tồn tại hai mặt: Người và Vật. Trong một trái tim nhân hậu cũng vẫn chứa đựng mầm mống của cái ác, của loài thú. Trong một con người dù độc ác đến mấy thì từ sâu thẳm của họ cũng vẫn còn chút chất người. Đó là sự cảnh báo đối với loài người, với mỗi cá thể. Và đó là bài học về phương pháp đánh giá và xử thế với con người: cần toàn diện, thấu đáo, không được tuyệt đối hóa, phải biết hướng con người vào cõi thiện... Đó là nhận thức triết học ở một con người có tầm nhìn để viết nên những tác phẩm để đời, những tác phẩm mang tính nhân loại, vượt thời gian, không gian chứ không là thứ văn nghệ minh họa, ăn xổi ở thì, chỉ có giá trị nhất thời...Đương nhiên có người bắt buộc phải làm ra những tác phẩm “bán” được để mưu sinh. Điều đó không đáng trách, bởi để tồn tại không còn cách nào khác phải ứng xử theo kiểu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Những “khuôn vàng thước ngọc” đôi khi làm thui chột tài năng. 

Năm 2004, nhân Hội nghị Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ở khách sạn La Thành, Đội Cấn, Hà Nội, tôi cũng như các đồng nghiệp được bác Trọng Khôi, chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu biếu 5 tập sách “Tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh” đợt đầu của 5 tác giả Tào Mạt, Học Phi, Đào Hồng Cẩm, Lộng Chương và Lưu Quang Vũ. Cuốn sách của Lưu Quang Vũ dày hơn 450 trang in 3 tác phẩm: Tôi và Chúng ta, Lời thề thứ chín và Hồn Trương Ba – da hàng thịt. Những vở kịch đó tôi đã từng xem. Vốn có cảm tình với Lưu Quang Vũ từ lâu, nên tôi mở trang gần cuối xem “Vài nét tiểu sử” của anh, chỉ vẻn vẹn vài trăm chữ in trên trang 440. Dòng đầu tiên ghi: “Sinh ngày 17 – 4 – 1948 tại xã Thiệu cơ, huyện Hạ Hòa...”, khiến tôi giật mình. Hóa ra Lưu Quang Vũ và tôi không những sinh cùng năm Mậu Tý, cùng cầm tinh con chuột mà còn chui ra nhìn thấy ánh sáng mặt trời cùng tháng, cùng ngày. Với một người mình quý mến, ngưỡng mộ mà cùng tuổi đã là điều lý thú, đằng này lại trùng hợp cả ngày sinh tháng đẻ... 

Nhưng nghĩ lại tôi mới thấy xấu hổ. Bởi cùng sinh ra một ngày mà sao người ta làm nên nhiều chuyện thế, trong khi mình thì như một người vô tích sự! Tôi lại tự động viên, chắc ăn nhau ở cái giờ sinh nữa. Mà có khi kể cả trùng giờ vẫn có người tài ba lỗi lạc, có kẻ vẫn vô tích sự như thường. Ấy là còn không biết bao nhiêu điều khác chi phối. Nào là hoàn cảnh sống, mối quan hệ, ảnh hưởng của những người thân như cha mẹ, anh chị em, dòng tộc... Nhưng rốt cục, cái quyết định làm nên trí tuệ và nhân cách của một con người phần lớn là do sự rèn luyện cá nhân. Không ai lười suy nghĩ, lười lao động mà có được những sản phẩm tinh thần có giá trị cho đời. Chẳng ai có nhân cách, có lòng nhân ái, vị tha, mà không biết rung cảm trước nỗi bất hạnh của con người. 

Chỉ tiếc Lưu Quang Vũ đoản mệnh, anh đột ngột ra đi bởi một tai nạn giao thông khi vừa tròn 40 xuân! Chẳng hiểu có phải là một điềm báo mà “năm 18 tuổi, chàng thanh niên Lưu Quang Vũ đã ghi những dòng nhật ký tràn đầy dự cảm lo âu về cuộc sống và cái chết: “Rất có thể một điều vô lý nào đó tới cắt đứt cuộc đời ta. Cái chết – ta không sợ nó nhưng nếu chết bây giờ thì uổng quá. Chưa làm được gì cả, ăn hại 17 năm thế rồi chết ư? Thần chết ơi, ta chẳng cần nhiều đâu. Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi có thể coi là đã làm được chút gì đó cho đời, ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt”. Và chính “tâm hồn anh dằn vật cuộc đời anh”, những dự cảm tưởng như mơ hồ ấy đã đeo đẳng anh suốt cả cuộc đời, như là một ám ảnh định mệnh”. (TS Lưu Khánh Thơ trong bài “Đóng góp của Lưu Quang Vũ đối với nền văn học kịch Việt nam”). Thế rồi, Lưu Quang Vũ đã có nhiều thơ, truyện ngắn hay. Đặc biệt chỉ trong thập kỷ 80, trước khi ra đi, Lưu Quang Vũ đã để lại một di sản lớn: trên 50 vở kịch, trong đó có nhiều vở xuất sắc. Người ta chỉ chọn 3 vở để trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng lớn nhất của Văn học nghệ thuật Việt Nam. Lúc đó, anh là tác giả trẻ nhất được trao giải thưởng này. TS Lưu Khánh Thơ đánh giá: “Lưu Quang Vũ là một nhà viết kịch tài năng. Điều này không chỉ được bộc lộ ở một số lượng tác phẩm lớn mà còn thể hiện ở chất lượng của sự phản ảnh. Cùng với một số tác giả khác như : Xuân Trình, Tất Đạt, Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang, Sỹ Hanh...,Lưu Quang Vũ đã góp phần đem đến cho sân khấu những năm 80 của thế kỷ XX một sức sống mới”.

05/12/2012

N.N.D

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét