Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Mấy điều sơ đẳng về lãnh đạo, quản lý hợp tác xã

Mạc Văn Trang


Đang mệt thì có cậu S đồng hương đến thăm. Đang cảm động thì hắn bảo: em đến nhờ bác giúp cho một việc đây. Chả là em được “trên” giao cho phụ trách đám HTX. Qua nắm tình hình thấy việc quản lý, lãnh đạo HTX rất tùy tiện, gia đình chủ nghĩa, kiểu này khó phát triển và tồn tại lâu bền được. Em quyết định mở lớp tập huấn cho đám chủ nhiệm, phó chủ nhiệm HTX mấy cái ABC về lãnh đạo, quản lý một tổ chức cho có khoa học đàng hoàng.… Em dự định làm ba chuyên đề: Chuyên đề I là “Cơ sở khoa học của lãnh đạo, quản lý một tổ chức”, chuyên đề II “Cơ sở pháp lý của quản lý HTX”, chuyên đề III “Kinh nghiệm thực tiễn”. Cái chuyên đề I, em muốn nhờ bác giúp cho, vì hồi xưa em có dự lớp tập huấn về quản lý, nghe bác nói về Tâm lý học lãnh đạo, quản lý gì đó thấy cũng hay hay…

Mình bảo: Cậu này thế mà được đấy. Lãnh đạo, quản lý một tổ chức dù nhỏ như một HTX cũng phải có học hành tử tế nó mới chuẩn. Còn thành công cỡ nào lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng mà tớ lạc hậu rồi. Bây giờ hội nhập quốc tế, tiến lên hiện đại, cậu phải mời mấy ông tiến sĩ, giáo sư ở các học viện quản lý về tập huấn mới kịp với xu thế chung của thời đại, chứ không thể nói mãi cái kiểu “luật lệ làng tôi nó thế”!…

S giãy nảy lên, HTX chúng em toàn loại “lông gà lông vịt”, kinh phí đâu mà dám mời các vị ấy, phải xe đưa xe đón phong bao khá nặng đấy. Em mời bác là vì… tình cảm đồng hương… Bác phải giúp em…

Mình bảo: Tớ chả ngại công sức hay tiền nong, chỉ sợ làm mất thì giờ của bà con mà vô bổ. Vì HTX có ăn lương nhà nước để họp nghe nói dông dài được đâu. Thì giờ của họ là tiền cả đấy. Nhưng sợ nhất là mình không hiểu người nghe cần gì, muốn gì, cứ lải nhải theo sách vở cổ lỗ, suy luận chủ quan lẩm cẩm, bà con cười cho, thậm chí chửi cho ấy chứ. Dân trí bây giờ gớm ra phết…

Hai thằng cứ nói qua nói lại, đùn đẩy một hồi, cuối cùng đi đến quyết định: mình cung cấp tài liệu cho S để hắn ta tóm lược “mấy điều sơ đẳng cốt yếu nhất”, làm chuyên đề I. Hắn bảo, em về nghiên cứu, chuẩn bị một tuần rồi sang trình bầy thử bác nghe, có gì tư vấn cho em nhá.

Mới được ba ngày S đã đến. Lần này không đi tay không mà vai đeo cặp, tay xách túi nilon đựng mấy quả cam, trông hắn cứ như học viên đến gặp thầy xin điểm. S tươi cười, có vẻ tâm đắc điều gì đó.

S bảo: Thế mà hóa hay bác ạ. Tự mình đọc sách, suy ngẫm cũng sáng ra khối điều. Bây giờ đứng trước bà con, cũng cảm thấy tự tin hơn…

Mình bảo: Thế là tốt. Cậu muốn lãnh đạo đám HTX ấy thì phải tạo ra uy tín. Uy tín tạo ra bằng hiểu biết, phẩm cách và kết quả thực tế, chứ không phải là quyền uy. Lãnh đạo bằng quyền uy, lấy quyền lực để điều hành thì sớm muộn cái tổ chức ấy cũng toi, hoặc là nó cho anh toi. Khi anh không còn uy tín mà cứ cố giữ lấy quyền lực, cứ chiềng cái mặt ra thì anh không chỉ mất uy tín, mà mất hết nhân cách. Thế nên những người có nhân cách lãnh đạo, khi thấy uy tín suy giảm, họ thường từ chức ngay, vừa để giữ nhân cách, vừa đỡ tổn hại đến uy tín của tổ chức… Bài học vỡ lòng đầu tiên đấy!

S bảo: Ối giờ, cái chức chủ nhiệm HTX quyền rơm vạ đá, có gì mà cấn cá. Khối anh có năng lực những nó không hám làm, em còn phải vận động nó đấy. Cái trò “trên” giao gì em cũng xung phong nhận tuốt, nhận mười việc làm hỏng chín mà vẫn hăng hái sẵn sàng không từ chối bất cứ nhiệm vụ gì, thì đó là loại khùng rồi. Với lại HTX bây giờ công khai, dân chủ lắm, không tù mù được đâu. Anh đã mất uy tín mà còn cố bám cái ghế cũng chả sống nổi với xã viên. Họ nói như vạc mặt ra ấy chứ.

Mình bảo: Thế là chuyên đề I ổn rồi chứ gì. Cậu vừa đỡ mời người, vừa tự mình giảng bài, oai hơn. Giảng hay lại tăng thêm uy tín…

S bảo: Chưa ổn đâu bác ơi. Còn lắm vấn đề vướng mắc phải trao đổi thêm. Trước hết tên chuyên đề mà bác bảo “Mấy điều sơ đẳng…” em thấy chưa ổn. Thời buổi này người ta đi học là phải đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, phải những là khoa học hiện đại, hội nhập quốc tế, thời cơ, nguy cơ, thách thức, đi tắt, đón đầu, nâng tầm cao mới... Đến sơ cấp, trung cấp người ta cũng chẳng thích học nữa là “sơ đẳng”! Thế mà tên chuyên đề là “Mấy điều sơ đẳng…” em thấy “yếu” quá. Ta phải nghĩ cái tên gì nó “hoành tráng” một tí cho hấp dẫn!

Mình hơi bực, bảo S: Thế cậu không nhớ, các cụ thường mắng “Chưa vỡ bụng cứt đã đòi bay bổng à”? Chưa biết tra từ điển đã thạc sĩ với tiến sĩ, chưa học làm người đã nhảy lên lãnh đạo, mà cứ nống mãi lên, không trách chết. Cậu muốn các HTX sống thật, làm thật, phát triển thật thì phải dạy các lãnh đạo HTX “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, chấp nhận sự thật để tìm cách làm từng bước cho chắc, làm việc gì phải cho đến nơi đến chốn. “Đổi mới” thành công từ đó. Nhưng thành quả sẽ tan rã, khi che giấu sự thật, làm liều, nói láo, sống bằng gian dối và bạo lực!

Hắn có vẻ xuống giọng: HTX “lông gà lông vịt” bọn em phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra được vài đồng; làm gì cũng phải rất thực tế, phải tính toán từng ly từng tí chứ đâu dám vung tiền xả láng như mấy ông doanh nghiệp nhà nước…

Mình bảo: HTX “lông gà lông vịt” hay một tổ chức to lớn, oai phong thì về bản chất lãnh đạo, quản lý cũng giống nhau cả thôi. “Cái chòi canh cá” hay lâu đài mấy chục tầng mà cốt lõi mọt ruỗng thì cũng đều sụp đổ. Có điều tòa lâu đài đổ xuống thì kinh hoàng hơn, ầm vang hơn… Nhưng mà thôi, không nói chuyện rông dài. Cậu cứ trình bày thật gọn, rõ một buổi, còn một buổi cho bà con thảo luận thoải mái, nêu thắc mắc, tranh luận, giải đáp… Học ít, tranh luận nhiều nó mới vào. Mà người học thường thắc mắc toàn những điều cơ bản, cốt lõi cả đấy.

Hắn giẫy nẩy lên: Cho thảo luận thoải mái tại chỗ có mà chết! Bác chả nói, dân bây giờ gớm lắm đấy thôi. Họ mà truy vấn đến cùng là mình bí. Bí mà nói lăng nhăng là chết. Em đi học, họp nhiều rồi. Họ cứ thuyết trình rồi cho về thảo luận tổ, ghi thắc mắc gửi lên rồi sau đó tùy cơ mà giải đáp. Hoặc là về nghiên cứu cá nhân, ai thắc mắc ghi ra giấy gửi lên. Dân mình thường có thắc mắc phải “nổ” ngay, chứ “ghi ra giấy” là ngại bỏ mẹ, tặc lưỡi cho qua… Mẹo cả đấy bác ạ.

Mình hơi thất vọng, bảo: Thế thì học làm chó gì cho mất thì giờ. Phát mẹ nó tài liệu cho người ta là xong. Học mà không dám tranh luận, cứ đối phó nhau thì chỉ tổ mất thì giờ lại thêm bực mình…

S cười hề hề, đấy là em nói tình hình chung, chứ đối với dân HTX chúng em thì vẫn thoải mái, dân chủ … Nhưng mà thảo luận cũng có nhiều cái em thấy lấn cấn. Ví dụ mấy nguyên tắc, em thấy hay, nhưng vận dụng cái ý “không có hai pháp luật, hai kỷ luật trong tổ chức” em thấy chưa rõ lắm…

Mình bảo: Cái này liên hệ thực tế là rõ ngay. Ví dụ: có hai xã viên HTX bắt trộm con vịt làm bữa nhậu mà bị đưa ra tòa xét xử, tù ba năm; trong khi phó chủ nhiệm HTX bán trộm cả con trâu mà chỉ “nghiêm túc kiểm điểm”, “xử lý nội bộ”; hay cô thủ quỹ HTX thụt két một trăm triệu, thì vừa phải bán tài sản hoàn trả lại tiền, vừa phải đi tù; còn chủ nhiệm HTX làm thất thóat hàng tỉ đồng, nhưng chỉ “kiểm điểm nghiên túc”, “xin lỗi” và nhận trách nhiệm “chính trị” rồi tiếp tục giữ chức; vân vân… Anh nắm quyền trong tay, anh làm bậy, anh bưng bít thông tin, rồi anh tưởng giải thích kiểu gì chẳng được. Nhưng xã viên “đi guốc trong bụng anh” cả đấy, ai còn tin anh, còn tin vào tổ chức của anh nữa? Trong HTX, nói rộng ra các loại tổ chức và cả xã hội mà anh lãnh đạo kiểu thực thi “hai đạo đức”, “hai pháp luật” là loạn niềm tin, rồi loạn tâm lý xã hội, dẫn đến đủ thứ loạn! Mà trong tài liệu cũng viết đấy, khi niềm tin đã không còn thì diễn biến tâm lý xã hội ra sao. Điều đó cậu cũng phải nhấn mạnh cho mấy tay chủ nhiệm HTX thấm thía.

S có vẻ tâm đắc, bảo: Tưởng gì chứ ví dụ thế thì em có vô thiên lủng. Nhưng còn các phương pháp quản lý, em thấy bác nêu ra: phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế, phương pháp tâm lý xã hội, phương pháp giáo dục… mà bác coi “anh kinh tế” là số một, “anh giáo dục” có vẻ bị coi nhẹ…Em thấy liên hệ thực tế hơi bị vướng…

Mình bảo: Nếu thấy thực tế đang làm trái quy luật thì anh phải phân tích cho xã viên sáng tỏ, tin tưởng, đưa HTX đi đúng quy luật, chứ đừng dấn sâu mãi vào cái thực tế sai lầm do chính anh tạo ra… Cái “anh kinh tế số một” là cụ tổ sư Các Mác nói đấy chứ. Trong cạnh tranh thị trường, tổ chức nào năng suất thấp, hiệu quả kém là sớm muộn cũng tan. Cụ ấy còn phân tích: Trong mọi mối quan hệ, xét đến cùng, mối quan hệ kinh tế là quyết định nhất. Đằng sau các thứ ngôn từ sáo rỗng, hoa hòe hoa sói nọ kia, truy cho đến cùng đều bị quy định bởi lợi ích kinh tế. Bây giờ ông thử lấy ví dụ xem nào?

S cười tươi như anh học trò được thầy hỏi “trúng tủ”: Cái này có nhiều ví dụ “giật gân” lắm. Khối chuyện anh em ruột chỉ tranh nhau mấy mét đất mà đánh nhau, kiện nhau đấy. Rồi lừa bạn để cướp tài sản, giết người yêu lấy của… cũng là tiền xui khiến cả thôi. Cái gì cũng phải có tiền đi trước để “bôi trơn”!.. Muốn làm công chức Hà Nội phải một trăm triệu, báo gì vừa đăng…

Mình bảo: Cậu kể cái đó có mà cả ngày, làm buồn lòng người nghe. Vấn đề ở đây là phân tích các mối quan hệ trong tổ chức. Trong tổ chức có các quan hệ xã hội rất phức tạp: họ hàng, bạn bè, đồng chí, ân huệ, tình nghĩa … thường nể nang cất nhắc nhau, bênh che nhau… Vấn đề là, nếu những quan hệ đó làm anh lú lẫn, quên cả lợi ích của của tổ chức thì hỏng rồi. Đối với chủ nhiệm HTX bao giờ cũng phải đặt lợi ích của tổ chức trên hết. Còn khi người lãnh đạo đặt lợi ích của các nhóm “hẩu” với mình, anh em, họ hàng, đồng bọn của mình cao hơn lợi ích của tổ chức thì tất yếu gây chia rẽ, đấu đá, tan rã trong tổ chức. Mà đằng sau các quan hệ đó đều là sức nặng, nhẹ của tiền cả đấy.

S gật gù…, cái này vận dụng được. Nhưng về “phương pháp giáo dục”, em thấy bác coi nhẹ quá. Nêu gương, thuyết phục, phê bình … trong tổ chức là tất quan trọng…

Mình bảo: Thì quan trọng nó mới thành một trong những điều sơ đẳng, cốt yếu của lãnh đạo một tổ chức. Nhưng tuyệt đối hóa nó, coi giáo dục là “vạn năng” thì thật ngây thơ, hoặc giả vờ cao đạo. Bây giờ anh chủ nhiệm HTX để tình hình rối bời: kẻ thụt két của HTX, kẻ bán tài sản của HTX, kẻ lợi dụng dang nghĩa HTX đi vay nợ đầm đìa về tiêu xài vô tội vạ, kẻ cậy quyền thế hung hăng trấn lột xã viên lương thiện… Tình hình như thế lẽ ra anh phải dùng biện pháp hành chính để xử lý thật nghiêm, trường hợp nặng phải đưa qua bên hình sự xét xử; phải thu hồi lại những tài sản thất thoát; phải dùng biện pháp kinh tế để điều chỉnh lợi ích các nhóm trong tổ chức, phải kiên quyết lập lại kỷ cương của HTX… Đưa tất cả những lỗi lầm đó ra công khai, minh bạch trước đại hội xã viên để bà con mổ xẻ, phê phán và lựa chọn lại những người thực sự có tâm, có tài vào các vị trí lãnh đạo, quản lý để củng cố lại HTX… Đáng lẽ là thế. Nhưng anh chủ nhiệm chẳng biết làm gì, cứ kêu gọi xã viên hãy “bình tĩnh”, hãy “học tập, noi gương”…, mọi người hãy “phê, tự phê, tự ngẫm, tự nhìn lại mình”…; hãy “tiết chế lòng tham”, “nâng cao đạo đức”, “chuyển ác thành thiện”… hãy giữ “đoàn kết”, tránh để “kẻ xấu bên ngoài gây chia rẽ, đe dọa sự tồn vong của HTX ta”, “Phê và tự phê phải thật sự nghiêm khắc nhưng trên tình thương yêu đồng chí, tránh gây chia rẽ, thù oán”, “HTX ta phải quán triệt tính nhân văn XHCN”… Cứ lải nhải thế, xã viên nghe ngứa tai, lộn ruột, ai chịu được!

S có vẻ tâm đắc, bảo: thế là chủ nhiệm nhu nhược, thiếu bản lĩnh, vô hình trung lại đứng về phía bọn bất lương… Kỷ luật những cán bộ thoái hóa phá hoại HTX lại sợ “mất đoàn kết, gây bè phái, thù oán”, sợ “kẻ xấu lợi dụng, gây chia rẽ nội bộ”… thì HTX coi như tan mẹ nó chứ còn gì! Thế ngày xưa Cụ Hồ tử hình tay đại tá gì tham nhũng là không “nhân văn” sao? Để cứu HTX thì phải cho loại chủ nhiệm đó về vườn ngay!

Mình bảo: Phương pháp giáo dục hay tâm lý xã hội, xây dựng văn hóa của tổ chức rất quan trọng, nhưng tất cả những cái đó phải góp phần làm cho tổ chức dân chủ hơn, bình đẳng hơn, công khai minh bạch hơn, phân phối lợi ích công bằng hơn, pháp luật nghiêm minh hơn, đời sống xã viên ngày một tốt hơn, HTX có đường hướng phát triển rõ ràng, triển vọng… Chứ giáo dục suông, trong khi mọi thứ phản giáo dục cứ phơi bầy trần truồng ra trước mắt, thì đúng là trò cười, là tấn trò bi hài kịch.

S có vẻ suy tư, bảo: còn vấn đề phẩm chất, năng lực phong cách người lãnh đạo tổ chức…

Mình bảo: Thôi, cậu đưa bài soạn tớ xem, rồi mai trao đổi tiếp. Hôm nay tớ mệt quá. Mà nói chuyện tiêu cực mãi chán lắm. Phải nói mặt tích cực, ý nghĩa, giá trị, lợi ích của những điều sơ đẳng, cốt yếu trong lãnh đạo, quản lý một tổ chức để chủ nhiệm HTX hiểu, tin tưởng và vận dụng được. Đến lớp học không phải để kể chuyện tiêu cực… Học mà không đem lại những quan niệm mới, hiểu biết mới, niềm hứng khởi mới, cách làm mới thì học làm gì!

S cười hề hề, không ngờ chuyện lãnh đạo mấy cái HTX “lông gà lông vịt” bọn em mà cũng lắm vấn đề ra phết. Không trách chuyện quốc gia đại sự…

12/12/2012

MVT

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét