Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Hoàng Sa – Tường trình 35 năm sau: Kỳ 1+2



Nhân kỷ niệm 39 năm ngày mất Hoàng Sa vào tay Trung Cộng, chúng tôi xin giới thiệu lại loạt bài "Hoàng Sa - Tường trình 35 năm sau". Tác giả là Bùi Thanh, khi ấy là phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ. Ông bị mất chức trong vụ "khủng hoảng báo chí hậu PMU-18".
Nhân kỷ niệm 39 năm ngày mất Hoàng Sa vào tay Trung Cộng, chúng tôi xin giới thiệu lại loạt bài "Hoàng Sa - Tường trình 35 năm sau". Tác giả là Bùi Thanh, khi ấy là phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ. Ông bị mất chức trong vụ "khủng hoảng báo chí hậu PMU-18".

"Hoàng Sa - Tường trình 35 năm sau" là khúc ca bi tráng của các chiến sĩ quân lực Việt Nam cộng hòa, khoét sâu vào tâm khảm mỗi người Việt Nam chân chính.

Hồi ức này báo Tuổi trẻ đăng năm 2009. Theo Dân Luận thì khi bài viết được báo Tuổi Trẻ biên soạn lại, nhiều đoạn của bản gốc đã bị cắt bỏ. Chính vì lẽ đó, chúng tôi lấy theo Dân Luận, tức là lấy theo blog Bùi Thanh.

Cũng theo Dân luận, Tuổi Trẻ mới đăng được 2 kỳ thì cáo lỗi với bạn đọc. Tuy nhiên, hiện nay ta có thể đọc được cả 3 kỳ của Tuổi trẻ ở:

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau - Kỳ 1: Hoàng Sa trong ký ức một đảo trưởng

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau - Kỳ 2: Biển động

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau - Kỳ 3: 30 phút và 35 năm

Xin phép tác giả, xin phép trang Dân Luận được đăng lại loạt bài viết này.


Vừa qua báo Tuổi Trẻ đã cho đăng 2 kỳ của loạt bài "Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau". Đến kỳ 3, Tuổi Trẻ đã xin cáo lỗi bạn đọc, vì không thể tiếp tục đăng tiếp kỳ sau.

Thực chất, nhan đề chính thức của loạt bài trên là "Hoàng Sa - Tường trình 34 năm sau" của tác giả Bùi Thanh (nguyên Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ, ông bị cách chức và bị rút thẻ nhà báo trong Vụ án báo chí 2008), được viết thành 4 kỳ, đăng trên blog cá nhân vào tháng 1/2008.

Tuổi Trẻ tuy đăng được 2 kỳ, nhưng thật ra họ chỉ mới đưa được hết kỳ 1 của bài Hồi ký. Kỳ 1 đăng trên báo Tuổi Trẻ do chính thức Tuổi Trẻ thực hiện, bài đó giới thiệu sơ lược về ông Nguyễn Văn Đức, tác giả của cuốn Hồi ký được ông Bùi Thanh khai thác và công bố tư liệu trên blog (*) với sự đồng ý của các nhân chứng Hòang Sa 1974 (**).

Khi bài viết được báo Tuổi Trẻ biên soạn lại, nhiều đoạn của bản gốc đã bị cắt bỏ. Trước đây, Radio Chân Trời Mới đã từng đọc và cho phát thanh 3 kỳ của loạt bài này. (Kỳ 4 đang được BH thu âm)

(*) Theo đoạn kết của kỳ 4
(**) Theo đoạn kết của kỳ 4

Trưa hôm nay, 19-1-2008, tôi có cuộc trò chuyện qua điện thọai với một người đàn ông lớn tuổi - người có mặt trong cuộc hải chiến Hòang Sa đúng 34 năm trước. Đó là Lữ Công Bảy, quân nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-04. Sau ngày giải phóng, ông Bảy vẫn ở lại VN, phục vụ trong lực lượng Hải quân quân đội nhân dân VN. Hiện ông đang làm bảo vệ cho một cơ quan báo chí ở TPHCM.

Được phép của ông, tôi đưa lên blog những hồi ức 34 năm truớc, những sự việc được ông ghi lại trong một quyển vở học trò. Tôi, Bùi Thanh, đã rơi nước mắt khi đọc những dòng chữ của ông. Ông nói: "Tôi sợ các bạn trẻ quên nó, vì không biết và không nhớ gì về nó".
***


Bùi Thanh


(Hồi ức của nhân chứng Lữ Công Bảy trên chiến hạm HQ 4)


<=Nhân chứng Lữ Công Bảy. Ảnh Tuổi trẻ

Khi tôi ghi lại những dòng hồi ký này thì sự việc đã xảy ra 34 năm (19.1.1974 - 19.1.2008). Đã 34 năm trôi qua, những gì mà tận mắt tôi đã chứng kiến, những gì mà tôi đã trực tiếp tham gia trong trận hải chiến với hải quân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974 vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi.

Hôm nay tôi ghi lại hồi ký này để tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VN đã hi sinh vì nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, bảo vệ phần đất mà tổ tiên ta đã khai phá và giữ gìn .

Lúc bấy giờ tôi chỉ là thượng sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4 (chiến hạm tối tân nhất của hải quân Sài Gòn thời bấy giờ) với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối hành quân. Với chức danh đó lúc nào (trong nhiệm sở tác chiến hay hải hành) tôi phải có mặt thường xuyên trên đài chỉ huy (ĐCH), thường xuyên bên hạm trưởng Vũ Hữu San (Hải quân trung tá), hải quân đại úy Diên trưởng khối hành quân HQ, trung úy Ria trưởng ngành Hàng hải cùng một số đồng nghiệp ngành giám lộ.

Nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ghi lại nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải, xác định vị trí của chiến hạm và đồng thời nhận và chuyển những tài liệu bằng đèn và cờ.

… Hôm ấy, gió mùa đông Bắc thổi mạnh trên biển Đông. Biển động mạnh. Chiến hạm chúng tôi đang tuần tiễu vùng biển Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến Cù lao Ré (đảo Lý Sơn). Đây đã là ngày thứ 14 lênh đênh trên biển. Chỉ còn một ngày nữa chiến hạm sẽ được về Đà Nẵng nghĩ bến, anh em thủy thủ đoàn rộn ràng nghĩ đến ngày được vào đất liền gặp lại bạn bè đang trông chờ ngóng đợi.

Chưa kịp dùng cơm trưa thì từ Trung tâm truyền tin đưa lên Đài chỉ huy một công điện thượng khẩn lệnh cho tàu về ngay Đà Nẵng. 17 giờ tàu về đến Quân cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa). Vừa cặp vào cầu tàu thì được lệnh tháo dây ra ngoài neo. Hạm trưởng San và đại úy Diên được lệnh lên họp khẩn cấp ở Trung tâm hành quân Bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải (BTL/HQ/VIZH). Rồi từ BTL/VIZH hạm trưởng điện về tàu lệnh cho ban ẩm thực lên bờ đi chợ (tiếp tế lương thực, thực phẩm).

20 giờ hạm trưởng San về tàu. Lệnh cấm trại 100% được ban ra không ai được rời tàu. Ban cơ khí chuẩn bị bắt ống để nhận dầu và nước ngọt, đến 21 giờ hai GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược. Lần đầu tiên trước mắt tôi được chứng kiến một toán quân lạ lùng. Sau một hồi dọ hỏi tôi mới biết đây là “lực lượng biệt hải”

Tôi được lệnh từ đại úy Diên chuẩn bị hải đồ đi Hoàng Sa. 23 giờ tàu rời cảng Tiên Sa trực chỉ Hoàng Sa.

* Ngày N+1

11h30 ngày 16-1 khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 đã có mặt tại quần đảo Hoàng Sa, trước đó ngày 15-1 Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 do HQ trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đã có mặt tại Hoàng Sa.

HQ4 tiến gần đảo Dunican . Còi tác chiến vang lên, tất cả thủy đoàn đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. 14 giờ, trung đội biệt hải được lệnh rời tàu trên ba xuồng cao su, 20 phút sau trung đội biệt hải đã đổ bộ lên rìa đảo an toàn, và nhận lệnh tiến sâu vào đảo lục soát.

Báo cáo từ toàn quân gởi về không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, đầu mộ không có bia ,chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ tàu, với ngày sinh và ngày chết rất lâu đời hàng mấy chục năm về trước. Các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ giả lên, chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo mà ai đó đã dựng lên để chứng tỏ có người TQ đã sống và chết trên đảo mà thôi.16g30 lực lượng biệt hải được lệnh rút về tàu.

Đến buổi chiều, phòng chiến báo theo dõi qua hệ thống radar tầm sa đã phát hiện hai mục tiêu trên biển đang di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa. Từ nóc đài chỉ huy, các bộ phận quan sát bằng ống dòm đã nhìn thấy hai tàu chiến lạ. Trung tâm chiến báo được lệnh theo dõi và báo cáo thường xuyên mọi hoạt động, hướng đi, khoảng cách của hai tàu trên.

Đêm 16 rạng 17-1 bình yên

* Ngày N+2

Sáng 17-1, chiến hạm HQ 4 của chúng tôi tiến về đảo Kim Tiền (Money). Lúc 8 giờ, trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi lục soát, chỉ phát hiện những nấm một mới đắp không hài cốt y như ở đảo Duncan.

Đến 11 giờ đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ Trung Quốc xâm nhập và tiến gần đến đảo Hoàng Sa, HQ 4 và HQ 16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi tiến đến gần tàu đánh cá vũ trang của TQ, HQ 4 dùng tín hiệu cảnh báo và đuổi đi, nhưng cả hai tàu đánh cá cố tình khiêu chiến.

HQ 4 tiến đến gần 1 tàu đánh cá TQ trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm. Tàu được trang bị 2 thượng liên (1 đằng trước mũi và 1 đằng sau lái tài) ngoài ra có rất nhiều AK 47. Tàu HQ4 của chúng tôi quyết định áp sát mạn tàu đánh cá TQ để xua đuổi.

Hai bên đánh nhau bằng... võ mồm. Thấy không tác dụng, HQ 4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng vào phòng lái tàu đánh cá, mũi HQ 4 và neo mũi vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu TQ. Trước thái độ cương quyết của hải quân VN, địch vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ 16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá vũ trang còn lại.

Đêm 17 rạng 18-1 một đêm cực kỳ căng thẳng. Còi nhiệm sở tác chiến báo động suốt đêm. Chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang TQ tăng cường và cố tình khiêu khích, tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. HQ 4 và HQ 16 dùng tín hiệu cảnh cáo, tàu chiến TQ dùng tín hiệu đèn đáp trả . Nội dung bằng tiến Anh được chúng tôi ghi lại và dịch ra như sau:

- Chiến hạm HQ 4: Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các anh hãy rời khỏi đây ngay !

- Tàu chiến TQ: Từ ngàn xưa mọi người đều biết đây là lãnh hải của Cộng hòa ND Trung Hoa. Yêu cầu các người rời khỏi đây ngay.

- HQ 4: từ 1802 Vua Gia Long đã xác nhận chủ quyền quần đảo là của Việt Nam. Yêu cầu các anh phải rời khỏi nơi đây ngay.

Phía TQ vẫn đáp trả như câu trước.


Bùi Thanh


(Hồi ức của nhân chứng Lữ Công Bảy trên chiến hạm HQ 4)


Hộ tống hạm Nhật Tảo

Ngày N+3:

Sáng 18-1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5, do hải quân trung tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng, ra Hòang Sa. Cùng đi trên HQ 5 có đại tá Hà Văn Ngạc chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Ngòai ra, đi theo tàu có một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của hải quân).

Chiều 18-1 lúc 15g30 lệnh đại tá Ngạc cho ba chiến hạm sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng.

Khỏang 16g, có 4 tàu TQ bắt đầu khiêu khích, cắt đường ngang mũi HQ 4 và HQ 16. Đội hình bị chia cắt không thể tiến lên được vì các tàu rất gần nhau, các khẩu đại bác sẵn sàng nhả đạn nhưng không ai được lệnh nổ súng. Không tiến lên được 3 tàu chiến VN được lệnh quay về ngoài đảo Hoàng Sa.

Đêm 18 rạng ngày 19-1 tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang TQ vẫn tiếp tục khiêu khích , tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Tín hiệu bằng đèn vẫn tiếp tục chuyển và nhận qua lại. Những tín hiệu vẫn lập luận như đêm hôm trước, tình hình căng thẳng và kéo dài. Chiến hạm HQ 4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu TQ. Khi tàu TQ rút lui về hướng Bắc tình hình dịu hơn.

Đêm ấy, bầu trời Hoàng Sa không ánh trăng sao, trời tối đen như mực (nhằm 28 tháng chạp). Tất cả ba tàu chiến VN đều được lệnh trong tư thế Zebra (không để lọt ánh sáng ra ngoài).

Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, do hải quân thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng, đã ra đến đảo tăng cường cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa.

2 giờ sáng ngày 19-1, HQ 4 và HQ 5 được lệnh quay về Đà Nẵng để đánh lạc hướng theo dõi của radar tàu địch. Cách Hoàng Sa 25 hải lý thì ngoặc về phía Nam, vòng ra ngoài và hướng về phía Nam đảo Draymond (Duy Mộng). Trong khi đó khoảng 5 giờ sáng HQ 16 và HQ 10 được lệnh hướng về đảo Duy Mộng từ mặt tây Bắc để thu hút tàu TQ.

Ngày N+4:

Vào lúc 6g sáng, tàu HQ 4 đã tiến sát đảo Duy Mộng và trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ khẩn cấp lên đảo. Không một tàu chiến nào của TQ phát hiện được HQ 4 và HQ 5.

Khi gần đến đảo, bằng ống dòm và mắt thường từ ĐCH chúng tôi đã phát hiện doanh trại và cột cờ có cờ TQ (trước đây hơn 1 tháng HQ 4 trong một chuyến khảo sát quần đảo Hoàng Sa đã không phát hiện gì ngoài chai lọ trôi tấp lên bãi cát). Hai mươi phút sau lực lượng biệt hải đã đổ bộ lên đảo (mặt Đông Nam). Lực lượng đổ bộ cắm cờ VN lên bờ cát và hóc đá, rồi khẩn cấp tiến vào bên trong đảo.

Trong khi đó, lực lượng người nhái vẫn còn ngoài xa chưa vào được vì HQ 5 không thể vào sát bờ, vì gió mùa Đông Bắc thổi khá mạnh, các xuồng cao su bị sóng gió giật không vào bờ được . HQ 5 phải thả tàu cứu hộ xuống để kéo các xuồng cao su vào bờ. Lúc đó đã gần 8 giờ, nhưng từ rìa đảo muốn vào bên trong phải lội qua một đầm nước, có nơi nước lên tới tận ngực. Các chiến sĩ người nhái đang cố gắng lội qua nhưng rất chậm chạp. Từ ĐCH bộ phận quan sát chúng tôi đã phát hiện một tàu địch đã đổ bộ 1 đội quân đông đảo lên phía bắc đảo, hàng trăm quân TQ đang vào đảo rất nhanh vì xuôi gió.

Thế rồi báo cáo bất lợi dồn dập gởi về ĐCH tàu HQ 4. Nhóm biệt hải đang đối mặt với lực lượng địch cả 2 phía. Một số đông quân TQ núp sau các tảng đá chĩa thẳng mũi súng vào đội hình biệt hải. Nếu nổ súng thì cả trung đội biệt hải sẽ bị tiêu diệt vì ta đang ở ngoài trời còn địch thì núp trong các phiến đá .

Sau một hồi cân nhắc, lực lượng BH và lực lượng người nhái được lệnh rút về tàu. Khi đội biệt hải đã rút về HQ 4 an toàn thì lực lượng người nhái vẫn còn lội bì bõm trong đầm nước cạn, vũ khí phải đưa lên khỏi đầu. Trên mặt biển đã thấy HQ 16 và HQ 10 đang tiến về rìa Tây Nam đảo theo sau là bốn tàu chiến TQ đang tiến vào đội hình của ta.

Phía Bắc đảo tàu TQ cũng đang cho đổ người ồ ạt lên đảo. 18g30 một loạt đạn thượng liên và cối 82 bắn vào đội hình người nhái VN, làm 1 sĩ quan tử thương và 3 bị thương. Tình hình hết sức căng thẳng, nhưng chỉ huy mặt trận không thể ra lệnh nổ súng vì lực lượng người nhái đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Chúng tôi hết sức đau lòng khi chứng kiến tình cảnh lực lượng người nhái lúc đó. Dù được lệnh rút nhanh ra rìa đảo, nhưng họ không thể bỏ lại các đồng đội, nên một số binh sĩ quay lại tìm xác đồng đội kéo lên và dìu ra rìa đảo. Đến 9g45 lực lượng người nhái mới ra được tàu HQ 4.

Lúc đó sát bên HQ 4 là hai tàu chiến TQ mang số liệu 274 và 278 sơn màu xám đen trang bị đại bác 100 ly và nhiều đại bác 37 ly. Các khẩu súng đang chĩa thẳng vào HQ 4.

Các tín hiệu bằng đèn hiệu được liên tục chuyển đến HQ 4. Chúng tôi nhận những tín hiệu từ tàu TQ và trình cho hạm trưởng San. Hạm trưởng đưa sang trung úy Huệ dịch .

Nghe xong nội dung, Hạm trưởng Vũ Hữu San tức thì đỏ mặt, quát tháo ầm ĩ , rồi đầy căm giận, ông đưa nắm đấm sang hướng tàu địch (rất gần).

Quay sang chúng tôi, ông ra lệnh không nhận tín hiệu từ tàu TQ nữa và thốt câu “ĐM, bọn bố láo!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét