Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Trung Quốc đã là một siêu cường chưa?


Huỳnh Văn Úc

Ngày 31/12/2012 Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) đăng tải một bài viết có tựa đề: “ Nhãn hiệu siêu cường đang bị nghi ngờ-Superpower tag in doubt”. Bài viết công bố kết quả một cuộc điều tra dư luận tại Trung Quốc với câu hỏi: “ Trung Quốc đã là một siêu cường chưa?”. Người ta đem câu này hỏi 1488 người ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán và Trùng Khánh với mục đích tìm hiểu xem người Trung Quốc nhìn thế giới và vị thế nước họ ra sao trên trường quốc tế. Kết quả (xem ảnh bên) có 54,8% người trả lời ‘không hẳn như thế’ (not entirely); 34,1% trả lời dứt khoát là ‘không’ và chỉ có 12,4% tin rằng nước họ là siêu cường.Bài viết đi đến kết luận rằng nay người Trung Quốc có cái nhìn khách quan và thực tiễn hơn về nước họ. Những người phủ định rằng Trung Quốc là siêu cường nói rằng “nạn tham nhũng làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế”. Khi đề cập đến mức độ trầm trọng của nạn tham nhũng ông Zhang Weiying, cựu Giám đốc của Trường Quản lý Guanghua tại Đại học Bắc Kinh nhận định rằng tham nhũng đang cố thủ sâu trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và: “ nạn tham nhũng sẽ giết chết chế độ chứ không giết chết Trung Quốc”.

Hoàn Cầu Thời Báo- tờ báo được Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý đã viết như trên về một cuộc điều tra dư luận. Báo chí nước ngoài đánh giá tình hình Trung Quốc ra sao? Báo Anh, tờ The Guardian hôm 1/1/2013 có bài của Isabel Hilton viết rằng chỉ trong năm 2012 vừa qua tại Trung Quốc đã xảy ra 180.000 vụ phản đối và biểu tình trong cả nước đặt các nhà lãnh đạo Bắc Kinh trước thách thức rất lớn. Sự bùng nổ của các trang mạng xã hội buộc ban lãnh đạo phải chật vật đối phó với sức ép của dư luận. Ở các đô thị giá bất động sản rơi mạnh, ‘quỹ đen’ của các chính quyền địa phương ngày càng phình to cũng là những vấn đề gay cấn. Báo Mỹ, tờ International Herald Tribune trong ngày đầu năm đã xếp các vấn đề tài chính của khu vực đồng euro xuống sau các vấn đề ‘trồi sụt’ của kinh tế Trung Quốc.

Phải chăng để tránh những vấn đề khó khăn trong nội bộ nhà cầm quyền Trung Quốc đã định hướng dư luận hướng đến những tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông? Mà cũng có thể không đơn thuần là định hướng dư luận. Việc ông Tập Cận Bình được chọn giữ ngay cả hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy trung ương và thành phần Quân ủy cũng có những thay đổi mạnh mẽ, đang có lo ngại rằng Trung Quốc sẽ có những biện pháp mạnh tay và cứng rắn hơn trong các vấn đề đối ngoại, đặc biệt trong lĩnh vực chủ quyền trên biển.

HVU

Tác giả gửi cho NTT blog

1 nhận xét: