Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Hai lá đơn liên quan đến vụ bắt người trái luật ngày 7/3/2012

Ngay sau khi xảy ra vụ bắt người trái luật ngày 7/3/2012, chúng tôi đã gửi đi 2 lá đơn nhưng đến nay ngành công an vẫn không thèm trả lời

Việc công an, chính quyền không thèm trả lời đơn thư của dân ở chế độ này đã trở thành "xưa như trái đất", chẳng làm cho ai ngạc nhiên. Nó chỉ là 2 trong hàng vạn lá đơn oan khốc trên khắp đất nước Việt Nam rơi vào im lặng

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội ngày 10 tháng 3 năm 2012


ĐƠN PHẢN ÁNH



Kính gửi: - ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG, BỘ TRƯỞNG CÔNG AN

- ÔNG NGUYỄN ĐỨC NHANH GIÁM ĐỐC CA HÀ NỘI

- CỤ LÊ HIỀN ĐỨC, NGƯỜI ĐƯỢC TỔ CHỨC MINH BẠCH

QUỐC TẾ TRAO GIẢI THƯỞNG LIÊM CHÍNH

Thưa cụ;

Thưa hai ông;

Tôi là Phạm Thị Lân, sinh năm 1962

Địa chỉ: số nhà 11 cụm Quỳnh Lân xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tôi viết đơn này phản ánh với cụ và hai ông một chuyện sau đây:

Vào hồi 14 giờ 45, chồng tôi là Nguyễn Tường Thụy bị Công an Thanh Trì bắt, khi ấy tôi không rõ vì lý do gì. Khi bắt chồng tôi, họ không cho tôi đến gần hỏi han dặn dò và nhìn chồng tôi trước khi đưa đi. Về việc chồng tôi bị bắt, chồng tôi sẽ có ý kiến riêng của anh ấy.

Vì tôi hiểu chồng tôi không làm điều gì nên tội mà bị bắt, cộng thêm thái độ và hành vi của những người bắt anh ấy đi, tôi không rõ có thực là công an hay không, nhỡ ra là bọn lưu manh côn đồ nào đó thì sao nên tôi vô cùng hốt hoảng. Ngay sau đó, tôi ra Công an huyện Thanh Trì để hỏi rõ thực hư.

Khi đến cổng cơ quan Công an Thanh Trì, hai cậu trực ban nhất định không cho vào. Tôi trình bày thì các cậu ấy bảo tôi chẳng thấy bắt ai vào đây cả, vậy người bắt chồng chị tên là gì. Nghe thấy thế, tôi càng lo, tôi nghĩ đúng là chồng tôi bị côn đồ bắt thật rồi. Tôi bảo tôi làm sao mà biết được tên chỉ biết là họ bắt chồng tôi đi thôi. Các cậu ấy nhất định đuổi tôi ra. Tôi phản đối. Một cậu nói với tôi là chị đến cửa quan mà thái độ như vậy thì sẽ bất lợi cho chị và hại cho chồng chị. Họ vừa bảo không có ai bị bắt vào đây, giờ lại nói như thế. Tôi hỏi tại sao các anh lại bảo đây là cửa quan. Đây là cơ quan công an nhân dân cơ mà. Tôi làm gì mà bất lợi với có hại ở đây?

Tôi suy nghĩ mãi về câu cậu công an nói đây là cửa quan, và thái độ của tôi có hại cho chồng tôi.

Điều tôi vô cùng ngạc nhiên là một công an nhân dân lại cho rằng cơ quan công an là cửa quan. Còn thái độ của tôi hay dở thế nào thì tôi chịu trách nhiệm chứ sao lại liên quan đến chồng tôi.

Tôi không hiểu các ông đào tạo, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ công an như thế nào hoặc là sự tiếp thu sự giáo dục của chiến sĩ ấy thế nào mà lại nói như vậy.

Thưa các ông;

Chỉ một câu nói nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực ra, nó xuất phát từ nhận thức rất lệch lạc.Tôi nghĩ rằng, không chỉ một chiến sĩ công an nói trên mà có thể còn nhiều chiến sĩ khác cũng có nhận thức như thế.

Lòng tin của nhân dân đối với lực lượng công an ngày càng suy giảm, điều này hẳn các ông đã biết. Hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân cũng nói lên hình ánh của chế độ. Vì vậy, tôi viết đơn này phản ánh với các ông để các ông biết mà có biện pháp giáo dục chiến sĩ của các ông. Nếu lá đơn của tôi được các ông lưu tâm, có việc làm tích cực nhằm chấn chỉnh những hành vi sai trái cũng như nhận thức, quan điểm lệch lạc của mỗi chiến sĩ công an thì tôi lấy làm mừng lắm.

Kính chúc cụ Lê Hiền Đức và hai ông sức khỏe, làm được nhiều việc tốt cho đất nước, cho dân tộc.

Kính đơn

Phạm Thị Lân.

.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

=================

Hà Nội ngày 07 tháng 04 năm 2012


ĐƠN TỐ CÁO

(Về việc CA Thanh Trì bắt người trái pháp luật, xâm phạm quyền tự do cá nhân)



Kính gửi: ÔNG GIÁM ĐỐC CÔNG AN TP HÀ NỘI

Tôi là Nguyễn Tường Thụy;

Cựu chiến binh Việt nam, đã nghỉ hưu;

Chứng minh nhân dân số: 012424536 do CA Hà Nội cấp ngày 30/3/2001;

Địa chỉ: số nhà 11 cụm Quỳnh Lân, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội;

ĐT: (04) 36884297 / 0983485952.

Tôi viết đơn này tố cáo việc bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm quyền tự do cá nhân của Công an Thanh Trì như sau:

Vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 07/03/2012, khi tôi đang nghỉ trưa thì một tốp người đến nhà tôi hỏi tôi. Tôi xuống thì thấy 3 người đang ngồi ở phòng khách và khoảng 1-2 người ở ngoài đường. Trong đó có 1 người mặc sắc phục công an. Người mặc sắc phục công an chìa ra một mảnh giấy bảo là tôi có giấy triệu tập và yêu cầu tôi đi ngay.

Tôi yêu cầu được đi toa lét và làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo nhưng chúng không cho. Lập tức chúng áp giải tôi ra xe, đứa thì túm lôi đi, đứa thì đẩy rồi nhét tôi lên xe, đưa về trụ sở Công an Thanh Trì. Thái độ của chúng rất hung hãn.

Người ký giấy triệu tập là ông Nguyễn Anh Minh, Phó chỉ huy trưởng Công an Thanh Trì. Trong giấy triệu tập ghi tôi phải gặp ông Nguyễn Văn Sửa để làm việc. Nhưng người làm việc chính với tôi theo người ấy cho biết là Nguyễn Quang Thắng ở đội an ninh huyện. Cùng làm việc có 2 người cho biết tên là Tuấn và Tấn.

Trong khi làm việc, chúng giật điện thoại từ tay tôi để khám xét và lập biên bản những thông tin cá nhân lưu trữ trong điện thoại của tôi.

Không ai nói tôi phạm tội gì, chỉ hỏi một số thông tin liên quan đến buổi họp mặt chào mừng ngày phụ nữ quốc tế tối hôm đó. Họ cho biết việc giữ tôi là để không cho tôi đến buổi họp mặt này.

Tới 22 giờ thì họ thả tôi về. Tôi không được giữ bất cứ biên bản nào trong tay, kể cả giấy triệu tập. Việc cưỡng bức tôi lên xe làm áo tôi bị rách và khuỷu tay phải bị xây xát.

Tôi thấy, hành vi của Công an Thanh Trì không phải là triệu tập mà là bắt và giữ người trái phép và xâm phạm quyền tự do cá nhân.

Trong Bộ luật hình sự, điều 123 qui định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người thi hành công vụ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 125 qui định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác 

1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. 

Bộ luạt dân sự, điều 37 xác nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Với ý thức bảo vệ pháp luật và cho rằng quyền con người được pháp luật ghi nhận phải được bảo vệ, tôi viết đơn tố cáo này gửi ông và yêu cầu ông khởi tố vụ án hình sự theo điều 123 và 125 của Bộ luật hình sự.

Trân trọng

Người làm đơn

Nguyễn Tường Thụy

(đã ký)

1 nhận xét:

  1. Gloomy 17219798/3/13 7:58 CH

    Anh Thuỵ ơi , bên ABS bị đánh sập rồi . Anh có biết cách nào vào được không bày cho mọi người biết với .

    Trả lờiXóa