Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

ĐỐI THOẠI CÙNG NHÀ THƠ VÂN THUYẾT

Ngay sau khi đăng bài CẢM XÚC HAY TRÍ TUỆ – SUY TƯ TÔI TỰ HỎI!? của nhà thơ Vân Thuyết chừng 1 giờ, blog Nguyễn Tường Thụy nhận được bài viết sau đây của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức. 

ĐỐI THOẠI CÙNG NHÀ THƠ VÂN THUYẾT

Nguyễn Hoàng Đức


Chân thành cảm ơn họa sĩ, nhà thơ Vân Thuyết vừa có bài đáp lại bài “Sáng tạo bằng thiên bẩm – tức bản năng là nô tài của thân xác” đăng trên Nguyễn Tường Thụy.

Vân Thuyết viết bài “Cảm xúc trí tuệ, suy tư tôi tự hỏi”. Một bài rất nhiệt huyết công phu và chứa nhiều học thuật xác đáng.

Họa sĩ, điêu khắc gia Vân Thuyết không chỉ là một họa sĩ đơn thuần, năm vừa qua (2012) anh bất ngờ cho ra mắt cuốn thơ hơn năm mươi bài đã viết lúc anh tuổi đôi mươi. Tập thơ của anh có chủ đề khá kỳ vĩ “Tiệc trần gian”, ý tưởng thơ, cảm xúc thơ, ngôn ngữ thơ khiến người ta giật mình vì thấy, anh hơn hẳn rất nhiều nhà thơ đứng trong cửa hàng mậu dịch, và thơ anh dù làm “tay trái” vẫn chuyên nghiệp hơn rất nhiều nhà thơ vần vèo bẻ chữ. Mấy dòng giới thiệu này muốn nói, anh là người rất xứng đáng để tôi đối thoại về vấn đề thơ.

Nói chung tôi đồng ý nhiều với các ý kiến suy xét công phu kỹ lưỡng của anh. Tôi chỉ xin đối thoại vài điểm chính.

- Vân Thuyết bỏ nhiều công chứng minh: thơ ngang bằng với văn xuôi trong giá trị. Thơ có khi còn khó gấp sáu lần văn xuôi, bằng chứng trong các giải Nobel giành cho thơ ít gấp sáu lần giành cho văn xuôi.

Tôi cho rằng đây là cách nghĩ rất dễ rơi vào huyễn hoặc ảo tưởng, đặc biệt trong nền thơ nhược thiểu cảm xúc lè tè, ý tưởng vụn vặt của Việt Nam, nếu không suy xét sẽ rơi vào chứng “thổi kèn khen lấy”. Chúng ta cần khẳng định một cách chắc chắn rằng: không có tác phẩm vĩ đại nào trên thế giới là những bài thơ lẻ cả.

Bằng chứng: Các tác phẩm kinh điển Iliad và Odyssey, Chí Tôn Ca là những tác phẩm trường ca, vừa là kịch, vừa là thơ, vừa là tiểu thuyết. Sau nữa là các trường ca “Thần khúc” của Dante, hay Faust của Goethe, hoặc Don Juan của Byron… đều là những trường ca có nhân vật và cốt truyện. Với Goethe, theo nhiều nghiên cứu người ta còn cho rằng tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Wethers” còn khiến ông nổi tiếng trước và nhiều hơn cả trường ca Faust.

Triết gia Hegel cho rằng: dân tộc Trung Quốc không lớn vì không có sử thi (nghĩa là một trường ca như Chí tôn Ca của Ấn Độ). Điều này đã khiến giới văn hóa Trung Quốc bỏ rất nhiều công sức trong mấy chục năm mà vẫn công cốc. Người Trung Quốc nổi tiếng về nước thơ với thơ Đường, nhưng chính học giả lớn của họ tên là Chou Ping đã gom nhặt tất cả các câu hay vảo trong một tuyển chọn chưa đủ kín dăm trang A4, và đặt cho nó một cái tên “Những mảnh vụn lấp lánh của thơ Tầu”. Trời ơi, thơ mà chỉ là những mảnh vụn, thì có gì để nói! Nói chung quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài câu “nhất chi mai”, “ngẩng đầu nhìn trăng sáng”. Còn có cả những câu rất xoàng xĩnh lại bắt chước nhau nhiều lần như “thôi ta đi ngủ để còn mơ”. Ở đời thức tỉnh còn chẳng ăn ai, lại đòi đi ngủ để ăn may giấc mộng thánh thần. Đối với nhiều người phương Tây, thơ Đường cũng chỉ đáng một vài cái liếc mắt. Nhưng người ta rất phục cuốn tiểu thuyết Tây Du Ký, coi như hơn hẳn các loại thơ của Trung Hoa cộng lại. Ngay trong tiểu thuyết đó đã vung vẩy rất nhiều thơ.

Việt Nam thì sao? Trong ngàn vạn các mẩu thơ, hiếm hoi lắm mới có vài áng văn xuôi như “Hịch Tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, hay tiểu thuyết vừa “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Thì Chí. Còn lại là vô thiên ủng những cảm xúc nhỏ lẻ đòi hát bài ca trong nửa phút. Chúng ta chớ nên biện hộ, bé nhưng hay hoặc “quí hồ tinh bất quí hồ đa”. Ở Việt Nam đã có cả triệu ca khúc ra đời, nhưng đã có mấy giao hưởng trụ được? Nhạc sĩ thiên tài Chopin còn ngại ngần khiêm tốn chưa viết giao hưởng vì cho rằng mình không đủ sức, ông mới chỉ viết các bản sonat cho piano. Vậy thì mấy anh nhà thơ nửa mùa của chúng ta đã học hành hòa âm phối khí gì để đòi sáng tác giao hưởng? Mấy năm gần đây họ cũng ào ạt tấn tới viết trường ca, cả nghìn cái, nhưng không có nổi một nhân vật. Chúng ta hãy nhìn những người thợ xây, để lấp một lỗ hổng, người ta không thể cứ trát vữa vào, vì càng đổ vữa vào, vữa lỏng lẻo sẽ trôi tuột đi, mà người ta phải nhét mẩu gạch cứng vào sau mới trát, chỉ mẩu gạch cứng đó mới định vị nổi cho vữa lỏng. Trường ca của Việt Nam là vậy, người ta muốn xây một lâu đài toàn bằng vữa, rút cục nó chảy rài ra như cháo loãng, nhờn nhợt, nhạt đến rùng mình.

Ngày nay đã ngót cả trăm năm, người Trung quốc không làm thơ nữa. Tại sao? Vì người ta cho rằng: thơ không xứng đáng là lao động nghệ thuật. Ở Việt Nam thì sao? Lấy một hình ảnh, đường tầu thống nhất từ Bắc vô Nam, nhà thơ nhiều như thanh tà vẹt, nhà văn ít hơn ga tầu, nhà phê bình ít như những thành phố lớn. Cả nước hiện nay không có đến chục người viết phê bình văn học, đủ thấy lý trí của người Việt nhỏ bé yếu ớt cỡ nào?!

Vân Thuyết khuyên tôi chớ hăng quá mà không được trở thành nhà triết học mà phải trở thành học giả? Mới đây tôi có gặp một học giả, anh ta nói, phải hiểu dấn thân theo một nghĩa khác, rằng anh ta không quan tâm những việc trước mắt mà quan tâm đến dự án lâu dài, anh ta dấn thân vĩ mô chứ không sự vụ.

Tôi cho rằng, đó là cách biện hộ. Đạo Phật có câu “cứu một người còn hơn xây tháp bẩy tầng”. Nhìn thấy người ngã xuống ao, ta lại mặc kệ, tự bảo rằng, tôi không dấn thân sự vụ. Như thế là thấy chết không cứu. Xã hội đang nhiễu nhương xuống cấp, nhà thơ đang ngã vào trong túi đường bao cấp nhưng lại muốn vươn vai thành thi bá thi hào, ít nhất chúng ta phải thổi bay những hạt đường bám vào người họ…

Triết gia, nhà văn Sartre có nói: văn học của thời đại ta là đường phố, là tờ nhật báo, là các cuộc chiến đấu diễn ra mỗi ngày, là đời sống của những người cùng khổ đang rên rỉ… chúng ta phải dấn thân, phải xuống tầu vì những điều đó. Trên thực tế, các giải Nobel văn học luôn ưu tiên giành cho những tác phẩm, những tác giả mang tính dấn thân vào cuộc chiến nóng bỏng của cuộc đời. Cái chân thực đó cũng chính là cái CHÂN được xác định như nguồn gốc của mọi giá trị ở đời như Chân – Thiện – Mỹ.

Ở đời, cái gối êm ái lắm nhưng nó chỉ giúp chúng ta lúc đi ngủ, còn con dao của bà nội trợ dưới bếp đang khiến chúng ta nghĩ đến một bữa ăn ngon. Con dao lúc đó không đóng vai trò của bạo lực mà đóng vai trò là dấu hiệu của văn minh, giống như người ta đã phân hạng nền văn minh dựa trên độ cứng của phương tiện. Trong tay tôi chẳng có gì nhiều, nó chỉ là miếng cật tre muốn cạo đi lớp đường còn dính trên người mấy nhà thơ nhũn nhẽo, õng ẹo, lới lơ, lả lướt, ngê nga, ảo tưởng khoe khéo khoe khôn, những con người xuất hiện với công trình của dăm mười phút, hay cùng lắm là cơn trằn trọc chưa đủ kiên nhẫn để thấy ánh ban mai đang nhú khỏi lũy tre làng. Nhưng mà tôi chưa kịp đụng vào, lớp đường không có cốt của họ đã rơi rụng mất rồi. Nó rụng như những giải thưởng không còn tăm hơi, và những nhà thơ chỉ còn cái tên duy nhất là con dấu của người ta.

Một nền văn học hùng mạnh đích thực phải có tác phẩm lớn, bạn chớ có lảng tránh nó bằng cách nghĩ khác đi. Cám ơn!


NHĐ 09/05/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

1 nhận xét:

  1. Hà Định Vân10/5/13 7:54 SA

    Hay quá ! Tôi đã đọc bài "Sáng tạo ...." sau đó lại đọc bài "Cảm xúc hay trí tuệ..." của ông vân Thuyết. bài của ông Vân Thuyết khiến tôi có rất nhiều phân vân vì cách lý giải vấn đề mà ông Nguyễn Hoàng Đức nêu ra. bài của ông Đức là những nhát roi quất vào cái thực tế thơ và cái sự "tư duy thơ" suốt mấy chục năm qua ở ta và có lẽ sẽ còn lâu lắm cái "tư duy" khốn khổ đó. Nhưng tôi không đủ trình độ để viết bài trao đổi lại với ông Vân Thuyết. Nay đọc bài này của ông NHĐ tôi thấy thật chí lý và rất "tâm phục khẩu phục".

    Trả lờiXóa