Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

CẢM XÚC THIÊN BẨM LÀ CON Ở CỦA SÁNG TẠO

Nguyễn Hoàng Đức


“Không thầy đố mày làm nên”, đó là phương ngôn rất súc tích thể hiện chủ kiến của người Việt, rằng: không học thì đừng mong làm được gì.

Người Tàu có câu: “Lúc nhỏ không học lúc lớn chẳng biết làm gì, vì thế lúc nhỏ lo cho lúc lớn mà học”. Họ còn xác định chắc chắn: bản năng dù xuất sắc thế nào cũng khôn bằng một phần nghìn học tập và rèn luyện qua phương ngôn: “Làm thầy một ngày làm cha một đời”. Câu này có nghĩa, ai là thầy ta dù chỉ một ngày buộc ta phải tôn trọng như tôn trọng người cha cả đời. Tại sao?Bởi vì làm cha tức là bản năng đấy, đó chỉ là người tán tỉnh, rủ rê, thập chí hiếp dâm một người đàn bà mà sinh ra ta. Đó là kết quả của cơ quan sinh dục, bản năng một trăm phần trăm. Con chó, con dê, con lợn, con bò chúng đi tơ rồi cũng đẻ giống cha mẹ ta, tất cả là luật sinh vật sinh tồn tuyệt đối. Nhưng làm thầy thì sao, dù người ta chỉ làm thầy ta có nửa chữ hay một ngày, nhưng đó là sản phẩm truyền thụ của bộ não, đưa vào não ta tình trạng nhận thức để sống cao hơn bản năng xác thịt mà ta đang có. Độ cao của tinh thần dù chỉ một ngày cũng cao hơn thể xác chỉ biết thụ tinh và rụng trứng. Đây là luận điểm cuối cùng đơn giản mãnh liệt nhất xóa tan hy vọng ẩn nấp của những kẻ hãm tài, ít học, muốn đem bản năng ra để xí xộ “chỉ ai có bản năng thiên bẩm mới có thể sáng tạo”. Than ôi, cái làm cha một đời không bằng làm thầy một ngày thì bàn làm gì?! Trong thực tế, không có người nào không học nhạc, dù thiên bẩm siêu phàm đến đâu có thể sáng tác giao hưởng. Bởi giao hưởng không giống ca khúc chỉ có dăm ba câu, mà nó đòi hỏi các bè, phối âm phối khí, giai điệu hòa thanh hết sức tinh tế và phức tạp. Thử xem, các phi công tổ hợp tầu vũ trụ, có thể điều khiển hay sửa chữa cả con tầu phức tạp nhất trong trạng thái lơ lửng giữa không trung, nếu không được học thì sao làm được? Có phi công nào không học mà thiên bẩm leo lên tầu vũ trụ không?

Thực ra chúng ta chỉ đang bàn một việc rất hiển nhiên, bởi vì não trạng của người Việt, đặc biệt giới văn nghệ sĩ còn quá thấp, nên chúng ta đành phải bàn về việc còn chưa ngã ngũ căn bản này. Quốc gia nào cũng xác định: Giáo dục là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu để xây dựng quốc gia hùng cường. Giáo dục nghĩa là gì? Nghĩa chính của nó là học tập, đào luyện, tập thành.

Đối với các triết gia Hy Lạp, thì người không có lý trí là hạng vứt bỏ ngay không cần phải bàn. Chẳng hạn, một chiếc xe dù hiện đại, nhưng không có bánh lái, rồi phanh để điều khiển theo ý muốn thì ai dám lái để gây tai nạn, mà người ta sẽ vứt bỏ nó ngay. Một con tầu, một phi cơ, hay một tầu vũ trụ cũng vậy. Một con ngựa tốc độ siêu phàm nhưng nếu không thuần hóa được không ai dám cưỡi. Một người thiếu lý trí, sẽ không có khả năng kiểm soát bản thân, bạ đâu ăn đó, bạ đâu tiêu hóa đó làm mất vệ sinh xã hội, rồi khi cơn sinh lý nổi lên liền hiếp dâm, lúc đói liền trộm cướp. Lý trí yếu đã hàm chứa một tên tội phạm. Vì thế người ta phải học để trở thành người có khả năng kiểm soát lý trí. Một chiếc diều bay lên trời được phải nhờ sợi dây, sợi dây đó chính là lý trí. Vì thế các triết gia như Socrate, Platon đều cho rằng: con người càng có nhiều lý trí kiểm soát bản thân thì càng vĩ đại, bởi vì lý trí đó giống hệ điều hành đã nâng con người lên những cầu thang tiến bộ nhiều nhất. Trái lại người sống theo cảm xúc tức là người còn ở mức bản năng gần với con vật, cuộc sống không thể nào tốt đẹp. Socrate nói: nếu không có khả năng kiểm soát của lý trí, con người không thể nào hạnh phúc. Và ai có lý trí tức có hệ điều khiển người đó bao giờ cũng là ông chủ điều khiển người khác. Còn ai sống theo cảm xúc thì luôn luôn là vai thuộc hạ, kẻ dưới, con ở, cần phải có người có lý trí cao hơn dẫn dắt đi. Người Việt nói “Một người lo bằng một kho người làm”.

Vì thế mà sáng tạo bằng lý trí cũng luôn luôn là sáng tạo của ông chủ. Còn sáng tạo bằng cảm xúc luôn là sáng tạo của con ở. Tại sao Việt Nam thiếu những tác phẩm vạm vỡ để đời? Trong quá khứ chỉ có thơ mà không có văn xuôi? Được vài tác phẩm thơ dài hơi như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thì lại phải “chế” từ truyện hạng hai của Tàu.

Cảm xúc là gì? Cảm xúc là thứ thể hiện trên ngũ giác được chăng hay chớ, lúc thế này, lúc thế khác, hôm nay yêu mai lại ghét. Triết gia Hegel cho rằng: chỉ có mắt và tai có nghệ thuật. Còn mũi không có nghệ thuật, vì mũi ngửi mùi, mà thức ăn dù thơm đến mấy, lúc sau đã thiu thối thì không thể còn tồn tại cái hay, hoặc mỹ học được. Theo đó thì, văn thơ nếu lấy cảm xúc, tức giác quan dễ thay đổi làm chủ đạo, thì nó cũng chẳng đáng được gọi là mỹ học hay nghệ thuật. Điều đó cũng lý giải tại sao, đa số các tác phẩm văn thơ của chúng ta không trụ lại nổi với thời gian, có một số nhà thơ nổi tiếng nhưng lại chỉ là nhà thơ của một bài ngắn tũn.

Vì là văn học cảm xúc, nên văn học Việt chủ yếu là “văn học bụng”, hay hoặc dở chẳng có tiêu chí nào của lý trí, mà chủ yếu cả tác giả lẫn bạn đọc chỉ thẩm định bằng “tôi thích”, “tôi không thích”. Một khi đã là cảm xúc thì thụt xuống mức nô tài. Một khi là nô tài thì người ta yếu ớt. Khi yếu ớt thì người ta thích tụ bạ thành nhóm để cầu cứu và a dua lẫn nhau. Vì thế mà cứ chen chân vào hội, tranh ghế rồi đua nhau ẵm giải. Sự kiện thơ thiền HQT kia, đi chép cả trăm bài thơ bốn câu rồi ào ào được hội thảo cũng là bằng chứng tụ bạ của cảm xúc.

Muốn có tác phẩm lớn, tức là phải có công trình lớn. Muốn thế công trình đó phải được lắp đặt từ những chi tiết nhỏ, như chiếc ô tô chẳng hạn nó được lắp ráp từ hàng chục nghìn linh kiện, còn ngôi nhà thì phải được lắp từ cột, kèo, với những đòn tay. Một tác phẩm văn học, không thể hình thành khi không lắp các nhân vật, các tình tiết với nhau. Nhưng vì chỉ có trình độ bản năng tùy tiện ngẫu hứng ở mức cảm xúc mà cả nghìn nhà thơ Việt Nam làm trường ca không có nhân vật, không có tình tiết, còn các nhà văn thì vừa leo từ truyện ngắn lên tiểu thuyết đã cạn vốn ngay ngưỡng cửa hàng bách hóa văn ba xu. Tại sao? Câu trả lờn rõ ràng là: vì người ta không có lý trí để mà kiến thiết khung giàn.

Cụ thể hơn, chúng ta hãy xét thẳng vào những sự kiện sờ sờ trước mắt. Đồ chơi cho trẻ con chẳng hạn, búp bê vung tay được thì ít tiền, vừa đi, vừa khóc, vừa hát được thì giá trị trị cao hơn. Tập trường ca Chân Đất của Thanh Thảo là tài năng cảm xúc hàng đầu của tem phiếu mậu dịch, vậy mà chỉ có hành động “Bác năm Trì gãi háng”, tại sao bác không đi đánh bắt xa bờ, không dằn vặt yêu thương, không làm từ thiện, không sám hối, nhìn thấy thành tựu cao cấp của loài người như Vạn Lý trường thành bác lại cà lơ xóm “ta đếch cần”, thử hỏi trình độ nhân vật đó ở mức nào?

Thơ như thế mà cũng được giải nhất, lại có một đám đệ tử hãm tài xúm xít tung hô “thơ có cứt”, như vậy có phải tung cứt lên đầu làm vương miện không? Qua việc này chúng ta thấy gì? Rõ ràng ban giám khảo là: vừa nhát, vừa dốt, vừa tham… Nhát vì thấy Thanh Thảo mới văng “đếch” vào thơ đã sợ giang hồ chơi trò vạch “mâm”. Dốt vì thơ chỉ có nhân vật gãi háng cùng các bảo bối cứt và đếch cũng chấm thành mỹ học đỉnh cao. Tham vì “muốn ăn gắp bỏ cho người” chờ lại quả.

Khi Phạm Đương với việc đạo văn ở mức trắng trợn “ăn cắp tên chứng minh thư”, bị phát hiện nhưng Ban giám khảo vẫn trắng trợn trao giải, đó là vô liêm sỉ. Ở đời vô liêm sỉ tự nhiên thì chẳng nói làm gì, đằng này biết mà vẫn cố tình vô liêm sỉ, thì chỉ có ở văn thơ bụng – cảm xúc tùy tiện bất cần ở quầy mậu dịch xứ ta.

Qua tìm hiểu gần gũi văn học Việt Nam, đặc biệt chung sống cùng văn học tem phiếu mậu dịch, nay tôi thấy rất rõ: trình độ nhà văn, nhà thơ của chúng ta thấp quá. Nhà văn còn có lao động, đặc biệt các nhà thơ chỉ biết nhí nhảnh du hý thì thấp quá chừng. Theo triết học, người yếu lý trí, chưa nói đến tài giỏi, mà trưởng thành cũng khó. Nhà thơ của chúng ta còn trẻ con quá, ít học, không chịu rèn luyện về nhân cách và văn hóa, mới có hành động gãi háng cho nhân vật đã tưởng bở mình làm được cái chi đội đá vá trời. Thế đâu đã hết, việc đó còn được ban giám khảo tôn vinh, lại còn ra lệnh mở sân văn nghệ cho đám chầu rìa lên hát chúc mừng đại ca có công đem phân tươi vào nghịch với thơ chẳng khác gì Trạng Lợn đem châu chấu đội cứt đựng hộp quí vào cung vua chơi khăm cho bọn quan lại biết tay. Ở đây không biết ai là châu chấu, ai là cứt và ai phải ngửi cơ chứ?

Tất cả tình trạng nền văn thơ đó chỉ có một câu trả lời nguyên lý cho chúng ta: đó là văn học bụng cảm xúc chỉ ở dạng con ở nên nó mới có tầm cao lè tè như vậy.

NHĐ 10/09/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét