Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Phương Uyên, Phương Uyên


Tôi nhận được bức thư gửi vào email như sau:


"Chào anh Thụy,

Tôi là giáo viên, ở Nha Trang, mới lập blog vài tuần nay. có bài về con gái nuôi của anh.

Đây là ghi chép thật, không phải là truyện ngắn. nhờ anh chuyển đến cháu Uyên.


Anh có thể đưa lên blog của mình.

Trân trọng".


Tôi đọc xong, thấy buồn quá, nhưng còn được an ủi khi nghĩ đến tấm lòng của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tác giả Nguyễn Hoa Lư.

Phương Uyên, Phương Uyên

Nguyễn Hoa Lư


1. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể trên blog của mình, lần đó vô Đồng Hới, ông tình cờ gặp lại một người chiến hữu thân thiết thuở hàn vi. Người bạn cũ đó bây giờ là Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp. Trong lúc hàn huyên, nhà thơ cậy tướng Oánh:

-Anh muốn nhờ chú một việc.

-Anh Tạo cứ nói.

-Chú hãy dùng ảnh hưởng của mình, xem xét và ưu ái cho hai người tù. Một người là Cù Huy Hà Vũ.

-Vì sao lại là hắn?

-Vũ là con trai nhà thơ Cù Huy Cận. Với anh, ông cụ là bậc đàn anh đáng kính, với nước cụ là một công thần.

-Còn người kia?

-Nguyễn Phương Uyên.

-Vì sao?

-Con bé có gương mặt tinh khiết quá, nụ cười thánh thiện quá.

Tướng Oánh thoáng chau mày, nói:

-Anh Tạo yên tâm, em sẽ làm theo pháp luật.

.

Hai ngày sau, Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực phản đối lối hành xử theo luật rừng của một số cán bộ trại giam. Mấy tháng sau, Phương Uyên được trả tự do tại tòa. Không thể hiểu nổi lối cư xử của những vị quyền thế với đồng đội của mình. Ở đây, tôi muốn nói một chuyện khác.

Tôi vô cùng ấn tượng với sự giải thích ngắn gọn, trực giác, nhân văn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những lí do mà hơn 150 nhân sĩ trí thức khi đặt bút kí vào đơn gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang xin tha bổng cho Phương Uyên. Hai người kí đầu tiên trong danh sách là hai đại giáo sư toán học Hoàng Tụy và Ngô Bảo Châu.

Buổi tối ngay sau khi phiên tòa kết thúc, lần đầu tiên sau nhiều tháng theo dõi, cộng đồng mạng mới nghe được giọng nói của em, chỉ mấy câu ngắn trả lời phỏng vấn ngay trên đường từ Long An về Sài Gòn. Nhiều người đã khóc. Không phải là những giọt nước mắt thương cảm hay vui mừng hay giận dữ… Họ khóc vì quá bất ngờ trước tinh thần quả cảm, ý chí kiên định và một trí tuệ sắc sảo của cô gái trẻ sau nhiều tháng bị giam trong ngục tối.

2. Vài hôm sau, một sáng lên lớp cho sinh viên năm thứ hai ở một trường cao đẳng, trong lúc giải lao, tôi tranh thủ mấy phút thực hiện cuộc thăm dò về mối quan tâm của sinh viên với các vấn đề xã hội. Tôi nói:

-Tên của ba nhân vật sẽ được tôi viết lên bảng. Câu hỏi ở đây là: ai biết nhân vật này?

Nhân vật đầu tiên được viết lên bảng: Huyền Chíp.

Khoảng một phần ba số sinh viên dơ tay. Một sinh viên đứng lên nói:

-Đó là một cô gái không chọn con đường vào đại học mà trãi nghiệm cuộc sống bằng cách đi du lịch bụi nhiều nước trên thế giới. Chip vừa viết xong cuốn sách dày nhan đề: “Xách ba lô lên và đi”.

Tôi khen, viết lên bảng nhân vật thứ hai: Bà Tưng. Không ai dơ tay nhưng căn cứ vào thái độ của sinh viên, mặt đỏ nhừ cúi xuống bàn, bịt miệng khúc khích cười hay nháy mắt nhìn nhau, tôi biết rằng gần như toàn bộ sinh viên trong lớp đều biết Bà Tưng. Tôi nói nhanh:

-Bà Tưng là một sinh viên nổi tiếng trong cộng đồng mạng vì quay những clip phô diễn cơ thể mình và những phát ngôn gây sốc về sex, tình yêu và tiền bạc.

Cái tên thứ ba được viết lên bảng: Nguyễn Phương Uyên? Tôi lướt mắt qua nhiều dãy bàn. Lớp khoảng hơn trăm sinh viên, những gương mặt ngơ ngác, những thoáng bối rối. Tôi lên giọng: “Nào, chẳng lẽ không ai biết Phương Uyên”. Có vẻ không ai biết thật. Có vài tiếng xì xào ở cuối lớp, tôi chỉ vào một sinh viên, khích lệ: “Tôi nghĩ là em biết, hãy nói cho cả lớp nghe vài lời về Nguyễn Phương Uyên”. Chàng trai đứng lên ấp úng: “Em không rõ lắm, hình như đó là sinh viên của một trường đại học trong thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt khi đang rải truyền đơn chống phá nhà nước. Công an còn tìm thấy thuốc nổ trong nhà trọ của Uyên”. Tôi điếng người, thầm nghĩ: “Em nói như Đảng”.

3. Hết giờ, tôi mệt nhoài bước ra khỏi lớp thì nhận được điện thoại của Lương, một người bạn đã lâu không gặp. Anh là giảng viên trường đại học, từ Huế vào Nha Trang dự hội nghị toán học. Khi tôi đến, bất ngờ gặp thêm Hương, bạn gái cùng lớp, đang dạy cùng trường với Lương. Bao nhiêu chuyện, nói cười vui vẻ. Đang buồn, được gặp bạn cũ, ngồi uống bia thì còn gì hơn. Bia được “vài tuần”, anh Lương rót đầy ba ly bia:

-Nào, trăm phần trăm, mừng cuộc hội ngộ.

Tôi buộc miệng nói:

-Và mừng cho Phương Uyên nữa.

Anh bạn cũ tròn mắt nhìn tôi:

-Phương Uyên nào?

Cô bạn gái ré lên cười, nói với tôi:

-Anh Lương là vậy đó anh ạ. Mỗi người đẹp chỉ tồn tại trong đầu anh ấy một mùa trăng thôi.

Đang lơ mơ say, tôi chợt tỉnh như sáo, người run lẫy bẫy, lúc thì lạnh cóng lúc lại nóng bừng như đang lên cơn sốt rét.


NHL

4 nhận xét:

  1. Vậy anh Lương được gọi là ... TRÍ NGỦ phải không anh Thụy? Nói vui vậy thôi chứ sinh viên, giảng viên đại học mà lơ là với thời cuộc, vô cảm với vận mệnh đất nước như thế thì buồn thật, mà còn lo nữa chứ. Sao vậy?

    Trả lờiXóa
  2. cám ơn NHL !

    Trả lờiXóa
  3. Nghe cô giáo nầy kể chuyện , tôi chợt nhớ tới cô giáo dạy ở Quảng Nam , cô dạy các em xử dụng internet và cô bị đuổi , nay nghe cô về ngoài Bắc hái rau bắt ốc !

    Trả lờiXóa
  4. Nói như vị Thầy giáo này thì hẳn là Thầy cũng là người theo dõi thời cuộc nhưng Thầy cũng như con ốc sên vậy . Tại sao Thầy không giảng giải luôn cho học sinh hiểu mà lại chỉ tự choáng váng . Thầy cũng chưa phải người dũng cảm và có lẽ Thầy chính là người còn phải học Phương Uyên

    Trả lờiXóa