Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

VÕ NGUYÊN GIÁP QUA LĂNG KÍNH TỐNG PHỔ LỊCH SỬ

Nguyễn Hoàng Đức


“Dân tộc có thiên tài không quan trọng bằng cách chấp nhận thiên tài của dân tộc đó”. Đó là câu nói của triết gia Nietzsche. Tại sao? Vì thiên tài chỉ là cá nhân, còn cách chấp nhận là dân trí của một dân tộc. Có rất nhiều người viết rằng, ông Giáp là thiên tài ư, vậy sao nước Việt nghèo đói lạc hậu thế này? Chúng ta hãy chắc chắn một điều: không có một vĩ nhân dù lớn đến đâu có thể sống hộ - sống cho mọi người. Dân trí chẳng hạn, nó phải được dâng lên từ muôn vàn người dân chứ không phải từ một hai người học giỏi.Người ta đánh giá một dân tộc văn minh là dựa trên số liệu: có bao nhiêu người giỏi, thiên tài trên số đầu dân, chứ không phải lấy thiên tài nào đó ra để “một người cho tất cả” (one for all). Về tỉ lệ thiên tài, nước Việt là lèo tèo bậc nhất thế giới, với các loại thống kê từ giáo dục, khoa học đến nhân bản rõ ràng Việt Nam đang ở tốp cuối của thế giới. Nhưng than ôi, ngay cả thiên tài toán học như Ngô Bảo Châu được thế giới trao giải Fields kia còn bị không ít người Việt dìm rằng “khen anh ta để anh ta kiêu à?!” Con người giỏi là người ta biết dẫn dắt chính bản thân mình, nếu kiêu từ trong bếp làm sao lên nhà, kiêu từ nhà làm sao ra ngõ, kiêu từ tỉnh làm sao lên trung ương, kiêu từ cửa quan làm sao ra thế giới?

Cách đánh giá như vậy hiển nhiên là của người mang căn tính nô lệ, vì thấy mình ở dưới lúc nào cũng sợ sệt không dám chấp nhận người khác. Theo kiến thức toàn cầu thì: đỉnh cao chỉ xuất hiện ở nơi có mặt bằng nền móng. Nói đơn giản, một người chơi được bản nhạc khó là vì anh ta đã học rất nhiều các bài học phụ trợ, chứ không thể chơi thẳng vào bài duy nhất đó. Nền bóng đá Braxin mạnh vì nó dựa trên một dân tộc yêu bóng đá đến điên cuồng. Đội nhà thua vô số nhà đập ti vi, còn không ít kẻ nhảy lầu tự tử. Trong khi đó tại Việt Nam thì sao, lèo tèo mấy mống ra sân, lại chỉ lo đề đóm cá độ chứ đâu có yêu bóng đá. Lúc nào cũng ham mấy xu lẻ, chiều chiều đi đá bóng cũng tìm cách phát triển kỹ năng đá trúng xà ngang hay cột dọc để kiếm chác vài đồng, đó là cách yêu cá độ cò con của tâm lý nông nhàn tiểu nông, muốn kiếm tí lợi và cay cú để làm huyên náo cho đời sống buồn tẻ của mình.

Chuyện bóng đá, để cho mọi người dễ hiểu rằng: nếu không có nền móng dân trí chung của dân tộc thì tài năng bóng đá chúng ta còn không có nói gì đến các thiên tài khác. Nhưng Việt Nam hiện đại chí ít có ba thiên tài có tính chất chuyên môn: 1- Đặng Thái Sơn học tại Nga đã đoạt giải thi Chopin quốc tế. 2- Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields toán học quốc tế. 3- Sớm hơn cả là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh thắng Điện Biên Phủ và Khe Sanh cùng cuộc tấn công thần tốc vào Sài Gòn… được nhiều chuyên gia phương Tây đánh giá, và ngay cả Bộ trưởng quốc phòng
Mỹ Robert McNamara đến tận Hà Nội muốn gặp và học hỏi.

Tôi muốn bàn cụ thể vào việc Đại tướng VNG là một vị tướng lớn nhất Việt Nam thế kỷ 20. Như vậy tiêu chí rất rõ ràng và có giới hạn. Vậy mà có người còn bình “thằng chột làm vua xứ mù thì nói làm chi?” Trong câu này, vì trí tuệ của anh ta quá kém, anh ta đã buộc phải chấp nhận sự thật VNG là vua, cho dù đó là vua xứ mù. Và trong câu này, chính anh ta mới là thứ xúc phạm đến tình cảm dân tộc một cách chầy cối nhất, đó là xỉ vả dân tộc ta là “xứ mù”. Đây là đặc điểm lớn nhất của văn hóa tầm vóc nô tài. Tại sao? Những con người lớn trong vai ông chủ, họ luôn biết đề cao người khác, gọi nhau bằng quí ông, quí bà, trong khi đó đám lâu la thì mày tao chí tớ, việc gì không cần biết lớn nhỏ cũng xía vô nói năng không sở cứ đâm ba chầy củ… dạng này mãi mãi chỉ đáng ngồi đất chứ không thể thượng bàn ngồi nói những điều vĩ đại tao nhã của ông chủ. Dân tộc ta theo quán tính vẫn còn quá nhiều người thế này. Lại còn phổ biến hơn hỏi rằng: sao bác Giáp vĩ đại mà dân tộc còn nghèo đói khổ sở thế? Đấy cũng là tâm lý ỷ lại, đổ tội hết cho người khác. Chúng ta nên nhớ “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, luôn đổ tội và ỷ lại người khác cũng là tâm lý nô tài.

Giờ tôi xin bàn thẳng vào vấn đề. Con người và vạn vật đều có chức năng riêng. Cái gối rất êm, nhưng nó không thể bảo với con dao “sao mày ác thế lúc nào cũng băm chặt suốt ngày?” Con dao rất cần thiết cho bà nội trợ, nếu con dao để mốc cả nhà sẽ đói. Con dao để chặt, nó càng chặt nhiều càng bén, và càng tốt. Xưa nay có hai thứ quan chính: quan văn và quan võ. Quan văn là những người đèn sách chữ nghĩa. Quan võ là người luyện cung kiếm từ nhỏ để đánh trận. Quan văn kiếm vinh quang trên chữ nghĩa. Nhưng quan võ kiếm vinh quang trên trận tiền. Có một
câu thơ cổ rằng:

“Anh băng mình vào trận tiền đổi lấy những chiến công”

Quan võ chỉ vinh quang khi lâm nhiều trận hạ được nhiều kẻ thù. Thậm chí xưa kia người ta còn treo đầu đối phương lên cổ ngựa để về lĩnh thưởng. Ở đời cái gì cũng có cái hay và cái dở. Quan võ chịu hy sinh, nhưng vinh quang của máu đến nhanh hơn mồ hôi. Quan văn mài đũng quần cả đời chưa chắc đã có một bài thơ hay chưa nói đến một cuốn sách. Còn quan võ chỉ trong một trận đánh “nuôi quân ba năm dùng trong một giờ”, thì vinh quang nổi như sấm chớp. Trong Tam Quốc chẳng hạn, những trận đánh lớn mà tướng nào không được cử đi đánh trận thì họ thấy bị sỉ nhục. Có cả viên tướng kia, dẫn liền ba con ra trận, trận đó cả ba bị chết, nhưng mọi người đều thấy bình thường. Tại sao? Vì quan võ chỉ có ăn lộc ở trận tiền. Cả ba đứa con đều thích ra trận, để nếu có thắng chúng có vinh quang làm vốn cho cả đời trận mạc. Còn rủi thì chúng phải chịu thôi, vì đó là qui luật giành cho cả hai bên, cũng như tất cả các bên lâm trận. Một vị tướng vĩ đại khi ông tướng thắng trận, lúc đó ông như con dao đã pha thịt xương thành bữa tiệc, đừng có trách con dao sao mày băm chặt nhiều thế, cũng đừng trách vị tướng sao tiêu diệt nhiều thế, bởi đơn giản, là tướng võ thì chiến thắng đồng nghĩa với tiêu diệt. Còn muốn nhân đạo hòa bình ư? OK, tôi rất muốn dừng lại để về với vợ con, nhưng đó là việc của ngoại giao. Còn giao cho tôi đánh trận thì tôi phải thắng. Trong cuộc đời của Võ Nguyên Giáp, ông chưa bao giờ được ở tư thế có quyền quyết định lâm trận hay không?!

Chiến tranh hầu hết đó là định mệnh của lịch sử, định mệnh này chúng ta không thể nào hiểu thấu. Triết gia Hegel còn gọi đó là “ý niệm tuyệt đối”, và người được mệnh danh là người cha của lịch sử hiện đại đã nói “Lịch sử là nhà hát của Đấng Quan Phòng”. Một mình tướng Giáp chẳng là cái gì để có thể quyết định chiến tranh hay không. So với bãi cát dân tộc, Võ Nguyên Giáp dù có vĩ đại như đá tảng, thì đá tảng đó cũng không thể cứu rỗi cả bãi cát lầm than u mê nghèo túng dốt nát
được. Một dân tộc muốn văn minh hiện đại thì tất cả mọi người đều phải tự cường. Đừng trông cậy vào vĩ nhân nào cả. Cũng đừng đổ tội cho vĩ nhân nào hết. Vĩ nhân chỉ có ý nghĩa nhiều nhất khi tác động vào cách nghĩ cũng như dân trí của dân tộc mà thôi. Vậy hãy nhìn xem cách nghĩ của dân tộc ta thế nào? Dốc toàn thể trí tuệ được vài mẩu comment vớ vẩn chẳng có đầu có cuối. Thử phản biện đi, góp lại được mấy tiểu luận rồi???

Có những comments thế này: - Ông thiên tài ư, ông đánh vào Nam biết bao gia đình hy sinh tan nát, ông ác lắm!?

Có câu chuyện thật thế này. Ông trung niên đánh cờ ở đầu phố với mấy thanh niên. Ông thua, ông la “chúng mày ức hiếp tao, lấy thịt đè người”. Bọn thanh niên liền bảo “Ai ức hiếp ông, ai lấy thịt đè người? chẳng phải mới đầu quân hai bên ngang nhau, ông còn được đi trước”.

Ông kia nín bặt.

Võ Nguyên Giáp nếu có đem quân vào phía Nam, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa được hỏa lực của Mỹ giầu có và mạnh nhất thế giới yểm trợ. Về hỏa lực và khí tài quân sự phải nói hơn hẳn tướng Giáp, nhưng anh vẫn thua. Chiến tranh, chiến trướng, rồi chiến tướng là vậy, Nhan Lương, Văn Sú bị Quan Vân Trường chém chớ có oán trách sao ông ác vậy, nếu Nhan Lương có thể chém rụng đầu Vân Trường thì Nhan Lương có làm không?

Ở đây tôi không cổ xúy cho chiến tranh cũng như mâu thuẫn hai miền, tôi chỉ muốn nói, quan võ cũng như chiến trận là một chức năng riêng rẽ đặc thù. Nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh sau khi chết là đại tướng thiên tài thì đó cũng chỉ là cách tôn vinh một “con dao” thôi, nhưng trong quân sự và chữ nghĩa người ta không dùng từ con dao mà dùng từ “thanh gươm”. Chúng ta hãy tôn vinh thanh gươm đó bén, chứ đừng có chê sao nó chặt nhiều thế. Vì chém chặt nhiều mới làm nên thanh gươm vinh quang. Còn gươm vô sự là gươm nhựa của bọn trẻ con. Chúng êm ái lắm nhưng chỉ là gươm đồ chơi thôi. Xin cạn lời. Cám ơn
mọi người!

NHĐ 18/10/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

2 nhận xét:

  1. Nếu ai đó ngày hôm nay không xem ông Giáp như một danh tướng , thì kẻ đó có thể đã đui mù .

    Nhưng kẻ nào Tôn sùng ông Giáp là Anh hùng dân tộc , thì kẻ đó là người cùng mâm cùng cổ với ông giáp .

    Những ai còn lại đã từng kinh qua cải cách ruộng đất , Tản cư 54 , bị đánh tư sản 75 , tào sản ruộng đất bị tịch thu , bị xung công vào HTX , bị xua đuổi đi kinh tế mới , bị sống không nỗi dưới chế độ XHCN phải vượt biên , phải tìm cách rời xa đấy nước , hẳn rằng xem ông Giáp chính là một lãnh tụ đã tạo nên thương đau cho họ .

    Ông là người Đảng viên xây dựng nên QĐND , một lực lượng hùng mạnh nhất được xử dụng để bảo vệ Đảng . Mãi đến tận ngày ông mất Đảng CS VN vẫn khẳng định điều này , không thể tách rời chính trị ra khỏi quân đội và quân đội phải phục vụ cho Đảng . Điều này cho thấy nếu tách rời Thanh gươm của một chiến tướng ra khỏi nhiệm vụ lãnh đạo của chế độ mang màu sắc chính trị CS , chẳng khác nào ngụy biện che đậy cho tội của ông Giáp .

    Một tay ông cầm gươm đuổi giặc , tay còn lại ông lùa dân tộc vào CNXH . Chính cái CNXH gây nên tang thương , chia rẽ , oán thù lẫn nhau trong dân tộc Việt .

    Người cùng ngồi ăn chung mâm cổ. Với ông , khen ông là Đại tướng Anh hùng dân tộc . Người phải đứng hầu chờ sai khiến vì yếu hèn , thấp cổ bé họng , bị lừa dối vì dân tộc , thậm Chí phải hy sinh cả máu và nước mắt cho bữa tiệc đầy mâm cổ này , phỉ nhổ và kết tội ông .

    Nhìn qua lăng kính tổng phổ lịch sử phải thấy được hai hình ảnh kể trên của ông Giáp trong lòng dân Việt . Lưỡi gươm và chính trị là hai nguyên nhân chính ông phải chọn chử nhẫn . Chử NHẪN của ông vì bản thân , vì Đảng CS của ông , chứ không phải vì dân tộc .

    Nếu chấp nhận ĐCSVN có tội với dân tộc VN , thì ông Giáp chính là người mang trọng tội .

    Trả lờiXóa