Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Bị chống lại bằng tay an ninh vẫn bắn?


Cảnh sát Việt Nam thường xuyên bị tố cáo là hành xử thô bạo

Chính phủ Việt Nam vừa ra nghị định trong đó cho phép lực lượng an ninh được dùng vũ lực hoặc nổ súng đối với những trường hợp 'chống cán bộ thi hành công vụ'.

Nghị định 208/2013/ND-CP được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành vào ngày 17/12 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2 năm sau.

Nội dung nghị định viết "trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí ... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực ... hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ”.

Hành vi 'chống người thi hành công vụ' trong nghị định này được xác định là "hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực" đối với người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, việc "không chấp hành hiệu lệnh," "có hành vi nhằm cản trở người thi hành công vụ hoàn thành nhiệm vụ" cũng bị quy là "chống người thi hành công vụ".
Vượt giới hạn phòng vệ?

Trả lời BBC ngày 20/12, luật sư Nguyễn Văn Miếng, từ văn phòng luật sư Hồng Đức, cho rằng nghị định này đã "vượt quá giới hạn phòng vệ".

"Trong Bộ luật hình sự có điều khoản nói về việc phòng vệ chính đáng, trong đó quy định hai bên phải dùng vũ khí tương đương," ông nói.

"Người ta chống cự mình như thế nào thì mình chỉ được chống lại theo một cách tương đương, chứ không thể vượt quá giới hạn chính đáng được."

"Nếu người ta chống bằng tay không mà anh lại nổ súng, thì đó là sai rõ ràng."



"Cái cơ bản là quy trình tác nghiệp của người thi hành công vụ. Phải đặt ra dấu hỏi là nổ súng vào ai, chứ không phải ai vi phạm cũng nổ súng"



Luật sư Hoàng Văn Hướng

Trong khi đó, luật sư Hoàng Văn Hướng, thuộc văn phòng luật sư Hoàng Hưng, nói cần phải có quy định cụ thể trong trường hợp nào thì được phép nổ súng.

"Cái cơ bản là quy trình tác nghiệp của người thi hành công vụ. Phải đặt ra dấu hỏi là nổ súng vào ai, chứ không phải ai vi phạm cũng nổ súng," ông Hướng nói.

"Thứ nhất, đó là loại súng gì? Súng gây sát thương hay chỉ mang tính chất đe dọa?"

"Thứ hai, mức độ vi phạm là như thế nào? Phải quy định chắc chắn trong văn bản hướng dẫn là người thi hành công vụ chỉ nổ súng vào người vi phạm khi người đó vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hoặc gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ."

"Nếu như trong trường hợp người ta vi phạm chưa đến mức độ phải nổ súng gây sát thương thì việc nổ súng là một hành động vượt quá thẩm quyền công vụ".

"Trong trường hợp đó, nếu xác định được thiệt hại của người bị vi phạm về mặt tài sản và tính mạng thì phải áp dụng Bộ Luật hình sự đối với những người thi hành công vụ đó."

"Nếu xác định có thiệt hại về vật chất do người thi hành công vụ lạm quyền thì qua xét xử bằng bản án hình sự hoặc trách nhiệm dân sự, hành chính có thể xác định được mức thiệt hại để yêu cầu người thi hành công vụ phải đền bù," ông Hướng nói.
Vụ Tiên Lãng và khái niệm 'công vụ'

Vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng bị phán quyết là trái pháp luật

Khi được hỏi liệu vụ cưỡng chế trái phép ở Tiên Lãng có cho thấy khái niệm 'công vụ' chưa được quy định đúng đắn tại Việt Nam hay không, và nếu những trường hợp tương tự xảy ra, liệu người dân có bị nguy hiểm đến tính mạng nếu chống đối hay không, luật sư Hướng trả lời:

"Thực ra nhìn về góc độ pháp luật thì hành vi công vụ đã được phân định rõ ràng rồi, nhưng ở đây thì có nhiều góc độ khác nhau."

"Nếu nhìn về vấn đề Tiên Lãng thì đó không phải là trách nhiệm của một người mà là trách nhiệm của cơ quan chủ thể, ở đây là UBND huyện Tiên Lãng."

"Đây cũng là hành vi công vụ, nhưng không phải của riêng một viên công an nào mà là của một tổ chức chính quyền và trong trường hợp đó người đứng đầu tổ chức phải chịu trách nhiệm."

"Nhưng ví dụ như một cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ mà lại có hành động vượt quá giới hạn thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật."

Ông Hướng cho rằng nếu người dân chỉ chống đối cưỡng chế bằng cách "đứng hô hào mà không làm ảnh hưởng đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc chưa ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tiến hành cưỡng chế" thì việc nổ súng là trái pháp luật.

"Nhưng nếu những người cản trở bằng các hành vi như dùng bạo lực hoặc hung khí" thì "việc nổ súng để trấn áp hoặc bảo vệ tính mạng của người thi hành công vụ là hợp pháp," ông nói.

"Tuy nhiên tôi cho rằng việc nổ súng diễn ra rất là ít chứ không phải chỗ nào cũng nổ súng được. Chắc chắn là thủ trưởng các cơ quan đấy phải chỉ đạo về mặt nghiệp vụ và siết lại về trách nhiệm của người thi hành công vụ chứ không tùy tiện được."

"Phải xác định rõ trong trường hợp nào người thi hành công vụ mới được nổ súng, chứ nếu chỉ tham gia cưỡng chế mà nổ súng thì không thể chấp nhận được," ông Hướng nói.

Nguồn BBC

Các bài liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét