Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

MANH ÁO LÀNG CỦA THƠ

Nguyễn Hoàng Đức

Ngày xuân, tôi tình cờ được tham dự cuộc gặp mặt của dăm nhà thơ, trong đó có đến ba anh hát xẩm, hát xoan và hát chèo. Còn lại một một nhà thơ khác có hai tên, một là “sinh vật cảnh” vì thơ anh có rất nhiều con vật từ sâu đến kiến đến cua cá. Và cứ mở miệng là anh hay lấy làng mình ra làm kinh điển nên các nhà thơ bạn bè liền khuyên anh phải “cắt L” – nghĩa là “cắt làng” đi.

Họ trêu trọc “cắt lờ” nghe không ổn, nó dễ liên quan đến “dí thơ vào lờ” nghe tục tĩu và nhạy cảm. Rồi anh thơ hát xẩm nẩy vần vèo:

Làm thơ phải tránh vần ôn
Kẻo mà nghe nó bồn chồn lắm thay
Làm thơ may tránh vần lày ( nói lái chữ L)
Kẻo mà bị nó kéo bay về rôn (rốn)

Vì thế để tế nhị, và dễ liên quan đến từ “cắt cu” tức cắt “quyền thủ trưởng”, tôi đề nghị gọi tên nhà thơ “cắt làng” là “cắt lu”.

“Tôi không đồng tình”, một nhà thơ bảo. “Chữ lu thì không hiểu là cu hay mu, nghe lưỡng tính lắm”.

“Ối dào, ông cứ suy diễn tự ái vặt. Ông không nghe các chuyên gia nói quá nhiều về nền văn hóa âm tính của người Việt à, cả nước nhõng nhẽo thơ phú thì không là âm tính thì là gì. Tôi hỏi thật ông “ở làng ông tập trung gặp gỡ các nhà thơ có khó không”.

“Có mấy miếng lòng hay vài bát tiết canh, thậm chí có ấm trà hay vài hạt lạc, lúc nào chúng tôi cũng có thể gặp gỡ dăm bảy nhà thơ”.

“Vậy tôi hỏi: nếu cần tập họp nhóm kỹ sư thì các ông phải mất bao lâu?”

“Có mà gặp vào mắt. Cả làng hắn có mỗi một thằng kỹ sư lại đi ở rể mất rồi…”

Mọi người được một trận cười. Tôi hỏi: “sao các thi nhân họp mặt lại lắm hát xoan, hát xẩm thế?” thì được nghe trả lời:

“Ôi dào, đấy là lực lượng tự nhiên mà. Anh xem cái câu lạc bộ thơ chui có mọi con dấu và giải thưởng kết nạp vài tháng được dăm nghìn người vừa qua, lực lượng tham gia đông nhất chẳng là đào kép, hát xoan, hát xẩm, hát chèo là gì? Thơ với chúng tôi cũng chỉ là thứ ngâm ca hò vè, vừa là nghề, vừa là sở trường của chúng tôi. Vả lại trước khi hát lời ca, chúng tôi phải soạn ra lục bát, vì thế lực lượng thơ trong chúng tôi là đông nhất. Cũng tự nhiên mà.”

Rồi mọi người quay sang chuyện “cách tân thơ”. Chàng hát xẩm lại vung vẩy đọc những vần thơ, đại loại “làm thơ chỉ khoái vần ôn”… Rồi khoe khoang những vần thơ mới lạ. Chàng hát xoan liền bảo:

- Thôi ông quên cái việc cách tân thơ đi! Đã là hát xẩm thì làm sao cách tân thơ được! – Đến nhà thơ “cắt lu” khoe mình cách tân. Nhà thơ hát xẩm liền cắt ngang:

- Ông cũng chỉ là manh áo làng, cũng không làm sao cách tân được?! Có đúng không nhà lý luận phê bình? – anh quay sang phía tôi. 

“Nhưng các ông giầu lòng tự ái lắm, đụng vào thơ các ông khác gì đụng vào tổ ong bò vẽ…”, tôi đáp.

Mọi người liền bảo: - Cũng đã đến lúc nên nói thẳng với nhau, ông cũng đã viết quá nhiều bài “phơi áo” rồi, giờ ông thử nói cho chúng tôi nghe xem. Thế là tôi đành “đăng đàn diễn thuyết”:

- Theo tôi hầu hết chúng ta đều xuất thân từ làng. Nhưng làng là nơi xuất phát hay mục đích của chúng ta? Như nhà thơ “cắt lu” đây, anh không chỉ coi làng là mục đích xuyên suốt cuộc đời, mà còn coi làng là chiến lũy văn hóa bảo vệ mình. Hơn thế còn coi là bàn đạp văn hóa để tấn công ra xã hội. Và làng còn là hạt men lên men vô tận cho sự ưu ái hâm mộ đầu tiên được vết dầu loang ra mãi. Có thể nói anh đã coi làng là tất cả. Tôi bỗng sản sinh ra một phương ngôn rằng: làng ta có thể có tất cả nhưng không bao giờ có chân trời. Chúng ta đứng ở đầu làng hay cuối xóm có thể nhìn thấy chân trời, nhưng chắc chắn chân trời đó không bao giờ trùm xuống ngay cuối làng. Hình như triết gia Ấn Độ Krisnanmurti có nói: “Hạnh phúc thay chúng ta được sinh ra làm trẻ con, nhưng bất hạnh thay chúng ta mãi mãi phải làm trẻ con”. Vậy có thể nói : hạnh phúc thay cho ta được sinh ra từ làng mình, nhưng bé bỏng thay chúng ta mãi mãi chỉ quẩn quanh trong chu vi của làng.



Người Ấn Độ còn nói: “Một hạt giống cứ bám vào gốc mẹ sẽ còi không lớn được”. Tại sao thơ của chúng ta không lớn, thường được ví với tôm tép, bởi vì rất ít người trong chúng ta dám bứt khỏi gốc mẹ. Không bứt gốc mẹ mới sinh ra âm tính, thơ đòi bú tí… Vì nội dung tư tưởng còi nên cứ loay hoay muốn ra vẻ cách tân. Mà như các bạn thấy đấy: nội dung bên trong của các bạn là xoan, là xẩm, là “bám làng” làm chiến khu thì cách tân cái gì? Bản chất của việc lập chiến khu là ở thế yếu, còn kẻ mạnh thì họ lo lập quốc, lập hiến. Còn lại lấy làng vừa là hạt nhân vừa là trung tâm văn hóa thì làm được gì nhiều hơn lấy “thổi kèn lá” làm giao hưởng…? Các anh thử xem vài ngày nữa, khắp nơi tổ chức lễ hội thơ, thì có phải là lễ hội của làng hay giao hưởng của quốc gia?

Mấy nhà thơ bảo: - Nghe thì đau mà cũng đúng, vì cứ khách quan quay lễ hội thơ ở Văn Miếu, rồi đối chiếu với bất cứ lễ hội của các làng xem, có nhiều lễ hội làng còn xum xuê, qui mô, kỳ công hơn… thôi mà cái nước mình nó thế, nó đâu phải cường quốc của tiến bộ và trí tuệ mà có những đại hội văn hóa cũng như hội thảo vấn đề lớn của tư tưởng. Toàn chỉ là thứ “hãy về đây những bài thơ/ một chữ, hai chữ, mười lăm chữ…” thì làm sao có tác phẩm hoành tráng được… 

- Kìa mâm cỗ đang bưng lên. Thơ với chẳng phú nói mãi vẫn vậy, chán bỏ mẹ! Không rõ mâm cỗ này có phải là cứu cánh hay cứu vãn của chúng ta. “Cơm áo không đùa với khách thơ. Nhậu đã! Rượu vào tất có lời ra:

Mất khôn thì mới chôn thơ…

Thôi can ông, xin ông. Ông lại gieo vần “ôn” làm khổ chúng tôi à. Làm mất ngon cả rượu thịt đi!


NHĐ 14/02/2014









1 nhận xét:

  1. Làm thơ phải tránh vần ôn
    Làm văn phải tránh vần đ.ờ
    Vậy mới mong người ta ghé mắt.

    Trả lờiXóa