Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Đỗ Thị Minh Hạnh sinh nhật trong tù

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Tháng này ra Hà Nội thăm nuôi con gái, ông Đỗ Ty chọn vào ngày sinh nhật con. Vì vậy, mặc dù đang ốm, ông vẫn ra Hà Nội để có mặt tại trại giam vào đúng ngày 13/3 chứ không chờ khỏe hẳn. Đi cùng ông có 6 anh em chúng tôi - tất nhiên vẫn biết chỉ là thành phần "chầu rìa" ngoài cổng. Chúng tôi đi, chỉ có mục đích mang lại cho Hạnh một niềm vui nho nhỏ để Hạnh biết rằng, cô không hề đơn độc ở xứ sở xa xôi này.

Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt vào ngày 23/02/2010 tại Di linh-Lâm Đồng. Mẹ cô, bà Trần Thị Ngọc Minh nói "Tại đây, tôi đã chứng kiến công an bắt và đánh con tôi bể miệng, chảy máu đầy mặt".

Cô bị truy tố bởi tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự. Trong phiên tòa ngày 27/10/2010, cô bị đưa ra xử cùng với Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Cả ba nhà hoạt động còn rất trẻ này đều bị kết án nặng nề: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù giam, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương, mỗi người 7 năm tù giam.

Bà Minh cho biết "công an đánh đập tàn nhẫn con tôi trước sân tòa".

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 18/3/2011 - một phiên tòa không có gia đình, nhân chứng tham dự, cả ba đều bị tuyên y án.

Hạnh từ chối luật sư. Cô xác nhận tất cả hành vi mình làm nhưng không cho đó là tội.

Cô bị cáo buộc "rải truyền đơn kích động công nhân biểu tình, đình công, phá hoạt tài sản doanh nghiệp".

Kể cũng lạ, "phá hoạt tài sản doanh nghiệp" (của TQ) mà lại thành "chống lại chính quyền nhân dân" được.

Điều quan tòa cáo buộc là nói đến việc Đỗ Thị Minh Hạnh phân phát tờ rơi và tham gia tổ chức cuộc đình công của 10.000 công nhân ở công ty TNHH giày da Mỹ Phong tại tỉnh Trà Vinh. Công ty này lại là công ty Trung Quốc. Phải chăng, vì vụ án này có yếu tố TQ nên Minh Hạnh mới bị xử nặng thế?

Điều trần tại Ủy ban nhân quyền Tom Lantos Hạ viện Mỹ, bà Minh nói: "chỉ vì giúp đỡ những công nhân khốn khổ, những nông dân bị cộng sản Việt Nam cướp đất, cướp nhà mà nhà nước cộng sản bắt con tôi giam vào tù”.

Tổ chức quan sát nhân quyền Human Rights Watch bình luận: "Tất cả những gì mà Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương làm chỉ là khẳng định quyền của công nhân Việt Nam trong việc được tổ chức, nhóm họp và bãi công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc," 

Hạnh đã bị chuyển qua nhiều trại tù ở Trà Vinh, Bình Thuận, Long An, Đồng Nai. Cho tới ngày 2/10/2013, cô bị chuyển ra phân trại 3 trại giam Thanh Xuân (huyện Thanh Oai, Hà Nội), cùng với một tù nhân lương tâm khác là Mai Thị Dung. Hạnh kể cho bố biết trên đường áp giải ra HN, cả hai bị trói tay, xích chân trong thùng xe như những con vật, bị ngất xỉu nhiều lần. Khi đến trại giam Thanh Xuân, công an thường xuyên ép buộc cả hai phải nhận tội để được nhà nước khoan hồng. Ngày 11/10/2013 Mai Thị Dung phải đưa đi bệnh viện cấp cứu...

Tôi hỏi ông, ở các trại, cháu có bị đánh không. Ông nói bị đánh nhiều chứ. Bị đánh đau nhất là ở Trà Vinh (trại đầu tiên). Họ bảo đấy là hình phạt bổ sung. Gia đình đến hỏi thì họ nói, con này nó bướng lắm, nó không chấp hành nội qui của trại. 

Ông bảo tôi, tính cách cháu thẳng thắn, dứt khoát lắm. Cháu làm cái gì đúng thì không ai cấm được nó, thấy sai thì không bao giờ cháu làm

Tôi chỉ tóm lược vài dòng để ai chưa rõ thì hiểu Đỗ Thị Minh Hạnh là ai.. Ai cần hiểu rõ về người con gái xinh đẹp và can trường ấy, hãy đọc thêm trên các trang mạng.

Trở lại chuyện đi thăm Hạnh. Trại giam Thanh Xuân thuộc huyện Thanh Oai. Đến Ngã tư Vác, chúng tôi đi chừng 4 km nữa. Khác với các trại giam khác, trại giam này lập một ba-ri-e chắn đường vào, cách cổng chừng 7,8 trăm mét. Tại đây, chỉ người trong diện được thăm nuôi được bước qua, trại cho xe hỗ trợ, còn lại phải đứng bên ngoài. Nghe nói, chỉ tù chính trị thì mới phải thế, còn tù thường phạm thì họ vẫn cho người không thuộc diện thăm nuôi đi tới cổng. Nếu thế thì ở đây, họ coi tù chính trị nguy hiểm thật. 

Ông Đỗ Ty vào thăm con chừng 1 giờ. Ông cho biết lần này, Hạnh có khá hơn lần trước. Ông đưa cho chúng tôi thư cảm ơn của Hạnh viết ra. Tôi đọc câu cuối "Xin hẹn mọi người ngày sinh nhật 13/3/2017" mà lòng thắt lại.

Hoa chúc sinh nhật, nhờ ông Đỗ Ty chuyển vào cho Hạnh


Chờ trước ba-ri-e


Thư cảm ơn của Hạnh

13/3/2014


Mời đọc lại:

Bản điều trần của bà Trần Thị Ngọc Minh trước Uỷ ban Nhân Quyền Tom Lantos Hạ viện Hoa Kỳ

3 nhận xét:

  1. Nặc danh14/3/14 6:25 SA

    ĐỖ THỊ MINH HẠNH ,MỘT NGƯỜI ĐẤU TRANH CHO QUYỀN LỢI CÔNG NHÂN BỊ ĐÁNH TÀN NHẪN VÀ BỎ TÙ.CON NGƯỜI NÀY CẦN DƯỢC GHI VÀO SỬ SÁCH .BỌN CHÓ ĐÃ CẤU KẾT VỚI BỌN CHỦ ĐỂ HƯỞNG LỢI ,THẬT DÃ MAN !

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh14/3/14 8:58 SA

    Phụ nữ VN thời đại nào cũng có anh hùng!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh15/3/14 6:32 CH

    Tôi cám ơn bà Trần Thị Ngọc Minh , vì bà đã sinh được một ĐỖ THỊ MINH HẠNH ! Tôi hiểu mẹ nào cũng thương con , nhưng xin bà hãy vui lên và hãnh diện bà là mẹ của ĐỖ THỊ MINH HẠNH ! Hạnh đã chon con đường Hạnh đi bà và chúng tôi ủng hộ Hạnh và yêu Hạnh ! Lạy ơn trên che chở cho Hạnh !

    Trả lờiXóa