Bà con Dương Nội mời chúng tôi về chơi từ ngay đầu năm âm lịch nhưng rồi vướng mắc nhiều việc nên hôm nay chúng tôi mới đi được. Gọi là thăm đầu xuân, vì Tết đã qua trên một tháng nhưng "thiều quang chín chục" vẫn còn hơn nửa.
Bà con tiếp chúng tôi tại lán giữ đất ven đường Lê Trọng Tấn, đoạn gần Khu biệt thự "Thiên đường Bảo Sơn".
Cuộc đấu tranh giữ đất nơi đây đã diễn ra được 4 năm. Không thể tính được những thiệt hại trong 4 năm ấy của bà con là bao nhiêu: bỏ công việc đi canh đất, đi khiếu kiện, đất bị bỏ hoang hóa. Phần đất bà con đang giữ lại cũng chỉ trồng vạt rau, cây chuối chứ không thể canh tác ổn định.
Ngoài thiệt hại về vật chất, máu của bà con đã đổ. Chúng tôi nghe những nhân chứng kể về chuyện họ bị đánh mà giật mình, có người bị đánh đến tàn phế.
Đây mới là lần thứ hai, tôi đến thăm bà con Dương Nội. Lần trước, tiện đường, chúng tôi ghé qua được chừng 1 giờ, về viết một ghi chép ngắn đưa lên blog, thêm vài hình ảnh, sau đó thấy Trương Duy Nhất cop về "góc nhìn khác". Trương Duy Nhất thường chỉ dẫn bài khi anh phát hiện bài viết có một cái gì đấy khác thường mà chỉ phát hiện ra dưới góc nhìn của anh. Anh bình những gì, tôi không còn nhớ, chỉ nhớ rằng, anh rất bức xúc về câu chuyện cướp đất, giữ đất ở Dương Nội.
Thú thực là thông tin cụ thể về Dương Nội, tôi không biết được nhiều. Nay có thời gian hỏi chuyện, mới biết, cuộc đấu tranh ở đây khốc liệt không kém gì Văn Giang. Xin hãy nghe bà con ở đây nói chuyện:
Những người bị đánh đập không chỉ có thế nhưng không thể kể hết những câu chuyện của họ ra đây. Khi tôi sắp phải về, có một bác, thấy gọi tên là bác Đát, đến muộn. Nghe chuyện bác ấy kể, thì bác còn bị đánh nặng hơn thế.
Bà con mời chúng tôi ăn cơm trưa. Chúng tôi không dự định từ trước và đã định về nhưng không thể khước từ lời mời mọc chân tình của bác con. Bữa cơm dã chiến, ngay cạnh những thửa ruộng nhưng cũng đủ món, khá tươm tất.
Chuyện giữ đất, rồi chuyện đấu tranh ở các nơi khác đan xen nhau. Nghe chuyện mới biết bà con khá rành thông tin thời sự. Bà con kể chuyện Văn Giang, chuyện Trương Duy Nhất, Lê Quốc Quân, Bùi Thị Minh Hằng cứ vanh vách.
Chúng tôi thay mặt những nhà hảo tâm tặng một số tiền gọi là thêm thắt chút thức ăn vào các bữa cơm giữ đất nhưng bà con cương quyết từ chối. Bà con nói không chê nhưng cho biết, người ta đang vu cho bà con nhận tiền nước ngoài, vi phạm pháp luật... Mặt khác nhận thế sẽ không đoàn kết được nhau, mất đi tính chất của cuộc đấu tranh giữ đất nơi đây. Giải thích thế nào, bà con cũng không chịu. Cụ Nguyễn Thị Hào, 80 tuổi nói cho chúng tôi đỡ áy náy:
- Các bác về đây với chúng tôi là vui lắm rồi. Đừng lo gì cho bà con, chúng tôi đủ khả năng giữ đất đến cùng. Đến khi nào anh Lê Quốc Quân và các anh chị đang bị tù đày được trả tự do thì các bác cho bao nhiêu bà con cũng nhận.
Cụ Nguyễn Thị Hào (giữa) nói: "Tôi sống đã qua 3 chế độ nhưng không thấy chế độ nào khốn nạn như chế độ này"
Chuyện công an đòi bắt ô tô:
Kể thêm chuyện này có lẽ không thừa. Ngoài số đi xe máy còn có một ô tô 4 chỗ của Lê Quốc Quyết do người khác lái, tới nơi đỗ lên vỉa hè bên phải, ngay sát lán của bà con. Khi chúng tôi mới đến thấy có 2 tên mật vụ đến quay phim chụp ảnh, sau đó chúng bỏ đi. Đến trưa, khi mọi người sắp về thì khoảng chục cảnh sát giao thông đến, có cả xe còi hụ và cần cẩu đòi cẩu chiếc ô tô đi. Đoạn đường Lê Trọng Tấn là đường 2 làn rộng và thường vắng teo.
(Ảnh do bà con Dương Nội gửi qua email)
Lúc này, Lê Quốc Quyết đã ra sân bay để vào Sài Gòn.
Bà con liền đánh kẻng. Số người ra mỗi lúc một đông. Cuối cùng không biết tốp cảnh sát xin lệnh thế nào nên bỏ đi.
Mới biết, với những nơi "nhạy cảm", dù là đi chơi nhưng vẫn cứ phải cảnh giác.
8/3/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét