Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Vụ phá nát làng cổ: Người dân không "biết mặt" quyết định cưỡng chế

(Dân trí) - Để thực cưỡng chế ngày 24 Tết (trước thời hạn thông báo 3 ngày) phá nát nhà, tài sản của 52 hộ dân tại làng cổ Vân Lôi, chính quyền huyện Thạch Thất đã bất ngờ "đột kích" để người dân không kịp...trở tay bởi nhiều hộ còn chưa "biết mặt" quyết định cưỡng chế. 


Thông báo thời hạn cưỡng chế kiểu "tung hỏa mù" để dân không kịp trở tay

Như Dân Trí đã đưa tin, ngày 24 tết Giáp Ngọ (24/1/2013) tại làng cổ Vân Lôi - Bình Yên - Thạch Thất (Hà Nội), chính quyền huyện Thạch Thất cùng UBND xã Bình Yên đã huy động gần 1000 người cùng máy ủi ồ ạt tiến hành cưỡng chế phá nát nhà, tài sản của 52 hộ dân. Hàng trăm người dân, trong đó có nhiều cụ già, trẻ em, thậm chí cả gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng vào cảnh không chốn “nương thân” ngay trong những ngày Tết đến.




Chính quyền huyện Thạch Thất cùng UBND xã Bình Yên huy động gần 1000 người bất ngờ phong tỏa làng Bình Yên ngày 24 Tết trước hạn cưỡng chế 3 ngày.

Điều đáng nói trong vụ cưỡng chế tại làng Vân Lôi đó là Vào ngày 22/1/2014, phía UBND xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội) mới chỉ ra quyết định đến các hộ dân về việc gia hạn thi hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng ở làng Vân Lôi. Trong quyết định đã ghi rõ thời gian gia hạn đến ngày 27/1/2014 (tức 27 tết) nhưng đến ngày 24/1 (tức 24 tết), lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất cùng chính quyền UBND xã Bình Yên đã bất ngờ huy động 780 người đến tiến hành cưỡng chế nhà dân. 

Không những thế, nhiều hộ dân trong làng Vân Lôi còn chưa hề nhận được thông báo về việc gia hạn thi hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng và di chuyển người, tài sản ra ngoài khu vực cưỡng chế. Chị Phạm Thị Hoa (35 tuổi), một người dân có nhà đã bị cưỡng chế cho biết: “Tôi không hề nhận được bất cứ một thông báo hay quyết định nào về việc cưỡng chế cả. Ngay khi lực lượng cưỡng chế tới, gia đình tôi hoàn toàn bất ngờ, không kịp trở tay”.

Cũng theo chị Hoa, sau khi xảy ra cưỡng chế chị phải đi mượn tờ thông báo từ hộ dân khác mới hay biết về thông tin gia hạn lịch cưỡng chế, mà thời hạn tận ngày 27 Tết. Điều nhiều hộ gia đình tại làng Vân Lôi vô cùng bức xúc là khi những hộ dân tiến hành xây dựng các công trình mảnh đất cha ông để lại họ không hề bị chính quyền địa phương đến ngăn cản hay lập biên bản vi phạm để cảnh báo.




Làng cổ Vân Lôi náo loạn, hàng trăm người dân ngơ ngác, xót xa không hiểu vì sao nhà bình bị đập phá tan nát.


Một trường hợp khác, gia đình chị Nguyễn Thị Hương nhận được thông báo gia hạn cưỡng chế vào ngày 23/1/2013 tức là chỉ trước ngày cưỡng chế có một ngày. Đến ngày 24/1/2013, đoàn cưỡng chế ồ ạt kéo đến phá nhà chị Hương mặc dù chị đã tự nguyện tháo dỡ. 

Làm việc với PV Dân trí về việc tại sao nhiều hộ dân không nhận được thông báo gia hạn cưỡng chế chính ông Lê Văn Mão - Chủ tịch xã Bình Yên cũng không lý giải được. Hơn nữa, ông Mão còn cho hay, thời điểm hiện tại công tác kiểm đếm vẫn chưa thực hiện xong chứ chưa nói đến việc thực hiện di dời và tái định cư sau di dời cho người dân.


 
Bên cạnh nhà của của người dân bị phá nát, giếng cổ đá ong hàng trăm năm tuổi của làng cũng bị xâm hại.

Nhập nhèm thu hồi diện tích, người dân bị đẩy vào cảnh khốn cùng

Mặt khác, theo phản ánh của người dân làng Vân Lôi trong lá đơn kêu cứu, Theo quyết định số 1329 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây cũ là ông Nguyễn Huy Tưởng ký ngày 27/7/2007 có ghi rõ: Khu tái định cư phía nam đường 84 (nay là tỉnh lộ 420) thuộc địa phận xã Bình Yên, huyện thach thất có phía Đông Bắc, tây nam và đông nam giáp khu dân cư thôn Vân Lôi chứ không trùng vào khu dân cư Vân Lôi nên không thể bắt người dân đi ra nơi khác để ở trong khi làng Vân Lôi đã có truyền thống lâu đời hàng nghìn năm.


Quyết định thông báo gia hạn cưỡng chế ghi rõ đên ngày 27/1 (tưc 27 Tết).

Bên cạnh đó, tới 80% đất nông nghiệp của làng Vân Lôi đã bị thu hồi từ năm 2007 để đưa vào dự án tái định cư nam đường 84 (tỉnh lộ 420), xưởng may Đức Giang, nghĩa trang của xã Bình Yên nên những người từ 40 tuổi trở lên không có công ăn việc làm. Hiện tại, chỉ trông chờ vào diện tích ông cha để lại, chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt làm nghề kiếm sống. 

Và cũng được biết, nhiều ha đất nông nghiệp "bờ xôi ruộng mật" mà người dân làng Vân Lôi canh tác từ ngàn đời nay sau khi bị chính quyền huyện Thạch Thất thu hồi từ nhiều năm nay giờ để cỏ hoang mọc lút đầu.


Ông Lê Văn Mão - Chủ tịch xã Bình Yên thừa nhận cưỡng chế trước thời hạn do bị cấp trên thúc ép.


Người dân kêu cứu vì nếu tiếp tục thu hồi phần đất thổ cư hàng nghìn năm người dân đang ở, hộ dân nào dù có diện tích đất dù lớn bao đến bao nhiêu cũng chỉ được xem xét đền bù 240m2 đất tái định cư và số diện tích thừa ra được đền bù 700.000đồng/m2 thì cuộc sống người dân sẽ vô vùng khó khăn. Chắc chắn cuộc sống sau khi ra tái định cư của người dân không bao giờ bằng và khá hơn nơi ở hiện tại. Vì vậy, hơn bao giờ hết, những người dân mong muốn được ở lại trên chính mảnh đất của mình để được an cư lạc nghiệp.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nghiêm trọng này đến bạn đọc.

Anh Thế - Hoành Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét