Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Lý do dân trí Việt Nam còn chưa biết chào ?!

Nguyễn Hoàng Đức

Trên báo mạng Thanh Niên on line có đăng bài “Cách chào của người Việt” của tác giả Nguyễn Văn Mỹ. Theo ông cách chào của người Việt đã mai một, ngày xưa người Việt thường chắp hai tay trước ngực cúi đầu chào. Một ông tây làm thế liền bị coi như trẻ con. 

Dù vậy, cách chào đó vẫn chỉ là hành vi chào của cơ thể chứ không phải ngôn ngữ chào. Nói chính xác và chính thức, người Việt cho đến nay vẫn chưa có lời chào chính thức nào. Cụ thể, một số người nước ngoài đến Việt Nam học tiếng Việt, được dạy mỗi khi chia tay sẽ chào “tạm biệt”, nhưng họ bảo: ‘các anh dạy chúng tôi thế nhưng các anh có chào thế đâu, mà chủ yếu các anh chào “về nhé” hay “đi nhé”’. 

Tại sao dân Việt chưa có lời chào chính thức, nói chính xác hơn, những lời chào được truyền thống hóa để thành kinh điển? Thực ra thì người Việt mới có chữ viết được vài thế kỷ nay, nên ngôn ngữ miệng chưa chín mọng trên trang giấy để hóa kinh viện cũng là chuyện bình thường. Xưa người Việt được chào thường hay đáp lại “không dám!” tức là luôn hạ mình xuống mức kẻ dưới, nô tài, không dám tự tin khi đưa ra lời chào đàng hoàng ngang vai vừa lứa.

Muốn có lời chào thì người ta phải biết hướng ra người khác. Nhưng cách sống của người Việt chủ yếu mới quanh co đắp vào thân lo ích kỷ vụ lợi cho mình thì làm sao có lời chào? 

Để có lời chào, người Hy lạp và La Mã đã nêu cao đức tính đầu tiên của con người là Hiếu Khách. Hiếu khách trở thành một tiêu chuẩn sống đến mức tiên quyết, ai đó không hiếu khách sẽ trở thành nỗi nhục mà không còn được cộng đồng chấp nhận. Hiếu khách chính là con đường hướng đến Công Lý. Bởi phương Tây có một câu bất hủ “công lý là người thứ ba” (le juge est un tier). Trong nhà nếu chỉ có hai vợ chồng, họ cãi nhau dù minh mẫn hay chầy cối thì cả đời cũng không phân thắng bại, nhưng có một người thứ ba xuất hiện thì sự thể ngã ngũ liền theo cách có nhân chứng. Trong các vụ án cũng vậy, nếu chỉ có bên nguyên hay bên bị mà không có người thứ ba làm chứng, thì phiên tòa không bao giờ có thể tiến hành. Vì sao? Vì nó không có công lý ít nhất – là người thứ ba.

Người khác mới là con đường dẫn ta ra xã hội và cuộc đời phổ quát, bởi nếu không có người khác ấy, vai trò của người nhà vĩnh viễn chỉ là thiếu bóng dáng của người làm chứng cũng như công lý. Người khác trong học thuật còn dạy người ta biết thế nào là Khách quan – khách quan là cái nhìn của khoa học và công lý. Trái lại chủ quan là cái tự mình chỉ dẫn người ta đến cái cảm xúc cục bộ nhỏ bé. Người Khách dạy chúng ta biết lẽ sống “Vong kỷ hiến tha” thay vì “Ích kỷ hại tha”, tức là hãy hy sinh cái tôi của mình mà vì người khác, chứ không nên vì lợi cho mình làm hại người khác, như người Việt bảo “của mình thì giữ bo bo/ của người thì thả cho bò nó xơi”. 

Từ việc hướng ra người khác, mà người phương Tây đặc biệt chú trọng đến xây quảng trường ở trung tâm thành phố. Đó thường là một khu đất vàng, vuông thành sắc cạnh, được gọi là “square” (ở Việt Nam có người gọi quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội là khiên cưỡng vì ở đó chỉ là đường đi qua). Tại quảng trường mọi người có thể dễ dàng đến đó thể hiện tư tưởng, tranh luận hay lắng nghe. Trong khi đó tại những mảnh đất vàng ở trung tâm thành phố người châu Á thường chỉ xây cung vua phủ chúa khép kín tường cao hào sâu để đề phòng thích khách. Đây là một quan điểm chính yếu, nhiều chuyên gia phương tây nói thẳng: các thành phố lớn ở châu Á thường lùi sâu vào trong lục địa để cố thủ, ngược lại ở châu Âu người ta thường xây bên bờ biển để ra ngoài viễn chinh. Người phương Tây bêu đầu kẻ tử tội ở quảng trường để răn đe. Còn châu Á thì thường bêu ngoài chợ là nơi mua bán. Đó cũng là cách thể hiện hai trình độ sinh hoạt. Một đằng đã ra quảng trường để sinh hoạt tinh thần. Một đằng ra chợ để lo việc dạ dầy.

Sau quảng trường, là bài học của Lập Hiến. Điều này là tất yếu, vì theo triết gia Hegel khi con người bước ra khỏi đạo đức tự nhiên của gia đình, sẽ đến các hiệp hội cùng làm ăn, sản xuất hay sinh hoạt, cuối cùng buộc phải hội tụ đến vấn đề của Nhà nước, bởi chỉ có nhà nước mới cho phép các hiệp hội có được công lý để cùng tồn tại. Và nhà nước không thể có nếu không có Lập Hiến. Sau quảng trường, thì đã xuất hiện Nghị viện Athena, rồi Nghị viện La Mã để thiết định nhà nước cộng hòa đầu tiên của lịch sử. So sánh, nói chung cho đến đầu thế kỷ 20, các nước châu Á vẫn chưa có quốc gia lập hiến đúng nghĩa, tóc bạc rồi mà vẫn bị bố hay vua nọc ra lấy roi đánh, những nhà nước phong kiến tồn tại với các vương gia hoàn toàn là cách gia đình trị. Nhà nước chỉ là tổ hợp các gia đình, đứng đầu là gia đình của vua.

Người Việt tuy nói “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, nhưng đó chỉ là ao ước nhiều hơn là thực hiện. Người Việt tính lỗ lãi trong từng lời chào. Tại sao vì người ta rất khó vượt qua ích kỷ cá nhân với những phương châm sống: “Ta về ta tắm ao ta/ dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” và “Có con gái gả chồng gần/ có bát canh cần nó cũng đem cho/ hoài con mà gả chồng xa/ một là mất giỗ hai là mất con”. Lúc nào cũng loay hoay cái nhìn vơ vào cho bản thân cũng như nhóm lợi ích thì làm sao hướng tới người khác để có lời chào?! Tôi đã gặp không ít người, đến bất kỳ đâu họ cũng gật gật như thể không có thói quen chào thành tiếng, nhưng không phải, một lần tôi thấy họ nhìn thấy người có chức vụ cỡ trung trong tỉnh thôi, họ đứng lại nghiêm trang chào thành tiếng cách 10 m vẫn nghe rành rọt từng lời “Em chào anh B ạ”.

Tại sao có tâm lý này? Đó là tâm lý của nô tài, tính lỗ lãi từng ly từng tí. Vì tâm lý nô tài nên họ mặc cảm rằng chào ai thì thua thiệt, nhưng khi gặp người có quyền chức tâm lý nô tài lại sợ hãi chào thật to, thậm chí khi được chào phải đáp lại “không dám”.

Thật ra lúc nào tôi cũng muốn nhắc lại câu của thi sĩ Tản Đà “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”, nhưng sợ nhắc nhiều quá thành lạm dụng và khiến người khác khó chịu, nhưng quả là người Việt rất ít người trưởng thành. Kể cả nhiều loại giáo sư tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ. Gặp nhau thì ậm ừ không dám chào thành tiếng, rồi đưa tay bắt thì lại đưa tay trái úp xuống như ban ơn cho người ta, nhưng gặp cấp trên thì bố bảo không dám làm thế, còn ở nhiều vùng quê thì là anh không sang nhà em, là anh không xới cơm cho em. Uống rượu với nhau thì đùn nhau rót rượu, cho rằng mình rót rượu thì hạ mình xuống. Nhiều cô gái đi đâu ăn uống không dám chia sẻ việc bếp núc, rửa bát với chủ nhà hay bạn bè, sợ mình tụt xuống dạng con ở, hoặc ngại do lười biếng. Nhưng người có tự chủ đích thực đâu có dễ bị tụt dẳng cấp như vậy. Vả lại trong một bữa ăn chẳng lẽ có thể vui nếu người ta không có khả năng chia sẻ hay tham dự cùng bữa ăn đó? 

Thế nào là cùng ăn – cùng vui? Đấy là tâm lý thường trực cảnh giác tính toán của kẻ dưới, lúc nào cũng sợ mình bị kém phân. Trong khi đó người phương Tây chỉ cần trên đôi mươi hầu hết đã có dáng cư xử của quí ông, quí bà, đi đâu làm gì họ đều biết sống theo văn hóa, chức năng, và bổn phận . Có phải, chính thế mà người ta mới coi châu Á là dã man mọi rợ?!

Người Việt mình thực tế là vậy đấy, một lời chào chính thức còn chưa có, nhưng có ai bàn đến cái xấu thì bảo “nước nào chẳng có cái xấu ấy”. Hôm qua tôi vừa nghe tin tuyến tầu điện ngầm ở Panama vừa mở sẽ cho tất cả dân chúng đi miễn phí trong 3 tháng. Liệu Việt Nam có làm được thế không? Việc cho dân chúng đi miễn phí sẽ rất khôn ngoan vì trước hết nó tạo ra thói quen, thứ hai nó tạo ra món quà “mang ơn” để mọi người gắn bó đi tầu, trí khôn đó liệu người Việt có học tập được? Trí khôn đó cũng là cách sống thiện chí để tạo đạo đức lâu dài. Với cái khôn vặt vãnh ăn liền ma cà chớp của tâm lý tiểu nông, liệu người Việt có học theo được thứ lòng tốt đó? Cũng khó lắm thay bởi có phương ngôn: tiểu nhân nghĩ được tốt cũng không làm được tốt bởi bị cái lợi nhỏ bé dẫn đi!

Người Việt vẫn còn chưa biết chào, đấy là bằng chứng ngôn ngữ khó lòng chối cãi. Mong rằng từ đó giúp chúng ta phản tỉnh suy xét nhìn lại mình. Một quốc gia nếu có nhiều người tiến bộ thì nó mới hùng mạnh, ngược lại nếu chỉ có vài mống nói rằng “nhà tôi không vậy”, thì làm sao cái nhà tôi đó biến thành một quốc gia lập hiến cao cả và tốt đẹp?! Xin cám ơn. 


NHĐ 07/04/2014

Tác giả gửi cho NTT blog







































































3 nhận xét:

  1. Nặc danh8/4/14 4:17 SA

    Nguyễn Hoàng Đức còn quên 1 điều là ....Không những người Việt nghèo tiếng chào mà còn vì " HCM du nhập CNCS vào VN từ 1935 cho đến ngày nay , văn hóa VN càng đảo lộn . Văn hóa là gì ? Văn hóa bao gồm cả nhân cách , luân lý và đạo đức nữa ." Ví dụ nước chúng ta hiện nay có hàng trăm ngàn CA , đây là đội quân " Chỉ biết còn đảng còn mình " nên tiếng chào ? Cách chào ? Phẩm giá ? Đức hạnh ? v.v...làm gì có ! Em hổng dám đâu !

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh8/4/14 9:57 SA

    Ông Nguyễn Hoàng Đức vừa là triết gia vừa là học giả nên tôi không dám " Múa rìu qua mắt thợ " . Tôi chỉ dám bàn về tiếng chào trong phạm vi hạn hẹp nào đó thôi .
    Mỗi dân tộc , mỗi nền văn hiến . Mỗi tôn giáo mỗi đức tin , mỗi mặc khải . Mỗi Đông hay Tây . Mỗi triết gia cổ đại hay hiện đại . Mỗi cá nhân triết gia A hay B v.v...Tôi tin rằng tất cả đều đẹp đẽ " Mỗi người mỗi vẽ mười phân vẹn mười " .
    Tuy nhiên nói vậy mà không phải vậy ! Chỉ riêng chủ nghĩa duy vật khốn nạn không có tiếng chào, như trước đây bác của chúng ta tạo ra thế hệ khăn quàng đỏ , bác dạy yêu cha mẹ có một yêu ông Kim Chính Nhất tới mười , bác dạy con cái đấu tố cha mẹ , ông bà v.v...
    Văn hóa Việt " Tiếng chào cao hơn mâm cổ ", vì nền văn minh VN là văn minh đình làng và còn gọi là phép vua thua lệ làng , nếu chào người lớn tuổi thì phải vòng tay lại . Văn hóa người Nhật thì cuối đầu xuống . Văn hóa Phật thì chấp hai bàn tay lại . Văn hóa Ki Tô Giáo thì bắt tay ( Bắt một tay thôi , cho dù anh ăn mày bắt tay với tồng thống đi nữa, tuy nhiên có ngoại lệ là có thể bắt tay hai tay vì kính nể hay trìu mến gì đó v.v...)
    Tôi đã đưa ra ý tưởng sự chào hỏi toàn thể ở trên , giờ tôi xin nói thêm . Sau 1975 Hollywood của Mỹ có làm một phim về tiếng chào của người VN , đó là phim Good Morning VN ,trong một tình cờ tôi lang thang trên mạng và tôi gặp được . Tôi không muốn nói về nội dung cuốn phim , tôi chỉ muốn nói linh hồn tiếng chào trong phim nầy.
    Nhân vật chính người Mỹ làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh dành cho lính Mỹ đang " Xâm lược " VN ở tại VN . Mỗi khi mở máy bắt đầu phát thanh là anh hét to lên "..Good morning VN !!!"
    Điều đẹp vô ngần trong phim nầy là phần nhạc đệm trong phim . Bản nhạc What A Beautiful World , giọng ca của ca sĩ huyền thoại da đen Louis Amstrong ( Khác với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay Hồng Nhung đoàn viên đảng CSVN khốn nạn ) . Lời nhạc nó như vầy ( Tiếng Anh của tôi rất dở dù công ty của tôi tiếp xúc với người nước ngoài mỗi ngày , nên các bạn nên dịch lại và bổ túc thêm).

    .... Chao ôi xứ sở gì mà quá đẹp....hoa hồng thì đỏ thắm ....trời thì rất là xanh....kẻ qua người lại ngược xuôi bắt tay nhau và hỏi anh chị khỏe không.....chao ôi nơi chốn gì mà màn đêm buông xuống nghe tiếng chó sủa xin chào ngủ ngon....đất nước gì mà trẻ em rất hồn nhiên trong sáng và dể thương....Tôi tự hỏi lấy chính tôi cái xứ sở gì mà tuyệt vời như vậy ...Dạ quả là đúng như vậy !

    Dạ thưa anh Thụy , phim nầy nói về miền Nam trước 1975 . Xin đừng hiểu nhẩm VN bây giờ , bây giờ thì có " VN tôi đâu ? " của Việt Khang thôi . Như bà bộ trưởng y tế nói " Cái gì cũng ăn được " . Chủ tịch nước nói " Không phải một con sâu mà một bầy sâu " v.v...
    Xin anh Thụy đừng kiểm duyệt còm nầy dù em có ca ngợi văn hóa chào của Mỹ , CA không bắt em đâu , vì ngay cả thủ tướng cùa nước ta cũng có con rể là người Mỹ nữa là !
    Em có xem hình anh thăm bà con dân oan " Thề quyết tử " , cám ơn anh nhiều lắm .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh8/4/14 12:02 CH

      TB: Xin đính chính lại . Nhạc đệm trong phim Good Morning Viêt Nam là bản nhạc What A Wonderful World chứ không phải là What A Beautiful World . What a wonderful có thể tạm dịch ra tiếng Việt là " ôi một xứ sở đẹp làm sao ! " .

      Hay chịu chơi hơn , tình cảm hơn , tài hoa hơn phải nói theo ngôn ngữ của Bùi Giáng mới đúng điệu :

      Lạ cho đất nước diễm kiều

      Hay:

      Nhìn ngó muôn nơi đó và đây
      Có thấy lạ lùng tơ chỉ thắm

      Xóa