Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Hội thảo “Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” - sự ngăn chặn của nhà cầm quyền.




1. Ngày 30/7/2014, tại Đại sứ quán Ôxtrâylia (số 8 Đào Tấn Hà Nội) đã diễn ra cuộc Hội thảo “Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay”.

Cuộc hội thảo do Ôxtrâylia, cùng với Liên minh châu Âu, Nhóm sứ quán đại diện cho 4 quốc gia ở Việt Nam (Canada, Niu Dilân, Na Uy, Thụy Sĩ) và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chủ trì với chủ đề truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.

Tới tham dự có Ngài David Shear, đại sứ Hoa Kỳ, Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Ôxtrâylia, đại sứ Niu Dilân cùng đại diện các sứ quán các nước tổ chức.

Diễn giả của cuộc hội thảo là Mr Tim Wilson, Đặc Ủy viên của Ôxtrâylia về Nhân Quyền, Ms Padma Raman, Giám đốc điều hành, Ủy ban Nhân quyền Ôxtrâylia và ông Vũ Ngọc Bình Cố vấn cao cấp, Viện Dân số, gia đình và trẻ em.

Buổi Hội thảo đã thu hút khoảng trên 60 khách mời tham dự. Các gương mặt quen thuộc của các tổ chức xã hội dân sự gồm có các ông bà: Quỳnh Hương, Lê Hùng, Ngô Duy Quyền, Trương Văn Dũng, Nguyễn Tiến Nam, Anh Chí, Nguyễn Thanh Thuỷ, Nguyễn Tường Thuỵ, Huỳnh Thục Vy.

Hội thảo đã thảo luận các vấn đề xã hội dân sự có thể sử dụng phương tiện truyền thông mới như thế nào để thúc đẩy nhân quyền trong khuôn khổ của hệ thống chính trị Việt Nam; truyền thông phi nhà nước tại Ôxtrâylia và các nước được pháp luật bảo vệ ra sao và vai trò của loại hình truyền thông này đối với xã hội; chính phủ các nước có thể giúp gì cho những người viết tự do ở Việt Nam.

Sau khi Ban tổ chức nêu mục đích ý nghĩa của cuộc Hội thảo, đại sứ Ôxtrâylia, Đại sứ Mỹ, Đại sứ Niu Dilân lần lượt đọc lời chào mừng. Đại sứ Ôxtrâylia đánh giá cao sự quan tâm, lòng can đảm của các khách mời Việt Nam đã có mặt tham gia Hội thảo. Ông cho rằng, nội dung cuộc Hội thảo sẽ rất có ích cho Việt Nam.

Ông nói, truyền thông phi nhà nước liên quan đến quyền tự do ngôn luận, là một trong những quyền cơ bản của con người cần được công nhận cả trong hiến pháp cũng như trên thực tế. Ở Việt Nam, các quyền này mới được đề cập đến trong thời gian gần đây.

Ông Tim Wilson cho rằng, Tất cả các quyền con người đều phải được cụ thể hoá bằng luật pháp. Trong khi thực hiện quyền con người không được làm lu mờ đi các cam kết đối với cộng đồng quốc tế. Ở Ôxtrâylia, quyền con người không bị hạn chế bởi rào cản nào.

Về các án hình phạt dựa theo điều 79, 88 khi áp dụng đều phải phù hợp với các công ước mà Việt Nam đã ký kết.

Về truyền thông phi nhà nước, cần phải được hợp pháp hoá, phải đưa vào luật. Internet là một công cụ của truyền thông phi nhà nước. Một sự quản lý hà khắc đối với Internet là một rào cản đối với sự tiến bộ xã hội, sẽ làm tổn hại đến tất cả các mặt của đời sống xã hội. Các loại hình truyền thông cần phải được đối xử công bằng. Các quốc gia tiến bộ cho phép truyền thông phi nhà nước phát triển để có tiếng nói đa dạng. Những qui định cấm đoán phải được dỡ bỏ ở Việt nam.

Bà Padma Raman nói về những vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy tự do truyền thông. Bà cho biết, ở Ốt trâylia, truyền thông độc lập được hỗ trợ bởi các tổ chức chính phủ. Cần thiết lập ở Việt Nam một cơ quan giám sát độc lập để đảm bảo các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế....

Những điều các diễn giả trình bày cũng là các vấn đề mà các tổ chức trong XHDS rất quan tâm. Có một điều thú vị là với số lượng bằng 1/7 số người tham dự nhưng những thành viên của các tổ chức XHDS đã có 8/11 ý kiến tham thảo luận. Những ý kiến đó xuất phát từ tình hình nóng bỏng ở Việt nam hiện nay như: Người dân Ôxtrâylia bị xâm phạm quyền tự do ngôn luận thì được bảo vệ như thế nào? (Tiến Nam), Ở Ôxtrâylia, có trường hợp nào bị bỏ tù về sử dụng Internet? (Huỳnh Thục Vy), Thực hiện quyền tự do ngôn luận mà bị đàn áp, bị bách hại dưới các hình thức thậm chí bị bỏ tù thì cần phải làm gì (Thanh Nghiên)

Các diễn giả và các quan chức đại sứ quán các nước đã tận tình trả lời các câu hỏi của cử toạ. Qua đó, biết được ở Ôxtrâylia không có chuyện ngăn chặn quyền tự do bày tỏ quan điểm. Họ có luật bảo vệ người dám bày tỏ chính kiến của mình. Tất cả các phát ngôn đều được coi là hợp pháp trước khi bị đánh giá là bất hợp pháp. Tự do biểu đạt được coi là hợp pháp trừ thông tin tiết lộ bí mật tình báo, bí mật quốc gia, những trường hợp này đều có chế tài xử lý. Không có trường hợp nào bị bỏ tù về việc sử dụng Internet. Người dân có thể bảo vệ quyền bày tỏ chính kiến thông qua Uỷ ban nhân quyền hoặc Toà án....

Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi. Do thời gian không còn, nhiều ý kiến không được nêu ra. Có thể nói, đây là một cuộc Hội thảo đem lại nhiều điều bổ ích.

Ngài David Shear, đại sứ Hoa Kỳ tại VN

Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Ôxtrâylia tại VN

2. Dù vậy, sự đánh giá là bổ ích hay không còn tuỳ thuộc vào đối tượng cảm nhận nó. Với nhà cầm quyền Việt Nam, chắc hẳn họ chẳng vui vẻ gì trước việc tổ chức một cuộc Hội thảo cổ vũ cho truyền thông phi nhà nước ngay giữa lòng Hà Nội. Vì vậy, những người có giấy mời đã gặp những sự sách nhiễu, cản trở từ phía công an VN.

Ngay sau khi cuộc hội thảo kết thúc, Phạm Thanh Nghiên bị một đám mật vụ đeo bám. Tới khu vực số 247 Đội Cấn, chúng yêu cầu cô về đồn công an. Vì chúng mặc thừơng phục, không xuất trình thẻ nên cô kiên quyết không hợp tác. Sự việc được bạn bè lập tức thông báo tới đại sứ quán Ôxtrâylia. Ông David Skowronski - Tuỳ viên chính trị của sứ quán đã tới kịp thời cùng bạn bè Thanh Nghiên hỗ trợ cô về đến nhà thờ Thái Hà. Mọi người lo lắng, làm sao đưa cô về Hải phòng an toàn. Cuối cùng quyết định cải trang cho Nghiên, tìm cách đánh lạc hướng những kẻ theo dõi truy bắt cô. Phạm Thị Lân được điều động khi đang trên đường đến phục vụ đám tang anh Nguyễn Anh Dũng, đem áo, khẩu trang, dép cho cô thay. Cuối cùng thì anh chị em đã đưa Thanh Nghiên về nhà an toàn.

Phạm Thanh Nghiên vô tư chưa hiểu điều gì sắp xảy ra

Trước hôm Hội thảo diễn ra, Trần Thị Nga và Huỳnh Phương Thảo bị bao vây tại nhà nghỉ Trúc Sơn số 850 đường Láng Hà Nội. Nửa đêm, hai người bị rất nhiều công an bao vây, phá cửa đòi kiểm tra phòng. Các cô phải cố thủ bên trong với nỗi sợ hãi và đói khát suốt đêm cho tới khi cuộc Hội thảo tổ chức xong, chúng nới lỏng vòng vây, các cô mới thoát ra được.


Công an phối hợp với côn đồ bao vây Trần Thị Nga và Huỳnh Phương Thảo tại nhà nghỉ.

Trước đó, trên đường tới sân bay để ra Hà Nội tham dự Hội thảo, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị cảnh sát chặn xe. Chúng ngang ngược nói:

- Chúng tôi là cơ quan công an yêu cầu chị làm việc, chị có nghĩa vụ phải phối hợp và không có chuyện gì là tự nhiên khi chị bị chặn như vậy cả. 

Như Quỳnh cho biết, cô bị chúng khiêng như khiêng heo vào đồn, tịch thu điện thoại, chứng minh nhân dân, giành giật hành lý. Rồi chúng ấn cho cô cái giấy mời đến công an tỉnh vào đúng thời gian diễn ra Hội Thảo. Cô bị giữ ở đồn công an hơn 9 giờ.

Còn ở Sài Gòn, Phạm Bá Hải cũng chung trình trang với Như Quỳnh, cũng bị bắt trên đường ra sân bay rồi cũng nhận được giấy mời sáng hôm sau đến công an làm việc.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, Hội anh em dân chủ cũng có hai người bị chặn. Đó là sinh viên Nguyễn Văn Tráng, quê ở Thanh Hóa. Từ sáng hôm trước một nhóm an ninh từ 3 đến 5 người đi vào trong lớp học cùng anh, tối hôm qua họ canh cả đêm và đến nửa đêm gây áp lực với chủ nhà đuổi anh về quê. Không còn nơi tá túc nên đang đêm anh phải về quê cách Thanh Hóa 30 cây số.

Một thành viên khác là Tạ Minh Thư. Hôm trước an ninh đến gia đình chị gặp bố mẹ của Thư, yêu cầu hôm nay giữ Thư ở nhà không cho đi.

Như vậy, có ít nhất 6 người là khách mời của Ban tổ chức nhưng bị chặn không tham gia Hội thảo được.

Quyền công dân được quy định cụ thể trong hiến pháp. Theo đó Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Thế nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt nam luôn tìm cách bịt miệng những tiếng nói mà họ không thích. Việc chặn người này người khác không cho xuất cảnh, ngăn chặn biểu tình, phá thối những buổi họp mặt của các nhóm XHDS không có gì mới. Việc ngăn chặn bất hợp pháp này vẫn ngang nhiên xảy ra nơi mà nhà cầm quyền luôn cho là quyền công dân được đảm bảo, nơi mà nhà nước đã ký công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, cam kết với Hoa kỳ và Châu Âu về việc đảm bảo quyền con người, tự do báo chí...

Sự ngăn cản, khủng bố bằng những biện pháp ngang ngược, thô lỗ và mông muội đó không thể nào dập tắt được những tiếng nói nghiêm túc, chính trực. Nó chỉ làm phơi bày sự kém cỏi, mục ruỗng của chế độ, phơi bày những gì Nhà nước đã tuyên truyền, cam kết trong khi tìm cách hoà nhập với cộng đồng quốc tế.

31/7/2014

NGUYỄN TƯỜNG THUỴ




4 nhận xét:

  1. Nặc danh1/8/14 7:29 CH

    Khi nghe chuyện cấm đoán ngăn cản quyền tự do đi lại của công dân , CAVN sẽ ăn nói ra sao với các phái đoàn ngoại quốc ? Không lẽ họ bảo đó không phải là CA , mà là lưu manh và côn đồ đội lốt CA ?.

    Chuyện cấm đoán và che đậy của CSVN làm tôi tưởng tượng ra một chuyện :

    Đứa bé hỏi bố
    _ Mỗi lần con đi toilet , con không thích mùi hôi thối thì con phải làm Sao ?
    _ Bịt mũi lại !
    _ Nhưng con cũng không thích âm thanh trong lúc đang đi toilet ?
    _ Bịt lổ tai lại !
    _ Nhưng con cũng không thích thấy hình ảnh dơ dáy cuả phân ?
    _ Nhắm hai mắt lại !
    _ Cái gì cũng bịt lại cả thì làm sao con " Điṇh hướng " được nhà vệ sinh ở đâu ? Làm sao con có bổn phận làm công tác vệ sinh ?
    _ Bịt hậu môn lại !
    _ Nhưng ăn vào mà bịt hậu môn thì làm sao ổn ?
    _ Bịt miệng laị !
    _ Cái gì bố cũng muốn bịt hết như như ĐCSVN vậy ?

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh1/8/14 9:30 CH

    Không ĐÃ KÍCH, chỉ xin ĐỀ NGHỊ

    Đề nghị bác Tường Thụy nên dùng từ chính xác như:

    "Ôxtrâylia" phải là ÚC hay AUSTALIA.
    "Niu Dilân" phải là TÂN TÂY LAN hay NEW ZEALAND.

    Có như vậy tuôi trẻ VN mỗi khi nhìn vào bản đồ thế giới thường dùng để dể nhận ra đó là nước nào.

    Xin bác đừng VÔ TÌNH tiếp tay với lũ bầy đàn CS dùng những từ ngữ dịch thuật do lũ bần cố nông CƯỚP chính quyền, loài súc vật VIỆT GIAN cọng sản bán nước hại dân NGU DÔT với mục đích BẦN CÙNG HÓA và ĐẦN ĐỘN HÓA dân tộc VIỆT theo lệnh TÀU.

    KÍNH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi dùng từ theo văn bản của Ban tổ chức Hội thảo

      Xóa
    2. Nặc danh2/8/14 7:31 CH

      Cám ƠN Bác TT giải thích.
      Kính

      Xóa