Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

“SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA” HAY LÀ BỆNH NGỦ CỦA THƠ?

Trần Mạnh Hảo

Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều, do nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 1992, dù đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng về thơ năm 1993, cũng không làm tôi cần thiết phải tìm đọc, bởi giải thưởng này đã hơn một lần làm thất vọng người yêu thơ. Sở dĩ tôi phải tìm đọc tập thơ này vì những lời tuyên bố của Nguyễn Quang Thiều trên một vài tờ báo tết Giáp Tuất vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả của Sự mất ngủ của lửa phán rằng thơ đương đại Việt Nam hiện nay tựu trung chỉ là một dàn đồng ca đơn điệu và tẻ nhạt, họa may chỉ còn có Kiều Minh và Nguyễn Quyến (!). Rằng, thơ Việt Nam xuất phát từ đầu óc tiểu nông nên thấp bé, tủn mủn, vặt vãnh, không thể vươn lên cái tầm cao ngất ngưởng của thời đại công nghiệp khổng lồ của thơ tây…

Chính vì vậy tôi nóng lòng tìm đọc xem bằng Sự mất ngủ của lửa Nguyễn Quang Thiều đã thoát khỏi vũng bùn tiểu nông thơ Việt Nam như thế nào mà lớn tiếng dường ấy ? Không phải là cảm giác nữa, mà đọc xong tập thơ, tôi tin rằng Nguyễn Quang Thiều đã sáng tác thơ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha, rồi tỷ mẩn tự dịch thơ mình ra tiếng Việt Nam… Từ cách cảm, cách nghĩ, cách ví von, liên tưởng, cách hành văn, kết cấu… tất thảy đều như… tây cả, tịnh không có chút không khí Việt Nam nào, toàn là một thứ thơ tây giả cầy. Sự mất ngủ của lửa đã làm tôi quá thất vọng vì cái giải thưởng kia và những lời tuyên bố huyênh hoang, thiếu nghiêm túc và thận trọng của Nguyễn Quang Thiều về nền thơ Việt Nam hiện nay. Tập thơ được viết lấy được, cố ý tỏ ra uyên bác và mới mẻ tân kỳ, thiếu cảm xúc, thiếu hồn vía, muốn siêu thực mà lại không biết cách tôn trọng cái lôgíc của sự thực, ý tứ ông chẳng bà chuộc, tản mạn, rời rạc, như là thứ thơ vừa xổ ra từ trong bản nháp không thông qua bàn tay biên tập.
Chúng ta hãy thử khảo sát một cơn mơ của tác giả :

… Trong cơn mơ đói và buồn
Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua
Như dao sắc phất vào tôi tứa máu
Tôi nấc lên một câu hỏi như người sặc khói
Rằng nếu tôi lấy họ
Tôi sẽ ngủ với họ thế nào…
(Câu hỏi cuối ngày trang 53)

Vâng “nếu tôi lấy họ, tôi sẽ ngủ với họ thế nào”. Tôi như không thể tin vào mắt mình được nữa. Rằng, người ta đã viết một cách tỉnh khô, thậm chí còn ra vẻ đau đớn và suy tư về một điều bất nhã, thậm chí nhảm nhí và bậy bạnhường ấy. Rằng khi anh ta đói và buồn, nhất là lại đói và buồn trong giấc mơ, thì anh ta có quyền khát khao bất cứ điều gì, kể cả những điều đạo đức và văn hóa của anh không cho phép ? “Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua” anh, là chuyện hết sức bình thường. Nhưng cơn cớ gì, căn bệnh gì, khiến anh tiếp nhận hình ảnh kia một cách khác thường như đỉa phải vôi vậy ? Thấy các cô gái cưỡi xe mặc váy, tự nhiên tự lành, tác giả như lăn đùng ra mà quằn quại một cách vô lối : “Nấc lên một câu hỏi như người sặc khói”. Những tưởng câu hỏi gì trang trọng và nhân thế lắm. Ai dè, tác giả đưa ra một thèm muốn lố bịch : “Rằng nếu tôi lấy họ, tôi sẽ ngủ với họ thế nào” ! Xin lỗi ! Một tay đàn ông mà hễ gặp đàn bà con gái nào đi qua, cũng đều mang ý nghĩ rằng nếu ta mà lấy được mi, ta sẽ ngủ với mi như thế nào đây, thì tất người đàn ông kia là một kẻ thô bỉ, thiếu văn hóa, huống hồ… Cuối bài thơ này, Nguyễn Quang Thiều gặp mấy cô buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ, tóc tai quần áo sặc mùi cá khô… và anh, nhà thơ cũng tự hỏi mình rằng nếu ta lấy được mấy mụ bán cá kia, ta sẽ ngủ với họ như thế nào đây ? Tôi ngờ rằng chỉ có một người chữa được căn bệnh trăn trở này của tác giả chính là bà xã của ông ta mà thôi. Thơ mà hiện đại đến như thế này thì tôi không sao chịu nổi.

Cầu mong Sự mất ngủ của lửa đừng biến thành con ruồi Tsé-Tsé tận bên Phi Châu để đốt vào nàng Thơ căn bệnh ngủ li bì cho đến chết.

Tác giả của Sự mất ngủ của lửa, cứ tưởng là một người đàn ông mạnh mẽ đến lì lợm, ai dè anh lại là một nhà thơ hay khóc nhất Việt Nam. Tập thơ chỉ có 25 bài nhưng đã hơn 25 lần tác giả òa khóc hoặc ứa nước mắt, đấy là chưa kể những lần tác giả bị nghẹn nấc. Cái sự khóc của tác giả kéo dài từ trang 8 đến trang 59 : quỳ xuống ấp cát vào mặt, khóc, thấy vợ con, khóc, gặp mấy bà góa, khóc, không tìm thấy chân mình, khóc, thấy các em trinh trắng quá, khóc, không gặp mẹ, khóc, oán hận quá, khóc, thấy người tủi thân, khóc, giữa đường làng khóc, ngờ mình bị tâm thần khóc… Thậm chí : “Sự dịu dàng của chó làm anh bật khóc” (trang 39). Hoặc : “Ngửa mặt cười trong tiếng khóc mộng du” (trang 49), “Xa hơn nữa tôi khóc cùng mùa hạ” (trang 55). “Ta khóc trong cỏ gai, ta khóc trong rơm rạ, ta khóc thành rêu” (trang 58)..

Tôi không thể tin vào một con người trước mọi vấn đề, mọi tình huống đều chỉ biết một lối thoát duy nhất : ngẩn ra mà khóc. Đằng này, anh lại là một nhà thơ ưa tỏ ra mình hay suy tư, mơ mộng, lúc nào cũng ráng gân sức để chứng tỏ sự khổng lồ trong bút pháp của mình. Chính vì nhẽ đó, Nguyễn Quang Thiều có thể đã trở thành nhà khóc học trong thơ hiện đại của ta. Tôi chưa có vinh hạnh được nhìn con cá sấu khóc. Nhưng cái sự hay khóc của nhà thơ này khiến tôi không thể cảm động nổi, vì cái sự khóc chỉ có thể là chính nó, nếu nó được khóc đúng chỗ và đúng lúc.
Người hay khóc vặt ấy, thậm chí thấy một con chó dịu dàng quá cũng òa khóc mà lại chỉ ước ao sau khi chết được biến thành một con chó thì lạ thật, nghịch lý thật :

Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi
(Bài hát cố hương, trang 60)

Cái người có mơ ước như thế này, dứt khoát phải là người gan cùng mình, bặm trợn, bất cần đời, thậm chí oán hận kiếp người đến mụ mẫm, chứ quyết không phải là gã đàn ông đụng vào bất cứ món tóc tơ nào ở đời cũng òa lên mà khóc. Do đó, người đọc không còn tin được nữa, vì cái ước muốn quá ư giả tạo ấy. Trước đó, nhà thơ đã viết về Bầy chó của tôi ở trang 45, tác giả nhìn con chó thật ghê tởm :

… Sủa cay đắng, thảm sầu, man rợ
Hay sợ đêm mà sủa vào bóng tối
Hay sợ nhau mà sủa vào nhau
Bầy chó gầy bẩn thỉu ốm đau
Ngày lùng sục kiếm ăn
Liếm cả lưỡi vào dao sắc ngọt
Lưỡi bị cứa máu trào ra ở đó
Con đến sau lại liếm máu bầy mình

Nhìn con chó, loài chó một cách kinh hãi như vậy, mà vẫn chỉ mong sau khi chết biến thành con chó nhỏ, con người thế ấy có thể tin được chăng, có thể biết cách nói với ta về những điều tốt lành tươi đẹp được chăng ?

Thơ muốn đi vào cái thế giới không chừng mực của tâm linh con người, việc đầu tiên là nó phải chấp nhận cái lôgíc của thế giới chừng mực đã. Thơ Nguyễn Quang Thiều chưa đạt được cái siêu nhưng đã phạm quy trong trường thi của cái thực. Ta thử đọc bài thơ mang số ba La Mã trong Mười một khúc cảm của anh :

Người đàn bà có một gia tài hơn ta là biết khóc trước ta
mười bốn năm
Giờ trong vòng tay ta đam mê quay lại khóc nghi ngờ
Ta đi về cửa ngõ của chiều
Ta đi về thuở ta chưa cắt rốn
Ta đi về thủa ta còn sóng sánh
Và ta chạm lời nguyền vĩ đại
Man rợ ngân lên từ phía tối mặt trời

Đúng là rau nào sâu ấy, khi nhà thơ có cái đức hay khóc thì đến cái người đàn bà của anh ta, mặc dù lớn hơn anh những mười bốn tuổi lại cũng mắc chứng hay nhè. Khi người đàn bà lớn hơn người đàn ông mười bốn tuổi, lại đang nằm gọn lỏn trong vòng tay của anh tình nhân bé bỏng, hẳn là bà ta tí tởn lắm, chứ nào có cần gì căn bệnh suy tư triết học của tác giả mà nấc lên tiếng khóc nghi ngờ ? Điều này không thể tin nổi vì nó phi lôgíc. Ca dao có câu : “Nạ dòng vớ được trai tơ, Đêm nằm hí hửng như ngô được vàng”. Người đàn ông có quyền ôm người đàn bà hay khóc ở bất cứ nơi đâu, rồi đi về đâu mặc kệ, chẳng có điều gì ghê gớm và hệ trọng cả. Vậy mà tự nhiên tự lành, tác giả bỗng làm ra như là chuyện kinh thiên động địa vậy : “Ta chạm vào lời nguyền vĩ đại, Man rợ ngân lên từ phía tối mặt trời”.

Cái việc anh ôm người đàn bà và cái việc chạm vào lời thề vĩ đại đến man rợ là hai việc chẳng liên quan gì đến nhau. Chỉ tội ông mặt trời bị người ta ăn ốc, mình đi đổ vỏ. Thường gặp những chi tiết, những sự việc trong thơ Nguyễn Quang Thiều đi bên nhau một cách ông chẳng bà chuộc như thế, chẳng hề có dây mơ rễ má gì với nhau, phá bỏ và từ chối mọi lý lẽ đơn giản của đời sống, của cái thực, rồi hô hoán lên rằng tôi làm thơ siêu thực, rằng tôi không viết cho sự hiểu. Muốn siêu thực, trước hết thơ phải đi qua, đi tới tận cùng, tới đầu mút của hiện thực cái đã. Thơ anh chưa thể tất, chưa biết điều, chưa học được phép ứng xử của cái thực mà đã đòi siêu thực thì quả là con ễnh ương của La Fontaine rồi còn gì. Đây âu cũng là căn bệnh chung của các nhà thơ nhận thơ mình siêu thực hiện nay. Trường thơ siêu thực xuất hiện ở Pháp đầu thế kỷ hai mươi đưa người ta đi về cái vô nghĩa, từ chối sự hiểu của thơ. Người ta hỏi ông vua phái siêu thực rằng ông viết cái gì tôi không hiểu ; nhà thơ siêu thực trả lời : đến tôi còn không hiểu tôi viết gì huống hồ là các ông !

Nguyễn Quang Thiều là người không cẩn trọng, không kỹ càng, nên nhiều câu thơ của anh sơ hở đến mức ngớ ngẩn :
… “Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi ta chẳng còn biết nữa
Ta ôm nhau ngồi thở dưới sao trời…
(Những ngôi sao, trang 21)

Rõ ràng cặp tình nhân này ôm nhau bao đêm dưới trời sao hẳn là đang còn sống nhăn răng ra đấy, việc gì tác giả còn thừa nhời, rách việc tự giới thiệu rằng chúng ta đang thở đây. Khi một con người đang hấp hối, muốn kiểm tra người này đã chết hay chưa, người ta hỏi nhau : còn thở không ? Người ta chỉ đòi nhà thơ cần phải biết giữ ý tối thiểu của đời sống, không nên gặp ai cũng giới thiệu rằng mình đang thở đây, người ta sẽ ngờ anh đấy.

Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, chưa thấu được cái lý đương nhiên ở đời, thơ đã đòi phi lý một cách không thèm ngó ngàng đến thời kỳ quá độ của sự phát triển sự vật thì quả tác giả liều mạng thật.

… “Nơi bầu vú ăn vào đá sỏi
Cứ nâu dần sau mỗi tiếng u u…”
(Mười một khúc cảm, trang 28)

Bầu vú của người đàn bà là chuyện hoàn toàn cụ thể, ăn là động từ rất cụ thể, đá sỏi càng không phải là một khái niệm, cớ sao bầu vú kia lại ăn được đá sỏi ? Càng kỳ lạ hơn nữa, sau khi cái bầu vú kia nâu dần, nó chợt ngân u u lên như vỏ ốc ?

Muốn đạt được nghĩa bóng trong thơ, trước hết cái nghĩa đen phải đúng, phải hợp lý chứ ? Đâu phải cứ nhà thơ thì có toàn chuyện bịa đặt, quyền biến con rắn thành cái tăm và biến con voi thành hạt mít ?

Tác giả của Sự mất ngủ của lửa chừng như bị bầu vú của đàn bà ám như ma ám, khiến trong cùng một bài thơ, cùng một trang thơ, khi viết về bầu vú của đám bà góa trong làng anh, đã thiếu sự nhất quán :

“Bầu vú họ mệt mỏi nằm ngoẹo đầu và trở nên nghễnh ngãng,
không còn nghe được tiếng gọi đàn ông…

Chưa nói đến kết luận này thiếu khoa học, thiếu chính xác về cơ thể học, y học… ngay sau đó, tác giả chợt ngược lại

… “Bầu vú họ vươn về ngọn lửa giới tính và nhóm lên đâu đó…
(Những thí dụ, 7 trang 37)

Sự tiền hậu bất nhất ngay trong một câu, một đoạn thơ của tác giả còn khá nhiều, chỉ xin lấy ví dụ trong bài Trên đại lộ trang 52. Bài thơ kể lể một cách tỉ mẩn, rề rà, lê thê về những người đàn bà đi đánh dậm về trong nỗi thống khổ, thậm chí nhếch nhác của nỗi buồn tiểu nông thảm hại. Tuy nhiên, sự trái ngược của hai câu thơ nằm kề sát nhau khi tác giả cùng một lúc viết : “Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận… Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương”. Ôi, những kẻ thất trận của Sự mất ngủ của lửa ơi, ta xin chào mi, vì lẽ gì mà mi được gắn nhiều huân chương trên ngực rứa ?

Với những người đàn bà bình thường đi đánh dậm về, tác giả tả chân một cách dửng dưng, khinh bạc, tự nhiên chủ nghĩa, nếu không nói rằng anh có cái nhìn nhẫn tâm :
… “Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu
Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người

Trong cuộc sống, có những điều tế nhị, thậm chí vì phép giữ vệ sinh, người ta không nói ra, huống hồ đây lại là thơ, tiếng nói của cái đẹp. Mùi tanh cua ốc tỏa ra từ những người đàn bà lẽ nào lại là đối tượng miêu tả của thơ anh ? Không hiểu cái nhìn của nhà thơ có quá độc đáo, khứu giác quá nhậy bén hay sao mà những người đàn bà trong thơ anh thường bốc mùi kỳ dị ?

Ở trang 54, tác giả còn tả các cô gái ngủ với “tóc tai quần áo sặc mùi cá khô”. Hay vì những người đàn bà một thời là đối tượng của hương hoa, của cái đẹp, nay muốn làm cuộc đổi thay thơ ca, người ta cần phải tả ngược lại ? Ngay những người đàn bà góa bụa cũng bị tác giả ví với cào cào châu chấu. Cái nhìn tự nhiên chủ nghĩa của Nguyễn Quang Thiều mang nặng phần ám ảnh, ẩn ức về sex của Freud :

… “Những bàn tay đàn ông
Bò ngược đùi đàn bà như từng chùm chân dán !! …
(Bầy kiến qua bàn tiệc, trang 50)
“Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những
mầm cây nhoi lên khỏi đất”
(Bài hát cố hương, tr. 59)
“Bầu vú em gió núi thổi mát rượi”
“Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa”
(tr. 7)
… “Con chó liếm mãi, liếm mãi
Liếm mãi, liếm mãi, liếm mãi…
(tr. 39)

Trong khúc số năm La Mã của Mười một khúc cảm, tác giả tả người đàn ông điên cởi truồng trong cái nhìn của một người đàn bà tỉnh táo đi qua đường, rồi triết lý một cách hết sức lẩm cẩm :

… “Người đàn ông điên không quần áo đang đi trên đường phố
Thứ tự do này làm hoảng sợ mọi thứ tự do…
Trong sự hổ nhục của người đàn bà đi qua mặt người đàn ông điên
Trong sự không hổ nhục của người đàn ông điên trước chúng sinh
và mặt trời
Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác

Cái chuyện đôi khi ta bắt gặp một người điên đi trên phố trong bộ đồ của Ađam và Eva là một chuyện thường tình. Thế mà tác giả cuống lên, quan trọng hóa vấn đề lên như vừa thấy quả bom nguyên tử lăn trên đường. Người điên không ý thức và không chịu trách nhiệm về hành động tự khỏa thân của mình, do đó không nên và không thể gọi đó là thứ tự do như tác giả gán ghép để làm hoảng sợ mọi thứ tự do. Một người đàn bà tỉnh táo là một người đàn bà không hề cảm thấy hổ nhục khi vô tình trên đường nhìn thấy một người đàn ông điên khỏa thân như tác giả tưởng tượng ra. Có gì đâu mà đến nỗi ghê gớm mức đó ? Chấp với một người điên và bảo người điên không biết hổ nhục, đoạn tác giả đòi vẽ mắt loài người ra thành hình lục giác chỉ vì không thể chấp nhận một gã đàn ông điên khỏa thân đi trong cái thế giới vô cùng tỉnh táo của thi ca !

Triết lý, ví von lẩm cẩm, khập khiễng là một đặc trưng thơ của Sự mất ngủ của lửa :
… “Cốc cà phê càng nguội
Màu đen cà phê càng đen
(tr. 26)
Khói đã phủ quanh phổi ta
Con rắn nước trườn qua cổ họng”
(tr. 26)
“Con bò nguyền rủa con đường quá dài
Người đàn ông nguyền rủa con bò đi quá chậm”
(tr. 12)
“Chiếc bóng điện 1000 oát – vầng mặt trời giả dối”
(tr. 51)

Trong bài thơ mang số sáu La Mã, trang 30, sau khi cái áo sơ sinh của con mình bay qua cửa sổ, không rõ vì cái lôgíc siêu phàm nào mà tác giả đột nhiên phang một câu xanh rờn :
“Cái mỉm cười nhạo báng của thời gian”

Một đặc trưng của tập thơ này là hầu hết các câu thơ không dính vào nhau, nó toàn ông chẳng bà chuộc, nói lấy được, bất chấp những quy luật của tư duy và cảm xúc. Đây cũng là sở trường của các nhà thơ mới đây đốc ra hiện đại và toan đổi gác cả nền thơ. Thường thì nhiều câu thơ của dạng thơ này bị mắc cái nạn dùng chữ quá dư thừa. Bởi họ viết nhanh như máy và quên đắn đo sửa chữa. Xin lấy một thí dụ chỉ một câu ở trang 7 là trang đầu :

… “Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy”. Câu thơ 17 chữ, có thể bỏ bớt đi 5 chữ mà nó vẫn vậy. Tôi xin rút gọn câu này dùm tác giả : “Những chiếu xa quê mong dòng sông ngang trời cho tôi nhìn”.
Bênh cạnh cái non kém lồ lộ của nghệ thuật làm thơ, có ý mà thiếu tứ, có quả mà không nhân, nhiều chữ mà ít nghĩa, ưa triết mà thiếu lý, muốn tâm mà thiếu huyết… Tác giả còn vướng một đôi mắt nhìn thiếu trong sáng, thiếu tôn trọng những người đàn bà, vốn từng là biểu tượng của nghệ thuật, của cái đẹp từ ngàn xưa đến nay. Mặt khác, thơ ca anh chính là bằng chứng chống lại anh trong thái độ thiếu nhất quán, khiến người đọc không còn khả năng tin tưởng vào nhà thơ nữa. Ở trang 26 anh cao hứng hứa : “Hốc mắt ta khô dù chỉ khóc một lần”. Nhưng thực ra trong tập thơ hai mươi lăm bài, anh đã òa khóc đúng hai mươi lăm lần không kể bao lần nghẹn nấc. Chính vì vậy, Nguyễn Quang Thiều cứ giả giả thế nào ấy. Anh càng cố ý tỏ ra cảm động, tỏ ra mùi mẫn, thì người đọc càng không thể mủi lòng. Thơ cũng như tình yêu vậy, càng cố gắng tỏ ra, cố gắng gồng mình lên chừng nào càng thất bại chừng ấy.

Nguyễn Quang Thiều cần phải có duyên khi khóc và khi triết lý, ẩn dụ, khái quát, họa may thơ ca còn mở lối cho anh. Tuy nhiên, phải công nhận anh có khả năng liên tưởng khá tốt, khả năng dùng hình tượng một cách liều lĩnh, ngổ ngáo, bất ngờ. Dù vậy, những khả năng trên đều là con dao hai lưỡi, cần phải biết dùng đúng chỗ, đúng lúc mới mang lại hiệu quả.

Công bằng mà xét, trong tập thơ này, đôi chỗ cũng còn có một vài câu thơ khá ngộ nghĩnh, hoặc vài ba đoạn tương đối cảm động khi anh viết về quê hương, về làng xóm mình. Tuy nhiên, phải thẳng thắn mà nói với nhau rằng, tập thơ này còn quá non kém về nghệ thuật. Nhưng tại sao người ta lại trao cho nó giải thưởng ? Đó là điều người viết bài này không sao hiểu nổi. Dư luận trên sách báo, ngoài đời đã nhiều lần ta thán về giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1993. Việc đẩy những sản phẩm tầm thường, thậm chí dở, lên thành hay, đánh lạc hướng thị hiếu của lớp trẻ, đánh bùn sang ao như kiểu này thì thật tai hại cho tương lai thơ, tương lai văn học.

Người viết bài này thật cũng chẳng sung sướng vinh dự gì khi phải vạch ra những điều yếu kém, cẩu thả, thiếu nghiêm túc của một tập thơ như thơ dịch( mà dịch dở) từ tiếng Tây này. Nhưng vì trách nhiệm và nỗi lo lắng trước sự xuống dốc của văn học, của những đánh giá thiếu thận trọng về giá trị của một thi phẩm, nền đành gồng mình ra lên tiếng. Rất mong nhận được sự trao đổi của những nhà phê bình thơ vốn lâu nay im hơi lặng tiếng, để thước đo cái hay cái đẹp tìm lại được tiêu chuẩn của mình.

Sài Gòn ngày 12/2/1994

1 nhận xét:

  1. Nặc danh30/9/14 7:29 SA

    Nhung nguoi cham cho Tap Tho nay doat giai-thuong trong hoi nha van, tram-phan-tram la ho cung "lam dang" vi chung-to ta day cung "biet" duoc tho sieu-thuc...! Tuy-nhien , khi cam tap tho ve nha, ho se de phu bui tren gia sach den vai tram nam sau. Tom lai, cung phe-phai va cung "lam dang"!

    Trả lờiXóa