Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Hội Nhà báo độc lập VN: 3 tháng và những người ủng hộ mới

Phạm Chí Dũng




Con thuyền Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã phải chịu một cơn chòng chành vào đầu tháng Chín năm 2014. Một phần rung động ấy bị kích thích bởi đội ngũ dư luận viên cực đoan - những người ăn tiền thuế của dân nhưng chỉ muốn tận diệt sức sống non trẻ của một hội đoàn dân sự nói thay tiếng lòng nhân dân.

Song ngược hẳn với luồng thông tin cố ý về “Hội NBĐL chắc chắn sẽ tan rã”, 3 tháng độc lập của tổ chức dân sự này đã đủ mô tả cho quy luật hình thành và lớn lên theo thời gian, nằm trong xu thế mà ngay cả những người thuộc “Nhóm thủ tướng” như cựu bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng phải “đã đến lúc cần thừa nhận Xã hội dân sự”.

Không có gì đáng gọi là “tan rã”, nếu không muốn nói ngược lại, mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Bản thông báo số 6 của Hội NBĐLVN vào ngày 11/9/2014 đã trở thành điểm mốc cho sự kết thúc toàn bộ các mưu tính xúc xiểm chia rẽ mà khó có thể mô tả khác hơn là bẩn thỉu và ti tiện.

Bình thản và tự tin, chúng tôi tin rằng quy luật trải qua tiểu phẫu vào thời gian đầu tồn tại cũng là một đặc thù không tránh khỏi của phần lớn tổ chức dân sự còn khai sơ, nhưng để sau đó tiến trình phát triển sẽ được đẩy nhanh hơn chưa không lụn bại.

Thực tế đang cho thấy quy luật trên là tác dụng. Bỏ qua mọi công kích cả trong lẫn ngoài, Hội NBĐLVN đã thản nhiên vượt sốc và vượt dốc. Chỉ ít ngày sau “biến cố” của Hội, nữ nhà báo chuyên nghiệp của giới báo chí Tây Âu - cô Anne Nguyen - đã trở thành hội viên mới và là đại diện đối ngoại đầu tiên của Hội NBĐLVN ở nước ngoài. Mối quan hệ và liên kết với các tổ chức phi chính phủ về báo chí, truyền thông và dân chủ cũng vì thế đang có cơ may ló rạng.

Trang web Việt Nam Thời Báo của Hội NBĐLVN cũng đang sát nghĩa hơn với các nhà báo độc lập và tâm trạng dân chúng. Sang đầu tháng 10/2014, lượng truy cập bình quân hàng ngày của tờ báo này đã vượt trên ngưỡng 30.000. Hai địa chỉ truy cập VNTB là:
ijavn.org
vietnamthoibao.org

Trục trặc duy nhất về “đối nội” trong thời gian qua chỉ là việc một hội viên Hội NBĐLVN - cây bút trẻ Nguyễn Thiện Nhân ở Bình Dương - bị công an sở tại “mời làm việc”. Tuy nhiên, kết quả buổi gặp mặt này là khá ôn hòa. Điểm có thể ghi nhận là thái độ của Công an Bình Dương với hội viên Hội NBĐLVN là chừng mực và thể hiện một sự tôn trọng nhất định.
Thế nhưng điều đáng buồn là trong khi không bị cơ quan an ninh gây sức ép, doanh nghiệp nơi anh Nguyễn Thiện Nhân làm việc đã vội vã sa thải anh, gián tiếp gây khó khăn hơn cho hoàn cảnh phải chăm sóc người mẹ bệnh tật của anh...

*** 

3 tháng trải nghiệm của Hội NBĐLVN đang được đánh dấu bởi việc đại diện ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đến Washington, cùng đề nghị “Cả hai nước cần tăng gấp đôi nỗ lực của mình để làm sâu hơn quan hệ hai nước”. Nhìn lại một năm trước, chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Hà Nội đã mở đầu cho thái độ mặc nhiên thừa nhận Xã hội dân sự từ phía giới lãnh đạo Việt Nam.

Những hội viên, người ủng hộ và cảm tình mới cũng theo đó đã và đang đến với Hội NBĐLVN. Nhưng rất đáng trân trọng và khích lệ, họ không chỉ nằm trong không gian “bất đồng chính kiến” mà còn khởi đi từ khu vực báo chí nhà nước, công chức nhà nước và cả trong đảng cầm quyền.

Xu thế giao hòa dân sự và dân chủ hóa ở Việt Nam là quá khó để đảo ngược. 2015 sẽ là thời gian chứng nghiệm dần kết trái của Xã hội dân sự nói chung và Hội NBĐLVN nói riêng.

Có thể hiểu rõ tình cảm thất vọng lộ liễu và tràn ngập của những người bỏ mặc nhân dân, giới dư luận viên cực đoan và những kẻ ăn không ngồi rồi sau tất cả những gì đã diễn ra. Có lẽ họ sẽ phải chờ đợi rất lâu nữa, hoặc không bao giờ, nếu muốn chứng kiến một sự “đổ vỡ” lần thứ hai của Hội NBĐLVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét