Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Ngày này năm trước

Trích nhật ký của biểu tình viên Nguyễn Thúy Hạnh


9/12/2012

Trái với thường lệ, đêm qua mình ngủ ngon, đến tận 6h sáng mới thức giấc. Mình linh cảm cuộc biểu tình hôm nay sẽ thành công, bởi tình hình Biển Đông căng thẳng thế này thì chính quyền ít nhất sẽ không đàn áp tinh thần dân tộc. Mình vội ra khỏi chỗ ẩn nấp vì nếu bị phát hiện và chặn ở ngoài thì lỡ mất kế hoạch.

Đạp xe qua địa điểm tập trung để nghe ngóng tình hình mình thấy một chiếc sân khấu đã được dựng sẵn ngay tại cửa nhà hát lớn với băng rôn: “Chương trình ca nhạc NHỊP SỐNG TRẺ”, nhạc xập xình mở hết cỡ. Tim mình bỗng thấy nhói đau. lãnh thổ của tổ quốc đang bị xâm phạm mà lực lượng thanh niên được mang ra ru ngủ thế này đây! 

Xung quanh khu vực Nhà hát lớn chỗ nào cũng đầy những công an chìm nổi, mắt cú vọ nhìn khắp lượt người qua lại. Gọi cho anh Tô Oanh thì được biết anh ấy đang ngồi ở vườn hoa gần bảo tàng lịch sử, mình gửi xe vào bà ngoại rồi ra ngồi cạnh anh ấy. Nghĩ thương anh Tô Oanh, 4h sáng đã đạp xe từ Bắc Giang về HN tham gia biểu tình, trời rét mướt thế này, mà cái xe đạp thì cũ mèm. Anh ấy kể rằng bác Trâm đã bị giữ ở phường, còn bác Khánh mặc dù “dạt vòm” từ hôm trước nhưng vẫn bị bắt và cũng đang bị giữ tại đó, rằng bác Khánh cứ thắc mắc là sao đã đi lánh bí mật thế mà sao chúng vẫn biết chỗ. 

Mình gọi điện cho chị Phương Bích, thì ra chị ấy đang bị cả chục công an quản thúc tại nhà. Hôm qua mình rủ chị ấy cùng đi lánh nhưng chị ấy từ chối, bảo muốn công khai, đàng hoàng đi biểu tình chứ không phải trốn tránh. Thế là hôm nay cuộc biểu tình mất một nòng cốt. Nhiều người khác đã tránh đi từ hôm trước, thế lại may.

8h30, mình bảo anh T.O đi gửi xe đạp rồi 2 anh em ra phía nhà hát lớn để tập hợp dần lực lượng. Đến vườn hoa cạnh nhà hát thì mình gặp Lê Anh Hùng cùng một cháu thanh niên đang đứng đó. Ghế đá bên cạnh cũng có 2 bác người mình đang ngồi. Mấy người rủ nhau trà trộn vào đám đoàn viên đang đứng làm khán giả xem mấy cô mặc quần lưới váy ngắn hở hang hát “Thư tình cuối mùa thu” trên sân khấu. Mọi người thống nhất chờ thêm người để đúng 9 giờ là đồng loạt phất cờ và biểu ngữ. 

Đã tưởng cái cuộc văn nghệ đó có lợi cho mình vì chúng không thể ngăn được khán giả. Nhưng đúng đến 9h thì loa gọi: “Chúng ta vừa xong phần 1 của chương trình văn nghệ, phần 2 của chương trình còn nhiều thú vị hơn nữa. Nhưng trong lúc đợi các bạn chuẩn bị cho phần 2 thì chúng tôi đề nghị các bạn đoàn viên thanh niên chúng ta lên hết cả trên này để hội ý”. Vậy là theo đúng kịch bản, đám thanh niên nô nức kéo nhau lên phía sau sân khấu, đắc thắng nhìn lại mấy người biểu tình đang trở nên đơn độc. Rồi bọn trật tự bắt đầu xua đuổi bọn mình. 

Đang định bảo nhau đi vòng quanh để chờ thêm người thì bọn mình nhìn thấy Minh Hằng, Lã Dũng, và khoảng hơn 20 người nữa đang đứng ở góc đường Lý Thái Tổ, đối diện nhà hát lớn. Thế là 2 nhóm nhập lại và bắt đầu dương biểu ngữ, cờ, cùng tô to: “Đả đảo TQ xâm lược!”, “Đả đảo Trung cộng cướp nước”, “Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam!”, rồi tiến dần về phía Bờ Hồ. Bọn công an đi cùng và còn đông gấp mấy những người biểu tình. Đến đoạn bách hóa Tràng Tiền thì chị Hài và Ngọc Anh, 2 dân oan, nhập vào đoàn. Ngọc Anh chống nạng nhưng tay còn lại vẫn cố giương biểu ngữ. Gặp lại các chị ấy mình rất xúc động và phấn khích, nhớ lại những cuộc biểu tình trước cổng đại sứ quán TQ tháng 12/ 2007. 

Đến đường Tràng Thi, qua siêu thị Nguyễn Kim thì màn bắt bớ bắt đầu. Người họ bắt đầu tiên là cháu Phương, Lã Dũng, rồi đến Lê Anh Hùng. Mình cố kéo Hùng lại, và tiếc cái biểu ngữ nên ra sức giằng nó ra khỏi tay bọn chúng. Rồi chúng bắt mình lên xe. 

Thực ra việc bắt bớ này là có sự chỉ điểm của một tên an ninh mặc thường phục, nên mỗi khi tay tên này chỉ về người nào là bọn kia xô nhau chạy về phía người đó, náo loạn và điên cuồng như một toán cướp giật. Mình cố ngoái ra cửa xe hét to những người chưa bị bắt đừng bận tâm, cứ tiếp tục tuần hành đừng để đứt đoạn. Chúng bắt tiếp gần 20 người nữa lên xe, rồi đóng xầm cửa xe. Cháu Phương tức giận vùng vẫy chửi rủa nên bị mấy tay công an mặc thường phục trong xe định hành hung. Chúng kiên quyết ngăn việc chụp ảnh. Thế là mọi người xúm lại phản ứng quyêt liệt khiến chúng chột dạ bảo nhau đứng im. Xe chạy, mình lại đẩy cửa sổ xe, ngoái đầu ra ngoài, tiếp tục hô đả đảo bọn cướp nước, đả đảo bán nước. Người bên đường ngơ ngác nhìn.

Xe chạy về phía cầu Chương Dương, hướng tới trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Trong xe, mọi người liên tục nhận được điện thoại ở ngoài để hỏi tên những người bị bắt.

Xe dừng lại, đã đến trại Lộc Hà. Cửa xe vừa mở ra, một anh nhảy xuống nói với đám công an lúc nhúc đứng đợi ở đó, giọng khôi hài: “Lần sau đưa đón người yêu nước thì phải bố trí cái xe tử tế một chút nhé, xe này vừa cũ vừa hôi, say quá!”. 

Mọi người xuống hết khỏi xe thì lại bắt đầu hô vang: 

- “Đả đảo TQ xâm lược!”.

- “Đả đảo bè lũ bán nước!”.

Một tay sĩ quan an ninh tiến đến, thái độ hách dịch chỉ vào những người bị bắt: 

- Mời các người vào trong này. 

- Thái độ của anh thế nào thế, anh hách dịch với ai? Các anh bắt bớ trái phép chúng tôi về đây, còn chưa xin lỗi chúng tôi các anh đã mất lịch sự thế à? 

Lê Dũng lập tức lên tiếng

- “Tôi bảo là “mời” cơ mà, sao anh lại bảo tôi hách dịch?”, tay an ninh cãi.

- “Mời mà chỉ tay vào mặt thế à? Mà chúng tôi đi biểu tình chứ khiến gì các anh mời về đây. Các anh đã phá tan cuộc biểu tình của chúng tôi, chúng tôi sẽ kiện các anh”. 

Tay kia đổi thái độ, xuống giọng, bảo: 

- “Chúng tôi là cảnh sát điều tra, mời các bác vào trong này”. 

- “Điều tra thì các phải đi điều tra bọn bắt bớ trái phép chúng tôi về đây, chứ sao lại ở đây điều tra chúng tôi? Chúng tôi chỉ thực hiện quyền công dân đã được hiến pháp cho phép, chỉ đi biểu tình chống giặc ngoại xâm, sao các anh lại bắt chúng tôi, lại đàn áp chúng tôi, thế thì các anh bắt tay với giặc ngoại xâm à, các anh đích thị là giặc nội xâm rồi”. Anh Tường Thụy quát lên.

Rồi tất cả mọi người lên tiếng. Biết không thể cãi lý, bọn chúng cũng im luôn. 

Mọi người xếp hàng chụp ảnh lưu niệm trước khi vào gian hội trường giam giữ, và lại tiếp tục hô khẩu hiệu. Cái biểu ngữ “Đả đảo bè lũ Tập Cận Bình” với hình ảnh Tập Cận Bình vị gạch chéo trên trán, trong lúc xô đẩy bắt bớ đã bị nhàu nát trong tay anh Trương Dũng, giờ được vuốt thẳng ra để chụp ảnh và thực hiện cuộc biểu tình mini tại đây. Bọn công an mấy chục tên đứng im nhìn. Chiếc xe phá sóng điện thoại đỗ ngay cạnh cửa sổ nên mọi người không thể liên lạc với bên ngoài, nhưng vẫn biết rằng cũng như mọi khi, đồng đội, những người không bị bắt đã đi thẳng từ chỗ đàn áp biểu tình về đây để đòi người, và đang ngồi cả ở cổng trại, nên trong lòng ai cũng thấy ấm áp.

Vào trong hội trường, đoàn lên danh sách những người bị bắt. 

Rồi như mọi khi, bọn chúng lại giở trò tách từng người đi thẩm vấn, mỗi người một nhân viên an ninh, vào một phòng làm việc riêng. Lần này có kinh nghiệm hơn, mọi người quyết không đi theo bọn chúng, mà kết thành một khối, “Chúng tôi không làm gì sai, chính các anh bắt chúng tôi về đây là sai trái, các anh phải xin lỗi và thả chúng tôi ra, chứ chúng tôi chẳng phải khai báo gì cả. Nếu các anh muốn điều tra thì tự đi mà điều tra. Còn nếu các anh muốn đối thoại thì cùng đối thoại với tất cả chúng tôi một lúc, và tại đây chứ không phải đi đâu cả”. Mọi người cũng đề phòng cả trường hợp bị tách riêng dễ dàng cho chúng bắt lén hoặc hãm hại một ai đó trong nhóm. 

Rồi tất cả đồng thanh hát bài: “Anh là ai”:

“Xin hỏi anh là ai?

Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?..

Mấy chục tên công an đứng im lặng nhìn. Rồi tay sĩ quan bảo: “Thôi thì các bác cứ tạm ở đây đã”. Mọi người vỗ tay hoan nghênh thái độ hòa hoãn của hắn.

Tin nghe được lúc chưa bị phá sóng điện thoại khiến mình vừa vui lại vừa buồn. Vui vì đầu Sài Gòn đã tổ chức được buổi mít tinh, còn tin buồn là cuộc tuần hành ở Hà Nội đã bị dập tắt từ lúc bọn mình bị bắt đi.

Bữa trưa được chúng mang đến với những suất cơm hộp. Lần này bọn chúng cũng có "kinh nghiệm gọi cơm tù" hơn những lần trước, cơm và thức ăn để riêng ở hai hộp chứ không để lẫn như những lần trước. Mỗi người một ý, người thì bảo không ăn, người bảo nên ăn, người thì lưỡng lự. Mình đứng dậy nói:

- “Hạt gạo này là của đồng bào mình trồng ra, bát cơm này là của đồng bào mình nấu lên, (vì chúng mua ở hàng cơm bên đường), tiền mua cơm này là tiền đóng thuế của mình, vậy thì sao chúng ta không ăn nhỉ? Hãy ăn để còn lấy sức đấu tranh, có thể tối nay chúng thả chúng ta ra, nhưng cũng có thể chúng giam giữ lâu”. 

Lê Dũng nói đùa: - Ai ăn thì ăn chứ tôi không ăn, nhỡ nó bỏ thuốc lú vào thì ai chịu trách nhiệm. Như bà Hạnh đây về nhà cứ ngơ ngơ đi qua cổng cũng chẳng biết nhà ở đâu ấy chứ.

- “Chết rồi, anh Dũng vừa nói câu gì tôi nghe xong đã quên luôn”. Hưng đang ngồi ăn, ngẩng lên nói đùa.

- “Thấy chưa, thuốc ngấm rồi”. Lê Dũng reo lên, khiến mọi người cười ồ.

Một anh vừa ăn vừa nói oang oang: 

- “Tàu nó mà chiếm được nước ta thì nó sẽ đem bốn thằng Hùng Dũng Sang Trọng ra bắn trước tiên, vì đã bán nước mình thì sẽ có ngày bán nước nó. Chẳng thằng nào dại gì sử dụng kẻ phản quốc. Bài học Trần Ích Tắc còn sờ sờ ra đấy!”.

Rồi quay sang bọn công an vẫn đứng canh gác xung quanh, anh ấy bảo: 

- “Cả chúng mày nữa đấy! Chúng mày tưởng Tàu sang thì nó trả lương chúng mày đấy chắc? Đã là kẻ phản bội dân tộc thì chúng nó dùng mới là chuyện lạ, chúng mày đừng có mà mơ”.

Bọn công an ngồi im. 

Ăn trưa xong, mọi người yêu cầu tăm, rồi đòi ra ngoài rửa tay, mấy tay an ninh canh cửa không được phép cho ra nên đành đi bê nước về, và mang tăm đến. Anh Sậy còn đòi cả trà nóng, nhưng cái này thì chúng không tìm được nên đành thôi.

Bỗng con chó tây của trại lừng lững đi vào. Thật lạ, toàn là người mới, nhưng con chó không hề tỏ ra dữ tợn, nó vẫy đuôi mừng rỡ, và ra sức liếm tay liếm chân từng người, cứ như là lâu ngày mới được gặp lại chủ. Anh Tường Thụy bảo:

- Mọi người thấy không, giống chó rất khôn, biết là toàn người tử tế nên nó mới tình cảm thế này, chứ mà là kẻ ác thì nó đã sủa, đã cắn ngay.

Đang ngồi tranh luận chuyện thời sự thì lại mấy chục tay an ninh mặc sắc phục rầm rập đi vào. Mọi người lập tức nắm chặt tay nhau để chống lại việc bị tách rời. Vẫn lại tay sĩ quan ấy tiến lên yêu cầu mỗi người đi theo một tên an ninh. Chắc chúng đã nhận được chỉ thị của cấp trên. Cả đoàn lại quyết liệt phản đối. Thuyết phục không được, chúng dùng sức lực co kéo, mọi người cũng la ó và ra sức kéo nhau lại. Cuộc giằng co xô xát lúc này còn quyết liệt hơn nhiều so với lúc bắt bớ trong đoàn biểu tình.Và rồi, vì lực lượng không cân xứng, 1 bên là hơn 20 người cả già cả trẻ, nam, nữ, co kéo với 1 bên gần 50 tay công an trẻ lực lưỡng, nên cuối cùng chúng cũng lôi được cháu Phương và 2 cháu sinh viên nam, nữ khác đi. Nhìn qua cửa sổ, mình xót xa thấy bọn chúng mấy đứa xốc nách cháu Phương lôi. 2 cánh tay Phương gồng lên vạm vỡ, miệng gào thét chửi rủa

Nhìn lại đoàn thấy vắng hẳn, ko biết những ai đã bị đưa đi, mọi người giở danh sách ra điểm danh lại thì thấy thiếu mất 5 người. Chúng đã lôi đi cả anh Trương Dũng và Lê Dũng Vova. Trước đó mọi người đã thống nhất phương án nếu bị chúng lôi đi thì nhất quyết không hợp tác, không ký tên hoặc lăn tay vào bất cứ văn bản nào. 

30 phút sau, chúng đưa Phương đi qua cửa sổ. Lần này thì chúng không xốc nách mà 4 tên đi 2 bên Phương. Loáng thoáng nghe như Phương bảo là đi lăn tay. (Nhưng lúc về thì Phương kể là bị mấy thằng xông vào đè tay, ép lăn, Phương kiên quyết nắm chặt tay lại nên chúng đã không thể làm gì).

Rồi chúng quay lại đưa tiếp đi Dũng Aduku, anh Gốc Sậy, chị Dương Thị Xuân...., lần lượt.

Còn lại mình, anh Tường Thụy, Ngô Nhật Đăng, 2 nữ an ninh tiến về phía mình cố làm ra vẻ nhẹ nhàng: “Cháu mời cô đi với cháu”. Mình bước đi sau khi chào anh Thụy và anh Đăng bằng một câu thơ trong bài “Sóng Côn Đảo”: “Các đồng chí ở lại, tôi đi Hàng Dương!”. Đó là bài thơ mà mình nhập tâm từ khi còn học phổ thông, và lúc đó mình nghĩ đến nó.

Trên đường đi mình ra điều kiện:

- Cưỡng ép tôi đi, nhưng nói trước tôi sẽ không khai gì hết. Vì ngoài mục đích đi biểu tình chống Trung Quốc thì tôi chẳng có gì phải khai. Đặc biệt, tôi thừa tuổi để tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, đừng xúc phạm bố mẹ, anh chị em, và chồng con tôi bằng cách ghi chép hay bắt tôi phải khai tên tuổi của họ!”.

- Cô cứ yên tâm. Cô đã yêu cầu thế thì chúng cháu làm đúng như thế. Đứa công an nữ trả lời.

Chúng đưa mình vào phòng có Dũng Aduku đang ngồi. Mình thấy nét mặt Dũng đã dịu đi nhiều. Chúng bảo mình lấy đồ đạc trong balo ra để kiểm tra. “Các người có lục lọi đến sáng mai cũng chẳng thấy cái gì sai trong đó”, mình thủng thẳng. Chúng lại đưa anh Sậy ở đâu vào để kiểm tra túi quần túi áo. Anh Sậy lại được thể nói những câu khôi hài.

Mình tranh thủ chất vấn bọn chúng về thái độ nhu nhược của chính phủ trước sự gây hấn của TQ. Đứa công an nữ bảo:

- Vì chính sách của đảng ta là hòa bình cô ạ. 

- Thế sao trước kia đánh Mĩ không chủ trương hòa bình mà lại đẩy nhân dân vào cuộc chiến để chết hàng triệu người? Giờ nó cứ đánh mà mình lại cứ im lặng “hòa bình” khác gì đầu hàng?”.

- Tàu nó mạnh nên mình phải có biện pháp khác cô ạ. 

- Thế Mĩ không mạnh à? Mà ngày xưa tổ tiên ta đơn thương độc mã mà còn không sợ tàu, còn đánh thắng được nó. Nay mình có cả thế giới đứng về phía mình sao phải sợ?”.

Đuối lý, mấy đứa công an đành bảo:

- “Chúng cháu không biết đâu, chúng cháu chỉ biết thi hành lệnh cấp trên thôi”.

- Các cháu nghĩ chúng tôi đấu tranh cho ai? Lẽ ra hôm nay chúng tôi ở nhà nghỉ ngơi ngày chủ nhật, thế mà phải ra đường, lại còn bị bắt bớ về đây. Chúng tôi đấu tranh là vì dân tộc, trong đó có cả quyền lợi của các cháu đấy!

- Thì chúng cháu cũng khổ chứ cô, lẽ ra hôm nay được nghỉ mà chúng cháu phải ở đây cả ngày. Cháu còn đang tức sữa vì từ sáng tới giờ chưa cho con bú được đây.

- Các cháu ở đây là vì đồng lương, và hưởng thù lao. Còn chúng tôi thì hoàn toàn tự nguyện, lại còn bị đày đọa. Các cháu còn nhớ chế độ độc tài Đông Âu sụp đổ thế nào rồi chứ? Các cháu cứ hành hạ nhân dân đi, rồi có ngày hối không kịp đâu. 

- Vâng, chúng cháu sẽ đối xử với các cô các bác thế nào để vẫn hoàn thành được nhiệm vụ của chúng cháu mà ra ngoài cô cháu gặp nhau vẫn vui vẻ chào hỏi.

Mình quyết im lặng, và không ký. Nhưng đến lúc lăn tay thì mình bị lừa. Chúng đưa ra một tập các tờ lăn tay của từng người trong đoàn, rằng mọi người đã lăn tay hết rồi. Mình nhìn thấy tên chị Xuân và mấy người nữa, nên lưỡng lự lăn tay. Lúc gặp mọi người mới biết là mình và mấy người nữa bị lừa. Đó là dấu vân tay của ai đó chứ không phải của người nhà mình, chị Xuân chìa bàn tay để cho thấy tay chị ấy không có dấu mực. Chị ấy đã kiên quyết không chịu lăn tay, và chúng cũng phải chịu. Lại thêm một kinh nghiệm nữa.

Chúng yêu cầu mình ra khỏi cổng, 2 đứa kèm 2 bên. Nhưng mình kiên quyết không chịu ra chừng nào chưa nhìn thấy những người khác được thả, nhất là cháu Phương và Lê Dũng, hai người bị để ý nhất đoàn. 2 cô này lại cố thuyết phục: 

- Cô yên tâm, chúng cháu làm gì có chức năng giam giữ người. Các anh ấy đều đã ra trước cô rồi, chúng cháu cam đoan đấy.

Mình bước ra cổng trong ánh mắt hân hoan trìu mến của đồng đội. U Lê Hiền Đức, chú Ngô Đức Thọ cũng ở đó cùng mọi người.

Kể ra thì những người không bị bắt, mà đi đòi người còn khổ sở vất vả hơn người bị bắt. Bởi người bị bắt nhốt trong hội trường có mái nhà, có ghế ngồi, có cơm ăn nước uống, và đặc biệt có nhà vệ sinh. Còn người ở ngoài thì phải vạ vật bên lề đường cả ngày trời bụi bặm, không cơm ăn nước uống, không ghế ngồi, vì tất cả các hàng quán quanh đó đều bị ra lệnh đóng cửa và bọn anh ninh ra sức xua đuổi người ngồi bên đường, muốn đi vệ sinh cũng chẳng có chỗ, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì giá lạnh. Vì thế lúc chưa bị phá sóng điện thoại mình cố nhắn chị Sông Quê bảo mọi người cứ về nhà rồi chiều hãy đi đòi người vì đằng nào chúng cũng không thả ngay đâu. Nhưng chị ấy bảo là mọi người đã đang trên đường sang Lộc Hà rồi. Mình thấy xót ruột, thương mọi người quá, lại một ngày vạ vật bên lề đường.

Người ra sau cùng là bác Vinh Anh và anh Tường Thụy. Nghe anh Ngô Nhật Đăng kể là khi chúng đến thì anh Tường Thụy nhất định không chịu đứng dậy, nên mấy thằng phải khênh anh ấy lên. Đi được mấy bước thì anh Nhật Đăng dọa: “Bác ấy là thương binh sọ não đấy, chúng mày không cẩn thận bác ấy mà bị sao thì chúng mày chết”. Một tên ra lệnh: “Bê nốt 2 chân lên!”. Thế là anh Tường Thụy được chuyển từ khênh sang kiệu. 

Một chi tiết nhỏ về anh Tường Thụy nhưng mình mãi ấn tượng. Đó là lúc mình, anh ấy, và anh Đăng đang ngồi nói chuyện thời sự, thấy bọn chúng rầm rập quay lại, mình bất giác ngoảnh ra thì anh Tường Thụy hất hàm, mặt tỉnh queo: “Kệ chúng nó, cứ nói tiếp đi!”. Mình cảm giác anh ấy đã vượt qua nỗi sợ hãi cả ngàn dặm rồi.

Anh Trương Dũng đã ra trước mình, nhưng lúc đấu tranh ngoài cổng để đòi nốt anh Thụy thì lại bị chúng bắt vào. Thế là mọi người lại biểu tình đòi anh Dũng gần 2 tiếng đồng hồ, đến tận tối. Khi mọi người hô “Yêu cầu thả người”, u Đức bảo: “Phải hô là “Yêu cầu trả người”, chứ hô thả người hóa ra mình sai à”. Vậy là tiếng hô “Trả người” lại vang lên không ngớt.

Mình, chị Phương Bích, chị Dương Thị Xuân, và anh Ngô Nhật Đăng về nhờ ô tô của một cậu có cái nick name rất khó nhớ, chỉ biết cậu ấy là người thổi kèn hay đi bên cạnh bác Trí Hải kéo violon trong đoàn biểu tình. 

Trên đường về, Đức trong Sài Gòn gọi điện bảo: “Hôm nay SG làm gì có biểu tình mà cậu giục tớ tham gia? Chỉ thấy công an bảo bắt được 12 thằng thanh niên nhận tiền của bọn phản động để ra nhà hát lớn thành phố kích động lật đổ chính quyền”. Ôi, bạn tôi vẫn còn ngủ mê!

Hôm sau quay lại lấy xe đạp, hai chị trông xe cứ thắc mắc là sao đi biểu tình chống TQ có lợi cho đất nước mà họ lại bắt giữ. Mình bảo rằng thì họ đã bán nước cho Tàu nên mới đàn áp bắt bớ những người chống lại Tàu, coi những người chống Tàu là chống lại chính họ. Khi mình đi rồi các chị ấy vẫn chưa hết ngạc nhiên.

Lúc này đây mình chỉ thấy một nỗi thất vọng, thất vọng về việc chính quyền làm ngơ cho giặc cướp nước còn ít hơn thất vọng về sự vô cảm của nhân dân. Một sự kiện quan trọng đến vận mệnh của tổ quốc như thế mà chỉ vẻn vẹn khoảng 100 người xuống đường, còn toàn Hà Nội ngủ yên không cần biết, không cần quan tâm đến việc mất biển, mất đất. Nhân dân mình cũng không cần đất nước nữa rồi, có phải vậy không nhỉ?

10/12/12

Sáng hôm qua thấy tên mình trong danh sách biểu tình viên bị băt, trong khi ông xã vẫn bình thản ngồi quán nước, sáng nay một bác hàng xóm cao tuổi giúi vào tay mình mẩu giấy, có câu thơ của bác ấy!

Nam nhi thua chí đàn bà

Vợ đi tranh đấu, chồng ra quán ngồi

Tinh thần yêu nước đâu rồi?

Hãy mau thức tỉnh mọi người tham gia

Chống Tàu, bảo vệ quốc gia

Giữ gìn bờ cõi ông cha ngàn đời

Đứng dậy đi! Đứng lên thôi!

Mặc cho bè lũ nhà ngươi ươn hèn

Lịch sử chỉ mặt đặt tên

Những quân phản nước đớn hèn thời nay!



Nguyễn Thúy Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét