Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

HỘI THẢO NỀN DÂN TRỊ MỸ

Chiều 30-1-2015 tại hội trường Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (53 Nguyễn Du), NXB Tri thức và nhóm Khai minh đã tổ chức hội thảo về cuốn sách Nền dân trị Mỹ (tái bản lần thứ tư, 2014). Các thanh niên trong nhóm Khai minh và nhà văn Phạm Toàn – người dịch cuốn sách từ tiếng Pháp ra tiếng Việt – tham gia diễn giả. 

Dự toạ đàm khá đông, chủ yếu là thanh niên. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Thanh Giang, Đào Tiến Thi,… đã tham dự. 

GS. Chu Hảo – người chủ toạ – cho biết sự gian nan để có được cuốn sách hơn 800 trang (khổ 17 x 24) này. Kể cả tên sách – Nền dân trị Mỹ – ở thời điểm cách đây 10 năm cũng không phải là dễ. Chính xác phải dịch là “Nền dân chủ Mỹ” (Pháp: De la desmocratie en Amerique; Anh: Democracy in America) nhưng phải dùng chữ “dân trị” để tránh chữ “dân chủ”, là chữ “nhạy cảm” ở nước ta lúc đó. Nhưng như thế cũng có cái hay, vì “dân trị” sẽ cùng hệ thống với các thuật ngữ “đức trị”, “nhân trị”, “pháp trị”, “kỹ trị”, “toàn trị”. Còn khi dịch, nếu gặp là danh từ - democracy thì dịch “dân trị”, nếu gặp tính từ - democratic thì dịch “dân chủ”. 

Sau khi các diễn giả của nhóm Khai minh trình bày tổng quan về tác giả Alexis De Tocqueville (1805 – 1859) và cấu trúc, nội dung cuốn sách, dịch giả Phạm Toàn chia sẻ những hứng khởi, thú vị của ông khi dịch sách này, vì ông phát hiện ra sự hợp lý và độc đáo trong nền dân chủ Mỹ, cũng tương tự như sự đam mê của tác giả A.Tocqueville – một người Pháp, khi nghiên cứu mô hình dân chủ Mỹ. Người Mỹ đã tiếp thu cách mạng dân chủ Pháp và châu Âu một cách sáng tạo nên đã thành công trong khi chính tại Pháp lại thất bại. (Theo chúng tôi thì mức độ thành công trong việc xây dựng thiết chế dân chủ ở Pháp không bằng Mỹ chứ không phải thất bại; chính xác là Pháp sau cách mạng 1789 còn phải làm đi làm lại cuộc cách mạng dân chủ - ĐTT). 

Dịch giả Phạm Toàn đưa ra rất nhiều dẫn chứng chứng minh cho cách làm mềm dẻo của người Mỹ so với người Pháp. Đại thể, người Pháp làm gì cũng quá triệt để (ví dụ cuộc cách mạng 1789 sửa cả lịch pháp), trong khi đó người Mỹ làm từ từ, kết hợp nhiều sức mạnh trong xã hội: kết hợp quyền lực nhà nước với tôn giáo và văn hoá, kết hợp chính quyền trung ương với chính quyền địa phương,... Nước Mỹ được đánh giá “là phòng thí nghiệm về dân chủ” vì có rất nhiều mô hình dân chủ tranh biện với nhau để cuối cùng sàng lọc ra mô hình tốt nhất. Có ý kiến hỏi, điều gì làm cho nước Mỹ hùng mạnh, nhà văn Phạm Toàn không cần suy nghĩ và trả lời bằng đúng hai chữ: DÂN CHỦ.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét