Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC: “CHÚNG TÔI KHÔNG COI VĂN HỌC VÀ NHÀ VĂN LÀ CÔNG CỤ CỦA AI HẾT” (TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO NGƯỜI VIỆT)

Liêu Thái thực hiện
clip_image001

Thưa nhà văn, là một người thuộc vào hàng “công thần khai quốc” của Hội Nhà Văn Việt Nam, đồng thời cũng là chủ khảo của nhiều giải văn học của Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), có thể nói là bề dày cống hiến của ông với HNVVN rất dày. Nhưng ông vừa có quyết định từ bỏ HNVVN, ông vui lòng cho biết nguyên nhân và lý do dẫn đến quyết định này? Và HNVVN đã có phản ứng gì với quyết định cùa ông?
Tôi có dự đại hội thành lập HNVVN năm 1957. Tất cả những người dự đại hội đó đều được coi đương nhiên là “hội viên sáng lập”. Tôi là một kiểu “công thần khai quốc” như thế đấy thôi! Hồi đó tôi còn rất trẻ, từ tỉnh lẻ xa xôi mới ngơ ngác về Hà Nội và vừa có tác phẩm đầu tay. Được vào Hội là thích lắm rồi. Về sau mới dần dần hiểu ra và nghĩ khác.
Năm 1979, tôi có lần nói với ông Lê Đức Thọ, bấy giờ là người có vị trí rất cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Theo tôi quy luật tự nhiên của đời sống văn học là những người cầm bút chơi với nhau, tập họp nhau thành từng nhóm, hoặc vì cùng khuynh hướng nghệ thuật, hoặc vì nhu cầu giúp đỡ nhau thế nào đó, hoặc cũng có thể đơn giản vì thích tính nhau, gần gũi nhau sao đó… Trong từng nhóm như vậy, họ trao đổi với nhau về nghề nghiệp, về xã hội, về mọi thứ…, nhắc nhở, động viên, an ủi nhau trong công việc khó khăn nhất, tuyệt đối độc đảm, chẳng ai thay thế hay làm giùm ai được, là viết, đối mặt với trang giấy trắng; rồi ra sách, đưa sáng tác của mình đến công chúng; giúp nhau trong đời sống, bảo vệ nhau về nghề nghiệp và về xã hội. Một nền văn học phát triển một cách tự nhiên và lành mạnh là từ những nhóm như vậy. Ở ta trước đây và ở hầu khắp thế giới xưa nay đều như thế, tạo nên một đời sống văn học nhẹ nhõm mà đa dạng, giàu có. Từ sau 1945 ta lùa tất cả vào một hội, lại là hội của nhà nước, là phi tự nhiên, chỉ chật chội và làm nghèo văn học. Trong chiến tranh, còn chừng nào chấp nhận được; trong hòa bình rất không nên… Tôi nói với ông Lê Đức Thọ rằng trước sau đời sống văn học cũng sẽ đi theo con đường đó, nếu Đảng muốn lãnh đạo thì Đảng nên chuẩn bị để thích ứng với tình hình đó. Vả chăng, theo tôi, cũng chẳng nên lãnh đạo. Nếu xã hội cần văn học, ấy là cần tiếng nói riêng, khác biệt, độc đáo của từng nhà văn, góc nhìn, cách nhìn riêng của họ, từng người, từng nhân cách và từng tài năng, bằng cách chỉ có văn học làm được, không ai giống ai. Dồn hết họ vào một hội, để chỉ đạo thống nhất, buộc họ nghĩ giống nhau, tức triệt tiêu mất cái riêng họ có, riêng nhà văn mới có để đóng góp, khiến họ chỉ có thể là công cụ tầm thường, vô dụng, còn tai hại nữa, vì khi đó họ chỉ có thể nói theo, nói dối… Rất lạ là ông Lê Đức Thọ bảo: “Nghe cũng phải, để xem…”. Nhưng rồi về sau không thấy ông nói gì, làm gì nữa. Chắc ông còn những lo toan khác, nghiêm trọng hơn, ở chốn cung đình. Mà về phần tôi, tôi cũng không chờ đợi gì ở ông. Nếu đến một lúc nào đó chúng ta có một đời sống văn học thực sự, bình thường, tự nhiên, thì đó cũng do chính những người cầm bút làm ra. Chứ không phải chờ ai cho. Như vậy cái lúc đó nay đã đến. Việc từ bỏ HNVVN hôm nay của chúng tôi là một bước tất yếu theo con đường đó.
Nhắc lại như vậy để nói rằng, ít ra từ 30 năm trước, tôi đã thấy không nên có một hội nhà văn như HNVVN bây giờ, và tôi nên ra khỏi hội đó. Chưa ra ngay vì còn đôi cân nhắc. Năm 1989 tôi được đại hội HNVVN lần thứ tư bầu vào Ban Chấp hành gồm 9 người. Tôi đã nói với các anh chị đã bầu tôi rằng tôi đang đứng trước một lựa chọn: hoặc ở lại làm, hoặc từ chức ngay. Vì tôi biết, với cơ cấu đó, thể chế đó, sẽ có những việc tôi muốn làm, thấy cần làm, cần bảo vệ nhưng tôi sẽ không thể làm được, không bảo vệ được; có những việc tôi biết là xấu, có hại, nhưng tôi sẽ không ngăn được. Cuối cùng tôi đã quyết định ở lại, vì nghĩ bằng cố gắng hết sức may ra có thể làm được đôi việc có ích, và ngăn được đôi điều có hại. Kết quả cũng có lần thành công: Như năm 1991 tổ chức được giải thưởng HNVVN hay nhất trước nay, trao cho ba tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranhMảnh đất lắm người nhiều ma và Bến không chồng. Nhưng đến năm tiếp sau thì người ta đã rút kinh nghiệm để không cho một giải thưởng “sai lầm nghiêm trọng” kiểu đó lặp lại. Còn thì nhiều thất bại: chẳng hạn đã không ngăn chặn được HNVVN vùi dập tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách…
Trong các đại hội tiếp sau đó, cho đến đại hội lần thứ 9 đang được chuẩn bị hiện nay, HNVVN ngày càng tự khẳng định trước hết là “đoàn thể chính trị” (đương nhiên là của Đảng Cộng sản Việt Nam), rồi sau đó mới đến “xã hội”, cuối cùng mới là “nghề nghiệp”. Tôi nghĩ, đơn giản: Vậy thì hãy cứ lập một HNV của Đảng Cộng sản Việt Nam đi. Còn thì để cho những người cầm bút nghĩ khác lập những hội, nhóm khác. Sẽ phong phú, đa dạng hơn, vui hơn.
Thực ra từ hơn 10 năm nay tôi đã không còn dính dáng gì đến HNVVN, không dự sinh hoạt nào, không nhận gì của hội đó. Tôi kính trọng nhiều anh chị đang ở trong hội và tôn trọng sự lựa chọn của từng người. Riêng tôi, ngày tôi càng thấy HNVVN với cơ chế và một ban lãnh đạo như hiện nay không còn có ích gì cho nền văn học Việt Nam, cho người cầm bút, trái lại đang là công cụ đắc lực và không thể khác của một guồng máy phản dân chủ gây hại ngày càng nghiêm trọng cho mọi sáng tạo chân chính, cho cả nền văn học. Một HNVVN như hiện nay thực chất chỉ là cách để Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước kiểm soát văn học.
Trước đây tôi chưa ra vì không muốn gây ồn ào. Việc lãnh đạo HNVVN chủ trương gạch tên những người có ý kiến khác mình trong bầu cử đại biểu cho đại hội của HNVVN vừa rồi chỉ là giọt nước cuối cùng tràn ly của một việc, theo tôi, trước sau cũng sẽ đến. Cũng là dịp để chúng tôi cùng quyết định một lần.
Cho đến nay tôi chưa thấy HNVVN có phản ứng gì đối với quyết định của tôi. Chỉ có việc buồn cười: Nghe nói trong đại hội của chi hội HNVVN quanh cơ quan hội ở Hà Nội vừa rồi lại có quyết định cử tôi làm đại biểu chính thức đi dự đại hội HNVVN sắp tới. Cứ như trò hề! Cũng nghe tin ông Đỗ Hàn nào đó ở cơ quan hội nói rằng lãnh đạo hội chưa nhận được đơn xin ra hội của chúng tôi, đến khi nhận được sẽ xử lý theo điều lệ. Xin nói rõ: Chúng tôi tuyên bố từ bỏ một hội đã suy thoái không phương cứu chữa, không xin phép ai đâu!
Có thể nói rằng với tư cách một nhà văn, ông là một nghệ sĩ rất nặng lòng với dân tộc, với công cuộc giáo dục Việt Nam, và đứng trên phương diện một trí thức, ông có phản ứng rất mạnh mẽ với những vấn đề liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Liệu tâm thế này có mối liên hệ nào với quyết định rời bỏ HNVVN của ông?
Để trả lời câu hỏi này của anh, tôi muốn dẫn lại ở đây một câu của Bernard Frank viết về cuốn sáchDe Gaulle của François Mauriac mà Frank rất chê, đăng trên báo Le Nouvel Observateur cách đây vừa đúng 50 năm: “Không có bất cứ một nhà chính trị nào trên thế giới đáng cho một nhà văn bẻ gãy ngòi bút của mình vì ông ta. Vai trò của chúng ta (nhà văn) – có cần nhắc lại không nhỉ? – đối với chính quyền nào cũng vậy, là không mệt mỏi đặt lại vấn đề, là thể hiện cái tinh thần phủ nhận, mà ông tướng ấy [tức De Gaulle] đã có lần phàn nàn…”. Vậy đó, tôi cũng hiểu về văn học và nhà văn đúng như vậy. Cũng có thể diễn đạt: Sở dĩ xã hội cần nhà văn, là vì anh ta nói tiếng nói khác, nhiệm vụ của anh ta là gây sự hoài nghi, anh ta khiến những điều đã tưởng là như thế chưa chắc đã là như thế. Văn học đề nghị với con người một cách nhìn khác về mọi sự vật. Tôi hiểu như vậy, sống như vậy, nên không có khác biệt cơ bản nào giữa những việc tôi can dự theo trách nhiệm công dân của mình, về xã hội, về chính trị, về văn hóa, về giáo dục… mấy mươi năm nay, với việc tôi cầm bút và thái độ của tôi đối với HNVVN hôm nay.
Là người chủ xướng xây dựng Văn đoàn Độc lập, ông vui lòng cho độc giả biết đôi nét về Văn đoàn Độc lập?
Trước hết chúng tôi muốn chấm dứt tình trạng dồn nhau hết vào trong một HNV của nhà nước, nằm chung trong cái gọi là “hệ thống chính trị” của Đảng và nhà nước, đương nhiên là công cụ của họ. Chúng tôi không coi văn học và nhà văn là công cụ của ai hết.
Chúng tôi muốn gặp nhau trong một hội đoàn gồm những người cầm bút độc lập, sống, viết một cách độc lập và chịu trách nhiệm về cái viết của mình trước cuộc sống, trước đất nước và công chúng của mình.
Chúng tôi là nhóm họp của những người cầm bút độc lập đầu tiên. Mong sẽ là mở đầu cho những nhóm họp đa dạng, phong phú nữa về sau.
Sau năm 1975, tôi nghĩ nhiều đến một cuộc phục hưng dân tộc sau một giai đoạn lịch sử kéo dài, một thế kỷ nô lệ, tiếp liền một thế kỷ chiến tranh không chỉ vô cùng ác liệt mà còn vô cùng phức tạp (đến mức tới hôm nay còn tranh cãi chưa xong chiến tranh ấy thực sự là chiến tranh gì!). Trong công cuộc to lớn đó, nền tảng là phục hưng văn hóa. Theo tôi, một công cuộc cần thiết và căn bản như vậy đã không được nhận thức đúng mức, thậm chí hầu như không hề được nhận thức. Ngược lại phổ biến tâm lý, từ trên tầng cao nhất, coi mọi sự là đã xong rồi. Trong khi công cuộc xây dựng, xây dựng lại dân tộc đáng ra cần bắt đầu, chỉ có thể bắt đầu, chứ không phải đã kết thúc. Chính vì thế mà cuộc đi tới của dất nước và xã hội 40 năm nay rất loạng choạng. Văn hóa xuống cấp như chưa từng thấy, xã hội mất ổn định nặng nề… Văn học không thể làm ngơ trước tình hình và nhiệm vụ này. Chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng một nền văn học có thể giữ được vai trò xứng đáng của mình trong cuộc phục hưng căn bản và sống còn đó.
Theo ông, khi mà các dòng chảy văn hóa/văn chương cũng như các trào lưu tiến bộ trên thế giới đang từng ngày thâm nhập vào Việt Nam, liệu với cơ chế hoạt động hiện tại, HNVVN sẽ đi đến đâu?
Theo tôi, ở phía Bắc, do những điều kiện khách quan và chủ quan – mà chủ quan là chính – đã bị cắt đứt với dòng chảy văn hóa/văn chương thế giới trong hơn nửa thế kỷ. (Đúng ra chỉ có thông thương với thế giới xô viết và các nước gọi là xã hội chủ nghĩa, một thế giới cũng khá khép kín). Trong khi đó, ở miền Nam dòng chảy này thông thoáng, mạnh mẽ, tương đối cập nhật và liên tục hơn nhiều. Cho nên nối kết trở lại được với di sản của văn học miền Nam trong suốt thời 1954-75, cũng là một trong những cửa mở thông thương với các trào lưu thế giới phong phú và đa dạng. Và là góp phần khôi phục lại dòng chảy bình thường, lành mạnh cho đời sống văn học nước nhà. Chính trên nhận thức như vậy mà chúng tôi đã cố gắng mở mục “Văn học miền Nam 1954-1975” trên trang mạng Văn Việt của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập. Thừa kế tốt di sản gần của văn học miền Nam 1954-1975 cũng là một trong những điều kiện quan trọng để văn học làm được vai trò cần có của nó hôm nay.
Một cơ chế đầy kiêng kỵ ý thức hệ như của HNVVN hiện nay đương nhiên ngăn cản việc mở cửa ở hướng này. Chỉ mới nói riêng về mặt này thôi, ở một việc này thôi, đã cho thấy cơ chế của HNVVN, dù muốn dù không, về cơ bản là một cơ chế đóng kín. Cơ chế đó tất cũng sẽ đóng kín với mọi trào lưu tiến bộ trên thế giới, sẽ khiến sự phát triển văn học chật hẹp lại rất nhiều, bất chấp những cái gọi là hoạt động quốc tế ồn ào, hình thức, tốn kém của hội.
Cũng là một cái cớ nữa để mà khó chấp nhận một hội như thế.
Liệu việc từ bỏ HNVVN cũng như dám đứng ra bày tỏ thái độ yêu nước, kêu gọi chống họa ngoại xâm có làm khó cho ông trong công việc hằng ngày cũng như trong hoạt động sáng tác?
Vừa có vừa không, anh ạ.
Tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, đã bị đài truyền hình Hà Nội đưa hình lên khi nói về “bọn phản động bị các thế lực thù địch ngoài nước xúi giục” rồi. Sau khi lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập thì có chỉ thị cho các báo và các phương tiện truyền thông khác trong nước không được đăng bài vở của tôi, cũng như của tất cả những người tham gia Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, cũng không được nhắc đến tên tuổi chúng tôi nữa. Hội thảo về Nguyễn Đổng Chi vừa rồi cũng bị cấm không được mời tôi, tham luận của tôi gửi đến từ trước bị loại ra khỏi kỷ yếu hội thảo… Về những chuyện này có hai điều cần nói: một số báo vẫn xé rào đăng bài của tôi, đưa tin về tôi. Nghĩa là họ thấy cái chỉ thị kia thật lố bịch. Và theo tôi biết tất cả cấm đoán đó đều chỉ được truyền từ trên xuống bằng miệng, qua điện thoại hay tin nhắn. Một đảng, một nhà nước kỳ lạ. Đánh người toàn bằng đánh trộm, thụi ngầm và phi tang. Nghĩa là người ra lệnh cũng tự biết việc làm của mình ám muội thế nào.
Tuy nhiên tất cả những chuyện đó về cơ bản không gây sứt mẻ gì đối với tôi. Bị quấy nhiễu, tôi đã quen. Còn khi cầm bút, tôi vẫn thanh thản. Sợ nhất là tâm không yên để mà viết, và viết cho hay. Mà cái đó thì là tự trong lòng mình, tự mối liên hệ riêng của bên trong mình với cuộc sống; quấy nhiễu chỉ là ở ngoài, chẳng làm rối được tâm mình.
Là một người có tác phẩm trong chương trình giảng văn, theo ông, vấn đề dạy và học văn hiện tại có phù hợp với nhu cầu cũng như môi trường văn chương đương đại?
Phải nói dạy và học văn trong nhà trường hiện nay đang ở tình trạng tai họa. Nói chi đến chuyện “phù hợp với nhu cầu cũng như môi trường văn chương đương đại”, sẽ là quá sang. Theo tôi, ở môn này hiện nay, người dạy chân chính đang rất gặp khó, người học thì chán ghét. Cũng phải thôi, vì văn – có lẽ cùng với môn sử – là môn bị chính trị hóa nặng nề và thô thiển nhất. Tôi nghĩ không thể nói sự suy thoái của môn văn trong nhà trường không liên quan gì đến sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội. Nhân đây cũng xin nói một điều: Trong chuyện văn chương, cũng như chuyện dạy và học văn, ở ta vẫn quen coi trọng đúng sai, hơn là hay dở. Trong khi, trong văn chương, “đúng” sẽ chẳng là gì cả, chẳng để làm gì cả, nếu dở. Và văn chương dở thì cực kỳ tai hại. Nó phổ cập, truyền nhiễm cái tầm thường, khiến người ta quen với sự tầm thường, đẩy người ta vào môi trường thường trực của sự tầm thường, cũng như quen ở dơ vậy, lại là cái dơ về tinh thần. Mà tầm thường, dơ bẩn về tinh thần là môi trường của cái xấu, cái ác.
Sự suy thoái của môn văn trong nhà trường hiện nay là đáng báo động, không chỉ về văn học, cho văn học, mà là báo động xã hội.
Cơ chế hoạt động hằng năm của HNVVN dựa vào nguồn kinh phí nào và theo ông cơ chế này có phù hợp với sinh quyển sáng tác, phù hợp với nhu cầu sáng tạo của người nghệ sĩ trong hiện tại?
Dĩ nhiên, kinh phí của nhà nước. Cho nên, tất yếu, “sinh quyển”, như anh gọi, cũng là sinh quyển văn chương nhà nước! Cũng là công bằng thôi: Anh nhận tiền của người ta thì anh phải viết cho người ta chứ, gian lận sao được! Hình như chị Ngô Thị Kim Cúc có nói với anh rồi: ở Ban Vận động Văn đoàn Độc lập chúng tôi đều nghèo, nhưng chúng tôi chắt chiu góp tiền túi với nhau để làm mọi việc, cũng còn ít oi. Ngó vậy thôi, mà đây cũng là chuyện nhân phẩm và nguyên tắc của người cầm bút.
Ông có dự tính gì mới trong các hoạt động sắp tới của Văn đoàn Độc lập? Tiêu chuẩn để trở thành thành viên Văn đoàn Độc lập?
Hiện nay chúng tôi đang tập trung vào trang Văn Việt.
Tôi xin tâm sự với anh điều này, khi làm mục “Văn học miền Nam 1954-1975”, đọc lại một phần văn chương miền Nam thời ấy, tôi nhận ra một chỗ khác biệt với văn chương miền Bắc cùng thời: văn chương miền Nam thời ấy có triết học, văn chương miền Bắc thì không. Tất nhiên văn chương không phải là triết học, nhưng một nền văn chương không có triết học thì nguy. Có lẽ một trong những điều chúng tôi sẽ cố gắng sắp tới là giúp nhau đọc nhiều hơn, đông tây kim cổ, nhất là những tìm tòi mới về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật…, để cho văn chương nghĩ về nhân tình thế thái đỡ cạn cợt, nói về con người và xã hội thấu đáo hơn. Chắc phải bằng nhiều cách, trên trang Văn Việt cũng cần tìm cách đi thêm về hướng này.
Có lần tôi nói với anh Trần Độ về mong muốn đến lúc nào đó trong văn chương ta xuất hiện được một hay vài đỉnh cao mới. Anh ấy bảo: “Mình cũng mong thế, nhưng mình nghĩ trong nghệ thuật muốn có đỉnh cao mới thì phải có trường phái mới…”. Đời sống văn hóa của chúng ta, giáo dục chúng ta, sinh hoạt văn chương của chúng ta không khuyến khích trường phái, nhất là không tạo nền tảng cho những trường phái mới xuất hiện. Có lẽ đã đến lúc nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Tổ chức của chúng tôi còn nhỏ, nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi có tham vọng. Đây cũng là một hướng chúng tôi đang nghĩ tới.
Về cụ thể, chúng tôi cũng đang tính đến một số hình thức hoạt động, như các cuộc thảo luận, đa dạng và cởi mở, một kiểu giải thưởng sao đó… Trong nghệ thuật hình như có hiện tượng: cái hay, và chỉ có cái hay mới gọi được cái hay, cái mới lại kích thích cái mới. Những giải thưởng của Tự lực Văn đoàn ngày trước là vậy, chính qua đó mà văn đoàn này có thể nói đã có công gầy dựng được cả một lớp nhà văn kế tiếp đặc sắc …
Về thành viên Văn đoàn, chắc chỉ có hai “tiêu chuẩn”: Chúng tôi mong muốn được đón tiếp những cây bút tài năng. Và là người tự nguyện phấn đấu cho tôn chỉ “Vì một nền văn học đích thực, tự do, nhân bản”.
Dự đoán của ông về tương lai văn học trong những thập niên tới?
Tôi không dám làm thầy bói. Chỉ xin nói hai hiện tượng theo tôi là đáng chú ý:
Tôi thấy đang xuất hiện một lớp người viết trẻ, chưa nhiều nhưng cũng không quá ít, có tài, và đặc biệt rất khác chúng tôi, về cảm nhận thế giới, và cả về tư duy và ngôn ngữ nghệ thuật. Tôi thường nghĩ thế này: Trong đám người chen chúc, hỗn loạn, trùng điệp đến vô diện mạo trên các đường phố Sài Gòn ta có thể thấy bất cứ giờ nào hôm nay, giá như ta có thể tách ra được từng người, có thể lắng nghe được tận sâu kín bên trong của họ, từng người, làm sao trong họ, ít ra ở một số người và từng lúc, lại không có, không nuôi những khát khao và hy vọng về một thế giới tinh khiết, trong trẻo, an lành, thật tốt đẹp… Có thể mong manh lắm, nhưng có… Hình như những người cầm bút trẻ tôi vừa nói trên, đến lượt họ, sẽ nói về cái phần lắng đọng đó, về thế giới mong ước xa xôi đó… Có thể tin.
Cạnh đó, cũng đã thấy một số bạn trẻ rất tài năng, đang đi vào con đường nghiên cứu văn hóa uyên thâm, cập nhật với những vấn đề và suy tưởng mới nhất, và từ đó đang trở lại suy gẫm về văn hóa, văn chương của chúng ta. Có thể chăng họ đang tạo một cái nền cần thiết cho chuyển động văn học mới. Họ làm việc thường lặng lẽ mà ráo riết. Tiếng nói của họ không ồn ào. Chúng tôi đang chăm chú lắng nghe. Và thiết tha chờ đợi.
Xin cám ơn ông, kính chúc ông mạnh khỏe, an lạc!

Nguồn: Bản do nhà văn Nguyên Ngọc cung cấp. Đã đăng trên Người Việthttp://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/default.aspx?a=207777&z=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét