Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

VNTB - Hóa thạch

Tôn Trọng Dân (VNTB) Trước nhất, xin hãy nghe qua quan niệm về sử của một số nhà nghiên cứu, nhà lý luận, học giả có tên tuổi, ngoài cộng sản.

Với ông Nguyễn Văn Lục: “Lịch sử bao giờ cũng ở số nhiều.” [1].

Hồ Ngọc Nhuận: “Lịch sử không để viết lại. Nhưng lịch sử có thể bị bắt dừng lại, kéo lui” [2]

Nguyễn Mạnh Tường: “Chính trị có thể thực hiện quyền lực của mình ở hiện tại, đôi khi trong tương lai, nhưng cũng phải chấp nhận là đối với quá khứ thì không thể làm được gì. Dù, đôi khi cũng làm Lịch sử xộc xệch đi đôi chút. Song, cuối cùng, Lịch sử vẫn là Nó, với tất cả dáng vẻ từng là” [3].

Thiên kiến trong Lịch sử

Về những sự thật đắng lòng được nhìn từ góc độ khác, dù cùng cảnh huống như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đĩnh, ... khi viết lời bạt cho Hồi ký "Tôi bị bắt" của Trần Vàng Sao-Nguyễn Đính, nhà nghiên cứu Lữ Phương chân thành: "chúng ta sẽ nghe thêm một tiếng nói khác để nghĩ ngợi về những gì đã xảy ra trên đất nước, nhất là khi chúng ta chợt nẩy ra cái mong muốn nhìn lại những chuyện đã qua ấy một cách nhiều mặt, nhiều chiều. Với một ý thức thật minh bạch rằng không bao giờ nên coi những tiếng nói ấy là những kết luận chung cuộc cho cái mà người ta thường gọi là Lịch sử – những tiếng nói ấy, dù chân thực như thế nào cũng không thể tự cho mình cái quyền đồng hoá mình với bản thân ‘sự chân thực của lịch sử’, dù đó là sự chân thực của một niềm tin hay là sự chân thực của một nỗi hận thù."


Trong Bài Nhận Xét Về Cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” (cuốn sách thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, sau hai hồi ức trước đó là “Hồ sơ mật Dinh Ðộc Lập” và “Khi đồng minh tháo chạy”) nhà báo Vũ Ánh nhắc lại một góc nhìn về Sử: “Có những dữ kiện được người ta dùng khiến độc giả ‘tưởng là sử liệu’ bởi vì câu chuyện riêng tư đó chỉ là chuyện riêng tư và nếu không chứng minh được đó là sự thật thì chắc chắn chúng không phải là sử liệu. Nó chỉ là sử liệu khi người ta nêu được nhân chứng khả tín hay phù hợp với những tư liệu khác”.

Riêng nhà sử học Vũ Ngự Chiêu, chỉ nói ngắn gọn: “Sự thực sử học: một con đường ngắn nhất dẫn tới đoàn kết dân tộc” [4].

Trong bài Ai giúp Cọng sản đánh đổ Việt Nam Cộng Hòa? của Lê Xuân Nhuận được đăng tải đầu tháng 3 vừa qua, cho thấy nhiều sự thật khác, mà nhiều Quý vị "tự mệnh Dân chủ" hàng chục năm qua cứ mãi hồn nhiên "quên" cho tuổi trẻ Việt Nam ‘quốc nội’ lớn lên sau 1975 cùng biết. Ông cựu sĩ quan quân lực VNCH này có một câu nhận xét rất công tâm: "Chỉ có những kẻ đầy thiên-kiến, mù lương-tri, có ác-ý, và không tôn-trọng Sự Thật, mới đổ hết lỗi cho một riêng ai".

Trong Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh, Nguyễn Văn Lục từng tự hỏi: “cộng sản Hà Nội trước đây đã hết lời ca tụng Tây Sơn nhằm lợi dụng Tây Sơn. Nhưng phía các nhà viết sử Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 thì do động cơ nào?”. Sau khi đưa ra các luận cứ, ông kết luận: “Đó là lối viết sử viết một chiều. Đó cũng là tính chất đặc biệt của một số người viết sử mà đôi vị dù viết rất cảm tình , rất thiên lệch , phong cách viết , ngôn ngữ xử dụng đọc thấy ‘ tự cao ‘ ngoài khuôn khổ mà vẫn tự khoác cho mình vai trò sử gia viết trung thực .”

Rất chính xác. Đó cũng là điều mà tôi không cần lên tiếng thêm vì cụ Nguyễn Văn Lục đã nói hộ suy nghĩ của mình khi tôi tìm hiểu về cuộc chiến tranh 30 năm mà Việt Nam trải qua (ở đây người ta gọi chúng là cuộc chiến tranh Đông Dương thứ Nhất, thứ Hai; ở kia người ta gọi là cuộc kháng chiếnchống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, ở chỗ khác nữa lại gọi là cuộc nội chiến, hoặc,cuộc chiến uỷ nhiệm v.v…và v.v…), đến giờ vẫn còn râm rỉ.

‘Phe’ nào cũng muốn mình là chính nghĩa, phô ra chứng lý, hết lý đến tình, hết chiến lược đến vặn vẹo các trận đánh chiến thuật, hết vĩ mô lại nhắc tới những cuộc trả thù mà mình ở bên phía thiệt thòi hơn… Cứ thế, cuộc chiến tranh xưa cũ dàn trải ra trước mặt hậu thế với muôn ngàn góc nhìn vẹo vọ, do hàng trăm nghìn bàn tay bóp nắn.sờ mó.nặn.véo theo ý thích riêng tư, theo thống khoái tư riêng và theo nỗi oằn oại rất .. riêng tư. Nhiều khuôn mặt sử “rất thiên lệch, ngôn ngữ xử dụng đọc thấy ‘tự cao‘ mà vẫn tự khoác cho mình vai trò sử gia viết trung thực” [sic].

“Nhiều nhà sử học thay vì trình bày khách quan sự việc đã nhảy chổm sang lãnh vực đạo lý, đưa ra những lời phê phán đáng nhẽ thuộc thẩm quyền đạo lý .” Lại một lần nữa, cụ Nguyễn Văn Lục cũng rất chính xác.

Vậy, làm sao biết được đâu là sử thật? Làm sao nhận ra hình hài sự thật ? Đứng ở góc độ nào ? miền đất nào ? phát nguồn từ tâm thức nào, dựa trên tâm thế nào ?

Cụ Nguyễn Văn Lục đã trả lời luôn: “Họ càng ‘tụng‘ Tây Sơn , Tây Sơn càng không phải Tây Sơn”.

Với cách lý giải này, không thể cấm xuất hiện những câu đồng dạng: “Quý vị càng tụng Việt Nam Cộng hoà, VNCH càng không phải Việt Nam Cộng hoà / Quý vị càng chống Cộng, Cộng càng không phải là thứ Cộng mà Quý vị muốn chống”.

Tất nhiên là vậy, vì, đã là tư duy theo định hướng 1 chiều thì bất cứ ai cũng không muốn biết cách lui, nên không thể có đường lùi. Nghĩa là, chỉ có TA đúng-ĐỊCH sai.

Khi một số nhà phê bình gọi Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp là “xuyên tạc lịch sử” thì nhà văn từng khuấy đảo thế giới của Nguyễn Huệ nói: “Không ai đánh nhau với cái xác chết, người ta chỉ khai thác các xác chết sao có lợi mà thôi” [5]. Đúng vậy. Chính xác. Những phe/phía nhất nguyên đều hành xử như vậy. Họ, chỉ làm sao cho họ có lợi nhất. Tìm được ‘sự thật’ nào ở những loại lịch sử được miêu tả theo ‘lương tâm’ mặc kệ ‘lương tri’ kiểu này ?

TA đúng hoàn toàn, ĐỊCH sai toàn diện. 

Xin mạn phép đưa ra 3 đoạn tóm luận về lịch sử Việt Nam thời cận đại, giai đoạn 1945-1955, đây là giai đoạn cốt yếu để các thế hệ hậu sinh định nghĩa cuộc chiến tranh cận đại mà Việt Nam vướng vào. Độc giả tự lựa xem đoạn nào miêu tả gần sát nhất thực tế theo hiểu biết của Quý vị (là một việc thuần cảm nhận), đoạn nào phù hợp với logic mà bản thân có thể chấp nhận (một việc khác hẳn, cần lương tri), cuối cùng, đoạn nào khiến Quý vị có thể vì nó mà bảo vệ (một việc thuần…’lương tâm’ khác hẳn việc đầu). Có lẽ, Quý vị đều thấy: mỗi người sẽ chọn lựa từng cách nhìn đối với giai đoạn lịch sử này. Cách xác tín đó không chỉ khác với người bên cạnh, mà còn khác với chính thâm tâm của Quý vị, tuỳ vào tâm thức, tâm thế và tâm trạng của từng người.

Cách nhìn 1 [6] đối với giai đoạn lịch sử 1945-1955

“Cựu Hoàng Bảo Đại nhận lănh sự ủy nhiệm của các Đảng phái chính trị không theo Cộng sản tại Việt Nam, đứng ra thương thuyết và ký với Pháp Hiệp Ước sơ bộ tại Vịnh Hạ Long để giành lại quyền độc lập cho nước Việt Nam thống nhất cả 3 miền Bắc Trung Nam vào ngày 5-6-1948 [7], rồi đến trưa ngày 8 tháng 3 năm 1949 tại Paris có thêm THOẢ ƯỚC ÉLYSÉE giữa Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Quốc trưởng Bảo Đại, vào ngày này, hai người trao đổi văn thư, theo đó ‘Pháp long trọng công nhận’ một nước Việt Nam độc lập và dân chúng có quyền tự do quyết định sự thống nhất lãnh thổ của mình.

(…) Mấy tuần lễ sau vụ Pháp thất trận Điện Biên Phủ, chiến cuộc Đông Dương được giải quyết ngă ngũ, chấm dứt bằng giải pháp chính trị tại Hội nghị Genève với một Hiệp Định đình chiến, ký kết vào lúc 01:00 giờ ngày 21 tháng 7 năm 1954 tại Genève giữa Pháp và Việt Minh. Đại diện Hoa Kỳ và Đại diện Chính phủ Quốc gia Việt Nam khước từ không ký vào bản Hiệp định. (…) Sau khi quân Pháp rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, ảnh hưởng Pháp tan biến dần để thay thế bởi ảnh hưởng Hoa Kỳ. Bởi vì, ngay từ khi mở Hội nghị Bá Linh bàn thảo việc thành lập Hội nghị Genève giải quyết vấn đề chiến tranh Đông Dương, Hoa Kỳ đă ngầm vận động thúc đẩy Quốc trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm (đang ở Mỹ) về làm Thủ Tướng, thay thế Thủ tướng Bửu Lộc được coi là thân Pháp”.

Cách nhìn 2 [8] đối với giai đoạn lịch sử 1945-1955

“Sự việc Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập và thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] ngày 2 tháng 9 năm 1945 không bảo đảm rằng nền độc lập của Việt Nam và chế độ này được quốc tế công nhận. Người Pháp, dù tiến bộ hay bảo thủ, đều nhấn mạnh phải đưa ‘con thuyền lạc bến’ Đông Dương trở lại với đế quốc Pháp, bằng vũ lực nếu cần. Những cường quốc khác, vì những lý do khác nhau, đều yểm trợ sự tái xâm lăng Đông Dương của Pháp. Chính sách ngoại giao của Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ tháng 8/1945 tới tháng 12/1946 bởi thế tập trung vào chính sự sinh tồn của chế độ. Để đạt mục đích này, Hồ tìm cách quốc tế hóa chính nghĩa quốc gia của Việt Nam, kêu gọi quốc tế yểm trợ nền độc lập của Việt Nam và chống lại cuộc tái xâm lăng của Pháp. Nỗ lực của Hồ gồm kháng thư hay công hàm đến các cường quốc, phản đối sự xâm lăng của Pháp và gợi nhớ lại những nguyên tắc ‘cao cả’ của Hiến chương Đại Tây Dương, bản tuyên bố của Liên Hiệp Quốc và Hiến chương San Francisco. Hồ đặc biệt quan tâm đến sự yểm trợ của Liên bang Mỹ, thậm chí yêu cầu được hưởng giống như tình trạng của Phi-lip-pin [Philippines] trong vùng ảnh hưởng của Mỹ. Tất cả những thỉnh nguyện của Hồ đều không có hồi âm”.

Cách nhìn 3 [9] đối với giai đoạn lịch sử 1945-1955

“Kế hoạch của Mỹ là viện trợ cho chính phủ Ngô Đình Diệm để giúp miền Nam Việt Nam hoàn toàn độc lập với Pháp (đó là cách duy nhất để lôi kéo những người dân tộc chủ nghĩa rời xa Việt Minh và ủng hộ Quốc gia Việt Nam); Mỹ cũng thúc đẩy Ngô Đình Diệm thành lập một chính quyền đoàn kết quốc gia đại diện cho những xu hướng chính trị chính tại Việt Nam, ổn định miền Nam Việt Nam, bầu ra Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp rồi sau đó phế truất Quốc trưởng Bảo Đại một cách hợp pháp; cuối cùng do Ngô Đình Diệm là một người quốc gia không có liên hệ gì trong quá khứ với Việt Minh và Pháp do đó miền Nam Việt Nam sẽ trở nên chống Cộng mạnh mẽ. Công thức này đòi hỏi một sự hợp tác từ cả Pháp và Mỹ để hỗ trợ Ngô Đình Diệm”.

Trước khi Quý độc giả truy xuống footnote để xem "giải đáp", tôi xin lưu ý: cả 3 đoạn sử này, do cách diễn đạt của chính nội dung, cho thấy chúng không được viết ra từ tay của bất kỳ người nào thiên cộng (huống hồ là thân cộng, hoặc, chính là Cộng), và còn cho chắc chắn, tôi tìm hiểu để biết: những người viết ra 3 dòng này chưa từng bị cộng sản ép bức họ viết sai sự thật. Họ, vẫn hiên ngang trên con đường ‘Dân chủ chống Cộng’ hoặc ‘phi cộng’ của họ.

3 cái nhìn về Sử Việt, trong đó, dù chả ai muốn bênh cộng sản, nhưng, vẫn cứ phải nêu sự thật như nó vốn đã TỪNG, đó là: sự tái xâm lăng Đông Dương của Pháp, Mỹ ngầm vận động Quốc trưởng Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm (đang ở Mỹ) về làm Thủ Tướng, Mỹ thúc đẩy Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại. Nghĩa là, rõ ràng Mỹ hất dần chân Pháp, thay Pháp tại Việt Nam và Đông Dương, đưa Ngô Đình Diệm thân Mỹ lên ngôi lãnh tụ. Đó là tôi đã không lưu tâm đến các yếu tố liên quan các nỗ lực của “Hồ”, vốn đã và vẫn dễ gây ra những “cuộc chiến” bằng bàn phím, vây hãm các tác giả những nhận xét trên trong phên dậu dân chủ có định hướng chuyên chính sắt máu. Thực tế này, là một thực tế không dễ chịu với những người ủng hộ từ Pháp, đến Mỹ. Và, họ đã di dời, ẩn giấu khéo léo điểm ngoặt này trong nhiều dòng viết lại sử hồn nhiên-ngơ ngác của mình, sao cho thế hệ trẻ sau này chỉ thấy là: Cộng sản cướp chính quyền, cùng Pháp chia đôi đất nước. Hết. Rất gọn. Đây chỉ là 1 trong muôn vàn ví dụ quanh câu chuyện “Hoá thạch”-Sử cận đại Việt Nam đã được phá.bẻ.nhuộm.giặt ra sao.

Vẫn là cái tâm thức: Chân lý phải thuộc về TA, Chính nghĩa tất thuộc về TA. TA đúng hoàn toàn, ĐỊCH sai toàn diện. 

Chú thích:



[3] Xem hồi ký của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) “Kẻ bị mất phép thông công – Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức” (Un Excommunité – HàNội 1954-1991: Procès d’un intellectuel) do Nguyễn Quốc Vĩ dịch từ nguyên văn tiếng Pháp. Tác phẩm này được xuất bản lần đầu bởi NXB Quê Mẹ (Paris) vào năm 1992. 

[4] Xem “Sự thực sử học : một con đường ngắn nhất dẫn tới đoàn kết dân tộc”, trong Văn Học, số 225, tháng 5 & 6, 2005, tr. 164 – 194, xuất bản tại Hoa Kỳ. 

[5] Phát biểu của Nguyễn Huy Thiệp trong cuộc Hội thảo khoa học tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, trích từ sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (NXB Văn hóa-Thông tin, 2001; trang 543) 

[6] trích bài Việt Nam Cộng Hòa ra đời trong hoàn cảnh nào? của tác giả Nguyễn Huy Hùng, thời gian đó là Thiếu Tá Trưởng Phòng Mật Mă Trung Ương thuộc Bộ Chỉ huy Viễn Thông tại Bộ Tổng Tham Mưu QĐQGVN, "được tập thể chiến hữu thuộc các đơn vị Truyền Tin tại Saigon bầu làm Chủ tịch Phong trào Cách Mạng Quốc gia của Binh chủng Truyền Tin" 

[7] Có nghĩa, phải gần 3 năm sau khi VNDCCH thành lập, và lúc chính phủ của nước này đang cùng toàn dân kháng chiến chống Pháp thì Pháp lại “trao trả độc lập” cho ông Bảo Đại (lúc ấy không còn là Vua nữa). 

[8] Là quan điểm của Vũ Ngự Chiêu trong bài nghiên cứu HỒ CHÍ MINH - NHÀ NGOẠI GIAO, 1945-1946 trích từ “Social and Cultural Change in Vietnam Between 1940-1946,” Vũ Ngự Chiêu's Ph.D. dissertation, Univ of Wisconsin-Madison (1984), Part III: “The Brutality of World Politics.” 



* Bài "Hóa thạch" được VNTB trích đăng từ chỉnh thể loạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo"

* "Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả."

* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét