Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Sài Gòn: Lần đầu tiên Hội Nhà báo độc lập VN sinh hoạt công khai mà không bị chính quyền cản trở

Kiều Phong


(VNTB) - Sáng ngày 23.09.2015, Hội nhà báo độc lập Việt Nam ( IJAVN) đã tổ chức cuộc sinh hoạt định kỳ tại quán cà phê Suối Nguồn, 306A đường Nguyễn Trọng Tuyển, Sài Gòn.




Đây là cuộc họp đông đủ nhất và quy tụ các thành viên có uy tín và tuổi nghề lâu năm nhất của hội kể từ ngày thành lập một năm về trước (04.07.2014).

Cũng là lần đầu tiên chủ tịch hội, nhà báo Phạm Chí Dũng tới tham dự một cuộc họp của IJAVN mà không hề gặp sự ngăn trở nào từ phía công an TP.HCM. Trước đây ông luôn có 4 nhân viên an ninh chia làm 3 ca theo dõi hoạt động của ông 24/24. Nhưng một tháng trở lại đây, có dấu hiệu công an ‘buông’ việc theo dõi chủ tịch hội nhà báo độc lập Việt Nam.

Nhà báo kỳ cựu Phạm Đình Trọng trong những lần trước cũng bị công an chặn không tới tham dự được, thì hôm nay cũng đã có thể tự do đến hội luận cùng các hội viên.

Đáng chú ý, cuộc họp lần này của hội có học giả Lê Phú Khải, tác giả vừa nhận được giải thưởng sách hay của nhóm Cánh Buồm; nhà nghiên cứu văn học Phùng Hoài Ngọc cũng đã từ An Giang lên đến Sài Gòn, cùng sự góp mặt của chuyên gia công nghệ sinh học Đoàn Nam Sinh.

Trong phần đầu của cuộc họp, Hội nhà báo độc lập Việt Nam đã thảo luận về tình hình chính trị đang chuyển dịch mạnh mẽ tại Việt Nam. Phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam đã có những chiến thắng nhất định trong hành trình dân chủ hóa đất nước và đấu tranh cho nhân quyền. Trong đó, chiến thắng đáng kể nhất là Việt Nam đã phải chấp nhận định chế về Công đoàn độc lập. Việc đạt được thỏa thuận bước đầu này không chỉ nhờ yếu tố quốc tế mà còn là công sức lớn của trên hai mươi tổ chức xã hội dân sự. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để được sang Hoa Kỳ và được đón tiếp với nghi thức cao nhất đã phải cởi mở phần nào cánh cửa tự do cho những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Chủ tịch Phạm Chí Dũng đã thông tin cho các hội viên được biết một số tin tức quan trọng. Đó là, tổng thống Obama đã và đang mạnh mẽ thực hiện những chiến lược có ý nghĩa với thế giới. Từ cuối năm 2014 và cho đến nay, đáng kể nhất là việc Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Cuba. Trong năm nay, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ có ảnh hưởng rất lớn và mang tính quyết định trong hai vấn đề, một là thỏa thuận với Iran để nước này ngừng chương trình hạt nhân, hai là thúc đẩy sự ra đời của công đoàn độc lập tại Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi, hai sự kiện này sẽ diễn ra và đây được kỳ vọng là hai sự kiện chính trị lớn nhất của thời sự quốc tế trong năm 2015.

Học giả Lê Phú Khải tuy rất lạc quan nhưng cũng đã nói lên mối lo của ông về Trung Quốc khi mật thám nước này đang ráo riết tìm cách quấy phá mối quan hệ Việt- Mỹ .

Hiệp định tự do thương mại TPP được hội Nhà báo độc lập Việt Nam dự đoán là sẽ được các bên kết thúc đàm phán trong nửa cuối năm 2015 và thông qua chính thức trong nửa đầu năm 2016. Nhưng trước đó, chính phủ Việt Nam sẽ phải cam kết thực hiện hai điều kiện cốt lõi: Một là tôn trọng tự do tôn giáo, hai là cải thiện tình hình nhân quyền.

Khách mời của Hội NBĐL là mục sư Phạm Ngọc Thạch, một thành viên của hội Cựu tù nhân lương tâm, cũng đã đến Sài Gòn từ thành phố cao nguyên Buôn Mê Thuột xa xôi. Tại cuộc họp, mục sư Phạm Ngọc Thạch đã có bài nhận xét ngắn gọn về tình hình tự do tôn giáo tại Tây Nguyên, khi giáo dân Tin Lành vẫn chưa hết bị nhà cầm quyền địa phương sách nhiễu và dọa nạt.

Chủ trì cuộc họp lần này, phó chủ tịch hội, nhà thơ Bùi Minh Quốc vừa mới trở về từ Hoa Kỳ. Trên xứ sở hợp chủng quốc, nhà thơ đã gặp ông Nguyễn Ngọc Bích, người đề xuất với chính phủ Hoa Kỳ thành lập đài Á Châu Tự Do để dân chủ hóa châu Á, sau khi đài Châu Âu Tự Do đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và giải tán. Cũng tại Mỹ, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng đã gặp nhà báo Nguyễn Ngọc Linh và trao đổi một số ý kiến về xây dựng lực lượng công dân - nguồn lực của mọi cuộc cải cách xã hội. Vào tháng giêng năm 2015, 7 tổ chức xã hội dân sự trong đó có IJAVN đã ký tên vào hiến chương năm công dân. Chương trình hành động thông qua trong đó có nội dung chủ yếu là đào tạo công dân đạt chuẩn. Công dân nào thì chính phủ đó - với quan niệm như vậy, nhiệm vụ của báo chí tự do mà Việt Nam Thời Báo lấy làm kim chỉ nam là mang đến cho người dân tri thức, ý chí, kỹ năng về quyền làm chủ của công dân. Hai anh em Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Ngọc Linh đánh giá rất cao chương trình hành động và những thành quả của Hội nhà báo độc lập Việt Nam nói riêng và các tổ chức xã hội dân sự trên nói chung.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc nhắc lại câu nói của cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An rằng “ lỗi hệ thống sai từ gốc đến ngọn”. Điều mong mỏi của Hội nhà báo độc lập Việt Nam là chuyển đổi xã hội một cách ôn hòa, tránh đổ máu. Để có được sự thay đổi đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam cần rút lui trong danh dự khỏi việc độc quyền chính trị ở đại hội Đảng XII sẽ diễn ra vào đầu năm 2016.

Vấn đề cải cách một nền giáo dục không tuân thủ tinh thần khai phóng cũng được các hội viên trong Hội nhà báo độc lập tâm huyết và đặt ra trong thảo luận lần này. Một số ý kiến đề nghị thành lập tiểu ban cải cách giáo dục trong Hội NBĐL. Tiếp nối câu chuyện về giáo dục, hội viên Đoàn Nam Sinh, một chuyên gia công nghệ sinh học, đã đóng góp ý kiến xây dựng một nền giáo dục mang tinh thần phục vụ cho nhân loại, khi thế giới bước vào thời đại toàn cầu hóa và vấn đề địa lý không còn là cách biệt giữa các quốc gia.

Trong cuộc họp lần này, nhà báo Chu Vĩnh Hải đề xuất các hội viên có tên tuổi thành lập các nhóm xã hội dân sự ngành nghề. Các hội viên cũng nhất trí rằng cần phải có thêm hàng chục tổ chức xã hội dân sự ngành nghề nữa thì đất nước mới phát triển được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét