Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Paris, 2 ngày sau khủng bố

Tường An, thông tín viên RFA tại Paris


Nhiều người tập trung trước Tòa Thị Chính Paris hôm thứ Hai 16/11/2015 để dành 1 phút mặc niệm cho các nạn nhân khủng bố. AFP photo

Tối thứ sáu 13/11 vừa qua, tại Paris đã xảy ra một loạt khủng bố, giết chết hơn 120 người. Sau buổi tối kinh hoàng hôm đó, sinh hoạt người dân Paris hiện giờ ra sao? Thông tín viên Tường An của Đài Á Châu Tự Do tại Paris gửi về bài tường thuật.

Paris vắng lặng…

Paris, hai ngày sau cơn ác mộng khủng bố. Người dân vẫn còn đang để tang cho những cái chết oan uổng dưới bàn tay kẻ sát nhân. Đường phố vắng vẻ, các trung tâm thương mại lớn của Paris đều đóng cửa, một phần cũng vì nhằm vào ngày Chúa nhật. Anh Lê Đức Nghị, ngụ tại quận 11 cho biết:

“Tình hình Paris bây giờ thì họ ít ra ngoài đường hơn trong hai ngày cuối tuần. Một số khu chợ trời thì đóng cửa ngày hôm nay, đặc biệt là khu chợ trời Bastille, đó là một khu du lich rất đông người mà hôm nay nó đóng cửa, còn như tối hôm qua đi về thì trên tàu điện rất là vắng, chỉ tầm ¼, 1/5 số người tham gia giao thông. Có những bến métro không có ai lên, không có ai xuống”.

Các trung tâm thương mại nổi tiếng cho khách du lịch cũng đóng cửa, anh Lê, nhà tại quận 13 Paris nói:

“Hôm qua chạy lòng vòng mấy chỗ đó coi tình hình nó ra sao? Về tới Châtelet - Les Halles, Hotal De Ville, thường thường nó kẹt xe, hôm qua có một mình mình chạy thôi! Thường thường ở Haussmann, Printemps mở cửa cho du khách đi mà hôm qua cũng đóng cửa luôn”.

Quận 13, nơi tập trung các cừa hàng của người Á Châu, nơi lúc nào cũng đông khách mua sắm, nhất là vào dịp cuối tuần, nay cũng đặc biệt vắng vẻ, anh Lê tiếp:

“Đường phố bây giờ không ai dám ra đường, chợ búa, chợ trời đều đóng cửa, tất cả đều đóng cửa hết. Hai ba cái chợ trời sáng nay đi ngang cũng đóng cửa. Dưới quận 13 của Paris, khu Đông Nam Á của mình cũng không ai đi hết, vắng nhiều lắm. Tang Frères vô trống lỏng”.

Một số văn phòng, cơ sở thương mại vẫn mở cửa, nhưng không khí vô cùng trầm lắng, như nơi anh Nghị đang làm việc:

“Mọi người vẫn đến làm bình thường, nhưng mà cái không khí đùa cợt như ngày xưa thì trong những ngày này thì không có. Những người khách đến thì cũng không nói năng nhiều như bình thường, họ chỉ gặp và nói những điều cần thiết thôi”.

Anh Lê cho biết tại các khu xảy ra khủng bố cách đây hai ngày hôm nay cũng đã vắng:

“Tôi về mấy cái khu mà họ bắn nhau cũng không có ai, hôm qua tôi chạy ngang đó cũng vắng hoe luôn. Bây giờ đường trống, ai muốn đi đâu thì đi, chạy thoải mái luôn. Lần đầu tiên mới thấy không có ai đi ngoài đường hết! Chỉ có ai có chuyện gì rất cần họ mới đi ra ngoài, nếu không thì ai cũng ở trong nhà hết”.

Tuy nhiên, với chị Mỹ Dung, đang đi dạo ở Paris lúc đó thì cảm nhận của chị khác hẳn, chị nói:

“Đường phố vắng vẻ ư? tôi không có cảm nhận cái không khí đó, còn nói về lệnh cấm ra đường thì nói một cách chính xác như thế này: nhà chức trách họ khuyên rằng: thứ nhất là không nên tụ tập đông người một cách không cần thiết trên đường phố. Thứ hai: 3 ngày quốc tang thì mọi người cũng có ý thức, hạn chế đi đến những nơi vui chơi giải trí. Khu vui chơi giải trí Euro Disney đóng cửa không phải vì sợ hãi, sợ tấn công khủng bố gì cả mà họ ghi rất rõ trong thông báo là để đoàn kết, đứng bên cạnh những người chống khủng bố để mà chống lại lực lượng khủng bố thách thức vào giá trị của nước Pháp”.

Tưởng niệm các nạn nhân

Paris, một thành phố gần như không bao giờ ngủ với những vỉa hè café, những nơi ăn chơi giải trí, nhà hàng thì lúc nào cũng đầy người, nhưng hai hôm nay hoặc đóng cửa, hoặc vắng hẳn khách đến ăn, anh Lê Đức Nghị nói:

“Còn hôm nay thì có người ra đường, nhưng cũng chỉ để làm những việc cần thiết thôi. Trên đường gặp một số người hỏi nhau một số quán ăn thì bạn bè nó là những quán ăn không chắc là ngày hôm qua và ngày hôm nay mở cửa”.

Ngay cả quận 13 của người Á Châu cũng cùng chung số phận, anh Lê nói:

“Nhà hàng vắng hoe, không ai ăn hết. Bây giờ ai cũng khóc hết rồi [nhà hàng khóc vì ế]. Bây giờ không ai dám vô quán hết đó. Đi lên tới quán Ngon trên Centre Commercial cũng không có ai hết. Sáng này đi một vòng coi, đi 2 tiếng đồng hồ mà không có ai nên đi về”.

Tuy nhiên, vẫn còn có những nơi mở cửa bình thường, với chị Mỹ Dung đường phố Paris vẫn không có gì khác lạ nhiều so với các ngày khác, nó có vẻ vắng hơn chỉ vì nó là ngày Chủ nhật, chị nói:

“Trên đường phố chúng tôi không cảm thấy có gì khác lạ cả: cũng như mọi sáng chủ nhật khác, mọi người ít ra đường hơn, những nơi buôn bán thì họ vẫn mở cửa buôn bán. Nói chung là không có bất cứ một biến động nào để thấy là xã hội đang xáo trộn hay đang sợ hãi cả”.

Cảnh sát Pháp tiếp tục truy lùng những kẻ khủng bố và hỗ trợ khủng bố.

Theo anh Nghị, chỉ có người Paris ít ra đường, còn số du khách đến Paris thì họ vẫn vô tư đi dạo, anh Nghị nói:

“Du khách mọi người đã đến thì họ vẫn đi thôi, chỉ có người Pháp thì họ không ra đường. Những khách du lịch họ vẫn đi chơi bình thường. Không có gì quá là đáng sợ cả. Nhưng mà thiếu đi những người Paris thì đường phố nó rộng hơn, nó ít hơn.”

Vâng, Paris có thể im ắng hơn, đời sống người dân có thể lắng hơn, nhưng đó không phải là sự sợ hãi, mà là sự đồng cảm với những người đã chết, người dân Paris thể hiện sự đoàn kết bằng cách tạm dừng những sự hưởng thụ bên cạnh những xác người. Anh Lê Đức Nghị khẳng định:

“Người Paris họ không sợ hãi. Họ không ra đường vì bây giờ chính phủ đang khuyên người dân không ra đường và họ nghe theo lời khuyên đó. Trên báo chí trên đài họ nói là người dân Paris sợ hãi, họ đưa ra nh thông tin không chính xác. Họ không có sợ hãi, nói chung là cái tính sợ hãi thì không có ai sợ hãi những cái đó cả mà là sự tôn trọng cho những người đã ngã xuống vì một lý do rất là vớ vẩn”.

Không hề sợ hãi trước cái tàn ác của những kẻ khủng bố, sẵn sàng chống trả cho những ai xúc phạm đến giá trị nhân bản của người dân Pháp là cảm nhận mà chị Mỹ Dung nhận thẩy khi đến quảng trường Bastille, biểu tượng của cuộc cách mạng của nền Cộng hoà Pháp. Chị chia sẻ:

“Hồi sáng này thì tôi có đi đến Place de la République cũng như là đến hí viện Bataclan, thì cảm nhận đầu tiên của tôi là một không khí không hề sợ hãi. Không những thế mà họ còn quây quần lại để: thứ nhất là bày tỏ sự thương tiếc những nạn nhân, và thứ hai là để nói lên rằng: chúng tôi luôn luôn có mặt ở đây, chúng tôi không sợ hãi và thách thức tất cả những thế lực đen tối muốn động chạm đến những giá trị nhân bản của nước Pháp chúng tôi”.

Tiếp tục truy lùng khủng bố

Theo thống kê chính thức của công tố viên François Molins đọc khoảng 7 giờ tối thứ bảy 14/11 thì có tổng cộng 129 người chết, 352 người bị thương trong đó có 89 người trong tình trạng nguy kịch. Nngười ta dự đoán con số này sẽ còn tăng lên.

Trong những người tử vong có những người quốc tịch: 1 người Anh, 1 người Tây Ban Nha, 1 người Bồ Đào Nha, Ba Tây, 1 người Thuỵ Điển, 2 người Ru-ma-ni, 2 người Tunisia, 2 người Bỉ và một số người có quốc tịch Hoa Kỳ.

Về phía bọn khủng bố có 6 tên dùng bom tự sát, 1 tên bị lực lượng cảnh sát bắn. Một vài thân nhân của một trong những tên khủng bố đã bị tạm giữ để điều tra.

Theo điều tra của cảnh sát thì nhóm khủng bố được chuẩn bị từ thành phố Molenbeek ở Bỉ. Hiện cảnh sát đang tìm kiếm 1 tên khủng bố còn lẩn trốn.

Theo anh Lê, người dân không ra ngoài, không phải vì sợ hãi mà vì họ muốn tạo sự thuận lợi cho cảnh sát truy lùng thủ phạm, anh Lê nói;

“Không phải người ta sợ khủng bố mà vì người ta sợ ra ngoài [khủng bố] trà trộn chung vô, rủi có chuyện gì [cảnh sát] trở tay không kịp. Còn một số người chưa bị bắt nên ai cũng sợ, không ai dám ra khỏi nhà. Người ta sợ ra rồi cảnh sát không làm được việc của họ, người ta ở trong nhà để cảnh sát làm việc của người ta, chứ sợ thì ít có ai sợ lắm”.

Sau cuộc tuần hành vĩ đại cho cuộc thảm sát ở Charlie Hebdo, hôm nay người dân Pháp lại cùng nắm tay nhau đứng lên vượt qua nỗi đau cho những người nằm xuống. Gần các địa điểm khủng bố, người ta đến để đặt những bó hoa, thắp những ngọn nến, viết những lời nhắn nhủ với bọn khủng bố như “đừng cướp đi mạng sống của chúng tôi “ “même pas peur” (vẫn không hề sợ), être humain (hãy là một con người), v.v…

Nếu ở Charlie Hebdo người ta để lại những cây bút thì hôm nay người ta để lại những cành nguyệt quế, biểu tượng của hoà bình. Anh Lê Đức Nghị cho biết:

“Tối hôm qua sau khi xong công việc, em về là em đến cả 3 nơi đã xảy ra khủng bố. Người ta đến rất là đông, có cả nhóm nhạc U2 đến Bataclan, họ để lại những vòng hoa, nến, những lời tạm biệt và những mong muốn để thể hiện rằng người Paris rất là đoàn kết”.

Thứ hai này, các trường học sẽ mở cửa lại, đúng 12 giờ toàn nước Pháp sẽ có một phút tưởng niệm cho những nạn nhân của sự khủng bố tàn độc vừa qua. Các cha mẹ, thầy cô được khuyên nên giải thích cho các trẻ em hiểu tại sao có một phút mặc niệm này và hành động bất nhân của kẻ khủng bố cũng như trân trọng những người đã nằm xuống cho giá trị nhân bản của nước Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét