Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Có bóng ông Nguyễn Phú Trọng thấp thoáng phía sau

Bùi Quang Vơm


Ông Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: internet

Kết quả phân công bộ chính trị vừa rồi phản ánh tình hình nội bộ đảng cộng sản hiện nay và thấp thoáng bóng của ông Trọng phía sau. Trước hết, việc rút Võ Văn Thưởng ra Trung ương nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên Giáo và phân công Đinh La Thăng vào giữ chức Bí thư Thành uỷ TP HCM, biểu hiện sự lúng túng của Nguyễn Phú Trọng.

Võ Văn Thưởng được đưa vào làm phó bí thư thường trực thành uỷ TP HCM, thay Nguyễn Văn Đua, một cán bộ có xuất xứ từ Thanh Niên Xung Phong, thân tín của Lê Thanh Hải từ 15/04/2014. Với lý lịch từng là Bí thư Thành đoàn TP HCM năm 2003, trưởng thành từ phong trào thanh niên sinh viên Sài Gòn từ 1992, Võ Văn Thưởng được đảng bộ TP HCM, thực chất là Lê Thanh Hải chấp nhận. Sau đó, để tăng cường cho Võ Văn Thưởng, Bộ Chính trị lại điều tiếp Nguyễn Thành Phong, vốn cũng từng là Bí thư thành đoàn TP HCM (1999) về làm phó bí thư thành uỷ vào ngày 15/03/2015.

Bộ Chính trị và chính ông Nguyễn Phú Trọng rất biết rằng, Lê Thanh Hải có một nguyên tắc, chỉ cất nhắc những cán bộ có xuất xứ từ thành đoàn TP HCM, tức là từng qua bồi dưỡng của chính Lê Thanh Hải, nơi mà Hai Nhựt, bí danh của ông, được tôn xưng như lãnh tụ. Và tại thành phố HCM từ rất nhiều năm, chỉ những cán bộ thật tin cẩn của ông mới được phân công làm bí thư Quận 5 và Bí thư Quận 2.

Lựa chọn Võ Văn Thưởng và Nguyễn Thành Phong là nghệ thuật của Nguyễn Phú Trọng. Cài người, nhưng trên danh nghĩa tăng cường sức mạnh, tức là tin cậy và ủng hộ đảng bộ thành phố HCM. Ngay chính Lê Thanh Hải hình như ban đầu cũng tin như vậy. Sự thật, đây là việc chuẩn bị của Bộ Chính trị cho việc thay đổi căn bản, có thể nói là đảo chính, thông qua Đại hội lần thứ X của đảng bộ thành phố dự kiến vào tháng 10/2015.

Giống như với Nguyễn Tấn Dũng, việc tìm cách loại Lê Thanh Hải cũng buộc ông Trọng phải chờ tới giới hạn tuổi và giới hạn nhiệm kỳ. Công cụ được dùng làm vũ khí là Đại hội đảng bộ các cấp. Nhưng Đại hội lần thứ X đảng bộ thành phố HCM, tổ chức sau đó, vào ngày 17/10/2015, đã được coi chỉ thành công một nửa. Bộ Chính trị đã ép được Lê Thanh Hải tự rút khỏi danh sách tái ứng cử, nhưng Sử Ngọc Anh, nguyên Bí thư Quận 5 (2012-2015), Tất Thành Cang, từng là Bí thư thành đoàn (2004-2009), nguyên Bí thư Quận 2 (2009-2012), và Võ Tiến Sĩ, đương kim Bí thư Quận 5 (từ 28/07/2015) vẫn trúng cử Ban thường vụ mới.

Và, việc có thể coi là thất bại, theo nghĩa không đúng thiết kế, là việc Võ Văn Thưởng không được ban thường vụ mới bầu làm Bí thư đảng uỷ thành phố. Tình huống bất như ý này buộc phải giao cho Lê Thanh Hải tiếp tục “Chỉ đạo thành uỷ”, đợi Bộ Chính trị phân công sau Đại hội XII. Đại hội XII ngày 27/01/2016 đưa Võ Văn Thưởng vào uỷ viên Bộ Chính trị với ý định sẽ tiếp tục phân công Võ Văn Thưởng làm Bí thư đảng bộ TP HCM. Nhưng, thứ nhất, Võ Văn Thưởng đã không được bầu trực tiếp, việc áp đặt từ phía trên sẽ thiếu sức thuyết phục, có thể gây chia rẽ. Thứ hai, việc quá cố gắng đưa Võ Văn Thưởng vào vị trí bí thư sẽ làm lộ ý định đảo chính sắp đặt trước của Bộ chính trị, và Võ Văn Thưởng sẽ bị gán tên con ngựa thành Trois, phản bội Anh Hai. Với bộ mặt đó thì Võ Văn Thưởng sẽ không đứng ở Thành Hồ được nữa.

Đọc những đáp từ sau đại hội đảng bộ X thành phố, và lời chia tay Sài Gòn ra Hà Nội vừa rồi, có thể thấy được cố gắng thanh minh của Võ Văn Thưởng đối với cá nhân Lê Thanh Hải và với người Sài Gòn, mặc dù Võ Văn Thưởng cũng ý thức được rằng, ông bị đẩy ra khỏi Sài gòn có thể do chính sự “chỉ đạo” của Lê Thanh Hải.

Nhưng việc phân công Võ Văn Thưởng làm trưởng Ban tuyên giáo TW, có thể do phải chữa cháy, lại cho thấy một ý định khác của Nguyễn Phú Trọng. Võ Văn Thưởng là thạc sĩ Triết học với luận văn “về đạo đức sinh viên thành phố Hồ Chí Minh”. Trong cuộc đời chính trị của Võ Văn Thưởng chỉ thấy tên “bí thư” mà chưa lúc nào có tên “chủ tịch”. Nghĩa là ông hành nghề lý thuyết, một nhà lý thuyết chuyên nghiệp, cùng một khuôn với chính ông Trọng và người kế vị hụt ông là Phạm Quang Nghị và tân phó Tổng bí thư Đinh Thế Huynh. Dùng một người như vậy cho việc quản lý và hướng dẫn tư tưởng của hơn 4,5 triệu đảng viên là sự khẳng định lập trường kiên định “nền tảng tư tưởng Mác-Lênin và lý tưởng XHCN” của ông Trọng.

Và với tuổi đời 46, Võ Văn Thưởng có tương lai ít nhất bốn nhiệm kỳ Đại hội nữa. Cho đến 20 năm sau, vẫn sẽ không có đa nguyên chính trị, không có dân chủ “kiểu Tây” ở Việt Nam. Đây có thể là một thông điệp của ông Trọng nhằm làm nản lòng bất cứ một ý tưởng cải cách thể chế, thay đổi chế độ của bất cứ ai. Gọi là cái “tre già măng mọc” của ông.

Nhưng ông Võ Văn Thưởng còn rất trẻ. Người trẻ thường rất nhạy cảm với thời cuộc. Giữa một thế giới đầy ắp những biến động phi thường, tuổi trẻ có thể cũng đem đến những khát vọng và hoài bão khác thường, điều mà cái đầu già cỗi của ông Trọng dù khôn ngoan, có thể không tính hết được.

Không giống trường hợp Võ Văn Thưởng phải chuẩn bị nhiều năm trước, ông Đinh La Thăng được đưa vào làm bí thư đảng bộ TP HCM, có lẽ là một ngẫu hứng có chút ít phiêu lưu, táo bạo của bộ chính trị và của chính Nguyễn Phú Trọng. Nói ngẫu hứng vì, mặc dù chủ trương kỹ trị hoá các đô thị lớn, trước hết là các thành phố quan trọng, là một chủ trương đạt được sự nhất trí cao trong bộ chính trị, giải pháp Đinh La Thăng là một quyết định chợt đến. Hoàng Trung Hải là lựa chọn ban đầu. Hoàng Trung Hải là một nhà quản trị công nghiệp có tài, và dày dạn kinh nghiệm. Nhưng bản tính Hoàng Trung Hải kín đáo, thâm trầm, rất khó biết những toan tính bên trong, lại đang chịu tai tiếng là người gốc Hoa, nếu đưa vào TP HCM, có thể là chuyện thả diều bắt bóng, thật sự khó tiên liệu được diễn biến.

Đinh La Thăng được cho là loại “phổi bò”, hữu dũng và không hợp với hoạt động bí mật. Những kẻ thích âm mưu thường ớn loại người này. Vì vậy, dù có thể khó thành công, nhưng cả khi không thành công, cũng dễ thấy được tất cả vì sao. Đây có thể cũng là một bất ngờ. Bất ngờ với Lê Thanh Hải, và bất ngờ với những thế lực siêu mạnh phía sau ông. Bản thân cái quyết định ngẫu hứng cũng là một bất ngờ. Trong đánh trận, yếu tố bất ngờ đã bảo đảm thắng một nửa. Vả lại, việc bắt buộc phải đưa “miền Bắc” vào, còn vì một thực tế không thể bác bỏ, ngay cả các “uỷ viên phía Nam” cũng thừa nhận là 100% cán bộ lãnh đạo miền Nam trưởng thành từ hoạt động bí mật. Nhiều năm hoạt động luồn lách trong bóng tối, theo kiểu hội kín, đã tạo ra kỹ năng đặc biệt trong việc quy tập và co cụm quanh tâm điểm lợi ích hay tâm điểm quyền lực. Đây là một trong những nguồn gốc hình thành nhóm lợi ích. 100% các nhóm lợi ích có quy mô và ảnh hưởng hiện nay đều có xuất xứ miền Nam.

Hiện tại, cả Bí thư lẫn Chủ tịch đều là người của Bộ chính trị. Ông Nguyễn Thành Phong, hiện là phó bí thư, chủ tịch UBND thành phố, vốn là người được điều bổ sung tăng cường cho Võ Văn Thưởng từ tháng 3/2015, tức là 7 tháng trước đại hội đảng bộ thành phố. Giống như trong một Doanh nghiệp, một Tập đoàn, cả Chủ tịch Hội đồng lẫn Tổng Giám đốc đều là người từ nơi khác đến, tức là người đứng trên, nhưng đứng ngoài bộ máy. Nếu đó là một cỗ máy hoàn chỉnh và hoàn toàn tự động thì các mệnh lệnh chỉ huy của bất kỳ ai từ bên ngoài sẽ đều vô hiệu. Tuy nhiên, nếu đây chỉ là một chiếc lô-cốt, kiên cố nhưng vô tri, thì chỉ cần đặt một lượng bộc phá đủ lớn là “xong”. Vấn đề là phải biến nó thành cỗ máy vô tri.

Trong bài viết trước, Đinh La Thăng có trụ được ở TP HCM không, tôi có nói với ông Thăng rằng, không có tai họa nào không thể hóa giải. Tôi cũng nói vui rằng thiên cơ thì bất khả lộ, thiên cơ chính là đây. Ông phải thắng và có thể thắng. Ông Trọng đã thắng ông Dũng và ông Hải, nhưng dù sao thì ông Dũng và ông Hải vẫn là người của đảng, suy cho cùng thì vẫn nằm trong tay ông Trọng. Bây giờ khác, lực lượng phía sau ông Dũng và nhất là sau ông Hải là một loại siêu quyền lực, một loại rồng chín đầu trong truyền thuyết. Nó đang có trong tay loại vũ khí bất khả chiến bại, loại vũ khí mà lý tưởng và điều lệ là một thứ trò cười. Ông “cũng cần sống, cũng cần ăn”, như vậy, nếu không khác thường, ông cũng sẽ bị nhốt trong tay chúng, giống như Tôn Ngộ Không, vận tới 3 vòng cân đẩu vân, vạn dặm, vẫn không ra khỏi bàn tay Phật Tổ.

Ông có sở trường dám nói, dám làm, cương quyết, cứng rắn, và chắc là ít nhiều trong sạch. Sở dĩ nói “ít nhiều”, vì trong cái bộ máy hiện nay, nói đảng viên mà trong sạch thì không ai tin. Chưa thấy có chứng cứ nào liên quan kết tội ông. Ông mà trong sạch thì tốt quá, vì đó sẽ là sức mạnh vô địch.

Ở Sài gòn người giàu, siêu giàu rất nhiều, nhưng dẫu có nhiều cũng không thể quá một hai phần trăm. Nghĩa là sau ông có ít nhất 98% số dân, chưa kể ngay trong số giàu, không phải tất cả đều từ tham nhũng hay trộm cướp. Tuy nhiên, có lẽ ngay cả ông Trọng cũng cho rằng, xác suất thắng của ông không nhiều lắm. Ông cố làm được việc dọn nhà, việc sắp đặt có khi phải đợi chính Võ Văn Thưởng quay lại. Ông Thưởng tuy sinh ra ở miền Bắc, nhưng lớn lên ở Vĩnh Long, và nói giọng Nam. Ông Thưởng cũng nói, ông thấy về Sài gòn như về nhà.

Tương tự như với Đinh La Thăng, việc điều ông Hoàng Trung Hải làm bí thư Hà Nội trước hết do chủ trương kỹ trị hoá Chính quyền. Nhu cầu Công nghiệp hoá và nhất là nhu cầu hội nhập, sau hàng loạt những Hiệp định tự do thương mại sắp có hiệu lực trong thời gian tới đây, là một bức thiết thực tiễn không chấp nhận những nhà quản trị giáo điều. Ông Trọng biết điều đó.
Nhưng việc để một ông thiếu tướng công an Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch thành phố, cho thấy ý ông Trọng, và qua ông Trọng là ý Bộ chính trị coi trọng an ninh thủ đô hơn.

Việc cân nhắc giữa tốc độ phát tiển kinh tế và ổn định chính trị vẫn là tranh cãi day dứt từ nhiều kỳ Đại hội. Lãnh đạo Hà Nội và người dân Hà Nội vốn không muốn chịu tiếng thua kém Sài gòn, nhất là tâm lý tự ái, trí thức Hà Nội bị coi là thua trí tuệ trí thức Sài gòn, dân Hà Nội chậm tiến hơn,”quê” hơn dân Sài gòn. Người Hà Nội vốn là “những người thích đùa” lúc quá trớn trong các câu chuyện làm quà, thường tếu táo : “bọn miền Nam toàn từ trong rừng về, từ hầm ngầm dưới đất lên, văn hoá toàn Bổ túc công nông, đại học toàn chuyên tu, dự thính”, “Ông Dũng lớp 3 mà cũng có bằng cử nhân Luật”. Chuyện chỉ là đùa, nhưng phía sau, chính là cái gốc của phân hóa chính trị. Nhưng để cho Hà Nội làm như Sài gòn thì sợ chế độ sẽ biến mất còn nhanh hơn.

Hoàng Trung Hải về Hà Nội dễ được chấp nhận hơn cũng là vì thế. Ông này là dân Bắc gốc. Nhưng thuộc loại người thận trọng, cầu thị thực chất, không biết có “gốc Hoa” không, nhưng có đặc điểm khá Tàu là ưa kín tiếng, xa lánh thị phi. Và có vẻ bề ngoài không ham hố phú quý. Hoàng Trung Hải là lựa chọn có tính định mệnh cho chủ trương chiến lược của ông Trọng, là biến dần Hà Nội thành thủ đô Chính trị, tách Hà Nội từ từ ra khỏi những cuốn hút kinh tế, theo ông là những cám dỗ tha hóa nền chính trị, để trở thành một Washington Việt Nam. Và biến Sài Gòn thành Thủ đô Kinh tế, như New York, sẽ có thể được hưởng đủ quyền tự do và tự chủ cần thiết, để khả dĩ dễ dàng biến hóa phù hợp với môi trường và những đòi tỏi có tính quy luật của thị trường. Nhưng nguyên tắc là tách dần Sài Gòn ra khỏi sinh hoạt chính trị của chế độ. Sài Gòn có thể sẽ không có Bí thư, chỉ có Đô trưởng, một thứ Tư lệnh. Đô trưởng không qua bầu cử, chỉ do Bộ chính trị chỉ định. Không có nhiệm kỳ. Đây là giải pháp thủ tiêu nguy cơ cát cứ. Bài học từ hiện tượng Lê Thanh Hải.

Ông Đinh Thế Huynh nhận phân công Thường trực Ban bí thư, tức là phó Tổng bí thư. Trong khi Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc còn phải đợi nửa năm nữa mới có thể bắt đầu kiến lập thành lũy, thì người sẽ nhận thượng phương bảo kiếm hàng ngày và ngay từ bây giờ là Đinh Thế Huynh. Thực sự, người kế nhiệm được ông Trọng lựa chọn đã không còn cần phải che đậy. Ông Đinh nguyên là Trưởng Ban tuyên giáo, kiêm chủ tịch Hội đồng lý luận TW. Bây giờ ông nhậm chức Thường trực Ban bí thư, nhân vật thứ hai, nhưng chưa thấy chức chủ tịch Hội đồng lý luận giao cho ai. 

Có một chuyện mà dư luận ít ai để ý, là từ hơn mười năm nay, chính xác là bắt đầu từ năm 2003, sợi dây ý thức hệ gắn kết hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là Hội thảo lý luận giữa hai đảng được tổ chức hàng năm, theo phương thức luân phiên, một năm tại Trung Quốc, năm sau tại Việt Nam. Đại diện hội thảo là uỷ viên bộ chính trị hai đảng. Thành phần Hội thảo bao gồm cán bộ cao cấp, các chuyên gia nghiên cứu lý luận cấp cao, có số lượng khoảng 50 người mỗi bên. Năm 2001, trong khi làm bí thư thành uỷ Hà Nội, ông Trọng kiêm giữ chức chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và năm 2003 vừa chuẩn bị công tác tổng kết lý luận, chuẩn bị văn kiện chính trị Đại hội đảng lần thứ X, ông Trọng vừa trực tiếp cùng phía Trung Quốc chuẩn bị việc khai trương Hội thảo lý luận giữa hai đảng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 07/04/2015, được hai bên cố tình sắp xếp trước chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, ông Tập Cận Bình đích thân hướng dẫn Nguyễn Phú Trọng thăm triển lãm thành quả 10 năm Hội thảo lý luận giữa hai đảng, trong đó, Nguyễn Phú Trọng là đại diện Việt Nam đầu tiên dự lễ khai trương, và trưởng đoàn dự phiên Hội thảo lần thứ nhất, năm 2003. Thái độ cố ý trân trọng của Tập Cận Bình cho thấy ý thức hệ là của quý riêng hai đảng, không thể so sánh với bất cứ loại quan hệ của kẻ thứ ba ngoại đạo nào khác.

Ông Đinh Thế Huynh, với tư cách trưởng Ban tuyên giáo, Chủ tịch Hội đồng lý luận, làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự các Hội thảo lần thứ VII, ngày 28/11/2011, tại Giang Tô, Trung Quốc, lần VIII, ngày 7/6/2012 , taị Hạ Long, Việt Nam, lần IX, ngày 27/07/2013, tại Liêu Ninh, Trung Quốc, lần X, ngày 4/11/2014, tại Đà Lạt, Việt Nam, và lần XI, ngày 17/06/2015, tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ông này là uỷ viên bộ chính trị duy nhất có số lần tiếp xúc lý luận với Trung Quốc nhiều nhất, và đặc biệt là trong những diễn biến chủ quyền phức tạp nhất.

Bằng những cơ chế riêng, ý thức hệ cộng sản dựa trên nền tảng tư tưởng Mác-xít là sợi dây trói buộc sự gắn kết của đảng cộng sản Việt Nam với thành trì của Chủ Nghĩa Xã Hội là đảng cộng sản Trung Quốc. Một bảo đảm của chế độ.

Từ ông Trọng khởi đầu, đến ông Tô Huy Rứa (chủ tịch Hội đồng lý luận 2007-2011), bây giờ là Đinh Thế Huynh, cho thấy một sự kế tiếp bền vững và thắng thế của lập trường kiên định chế độ thông qua ý thức hệ cộng sản. Con đường phía trước thậm chí còn phác thảo ở chỗ ông Võ Văn Thưởng.

Khác với các thủ lĩnh đảng hay nhà nước, mọi chuyến thăm hay giao dịch đều phải có kẻ mời, người nhận, Đinh Thế Huynh mỗi năm một lần, có 3-5 ngày giao kiến với một uỷ viên Bộ Chính trị Trung Quốc, khi ở Trung Quốc, khi ở Việt Nam. Mỗi một lần hội thảo, một đề tài, nhưng chi tiết thảo luận, không phải ai cũng có thể được biết. Nhất là trước những sự kiện đặc biệt. Phải là người được đặc biệt tin cẩn, đặc biệt gần gũi với Trung Quốc.

Ông Đinh Thế Huynh sẽ phải xuất hiện với tần suất lớn hơn bình thường, nhất là nếu ông Trọng giữ lời hứa nửa nhiệm kỳ. Ông sẽ phải tạo hình ảnh cho thiên hạ quen dần rằng ông là người cao nhất, quyền lực nhất, là người đáng tin cậy nhất và tài năng nhất. 

Ngoài những vị trí bộ tứ đã xác định và 9 uỷ viên vừa được phân công, thấy còn 3 nhân vật, nếu không có gì thay đổi, thì vẫn chỉ tiếp tục chức vụ cũ. Như vậy, Phạm Bình Minh tiếp tục phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao. Nguyễn Văn Bình tiếp tục Thống đốc ngân hàng nhà nước, trước khi được phân công phó thủ tướng Tài chính sau Quốc hội 14. Bà Tòng Thị Phóng đã hai nhiệm kỳ phó chủ tịch Quốc hội, nếu không thể tiếp tục ở Quốc hội, có lẽ sẽ sang Mặt Trận Tổ Quốc thay cho Nguyễn Thiện Nhân quay về phó thủ tướng.

Như vậy là qua vụ việc phân công lần này cho thấy chỉ có hai xáo trộn, có thể gọi là bất ngờ. Một là phản ứng từ đảng bộ thành phố HCM. Tới đây có thể ông Đinh Thế Huynh sẽ thay ông Sử Ngọc Anh ra khỏi sở Kế hoạch đầu tư, ông Võ Tiến Sĩ thôi làm bí thư Quận 5. Chuyện lình xình ở Bộ Quốc phòng sẽ không gây thêm hiệu ứng gì lớn. Có thể Nguyễn Chí Vịnh không làm thứ trưởng và sẽ có sắp xếp lại toàn diện tổng công ty 319, không trực thuộc bộ Tổng Tham mưu.

Về Đại cục, chế độ được bảo vệ vững chắc và sẽ tiếp tục vững chắc. Sẽ có hội nhập sâu rộng, nhưng không có công đoàn độc lập, không có tổ chức chính trị đối lập. Không có đa nguyên. Một sự thật đáng được thừa nhận một cách xứng đáng là việc ông Trọng đã dẹp bỏ thành công hai ung nhọt lớn nhất của xã hội nhiều năm nay là Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải. Không thể phủ nhận rằng đây hoàn toàn là công của ông, nếu xét tới những lúc tưởng như ông hoàn toàn cô độc.

Nhưng chúng ta nói những gì ông Trọng nghĩ và ông Trọng muốn. Những gì đang chuyển động xung quanh không phải như vậy. Trung Quốc đang sụp đổ. Nền kinh tế Trung Quốc không thể ra khỏi khủng hoảng bằng khủng bố và ý chí của chính phủ. Trung Quốc sẽ phải quay lại từ đầu. Không thể đi từ các siêu tập đoàn quốc gia. Quyền lực tập trung cho phép dồn một nguồn lực tài nguyên quốc gia cực lớn cho các siêu tập đoàn, tạo ra sức mạnh ban đầu lấn át tất cả. Đây là sự trỗi dậy tạo ảo giác vĩ đại, nhưng sự tập trung quá lớn, quá gấp lượng tài sản không có chủ sở hữu cụ thể, trong khi cơ cấu các tập đoàn theo mô hình bao cấp không thích ứng, luật pháp và các cơ chế quản lý không theo kịp, là nguyên nhân của tham nhũng. Cho đến khi tham nhũng trở thành tệ nạn bao trùm thì hao tổn tài nguyên quốc gia làm kiệt quệ sinh lực đất nước, đó là khủng hoảng.

Nhưng giải quyết khủng hoảng bằng tiêu diệt tham nhũng chỉ là cắt cỏ trên ngọn. Để tạo ra một áp lực khủng bố, cần một cơ chế tập trung quyền lực cao, thứ nhất bóp nghẹt mọi sáng kiến xã hội, thứ hai, áp lực khủng bố sẽ gây tê liệt toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, dẫn đến sự sụp đổ. Những cố gắng hiện nay của lãnh đạo Trung Quốc chỉ có ý nghĩa làm chậm, hoặc kéo dài, chứ không chống được sụp đổ. Vấn đề là xã hội hoá triệt để nền kinh tế. Giảm tới mức cao nhất có thể sự can thiệp hành chính của Chính phủ đối với các hoạt động kinh tế. Sở hữu hoá tất cả mọi tài sản có thể bị coi là tài sản công. Độc lập và phi chính trị hoá Pháp luật. Đó là con đường duy nhất để tiêu diệt tham nhũng.

Chủ nghĩa xã hội không thể được xây dựng bằng cách tiêu diệt sở hữu. Đó là duy ý chí, trái quy luật. Sở hữu là thuộc tính tự nhiên. Chủ nghiã xã hội là sự bảo đảm công bằng trong thụ hưởng thành quả của sản xuất. Đó là công bằng trong phân phối và tái phân phối kết quả của nền sản xuất. Nói nôm na là ăn chia đồng đều. Nhưng muốn chia thì trước hết phải làm ra cái để chia. Càng có nhiều để chia thì sẽ dễ đạt được công bằng. Cho nên chủ nghĩa xã hội trước hết phải là tạo ra nhiều của cải nhất. Lợi nhuận là động lực của năng suất và hiệu quả. Chủ nghĩa lợi nhuận chính là động lực tạo ra nhiều của cải nhất. Cũng là mục tiêu đạt tới của chủ nghĩa xã hội. Cho nên chủ nghĩa xã hội không mâu thuẫn với chủ nghĩa lợi nhuận. Ở các nước phát triển, sở dĩ không có mâu thuẫn đối kháng trong xã hội, chính là nhờ chủ nghĩa lợi nhuận mà quyền lợi của mọi thành phần trong xã hội được điều tiết công bằng thông qua công cụ phân phối và tái phân phối. Chìa khoá của phân phối công bằng là Dân chủ. 

Ông Trọng có thể là một nhà yêu nước. Nhưng khái niệm yêu nước là một phạm trù có tính định hướng quy ước. Ông yêu nước, có thể tôi cũng không kém ông, nhưng rõ ràng là tôi chống lại ông. Vì vậy cũng cần Dân chủ, và chỉ trong một xã hội dân chủ, mọi định hướng quy ước khác nhau mới có thể chung sống một cách tự nhiên. Ông có niềm tin vào tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, nhưng tính ưu việt có thể đến từ các chủ nghĩa khác, thực tế đã có, đang có mà không cần phải chuyên chính vô sản, không cần ai đào mồ ai để phải chém giết và tạo hận thù. Chủ nghĩa Mác chia nhân loại ra hai phía đối kháng, thù địch là căn nguyên của hận thù và chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét