Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Nếu không có đơn xin từ nhiệm: 'Đảng ta là đảng cầm quyền...' *

Kiện toàn nhân sự sớm để có người chịu trách nhiệm


Tiền Phong


“Cứ mỗi nhiệm kỳ 5 năm, chúng ta lại mất gần hai năm để bầu bán và sắp xếp bộ máy. Cách làm như vậy quả thật là rất tốn kém thời gian và không thật hợp lý”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.



TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người có rất nhiều năm gắn bó với Quốc hội trao đổi với chúng tôi xoay quanh việc Quốc hội cho ý kiến và quyết định về vấn đề nhân sự ngay tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, khai mạc sáng nay (21/3).

Tại kỳ họp 11 này, Quốc hội sẽ dành hơn 10 ngày xem xét quyết định vấn đề nhân sự, trong đó có kiện toàn, bầu mới các chức danh như Chủ tịch nước, Thủ tướng… Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải sớm kiện toàn bộ máy nhân sự, dù chỉ vài tháng sau, sang nhiệm kỳ mới Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành bầu lại?

Tôi thấy việc sớm kiện toàn bộ máy là rất cần thiết. Làm sớm được ngày nào tốt ngày đó. Năm ngoái chúng ta đã mất gần hết năm để tiến hành đại hội Đảng các cấp. Năm nay, không khéo, chúng ta lại mất gần hết một năm nữa để hoàn thiện bộ máy Nhà nước. Cứ mỗi nhiệm kỳ 5 năm, chúng ta lại mất gần hai năm để bầu bán và sắp xếp bộ máy. Cách làm như vậy quả thật là rất tốn kém thời gian và không thật hợp lý.

Sẽ có một số người cho rằng chỉ còn vài tháng nữa là sang nhiệm kỳ mới và lại phải bầu bán trở lại. Tại sao không chờ luôn đến lúc đó hãy kiện toàn bộ máy cho đỡ tốn kém?

Trước hết, tôi cho rằng, tốn kém của chuyện bầu bán so với tốn kém của tình trạng ngưng trệ công việc của đất nước chưa biết cái nào đã lớn hơn cái nào. Tình trạng ngưng trệ muốn hay không muốn vẫn là một thực tế khách quan. Người được Đảng phân công thay thế lại chưa có sự chính danh nên cũng không thể thúc đẩy công việc. Mà công việc của đất nước thì một ngày không rõ ai là người chịu trách nhiệm chính đã khó; Hàng tháng trời không rõ ai là người chịu trách nhiệm chính thì sẽ khó khăn biết bao nhiêu?!
Hai là, những lãnh đạo mới cũng phải sắp xếp bộ máy mới của mình. Chờ đến tháng 7 mới kiện toàn nhân sự, thì đến cuối năm mới sắp xếp xong bộ máy?!
Còn một lý do quan trọng nữa, mà có lẽ là lý do quan trọng nhất, những quan chức Nhà nước mới, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, sẽ phải dẫn dắt những cố gắng vận động bầu cử trong tháng 5 tới.
Dùng đường lối đã được Đại hội Đảng đề ra để vận động bầu cử chính là cách để đường lối đó được toàn dân thông qua. Nếu dân bầu cho các đảng viên chiếm đa số trong Quốc hội thì điều đó đồng nghĩa với việc dân phê chuẩn đường lối của Đảng. Và Thủ tướng Chính phủ sẽ phải hợp tác với Quốc hội để triển khai đường lối đó.

TS Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: LD.
Thông thường việc quyết định cho một cá nhân xin nghỉ trước thời hạn được xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, thông qua lá đơn xin từ nhiệm, thưa ông?
Đảng ta là đảng cầm quyền. Quyết định của một cá nhân xin nghỉ việc với quyết định phân công công việc của một đảng cầm quyền là hai việc khác nhau. Thế nhưng, về mặt thủ tục Nhà nước, tôi cho rằng, đơn xin từ nhiệm là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo tôi, cách làm hợp lý hơn và đúng với thông lệ quốc tế vẫn nên là: Ngay sau khi Đại hội Đảng kết thúc, toàn bộ Chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm sẽ xin từ chức. Quốc hội sẽ tổ chức ngay phiên họp bất thường để thành lập Chính phủ mới. Danh sách Chính phủ mới sẽ do Thủ tướng Chính phủ mới trình ra Quốc hội.
Trong trường hợp không có cá nhân nào viết đơn mong muốn được nghỉ sớm thì miễn nhiệm lúc đó sẽ dựa trên cơ sở nào?
Tôi cho rằng câu hỏi này chỉ mang tính chất giả thiết. Thực tế thì các đồng chí lãnh đạo đều đã xin Đảng cho được thôi đảm nhận chức vụ. Nếu đơn từ nhiệm là thủ tục bắt buộc, thì các đơn như vậy sẽ có ngay sau một vài tiếng đồng hồ.
Đối với các chức danh trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia thì có phải kiện toàn lại không, hay vẫn giữ nguyên như cũ?
Tôi không biết lãnh đạo sẽ quyết định việc này như thế nào. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, việc kiện toàn các chức danh của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là không cần thiết. Pháp luật không quy định, các chức danh của Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải có sự kiêm nhiệm.
Hơn thế nữa, việc không kiêm nhiệm sẽ làm cho Hội đồng Bầu cử Quốc gia có vị thế độc lập hơn vì vậy mà được cử tri tin tưởng hơn; tính chính danh của cuộc bầu cử cũng cao hơn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn.
Cảm ơn ông!
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông: Thể hiện chính kiến qua lá phiếu bầu

Tại kỳ họp, Quốc hội dành nhiều thời gian bàn về nhân sự, chứng tỏ vấn đề này rất được đề cao, vì cán bộ luôn là khâu quyết định. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra đường lối phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng. Những đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, nếu được Quốc hội tiếp tục tin tưởng, bầu vào các vị trí lãnh đạo thì chắc chắn sẽ là động lực to lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Với tư cách là đại biểu Quốc hội có thẩm quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng bộ máy Nhà nước, tôi sẽ cân nhắc kỹ để thể hiện chính kiến của mình qua lá phiếu bầu.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Quan trọng là sau khi được bầu sẽ làm việc ra sao
Dù đây là kỳ họp cuối cùng, nhưng với nhiều đại biểu thì đây chưa phải kỳ cuối cùng, vì vẫn còn nhiệm vụ ở kỳ họp vào tháng 7 tới. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phải bầu cơ quan Nhà nước và phê chuẩn chức danh của nhiệm kỳ khóa XIV.
Bao giờ cũng thế, sau Đại hội Đảng, việc kiện toàn nhân sự là nhiệm vụ rất quan trọng, vì một số đồng chí sẽ nghỉ. Việc kiện toàn bộ máy mới sẽ tạo động lực mới, khí thế mới để tổ chức thực hiện công việc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội nên rất quan trọng. Tuy nhiên việc kiện toàn không phải là kết quả bầu tại Quốc hội, mà cái chính là sau khi được bầu vào vị trí mới, anh sẽ chỉ đạo, điều hành như thế nào, làm việc ra sao… Điều cử tri và nhân dân mong đợi là chọn đúng người, tạo sự chuyển động trong tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải việc ai được phiếu cao, ai phiếu thấp.
Thành Nam (ghi)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Rinh: Người được bầu phải dám nghĩ, dám làm
Trong kỳ họp này, Quốc hội có một nhiệm vụ đặc biệt là tiến hành kiện toàn nhân sự của các cơ quan Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… Việc kiện toàn này theo tôi là hợp lý, bởi tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp không tái cử, không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới nữa.
Nếu để đến đầu kỳ họp Quốc hội khóa XIV mới bầu thì hơi lâu, tạo ra những khoảng trống quyền lực nhất định. Bên cạnh đó, một số đồng chí thành viên Chính phủ, sau khi vào Bộ Chính trị và đã được phân công đảm nhận nhiệm vụ mới như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội; hay Bộ trưởng Đinh La Thăng được phân công làm Bí thư Thành ủy TP HCM…thì Quốc hội cần tiến hành miễn nhiệm các chức danh cũ của hai đồng chí đó và bầu người mới thay thế… Tôi hy vọng, những chức danh lãnh đạo được bầu lần này phải là những con người đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trung thực, đấu tranh mạnh mẽ và có hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng…
Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm: Siết chặt đầu tư công
Theo dự kiến Chương trình kỳ họp thì lần này Quốc hội sẽ thảo luận và xem xét về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020. Đây là một công việc đặc biệt quan trọng, bởi trong những năm qua tình trạng đầu tư công dàn trải, thiếu hiệu quả, lãng phí diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực. Đó là những nhà máy xây xong “nằm đắp chiếu”, ký túc xá sinh viên có giá trăm tỷ nhưng cũng chỉ có 2- 3 sinh viên đến ở. Bên cạnh đó là những phong trào, những hội chứng đua nhau xây tượng đài, trụ sở hoành tráng, hết sức lãng phí và chưa cần thiết… Vì thế, lần này, Quốc hội cần thảo luận một cách kỹ lưỡng về kế hoạch đầu tư công, trong đó phải thiết lập lại được trật tự quản lý, phải ngăn chặn được triệt để những tình trạng, lãng phí, thiếu hiệu quả.
Văn Kiên (ghi)

Theo Luân Dũng
Tiền Phong
--------------
* Tựa đề do VNTB đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét