Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Đàn áp nhân quyền: Nguyễn Xuân Phúc có khác Nguyễn Tấn Dũng?

Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi ông Phúc tuyên thệ nhậm chức tại Hà Nội, ngày 7/4/2016.


17.04.2016

Phía sau ánh mắt long lanh và cái cười tươi rói quá hồn nhiên của Nguyễn Xuân Phúc vào ngày nhậm chức đứng đầu chính phủ, ông lại là thủ tướng nặng nợ nhất trong lịch sử Việt Nam - kế thừa bởi núi thừa kế ghê rợn từ thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng chế độ đảng trị: tham nhũng kinh hoàng, kinh tế lụn bại và bị cột chặt bởi Trung Quốc, nợ công và nợ xấu ngập đầu, phản kháng xã hội tràn ngập cùng một nền đạo đức tiệm cận đáy, và đương nhiên không thể thiếu thực tiễn quá nhiều quyền con người bị chính thể đạp tận bùn đen.

Nhân quyền! 

Ngay cả những nhà báo nhà nước cũng phải khẳng định: chỉ có thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới có chuyện bắt nhà báo.

Dẫn chứng: hai phóng viên của báo Thanh Niên là Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải đã bị Bộ Công an bắt vào năm 2008 liên quan đến những bài viết của họ về vụ tham nhũng “tắm bia và chơi gái” PMU 18 ăn chặn vốn ODA. Sau đó là nhiều nhà báo và blogger khác…

Trắng màu nhân cách

Năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng chính thức ngồi vào ghế thủ tướng Việt Nam với tự bạch “Tôi yêu nhất sự trung thực” và cam kết “Tôi sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng”.

Những năm sau đó và cho tới cuối đời thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, quốc nạn tham nhũng không những không giảm mà qua từng năm còn luôn được “nâng lên một tầm cao mới”, còn giới viết báo nhà nước lẫn “lề trái” thì tăng trưởng “nhập kho”: từ Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ đến Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phạm Chí Dũng Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Quang Lập, Hồng Lê Thọ…

Nếu hệ thống hóa và phân tích các bài viết chính của những tác giả trên, có thể kết luận: hầu như các chủ đề lớn đều xoáy vào quốc nạn tham nhũng của chế độ và truy buộc trách nhiệm điều hành của cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bất chấp đội ngũ dư luận viên từ thấp đến cao của Nguyễn Tấn Dũng là khá đông đảo và thậm chí còn “ngoại vận” được cả vài chuyên gia phân tích quốc tế, về sau này trong dư luận xã hội và giới dân chủ nhân quyền đã ồn lên tin tức về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp liên quan đến những vụ bắt bớ nhà báo và giới blogger chỉ trích Dũng cùng gia đình ông ta.

Vào năm 2012, đã bắt đầu xuất hiện một nhận định đặc biệt từ giới quan sát: chưa bao giờ có một thủ tướng nào đàn áp giới viết lách mà có thể tại vị và thoái vị an toàn.

2012 cũng là năm xảy ra thử thách lớn đầu tiên đối với sự nghiệp chính trị của Nguyễn Tấn Dũng: do những “thành tích” dung dưỡng cho các nhóm lợi ích và nạn tham nhũng hoành hành quá nhanh và tàn phá quá lớn đối với Tổ quốc, Dũng đã suýt bị loạt khỏi Bộ Chính trị khi Tổng Bí thư Trọng, Chủ tịch nước Sang liên kết quyết liệt với nhau tại Hội nghị Trung ương 6 nhằm “kỷ luật đồng chí X”.

Dù thoát trọng án sau Hội nghị Trung ương 6, ba năm sau đó, Nguyễn Tấn Dũng đã thậm chí không còn giữ nổi một chân Trung ương ủy viên tại Đại hội XII. Bối cảnh này lại xuất hiện trong tư thế tưởng như ông Dũng đã nắm chắc chức tổng bí thư. Đến tháng 4/2016, sự nghiệp chính trị của Nguyễn Tấn Dũng chìm hẳn vào đêm tối: ông trắng tay quyền lực sau khi đã trắng màu nhân cách.

Kế nhiệm chức thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Xuân Phúc - người vốn là “phó hờ” của Dũng nhưng lại được lòng bên đảng.

Khác Nguyễn Tấn Dũng?

Công tâm mà xét, Nguyễn Xuân Phúc chỉ bị mang tiếng bởi vấn đề tài sản cá nhân - một hiện tượng không hiếm và thường mặc định cho giới lãnh đạo Việt Nam - cả đã nghỉ hưu lẫn còn tại chức. Nhưng thủ tướng mới của chế độ vẫn còn một đảng ở Việt Nam chưa từng bị dư luận dị nghị hay lên án về thành tích đàn áp giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền. Lý do đơn giản là khi còn là phó thủ tướng thường trực, ông Phúc chủ yếu lo điều hành khâu Văn phòng chính phủ, còn công tác nội chính của ông chủ yếu tập trung vào “phòng tham nhũng”.

Sau một số năm lận đận, giờ đây Nguyễn Xuân Phúc đã có quá nhiều thứ trong tay, kể cả… Bộ Công an. Không chỉ phải tiếp nhận những hậu quả khổng lồ thời Nguyễn Tấn Dũng để lại, Thủ tướng Phúc còn ngay lập tức phải căng đầu trước xu thế đối ngoại đang biến chuyển và lắt léo khôn lường theo cách “mình thay đổi khi đời thay đổi”.

Khác với thời Thủ tướng Dũng mà Việt Nam còn tạm ung dung đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ, quá nhiều thử thách về chủ quyền Biển Đông và bức bách kinh tế đang khiến thế đu dây của chế độ phải sớm chấm dứt, nếu không kẻ muốn làm xiếc sẽ gãy cổ.

Ít tháng trước khi Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào cái ghế do Nguyễn Tấn Dũng để lại, đảng đã bắt đầu lộ ra vài dấu hiệu “thoát Trung”. Nghe nói đây là một chủ trương của đảng, cho dù với quán tính ậm ạch và đặc tính “muốn làm bạn với tất cả các nước” trong quá nhiều năm trời của tổ chức này, giữa chủ trương và thực tiễn là cả một hố sâu thăm thẳm.

Nhưng muốn “thoát Trung” lại phải tìm ra một chỗ dựa. Một điểm tựa nếu không được ấm êm thì cũng không đến nỗi lá mặt lá trái chẳng biết “đi tàu suốt” lúc nào như cuộc chơi với Trung Nam Hải. Không được tháp tùng trong đoàn Tổng Bí thư Trọng đi Washington vào tháng 7/2015, nhưng có lẽ Nguyễn Xuân Phúc là người thừa hiểu rằng Nguyễn Phú Trọng và những người bên đảng đã đi một nước cờ quyết định: không những xoay ngược thế cờ đấu đá nội bộ, lần đầu tiên từ năm 1975 đảng còn chấp nhận cả định chế “diễn biến hòa bình” Công đoàn độc lập, cùng một loại hình không kém diễn biến là Xã hội dân sự.

Công đoàn độc lập và Xã hội dân sự lại gắn liền với những định chế về luật pháp như luật Lập hội, luật Biểu tình, và nói chung là về nhân quyền - được “đảng lãnh đạo toàn diện” hứa hẹn từ Hiến pháp năm 1992 nhưng đến nay vẫn chẳng thấy tăm hơi nào. Nhân quyền lại là một trong những nhân tố tiên quyết để Hoa Kỳ xem xét có thể tiến hành “đối tác chiến lược” - điều mà Hà Nội đặc biệt cần đến trong thời gian này và có thể liên quan trực tiếp đến chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Obama vào tháng 5/2016 - hay không.

TRÒN hay MÉO?

Mang tính cách một chính khách mê làm ăn, xu thời và có ưu điểm nổi bật là ít quan tâm đến ý thức hệ “không biết đến cuối thế kỷ này có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không”, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lẽ sẽ ít nhiều rút ra được những bài học kinh nghiệm đắt giá từ thời thủ tướng bị miễn nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, trong đó đặc biệt là cách hành xử và chỉ đạo Bộ Công an, Công an Hà Nội và đương nhiên không thể thiếu “gương điển hình tiên tiến” là TP.HCM, về những hành vi đàn áp nhân quyền và đối xử thô bạo với tự do ngôn luận cùng tự do báo chí.

6/4/2016 có thể được xem là một thời điểm mang tính cách lịch sử: không chỉ chính thức kết thúc cuộc xung đột quyền lực giữa cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các ủy viên khác trong Bộ Chính trị đảng, mà còn dẫn đến khả năng trong thời gian một vài năm tới, giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam sẽ ít bị lôi ra làm vật hy sinh như trước đây bởi những cuộc xung đột quyền lực triền miên liên quan đến hoạt động đối ngoại của các phe phái chính trị, cho dù chưa phải vì lý do “ngả hơn về phương Tây” mà chính quyền và Bộ Công an bỏ qua thói quen nhốt quyền làm người vào rọ.

Bằng chứng nhốt rọ mới nhất là ngay tại thời điểm Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức thủ tướng, tự do tôn giáo đã bị đàn áp khắp nơi: Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang, Công giáo ở Quảng Bình, Tin Lành ở Gia Lai và Bình Định…

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - cơ quan đã tham gia vào Công ước chống tra tấn quốc tế - liệu có “làm án” với những quan chức công an ở thành phố Pleiku, Gia Lai - những kẻ hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp phải chịu trách nhiệm về hành vi tra tấn gây thương tích trầm trọng cho bà Trần Thị Hồng - vợ của mục sư bị tù Nguyễn Công Chính, vì bà Hồng đã không chịu trình báo việc bà gặp phái đoàn nhân quyền Hoa Kỳ vào ngày 30/3/2016?

Sẽ là quá khó để Nguyễn Xuân Phúc dọn dẹp đống đổ nát thời Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng lại dễ hơn đôi chút để một thủ tướng với niềm đam mê chính trị ngùn ngụt cùng thể diện đối ngoại phải có nương theo xu thế dân chủ hóa Miến Điện cùng hình ảnh tiêu biểu về từ tâm của Thein Sein, thay vì tìm cách bắt bớ Sự Thật ở Việt Nam.

Đoạn cuối đời người luôn luôn mang một chút khí sắc tâm linh. Cuộc đời ông Phúc không chỉ có “Méo” mà còn có ”Tròn”. Nhưng cũng là một hình ảnh Tròn - Méo hỗn hợp, luân chuyển. Tựu chrung, cách ông Phúc ăn ở với dân ra sao sẽ quyết định hậu vận và lối thoát cuối đời của ông - không nhất thiết tại đất nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét