Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Giới thiệu bài thơ NHỚ RỪNG của Thế Lữ

Mai Tú Ân 


Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, 
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa. 
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già, 
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

Xin được giới thiệu bài thơ nổi tiếng Nhớ Rừng của Thế Lữ, nhưng trước hết xin giới thiệu về một con người mà tác giả của bài thơ này dâng tặng : Nguyễn Tường Tam. Đó chính là nhà văn nổi tiếng Nhất Linh (1906 - 1963), tác giả của Đoạn Tuyệt, Gánh Hàng Hoa, Người Quay Tơ...và là người sáng lập, người anh cả của Tự Lực Văn Đoàn, và cũng là người bảo trợ rất nhiều nhà văn nhà thơ trẻ, trong đó có tác giả Thế Lữ. Ông cũng là người anh ruột của hai nhà văn tài năng Hoàng Đạo và Thạch Lam. 

Là một nhà văn rất có uy tín đương thời, Nguyễn Tường Tam đã tham gia chính trị, bị bắt bớ tù đầy nhiều lần. Ông là lãnh tụ của VN QDĐ và tham gia chính phủ đầu tiên của VNDCCH với vai trò Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao. Sau đó để phản đối Chủ Tịch Hồ Chí Minh ký Hịêp Ước sơ bộ 6/3/1946 ông từ nhiệm và lưu vong ở nước ngoài. Đệ nhất Cộng Hòa, ông đã tham gia vào cuộc đảo chính của Tướng Nguyễn Chánh Thi năm 1960. Đảo chính thất bại, ông vẫn được tại ngoại nhưng một ngày trước khi phải ra tòa vì tội trên, ông đã uống thuốc độc tự tử và để lại câu di ngôn nổi tiếng : 

"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả..." 

Một nhà văn tài năng, nhưng cũng là một chiến sĩ sẵn sàng dấn thân khi nước nhà nguy biến. Một người anh cả của văn chương Việt Nam và một nhân cách lớn không thể phủ nhận trong làng văn chương Việt Nam, và cũng là một tấm gương cho những người cầm bút thế hệ sau. Không phải phải ngẫu nhiên khi nhà thơ Thế Lữ đã tặng ông bài thơ Nhớ Rừng đầy khí phách này... 

Chúng ta hãy trở về với bài thơ Nhớ Rừng.... 

Với một khẩu khí mạnh mẽ của một bài thơ chiến đấu, với sức mạnh cuồn cuộn và phong thái đầy uy lực của thể thơ này, những lại cũng tràn ngập cảm xúc, với giai điệu và lời thơ đầy tinh tế nói về một con Hổ,nhưng lại đẫm chất Người đầy tình cảm của một bài thơ mới trong phong trào thơ mới. 

Bài thơ này đã đem đến cho độc giả yêu thơ lúc nó mới ra đời (1936) cho đến người yêu thơ bây giờ những cảm xúc trào dâng, qua những vần thơ sang sảng, những câu thơ gai rợn người khi đọc lên. Những câu thơ cảm thán thật ấn tượng mà cho dù có bóc tách riêng ra thì nó vẫn cứ hay, nhưng trong bài thơ này lại toàn là những câu thơ hay, chen chúc với những câu thơ tuyệt hay tràn ngập cả hồn thơ của những người yêu thơ mọi thời. Những câu thơ khéo léo, tinh tế cùng cách bỏ chữ đắc địa không có chỗ chê trong một vần điệu thoáng đạt, lúc trầm lúc bổng theo tính cách nhân vật vật thật hoàn hảo. Các tính từ mô tả tính cách nước đôi lẫn lộn ẩn giấu giữa Người và Hổ, để đẩy tính chất anh hùng lên cao. 

Thủ pháp mượn Vật để tạo Anh Hùng của thi sĩ Thế Lữ tuy không mới nhưng ông đã đưa đẩy bài thơ theo một lối riêng không giống ai, thậm chí cũng không giống cả ông nữa khiến bài thơ xuất thần mãi không dứt. Các bạn hẳn ai cũng đọc, cũng thuộc chút ít bài thơ này đều có cảm giác chưa cất tiếng đọc lên thì đã nghe tiếng rừng xanh kêu như thét khi nghe tiếng Luận Anh Hùng của những anh hùng rừng xanh. Cả bài thơ là sự tiếc nuối rừng xanh mênh mông, sự chê bai thành thị gian hùng, nhỏ bé. Ngôn từ ngồn ngộn, dày đăc các từ ngữ mô tả tâm lý, hay miêu tả về nhân vật cứ ngút ngàn đổ xô ra, khiến thủ pháp hình tượng hóa nhân vật rất tự nhiên và không hề khiên cưỡng. Thế Lữ đã biến tấu nhân vật của ông thật tài tình, tính ẩn dụ thâm hậu và ngôn từ đắc địa đầy chất thơ trong một bài thơ gồm toàn những câu thơ gọt rũa, chau chuốt, mà đôi khi hơi bóng bẩy quá, đã đưa người đọc chúng ta cũng muốn như xuất thần theo bài thơ cùng tác giả. 

Cho dù ví von là con vật nhưng bài thơ đã nâng tầm nhân vật một cách công rất tự nhiên của một Con Người và Con Hổ. Bài thơ ngông nghênh, ngạo nghễ, ngang tàng.pha một chút cay đắng, một chút niềm uất hận cùng một nỗi niềm tiếc nuối mãi rừng xanh khôn nguôi. Bài thơ không phải chỉ của loài hổ, mà là của một con người, mà phải là một con người anh hùng mã thượng của những ngày xưa tươi đẹp. Trong một bối cảnh tiếc nhớ mãi xưa, thì cho dù sa cơ thất thế, nhưng nhân vật không bao giờ đánh mất đi cái khí phách đã tạo nên chất anh hùng đó. Bài thơ có tính cách hiệu triệu cao, và khiến cho những người yêu thể thơ hào hùng mạnh mẽ rất yêu thích. Bài thơ đầy cá tính này đã được các tay CM lăn lộn tù đầy cùng các tay giang hồ hảo hán ăn cơm tù nhiều hơn cơm đời rất yêu thích và tôn lên làm Thơ Tổ của nghề.... 

Các bạn hãy cùng tôi đọc bài thơ này. Hãy đọc, hãy cảm nhận từng câu chữ trong bài thơ chan chát khí phách này, thì rất có thể bạn đã có những giai điệu tinh túy đầy chất nhac hòa quyện vào mình rồi. Càng đọc thì theo thời gian, những giai điệu thơ mạnh mẽ này cứ thấm đẫm vào máu thịt mình, và để cho dòng máu anh hùng của bài thơ cuồn cuộn chảy trong bạn, trong tôi và khiến cho chúng ta trở nên mạnh mẽ và không bao giờ khuất phục trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ai cũng đã đọc, đã thuộc không nhiều thì ít bài thơ, nhưng hãy đọc nữa, đọc lớn lên giữa một vũ trụ mênh mông bạt ngàn chung quanh ta, để mỗi lần đọc chúng ta như khám phá lại tiềm năng của bản thân mình, làm nóng lại dòng máu anh hùng đang cuồn cuộc chảy trong chính con người của mình... 

Không thể không công nhận khi bài thơ này được những người yêu thơ gọi là Bài Thơ Không Phải Thơ Tình Hay Nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam... 


MTA

--------------------- 




NHỚ RỪNG 

(Lời con Hổ trong vườn Bách thú, 

Tặng Nguyễn Tường Tam) 


Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt, 
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua. 
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ, 
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm, 

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm, 
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi. 
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi, 
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự. 

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, 
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa. 
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già, 
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi, 

Với khi thét khúc trường ca dữ dội, 
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng, 
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng, 
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc. 

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc, 
Là khiến cho mọi vật đều im hơi, 
Ta biết ta chúa tể của muôn loài 
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi. 

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối, 
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan? 
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn, 
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới? 

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội, 
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng? 
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng. 
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt, 

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật? 
- Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu? 

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu, 
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi, 
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối: 
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng; 

Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng 
Len dưới nách những mô gò thấp kém; 
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm, 
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu 

Của chốn ngàn năm cao cả âm u. 
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ! 
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị. 
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa 

Nơi ta không còn được thấy bao giờ 
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán, 
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn 
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi, 

- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi! 


(1936) 

THẾ LỮ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét