Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Biển Đông: Cuộc mặc cả đã xong?

Thiên Điểu


(VNTB) - Một chi tiết “nhỏ” là bất ngờ vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua, chính quyền Mỹ đã đồng ý cho Trung Quốc đặt một màn hình Video cực lớn ngay tại Quảng trường Thời đại (Times Square) tại New York để phát đi các nội dung “chứng minh Trường Sa & Hoàng Sa là của Trung Quốc”.


Ai cũng biết, cục diện đường lưỡi bò và tham vọng độc chiếm của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn phụ thuộc đối sách của hai cường quốc Trung - Mỹ và phần nào mức độ quan tâm của các cường quốc có lợi ích khác chứ không chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các nước nhỏ trong khu vực – trong đó có Việt Nam. Về bằng chứng lịch sử, nó được minh chứng bởi thực tế từ trước tới nay, mặc dù là tuyến giao thông thương mại lớn thứ hai thế giới nhưng lợi ích khai thác chủ yếu vào tay các cường quốc, các quốc gia nhỏ trong khu vực chỉ hưởng lợi từ các hoạt động khai thác tài nguyên (đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí..) là chính. Ngày nay, các nghiên cứu thăm dò chỉ ra các nguồn tài nguyên dầu khí, khí đốt, băng cháy.v.v. với giá trị khai thác hàng ngàn tỷ dollar chính xác đến mức độ nào rất khó nói, vì khó có thể chắc chắn rằng các con số dự báo ấy là chiêu trò mà các bên đưa ra nhằm mục đích khác. Nó thể hiện ở các số liệu mỗi nước đưa ra có sự khác biệt và chênh lệch nhau rất xa.

Những lợi ích kinh tế ở Biển Đông là nguyên nhân thứ nhất để thúc đẩy tranh chấp ở đây nóng lên. Nhưng tham vọng và mục tiêu cân bằng quyền lực, thậm chí vươn tới để thay thế vị trí siêu cường số 1 thế giới hiện trong tay Mỹ của Trung Quốc mới là tham vọng lớn nhất mà Trung Nam Hải mong muốn. Nó làm cho căng thẳng Biển Đông có thể bị đẩy tới mức không có bất kỳ giới hạn nào cả trong tính toán lẫn tình huống bất ngờ.

Tuy nhiên, sau những động thái đe nẹt đầy ẩn ý qua việc biểu dương sức mạnh quân sự, cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đã bộc lộ bước đi lựa chọn giải pháp giới hạn xung đột theo một cách thức mà chỉ Mỹ-Trung mới biết. Cuộc gặp mặt của Tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ - Đại tướng Joseph Dunford và Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc cách đây gần hai tháng đã không có bất cứ thông tin nào nhắc tới. Điều đó đặt ra hai giả thiết: Một là Mỹ-Trung đã không thể đi đến một thống nhất chung nào nhỏ nhất, dẫn đến cả hai bên đều im lặng. Hai là đã đạt được một thỏa thuận toàn diện nhưng vì lý do nội dung của nó có nhiều thứ không hay ho gì nên nó được cho vào vòng bí mật.

Về khả năng thứ nhất thì rất khó xảy ra vì đây chỉ là cuộc gặp cấp trung - dưới Bộ trưởng – nên không đến nỗi không có được một ý kiến công khai dù về mặt chính trị nó không đại diện cho Chính phủ. Vậy còn giả thiết thứ hai ? Một chi tiết “nhỏ” là bất ngờ vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua, chính quyền Mỹ đã đồng ý cho Trung Quốc đặt một màn hình Video cực lớn ngay tại Quảng trường Thời đại (Times Square) tại New York để phát đi các nội dung “chứng minh Trường Sa & Hoàng Sa là của Trung Quốc”. Vụ việc có vẻ rất “nhỏ”, nhưng nó là chi tiết minh chứng: Mỹ - Trung đã có một thỏa thuận bí mật về số phận Biển Đông. Tại Mỹ, dù là xứ sở tự do, dân chủ, nhưng các thông điệp mang tính chính trị như vậy không thể dễ dàng xuất hiện. Không hẳn là cấm vì nó trái với quan điểm của chính quyền, mà nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và an ninh xã hội.

Quyền lợi Mỹ ở đây chính là nội dung phán quyết của Tòa án quốc tế (PCA) đối với vụ kiện giữa Philippin vớiTrung Quốc. Với độ phức tạp bởi nhiều quốc gia đều có tuyên bố chủ quyền chồng lên nhau ở Biển Đông, phán quyết của PCA không chỉ cho phép Mỹ mà tất cả các nước đều tự do đi lại qua vùng biển này mà không phải chia sẻ lợi ích vì PCA không xem các đảo tranh chấp là thực thể được xem xét. Nói cách khác, Mỹ được lợi lớn bởi phán quyết của PCA. Việc nhiều nước lớn sau phán quyết của PCA đều đưa quân tới Biển Đông, không hẳn là nhằm “đối phó âm mưu bành trướng của Trung Quốc” như nhiều người nghĩ mà thực chất nhằm mục đích hiện diện để chia sẻ một phần lợi ích tương tự như Mỹ ở đây.

Về phái Trung Quốc, trong khoảng nửa tháng trở lại đây, liên tục các thông điệp hướng tới một cuộc chiến bằng vũ lực với Việt Nam được phát đi từ truyền thông lẫn nhiều quan chức trong quân đội Trung Quốc. Hành động tập trận bắn đạn thật, cắm biển của Trung Quốc đã không gặp một phản ứng trực tiếp nào từ Mỹ. Phải chăng thỏa thuận ngầm kia đã an bài số phận không chỉ Việt Nam mà ngay cả các đồng minh của Mỹ ở Biển Đông, tương tự câu chuyện Hội nghị Thành Đô của Việt Nam và Trung Quốc? Giả thiết này khiến người ta liên tưởng lại lý do Mỹ đã bỏ miền Nam Việt Nam trước đây và lờ tịt không lên tiếng về cuộc chiến Việt – Trung năm 1979.

Nếu giả thiết này chính xác, nó là bài học không nhỏ cho những người tham gia phong trào dân chủ nhưng đặt quá nhiều kỳ vọng vào Mỹ. Nhưng nó cũng đặt ra khả năng sẽ có thêm bài học đau đớn cho chính Mỹ tương tự như bài học về cách hành xử với Liên Xô trước kia. Với Trung Quốc, Mỹ sẽ gánh chịu bài học này đau đớn hơn rất nhiều. Thậm chí là tai họa chịu thất bại trước một loại văn hóa thâm độc và tàn nhẫn mang tên Trung Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét