Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Hậu đại hội 12, Núi Pháo, MobiFone và ‘hai trong một’





Cuối tháng Bảy năm 2016, vụ việc MobiFone mua AVG đến gần 9,000 tỷ đồng đã chính thức được “Thường trực Ban Bí thư và Chính phủ giao cho Thanh tra chính phủ tổ chức thanh tra”. Sau vụ “thanh tra môi trường dự án mỏ Núi Pháo”, một lần nữa cái tên Nguyễn Thanh Phượng được nêu ra như một “người đứng sau ông Lê Nam Trà ở MobiFone”.

Cần nhắc lại, ngay sau khi đại hội 12 của đảng cầm quyền kết thúc vào tháng Giêng năm 2016 với thất bại không thể ê chề hơn dành cho ông Nguyễn Tấn Dũng, một bàn tay bí mật đã tung đến từng chi tiết lên mạng xã hội vụ MobiFone mua AVG, và còn thông báo trước là “Thanh tra chính phủ sẽ vào cuộc”. Cho tới nay, “quy trình” đã diễn ra đúng như vậy. Hẳn tác giả của loạt bài viết về MobiFone mua AVG phải nắm được rất nhiều thông tin nội bộ và còn có thể chính là người trong nội bộ.

Cũng cần nhắc lại, một trong những địa chỉ gây ô nhiễm môi trường mà có lần phóng viên nhà nước đến điều tra đã bị côn đồ đánh bầm dập, nhưng Hội Nhà báo Việt Nam đã không làm bất kỳ động tác can đảm tối thiểu nào để bảo vệ hội viên của mình - mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên có trữ lượng vonfram thứ hai trên thế giới, đã bị Bộ Tài nguyên Môi trường thanh tra toàn diện theo một chỉ đạo của đảng. Chưa biết kết quả thanh tra sẽ ra sao. Nhưng ấn tượng lớn nhất liên quan đến vụ việc này, là Bộ tài nguyên Môi trường - cơ quan hầu như “cấm khẩu” sau vụ cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung- nhưng lại đang trở thành một mũi tiên phong trong công cuộc “hồi tố” dự án Núi Pháo, mà đằng sau đó ai cũng biết là có bàn tay giao dịch đắc lực của bà Nguyễn Thanh Phượng - con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

“Hai trong một” dường như đang trở thành khẩu hiệu ứng với số phận gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng hậu đại hội 12. Núi Pháo và vụ MobiFone mua AVG đang là tâm điểm của một chiến dịch “chống tham nhũng” xuất phát từ “việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Trọng.

Chiến dịch trên có vẻ càng được tăng tốc khi khối lợi ích đang lồ lộ hiện ra.

Ngay sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng mất chức thủ tướng vào tháng Giêng năm 2016, đã rậm rịch đồn đoán về một chiến dịch từ tranh giành đến thâu tóm doanh nghiệp và thị phần kinh doanh, xuất phát từ những nhóm lợi ích liên quan mật thiết đến những nhóm quyền lực mới. Lãnh địa của tay chân ông Nguyễn Tấn Dũng lại được coi là vô cùng lớn và vô cùng màu mỡ, bao gồm nhiều ngành nghề trải rộng ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là khối tài chính và ngân hàng mà đã có đủ thời gian phát triển thành một thế lực tài phiệt . Chúng có quyền năng chi phối, can thiệp đáng kể vào không chỉ các chỉ số kinh tế quốc gia, mà còn vào cả thế lên xuống chính trường Việt Nam.

Một cách đương nhiên, những lãnh địa đó là nơi hội tụ mọi con mắt thèm thuồng của những kẻ muốn thâu tóm, trong bối cảnh đất nước đang gần như cạn kiệt các nguồn tài nguyên.

Nếu trước đại hội 12, Thủ tướng Dũng từng phải giải trình cho Bộ chính trị về 12 điểm bị tố cáo, trong đó có nội dung liên quan đến cô Nguyễn Thanh Phượng, thì nay có vẻ là thời cơ để các đối thủ của ông Dũng “xử” loạt tố cáo ấy.

Hai khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới: tập đoàn màu mỡ của bà Nguyễn Thanh Phượng sẽ lâm vào tình trạng nào – “tiền mất” hay còn là “tiền mất tật mang”?

Cho tới giờ, một số người vẫn tiếc nuối cho bà Phượng: giá như bà biết điểm dừng mà không quá tham lam như thời cha bà còn làm thủ tướng…

Nhưng hình như mọi chuyện đều đã trễ tràng. Thế giới của những con cá mập chỉ là cách nuốt chửng nhau không một chút thương xót.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét