Tôn Phi (VNTB) - Có lý do gì khiến giới chức chóp bu Việt Nam vẫn không kiện Trung Quốc ra tòa PCA?
Cho đến tận hôm nay, sau khi tòa quốc tế xử thắng cho Philipines với đơn kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, vẫn còn rất nhiều dân Việt Nam còn thiếu thông tin về vụ việc. Nhiều người còn có tư tưởng an phận và bàng quan trước tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là những phân tích cặn kẽ của các chuyên gia độc lập lại không đến được với người dân . Rất may, “ Công lý và hòa bình trên biển Đông”- một cuốn sách chuyên khảo, đã giải đáp gần như trọn vẹn những thắc mắc đó.
Những bằng chứng lịch sử
Tác giả Đinh Kim Phúc trích dẫn nhiều văn thư của các đời vua Việt Nam cho thấy họ đã khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa mà không gặp phản đối của một nước khác, kể cả nhà Thanh- triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Hoa. Kể cả khi Việt Nam dưới sự bảo hộ của nước Pháp hay là thời Việt Nam Cộng Hòa, chủ quyền của người Việt trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn được sự công nhận cuả nhiều nước. Tác giả Phạm Hoàng Quân, khi phân tích nguồn tư liệu liên quan đến Biển Đông trong chính sử và phương chí Trung Hoa thì cho thấy không có một sự liên hệ hữu lý nào giữa các địa danh mơ hồ trong cổ thư với tên gọi ngày nay của các đảo mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền. Tác giả Hồ Sĩ Quý còn tái hiện quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là : thực tế, không gián đoạn, hòa bình và minh bạch.
Trước khi một phiên tòa quốc tế giải quyết tranh chấp diễn ra, hồ sơ và cách diễn dịch của mỗi bên chỉ chỉ có giá trị tham khảo. Giá trị tham khảo mà các công trình do nhóm tác giả nêu ra là rất lớn, chính vì vậy cuốn sách được chào đón ở trong nước và hải ngoại. Tiến sĩ Nguyễn Thái Hợp - Giám mục giáo phận Vinh, chủ biên cuốn sách, ngay từ chương đầu tiên đã cho thấy trước tâm thế thắng lợi. Theo Giám mục Nguyễn Thái Hợp, về bình diện địa lý, bình diện lịch sử lẫn bình diện pháp lý và tương giao quốc tế, công lý và hòa bình trên Biển Đông đang ủng hộ người Việt.
Rào cản cho một phiên tòa quốc tế
Theo tác giả - Giáo sư Tạ Văn Tài, Philipines dễ dàng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hơn là Việt Nam. Bởi lẽ, các phần lãnh thổ được coi là đất của Philipines và Trung Quốc không dính liền nhau. Nhưng Việt Nam và Trung Quốc lại ngược lại, hai nước này có lãnh thổ giáp nhau tại đường biên giới và nếu lấy đất liền làm căn cứ thì lại sinh ra vùng chồng lấn.Vì vậy việc phân định theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), trước khi mở một phiên tòa thì hai nước này phải mở thương lượng. Việc sử dụng phương án thứ hai thì bắt buộc sử dụng phương án thứ nhất trước. Nhưng Việt Nam có lợi thế để bỏ qua thương lượng, bởi Trung Quốc đã liên tiếp từ chối thương lượng khi Việt Nam công khai đưa ra đề xuất đàm phán song phương.
Một điều nữa, nếu phải ra tòa quốc tế, Trung Quốc lại sẽ dẫn ra công hàm có lợi cho họ: công hàm ngày 14/09/1958 của thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ( Bắc Việt) lúc đó là Phạm Văn Đồng. Nhược điểm này là không đáng lo ngại, vì lúc đó Bắc Việt không có chủ quyền đối với vùng lãnh thổ bên dưới vĩ tuyến 17 đang được công nhận thuộc về Miền Nam Việt Nam ( chính phủ Việt Nam Cộng Hòa). Thêm vào đó, quyền thủ tướng của Bắc Việt lúc đó không bao gồm quyền san nhượng lãnh thổ, một quyền mà nếu có thì phải thuộc về chủ tịch nước.
Trong chương cuối, hai tác giả là TS. Lê Trung Tĩnh và TS. Lê Vĩnh Trương đưa ra nghiên cứu về việc kiện Trung Quốc ra tòa và các ảnh hưởng về kinh tế - chính trị. Theo phân tích của hai học giả này, nếu Trung Quốc trả thù về kinh tế trong trường hợp bị Việt Nam đâm đơn kiện thì không có gì phải lo sợ. Bởi lẽ khi đó dân tộc Việt Nam càng có cơ hội để cải tổ cơ cấu, sản xuất và tiêu dùng, và hướng đến các đối tác thương mại bền vững hơn , thậm chí đạt được một mối quan hệ kinh tế thương mại bình đẳng hơn với người láng giềng khổng lồ.
Trung Quốc sợ hầu tòa quốc tế
Đứng trước dã tâm thôn tính toàn bộ biển Đông của Trung Quốc, dân tộc Việt Nam mà trong lịch sử đã từng tuyên bố chủ quyền đứng ra trước ít nhất ba sự lựa chọn: một, đàm phán song phương với Trung Quốc; hai, kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế; ba, dùng tới biện pháp quân sự.
Giáo sư Tạ Văn Tài từ đại học Harvard biên soạn chương áp chót của cuốn sách: “Chứng cứ lịch sử và khía cạnh luật pháp về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền ở vùng biển chung quanh. Triển vọng giải quyết hòa bình các tranh chấp đã và có thể xảy ra với các quốc gia khác bằng thương nghị, hòa giải hay tài phán”. Đây là một chương có giá trị tham khảo cao bởi tác giả là một giáo sư luật học am hiểu sâu sắc quy trình tố tụng trong tòa quốc tế. Theo ông, dựa vào những yếu tố nội lực và ngoại lực, kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế là một hành động cần thiết và cấp bách. Vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng lãnh biển đang tranh chấp giữa các nước, Việt Nam đã lỡ dịp kiện do giàn khoan đã rút đi. Vì vậy, theo ông, cần phải chuẩn bị sớm và kỹ để lập tức kiện khi Trung Quốc gây sự lần nữa, ngõ hầu có dịp xác lập chủ quyền, chứ không lại lỡ dịp nhờ luật pháp quốc tế để đẩy mạnh quyền lợi quốc gia của mình.
Cũng theo giáo sư, lựa chọn đối thoại song phương là ngây thơ, vì Trung Quốc có tiền sử ngoại giao hung hăng và cách giải quyết vấn đề của họ thường bất chấp đạo lý. Nếu thương lượng, Trung Quốc lúc này sẽ có cơ may đoạt được vài phần lãnh thổ vốn không thuộc về họ, dưới danh nghĩa nhường bớt lãnh hải cho nước nhỏ. Giải quyết bằng biện pháp quân sự chỉ là thứ yếu trong trường hợp cuối cùng. Vì vậy trong ba phương án giải quyết mà Việt Nam có thể sử dụng đó, giải pháp thứ hai là khả thi nhất. Trung Quốc sợ nhất khi chính phủ Hà Nội ủy quyền phân xử tranh chấp cho tòa án quốc tế.
Những nội dung xuyên suốt cuốn sách chuyên khảo cho thấy, nếu muốn, chính phủ Hà Nội đã thừa sức cung cấp nhiều tài liệu có giá trị tham khảo cao cho tòa án quốc tế PCA. Yếu tố nước ngoài luôn luôn làm cho người khổng lồ phương Bắc phải dè dặt, nếu đó là yếu tố quốc tế thì họ càng lúng túng. Thực vậy, lời phê bình của các nước đại cường như lời thủ tướng Nhật hay lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại đối thoại Shangri-la 2014 đã làm hạ nhiệt khí thế của Trung Quốc. Đặc biệt, khi chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc tiếp cận công hàm ngoại giao và thông cáo báo chí từ Việt Nam thì quả nhiên Trung Quốc đã phải tỏ thái độ muốn giải quyết bằng thương lượng và sau đó tạm rút giàn khoan đi. Điều này ủng hộ cho phán đoán rằng Trung Quốc không dám khiêu khích tòa quốc tế.
Vào thời điểm cuốn Công lý và hòa bình trên biển Đông được phát hành, chỉ mới Philipines là nước đã dám đứng ra kiện Trung Quốc trước tòa quốc tế. Hai năm sau, ngày 12/07/2016, tòa án quốc tế PCA tuyên bố các tuyên bố chủ quyền và yêu sách của Trung Quốc là vô giá trị, Philipines được xử thắng. Tuy vắng mặt tại tòa và đã tuyên bố từ trước là không công nhận phán quyết của tòa án quốc tế, nhà nước Trung Quốc vẫn phải huy động một số nghệ sỹ nổi tiếng trong nước phản đối. Thêm một bằng chứng nữa cho thấy Trung Quốc làm gì cũng canh dè dư luận thế giới. Và các tướng diều hâu Trung Quốc trước kia đã hùng hồn đe dọa Philipines nhưng đến tận bây giờ rồi cũng không dám nổ súng. Nhờ áp lực quốc tế, Philipines tuy nhỏ bé nhưng thắng thế trước siêu cường.
Vậy, có lý do gì khiến giới chức chóp bu Việt Nam vẫn không kiện Trung Quốc ra tòa PCA?
Sách chuyên khảo cho mọi nhà
Cuốn sách Công lý và hòa bình trên biển Đông được xuất bản năm 2014 với số lượng 1000 cuốn. Đây là sách chuyên khảo được đánh giá là có tính tham khảo cao. Đến bây giờ, vẫn chưa thấy ý kiến phản đối bất kỳ nội dung nào trong cuốn sách. Đứng trước độ dày của cuốn sách (359 trang, khổ 16x24), nhiều người có thể nản lòng mà không đọc hết. Nếu đọc lần lượt mỗi bài chuyên khảo của các tác giả thành viên, độc giả sẽ nhận ra một trình tự logic hợp lý và ngắn gọn để rồi từ đó dễ dàng hình dung được ý đồ của các bên trong tranh chấp Biển Đông. Nếu đồng ý với những phân tích về tầm quan trọng về kinh tế-chính trị-văn hóa của biển Đông trong cuốn sách, thì đây là một cuốn sách chuyên khảo mở mang tri thức cần thiết cho mỗi hộ dân ở Việt Nam.
Cuối cùng, nếu mỗi nam nhi đều coi bảo vệ chủ quyền biển đảo là nghĩa vụ tự thân thiêng liêng, thì chuyên khảo đầy đủ này lại càng thêm quan trọng. Nghĩa vụ thiêng liêng đó Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiên báo từ thế kỷ XVI:
“ Vạn lý Đông Minh quy bả ác
Ức niên Nam cực điện long bình”
(Dịch nghĩa: “Vạn dặm biển Đông dang tay giữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét