Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

NỖI BUỒN CỦA NGƯỜI THỢ SỬA KHÓA

Tôi không phải là người mê tín, nhưng không biết có phải việc bước chân trái ra cửa khiến cho tôi gặp cả một ngày xui xẻo thế này hay không, té xe, xe thì chết máy mà chìa khóa cũng chẳng còn.

Tôi – một người hoạt động xã hội với công việc yêu thích của tôi là tiếp xúc với những người lao động, đặc biệt là những người lao động cùng khổ với ước mong giúp đỡ họ có cuộc sống tốt hơn, có sự nhận thức đúng hơn về quyền lợi của bản thân. Đối với tôi, hình ảnh cụ già trên đường đi những lối đi quen thuộc với những tấm vé số trên tay, tiếng rao ê a hay tiếng bánh xe nghe ken két nhè nhẹ của những người bán hang rong, tiếng trò chuyện rôm rả của những người lao động sau những ngày làm việc mệt nhọc hay tiếng chợ chiều sau mỗi lần tan ca. Tất cả như chất chứa trong tôi những cảm giác khó tả, những hình ảnh ấy vẽ nên trong tôi một bức tranh cơ cực về cuộc sống người lao động, nỗi chua xót và nỗi khát khao tìm kiếm hạnh phúc đời thường của những con người cùng khổ.

Chiếc xe vẫn không thể nổ máy được, những con đường ngập nước sau trận mưa tầm tả. Mồ hôi ướt đẫm áo, miệng không ngừng cằn nhằn trách cứ mấy ông ông giao thông, quy hoạch, không biết các ông đang lo lắng những việc to lớn gì mà để đường phố như sông thế này thì ôi thôi, chiếc chìa khóa xe của tôi tự nhiên mất tiêu tự lúc nào. Tôi cảm thấy choáng váng, nhìn quanh nhìn quất không biết phải làm sao. Trong lòng lo lắng: “trời tối thế này thì kiếm đâu ra chỗ sửa khóa đây?”
Cái khó ló cái khôn, thời buổi internet, tôi nhanh chóng tìm ra số điện thoại của một anh thợ sửa khóa chỉ sau chục giây. 15 phút sau, vị cứu tinh của tôi cưỡi trên một chiếc xe wave cọc cạch, người nom còn trẻ, phía trước xe treo một túi đồ nghề được làm bằng vải dù

Sau khi chào hỏi, anh đã nhìn ổ khóa và thực hiện một cách điêu luyện, tôi nhìn anh làm một cách thích thú và tò mò. Tôi nhìn cả cách anh thợ rọi đèn pin và một thanh kim loại nhỏ và mỏng vào trong ổ khóa, cho đến khi anh mài dũa một chìa khóa mới. Câu chuyện của chúng tôi cũng bắt đầu.

“May quá, may nhờ có anh chứ giờ tối rồi em khó mà tìm được chỗ tra chìa khóa. Bây giờ làm việc online kiểu này cũng hay anh nhỉ, vừa đỡ tốn tiền thuê mặt bằng, vừa khỏi sợ bị đuổi vì lấn chiếm long lề đường như một số tiệm sửa chữa ổ khóa”. Tôi xuýt xoa nói với ánh mắt đầy sự biết ơn.

Vị ân nhân của tôi cười buồn chia sẻ: “Dạ, tụi em cũng không tốn tiền mặt bằng, vì mặt bằng thuê mắc lắm. Nhưng sửa chữa như tụi em cũng “phiêu” lắm chị ạ. Nếu gặp công an là tụi em mất sạch đồ nghề lại phải tốn tiền chung chi.”

Tôi lòng đầy ngạc nhiên, đôi mắt tròn xoe nhìn chằm chằm vào anh trong lúc anh đang lúi cúi tra chìa khóa:

“Ủa, anh ơi, đây là một công việc rất lương thiện cơ mà, cũng đâu lấn chiếm lòng lề đường hay làm gì xấu đâu mà bị thu đồ nghề?”

Anh tiếp tục giãy bày: “Nếu công an gặp tụi em thì họ yêu cầu giấy phép hành nghề mà tụi em làm gì có giấy phép hành nghề.”

“Ủa, sửa khóa cũng phải có giấy phép hành nghề sao anh?”. Tôi nói giọng đầy ngạc nhiên với một quy định mang đầy tính châm biếm.

Cũng cái nụ cười buồn đó, anh thở dài: “Chưa hết đâu chị, em cũng đã cố gắng đi xin giầy phép mà họ còn không cấp”.

Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên: “Cái gì, anh nói là không thể xin đươc giấy phép?”

Anh gãi đầu gãi tai bối rối: “Chính tôi cũng không hiểu…nữa chị ạ! Khi công an thấy mình họ không cho mình là thợ sửa chữa mà cho mình là kẻ trộm phá khóa người ta, chứ đâu cho mình là một người đi giúp người khác đâu. Xã hội mình là vậy đó chị.”

Giờ thì tôi bắt đầu hiểu ra và tỏ vẻ đồng cảm với anh.

Chìa khóa vừa làm xong, tôi gởi anh tiền rồi chào tạm biệt ra về. Trong suốt chặng đường về nhà, câu chuyện của anh đã khiến tôi phải suy nghĩ. Tại sao một xã hội tôi đang sống lại đầy rẫy những bất công như thế, tệ nạn xã hội lan tràn thì lại thiếu sự kiên quyết, thay vào đó những biện pháp để hạn chế việc mưu sinh của những con người khốn khổ lại quyết liệt đến thế này…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét