Trái ngược với lời động viên “Triển vọng phát triển còn tốt lắm” của tổng bí thư Trọng cùng lối tuyên giáo của giới quan chức chính phủ về “Việt Nam vẫn còn đến 16 hiệp định tự do thương mại” sau khi Hiệp định TPP hầu như tan vỡ, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia – một cơ quan nghiên cứu và tham mưu thuộc chính phủ – là địa chỉ đầu tiên xác nhận “việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có ảnh hưởng nhất định đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam”.
Thông tin trên được công bố trong báo cáo kinh tế tháng 2/2017 của cơ quan này.
Ủy ban này cho biết vốn đầu tư FDI đăng ký tăng chậm lại. Trong hai tháng đầu năm nay vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt hơn 2 tỉ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 167,5%).
“Điều này cho thấy việc Mỹ rút khỏi TPP đã có ảnh hưởng nhất định đến FDI đăng ký vào Việt Nam; nhất là FDI của Đài Loan đã giảm từ 119,8 triệu USD trong hai tháng đầu năm 2016 xuống còn 26,1 triệu USD trong hai tháng đầu năm 2017” – báo cáo khẳng định.
Bây giờ thì thật khó lòng mơ tưởng về triển vọng “GDP Việt Nam sẽ tăng 25% khi tham gia TPP”. Thậm chí giữ được đầu tư nước ngoài không bị rút ra ồ ạt như Trung Quốc đã là một thành tích.
Mới đây, ông Gordon G. Chang – tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc” đã cho biết trong năm 2015, luồng vốn chuyển từ Trung Quốc ra nước ngoài là cao chưa từng thấy, từ 900 tỷ đến 1 nghìn tỷ USD.
Không chỉ rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, nhiều công ty của Mỹ, Anh… cũng rút khỏi các thị trường kinh doanh và sản xuất. Một trong những lý do chính yếu được giải thích là họ không cảm thấy an toàn trong một nền kinh tế bị chi phối quá chặt chẽ bởi chế độ độc đảng. Và họ cũng không cảm thấy an toàn trong một đất nước đang tiềm ẩn quá nhiều biến động xã hội.
Tương tự Trung Quốc, xã hội Việt Nam đang là một cai hố đen của những nguy cơ đầy bất ổn. Vô số nhũng nhiễu từ giới quan cức chính quyền cùng những hậu quả quá lớn đã và đang phát sinh như vụ Formosa không thể khiến giới đầu tư nước ngoài an tâm.
Vào đầu năm 2017, tổ chức Minh bạch Quốc tế đã có một báo cáo đánh giá kết quả khảo sát ý kiến của 22,000 người tại các nước trên thế giới về mức độ hối lộ quan chức. Kết quả quá ấn tượng là Việt Nam đã về nhì sau Ấn Độ, với 65% số người được hỏi cho biết đã phải thường xuyên hối lộ quan chức. Điều trớ trêu là cách đây không lâu, nghiên cứu đánh giá của một tổ chức tư vấn thị trường là Indochina Research, có trụ sở ở Việt Nam, đã công bố “người Việt Nam hạnh phúc thứ 4 trên thế giới” và được một số tờ báo nhà nước hào hứng lặp đi lặp lại như một thành tích lớn lao của “đảng quang vinh”.
Trong bối cảnh đầu tư nuớc ngoài đang có xu hướng rút khỏi Việt Nam, lượng kiều hối của “kiều bào ta” chảy về quê hương cũng bất thần giảm mạnh vào năm 2016, chỉ còn 9 tỷ USD so với dự kiến 12 tỷ USD, báo hiệu một khuynh hướng đổi chiều suy giảm trong những năm tới.
Việt Nam lại đang bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 9 liên tiếp, trong lúc các kênh “ngoại viện” gần như đóng lại. Trong khi đó, một hiệp định khác – Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu – cũng chưa tới đâu, cho dù đã được ký kết từ cuối năm 2015. Nghe đâu Nghị viện châu Âu còn đang rất cân nhắc có nên thông qua việc triển khai hiệp định này hay không khi chính quyền Việt Nam vẫn thẳng tay đàn áp nhân quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét