Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Nhà cầm quyền Việt Nam “rút kinh nghiệm” vụ Đồng Tâm theo hướng nào?

Nguyễn Đình Ấm (VNTB) Cho là bị mất đất vô lý, công an bắt cóc người gây thương tích, kiện cáo mãi - không ai giải quyết. Dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã cầm giữ hơn 30 cảnh sát cơ động và cán bộ địa phương làm con tin.Chỉ đến khi Chủ tịch Hà Nội xuống tận địa phương trao đổi và hứa sẽ thoả mãn những đòi hỏi chính đáng thì người dân mới thả con tin và vụ việc tạm được giải quyết.

Chính quyền tìm cách "rút kinh nghiệm" xử lý tranh chấp đất đai qua vụ Đồng Tâm?


Sau vụ này, các vị lãnh đạo đều khẳng định phải “rút kinh nghiệm không để xẩy ra trường hợp như Đồng Tâm”.

Vậy lời “thề” ấy có thực hiện được không? Theo hướng nào?

Cần phải khẳng định, những vụ chính quyền cưỡng chiếm đất bị dân phản ứng dẫn đến trấn áp, gây ra những thảm cảnh khủng khiếp, đổ máu diễn ra ở khắp nơi từ nhiều năm qua chứ không chỉ ở Đồng Tâm. Tại Cần Thơ, một người đàn bà đã khỏa thân để giữ đất; một doanh nghiệp tại Hải Dương đã dùng xe xích cán lên người dân để giành đất; Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) dùng súng hoa cải bắn vào liên quân công an, quân đội xông vào “giải phóng đầm tôm”; ông Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình đến cơ quan chính quyền địa phương hạ sát cán bộ tại chỗ vì họ đã không công minh trong việc xử lý đất của anh. Và vụ “đại cưỡng chế” ở Văn Giang trong dự án Ecopark kéo dài gần chục năm không được giải quyết, hệ quả là mâu thuẫn đi đến cực điểm khiến nhiều người vào tù; bị công an, côn đồ hành hung dã man trong đó có hai nhà báo “quốc doanh” – VOV;... Rất nhiều vụ diễn ra tương tự ở khắp mọi miền đất nước. Thế nhưng, phải qua vụ Đồng Tâm, thì lãnh đạo đảng và nhà nước mới chịu nhìn nhận và “rút kinh nghiệm”, điều này chứng tỏ các ông, bà cố tình không biết khi chính quyền “cưỡng chế thành công”, trong trường hợp ngược lại, khi dân Đồng Tâm “quyết tử” giữ con tin, chính quyền phải tạm “xuống nước” thì mới phải “rút kinh nghiệm”?.

Vậy nhà cầm quyền sẽ rút kinh nghiệm, để không diễn ra vụ việc “như Đồng Tâm”:

1- Dùng bạo lực hùng hậu đàn áp dân bằng bất kỳ giá nào. Hiện nay nhà cầm quyền nắm trong tay toàn bộ sức mạnh vũ trang, người dân không có gì.Nếu chính quyền quyết tâm trấn áp thì hàng vạn, triệu dân tay không cũng không thể cưỡng lại hàng triệu cảnh sát, quân đội có đủ các loại phương tiện,vũ khí từ dùi cui điện, súng ngắn đến tên lửa, máy bây, tàu ngầm, trại giam, nhà tù, truyền thông... Đây là phương án khả thi, dễ thực hiện nhất.Cán bộ chính quyền đã thắng tuyệt đối tất cả các vụ trước vụ Đồng Tâm.

2- Lắng nghe dân giải quyết thoả đáng bồi thường đất đai:

Đây là biện pháp “hoà bình” tối ưu nhất vì đúng với chính sách (trên giấy) của nhà cầm quyền: “lấy dân làm gốc” và cũng đúng với đạo lý: Chính người dân mới làm cho đất đai có giá trị, là nguồn cội nuôi sống dân tộc VN bao ngàn, vạn năm qua trong đó có đảng CSVN.

Thử hỏi đất trời sinh ra đất đai nhưng mà không có người dân khai phá giữ gìn,canh tác làm ra hạt lúa hạt ngô, đẻ ra nuôi con cái để giữ gìn thì làm sao có nước Việt Nam, có đảng CS?

Vì vậy việc tôn trọng của cải cơ bản, quan trọng nhất này của dân để nuôi sống dân tộc này là đúng đạo lý, hợp quy luật. Luật đất đai “sở hữu toàn dân” bịp bợm nên phải xoá bỏ.

Bạo lực vẫn là lựa chọn cuối cùng của chính quyền?

Thế nhưng, khốn nỗi chế độ độc tài chưa thể làm được điều đó vì họ nắm quyền tuyệt đối không phải thương lượng, mặc cả với ai, không ai giám sát thì theo bản tính, lòng tham của con người muốn tất cả của cải vào tay mình. Từ đây cán bộ chức quyền thả sức vơ vét đúng như ông Tổng bí thư đảng CS Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có”.

Tham nhũng tất nhiên phải có đối tượng là của cải vật chất mà của cải chính của một quốc gia là đất đai,khoáng sản, biển, rừng... Vậy khi quan chức chính quyền các địa phương móc nối với doanh nghiệp BĐS lấy đất của dân với giá rẻ mạt, sau bán ra với giá cao gấp chục, trăm lần khiến dân kiện cáo, mà lại giải quyết “thoả đáng” thì nhóm lợi ích kia ăn gì? Đây là lý do Đoàn Văn Vươn bị oan kiện lên hai cấp toà án (huyện và thành phố) nhưng đều bị bác bỏ đến mức phải lấy thân châu chấu “cự bánh xe”; anh Đặng Ngọc Viết kêu oan suốt 3 năm không ai trả lời đến mức phải dùng súng kết liễu đời mình; dự án Ecopark ở Văn Giang sai pháp luật từ A-Z, dân kiện suốt 10 năm nhưng không được giải quyết, ngược lại bị đàn áp dã man nhiều người bị bắn, đánh đập thương tích… Nói chung, vì lợi ích “cốt lõi” của kẻ nắm quyền nên hầu hết chính quyền các địa phương không thể “lắng nghe” ý kiến dân được. Cấp trên của các chính quyền cũng không thể trừng trị họ vì nếu vậy họ lấy gì mà làm giàu để tiếp tục giữ ghế, mua ghế để “tiến bộ” lên cấp cao hơn? Không có quan chức, đại gia bất chính nhiều tiền, của thì lấy gì cung phụng, hầu hạ quan trên?

Vì vậy, nhà cầm quyền cuối cùng chỉ có thể “rút kinh nghiệm” theo phương án thứ nhất: Dùng bạo lực để đè bẹp phản kháng của dân bằng bất kỳ giá nào, còn việc “giải quyết thoả đáng” với dân về lý thuyết là tốt nhưng không “khả thi”. Bởi vì đó là một trong những “lợi ích cốt lõi” của hệ thống quan chức khi luật đất đai do họ làm ra lại chính họ thực hiện với toàn bộ sức mạnh trong tay.

Nhưng nếu họ biết nhún nhường mà “rút kinh nghiệm vụ Đồng Tâm” theo phương án 2 - thì “phúc” cho dân quá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét