Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Nhân, Thăng, Bình, Phóng: dân Sài Gòn ai bầu cho họ?

Mẫn Nhi (VNTB) Câu chuyện Nhân, Thăng, Bình, Phóng ai là Bí thư Thành ủy đã kết thúc. Nhưng rõ ràng nó nên được kết thúc sớm hơn, bởi quan trọng, dân Sài Gòn có được bầu Bí thư riêng cho mình đâu? Tất cả là ý sắp xếp của Bộ Chính trị đấy chứ? Người con Sài Gòn sẽ là gì, làm được gì nếu mọi thứ đều triển khai từ Nghị quyết ĐH Đảng?




Ông Nguyễn Thiện Nhân chính thức nắm giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, nhiều báo đài bắt đầu khai thác việc ông Nhân đã kinh qua nhiều chức vụ, từ Đoàn đến Đảng; thông thạo tiếng Anh và Đức; dẫn lời trích nhiều giáo sư quốc tế đánh giá ông về sự cởi mở kinh tế. Tuy nhiên, cũng cách báo đài rồi các nhà phân tích chính trị tâng bốc ông Đinh La Thăng thời kỳ đầu về nắm quyền Sài Gòn, câu chuyện của Nguyễn Thiện Nhân vẫn là câu chuyện của một con người thuộc về thể chế. 

Khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch Quốc Hội) khẳng định trong buổi lễ “nhậm chức” rằng, quyết định cử ông Nguyễn Thiện Nhân về TP.HCM “là phù hợp trong việc khuyến khích thành phố đưa những người con của thành phố đến các nơi để công tác, đào tạo. Và thành phố lại giang tay đón người con của mình trở về với những vị trí công tác quan trọng.”

Và cũng từng dành những lời có cánh cho ông Đinh La Thăng, câu chuyện cử người lần này cũng dựa trên sự “ủng hộ cao, tin tưởng đồng chí Nguyễn Thiện Nhân” sẽ đưa thành phố đi lên. 

Nhưng như đã đề cập, dù Thăng hay Nhân, hay thậm chí là bà Tòng Thị Phóng, thì đó vẫn là con người thuộc thể chế. Con người đó chịu sự quy hoạch và cơ cấu thuộc bộ chính trị, và đường hướng phát triển thành phố dựa trên “nghị quyết ĐH Đảng”.

Blogger Lê Ngọc Hương Trà cho hay. Ông Nguyễn Thiện Nhân là có tính “chuẩn mực, quyết đoán, sang tạo và … lành tính [trung dung]”. Thực tế cho thấy, đến nay, thành tích nổi bật mà ông Nguyễn Thiện Nhân làm được vẫn là những khẩu hiệu hô hào mang tính thành tích thời kỳ làm Tổng tư lệnh bên mảng giáo dục; là người thúc đẩy “lạm phát đại học”, đưa mỗi tỉnh trở thành một vùng đại học, mỗi nhà có ít nhất một cử nhân,… Kết quả là nền giáo dục Việt Nam hệ đại học trở nên nát bét đến thảm hại. Thời kỳ ông làm Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, tên ông hoàn toàn biến mất trên bản đồ chính trị và báo đài, thậm chí là thua xa người tiền nhiệm – Phạm Thế Duyệt. 

Nhà triết học Aristos lý luận rằng, “dân chúng ngu dốt khi họ nghĩ rằng, chỉ người giàu mới có thể lãnh đạo, bởi đầu óc họ thảnh thơi không phải lo nghĩ về nhu cầu tầm thường”. Cũng như vậy, hiện nay, người dân đang bị quyến rũ bởi học hàm và học vị mà không rõ là sự thiếu hụt về mặt lý luận và khoảng cách giữa sáng tạo với phá hoại của ông Nguyễn Thiện Nhân. Họ hân hoan trước ngôn ngữ và bằng cấp cũng như gia thế “vợ bác sĩ, con trai là Tiến sĩ, cha phong hàm Giáo sư”, mà không để ý rằng, dù có bằng cấp như thế nào cũng chỉ là một con người bị gắn chặt bởi thế chế, bởi mối liên hệ mang tính ràng buộc bởi tập thể người nằm trong nhóm Bộ Chính trị. Dù hơi khập khễnh, có thể liên tưởng vế lý luận và quyến rũ học thức này với Khieu Samphan – ông này là người gốc Hoa, từng du học tại Pháp, là người có luận án tiến sĩ được mô tả là "Kinh tế Campuchia và sự phát triển kỹ nghệ", người từng ra báo đã thu hút giới trí thức, ấy thế mà ông ta lại đã biến nền kinh tế Campuchia thành nên kinh tế tự cung tự cấp; hỗ trợ Ponpol diệt chủng hàng triệu người Campuchia. Ấy là vì sao? Nếu không phải vì tính chất cá nhân phục tùng cơ chế xã hội – chính trị?

Trong nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lenin có đề cập đến mối quan hệ lượng và chất. Theo đó, sự vận động và phát triển sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ sự thay đổi về lượng, và không phải bất kỳ sự thay đổi nào về lượng cũng dẫn đến sự thay đổi về chất, mà cần phải có một giới hạn nhất định (độ) để đạt được điều ấy. Nếu đặt toàn bộ mối quan hệ này vào trong mối quan hệ giữa ông Nguyễn Thiện Nhân với Bộ Chính trị thì có thể nhận ra, sự thay đổi ở TP. Hồ Chí Minh nó xuất phát điểm từ sự thay đổi bên trong Bộ Chính trị chứ không nằm ở cá nhân ông Bí thư thành ủy, có chăng, ông ta chỉ là chất xúc tác nhất thời để tìm kiếm đủ lượng ủng hộ. Nhưng với sự “quyết đoán” mà lại gắn liền với… lành tính (trung dung) thì liệu rằng, đó chỉ là cuộc chơi “xúc tác” thay đổi/ đổi mới cầm chừng, như cách mà ông Nhân đã từng thể hiện thời làm Bộ trưởng Bộ giáo dục Việt Nam? Nói đúng hơn, ông Nguyễn Thiện Nhân có còn giữ tư tưởng tả khuynh của mình? Tức bất chấp quy luật, làm và nghĩ một cách nóng vội, chủ quan không tích lũy đủ về lượng, chỉ chú tâm tạo bước nhảy về chất.

Chính cái yếu tố tả khuynh (thiếu vắng “lý luận”) này đã khiến ông Nguyễn Thiện Nhân (dù là đứa con thành phố) nhưng sẽ trơ trọi về mặt phát ngôn và hành động. Bởi có một thời, ông từng mạnh miệng tuyên bố với những vị Giáo sư mới được thụ phong rằng, ông và Bộ Giáo dục & Đào Tạo sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình. Vậy là sau 7 năm, kết quả như thế nào thì giáo viên và cả người thân giáo viên có thể nhận diện rõ hơn ai hết. 

Câu chuyện Nhân, Thăng, Bình, Phóng ai là Bí thư Thành ủy đã kết thúc. Nhưng rõ ràng nó nên được kết thúc sớm hơn, bởi quan trọng, dân Sài Gòn có được bầu Bí thư riêng cho mình đâu? Tất cả là ý sắp xếp của Bộ Chính trị đấy chứ? Người con Sài Gòn sẽ là gì, làm được gì nếu mọi thứ đều triển khai từ Nghị quyết ĐH Đảng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét