Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Cơ quan thuế đã thu bao nhiêu tiền thuế TNDN ở VCPMC?

Thảo Vy (VNTB) 

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (viết tắt: VCPMC) đã đóng mỗi năm bao nhiêu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), là câu hỏi cần đặt ra. Vì theo tuyên bố của người đứng đầu VCPMC, thì tổ chức này đang là đại diện cho gần 4.000 tác giả trong nước, và khoảng 4 triệu tác giả trên thế giới về lãnh vực ủy quyền thu tiền tác quyền âm nhạc.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC

Nếu thực sự VCPMC có tới 4,4 triệu khách hàng, xem ra doanh thu tính thuế của tổ chức này thuộc vào “hàng khủng”. (Trích nội dung tại họp báo về việc thu tác quyền âm nhạc ở quán cà phê, diễn ra vào chiều 5-6-2017, công bố của nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC).

Trốn thuế?

Nếu VCPMC có tới 4,4 triệu khách hàng như tuyên bố chắc nịch của ông Phó Đức Phương với báo chí, thì chắc chắn rằng trong những năm vừa qua VCPMC đã gian lận tiền thuế TNDN.

Vào ngày 17-1-2017, tại Nhà văn hóa quận Cầu Giấy, Hà Nội, VCPMC đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2016 và phương hướng năm 2017. Báo cáo tổng kết cho biết, “tổng số thành viên đã uỷ quyền tại Chi nhánh phía Nam là 2.326 tác giả trên tổng số thành viên VCPMC cả nước là 3.550 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, bao gồm cả trong nước và hải ngoại... Trong năm 2016, tổng số tiền thu được đã trừ thuế là: 72.978.381.582 đồng (Bảy mươi hai tỷ chín trăm bảy mươi tám triệu ba trăm tám mươi mốt nghìn năm trăm tám mươi hai đồng), tăng 6,1% so với năm 2015”.

Như vậy, có độ chênh quá lớn giữa con số “gần 4.000 tác giả trong nước, và khoảng 4 triệu tác giả trên thế giới” được VCPMC công bố vào chiều ngày 5-6-2017, với “tổng số thành viên VCPMC cả nước là 3.550 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, bao gồm cả trong nước và hải ngoại” như báo cáo hôm 17-1-2017. Trong báo cáo tổng kết năm 2016 của VCPMC không thấy nêu số tiền đã thu ủy thác từ các “tác giả trên thế giới”.

Nghi vấn trốn thuế ở VCPMC còn là chuyện thu chi không theo một khung chuẩn nào được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhạc sĩ Phú Quang dùng từ “tùy tiện” để nói về việc thu tiền tác quyền và trả cho tác giả của VCPMC, bởi có những chương trình thu 2 - 4 triệu/ ca khúc nhưng tác giả chỉ nhận 300.000 đồng. Ông dẫn chứng: “Một chương trình tổ chức tại Hải Phòng, đơn vị tổ chức biểu diễn trả cho các ca khúc của tôi là 20 triệu đồng nhưng tôi chỉ được nhận 10 triệu”. Nhạc sĩ Phú Quang cho hay, ông chưa khi nào được tiếp cận với văn bản thể hiện sự thu chi cụ thể từng khoản, mục của VCPMC.

Thu tác quyền như mua bán cá ngoài chợ

Theo Nghị định 61 của chính phủ, trong lĩnh vực âm nhạc, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trích 15 - 21% doanh thu của buổi diễn để trả cho tất cả tác giả (gồm: biên kịch, nhạc sĩ, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, hoạ sĩ). Thế nhưng phần thu tác quyền ủy thác do đích thân ông Phó Đức Phương đi thu thì lại không theo quy định này.

Mâu thuẫn trong việc thu tác quyền, trên hết, xuất phát từ con số. Không chỉ than phiền mức giá mà Trung tâm của Phó Đức Phương đưa ra quá cao so với doanh thu thực tế của show diễn, các nhà tổ chức còn chỉ ra sự không nhất quán, “nâng lên đặt xuống” tùy mỗi show hay từng mối quan hệ.

“Nếu như đã có quy định, sao Trung tâm lại giảm giá một cách tuỳ tiện như vậy? Thỏa thuận dân sự phải được sự đồng thuận của nhiều người mới gọi là công bằng và có hiệu lực”, nhạc sĩ Quốc Trung nhắc lại câu chuyện show nhạc Khánh Ly đã được ông Phó Đức Phương trả giá hệt như mua con cá ngoài chợ.

Ở show đầu tiên của Khánh Ly “Live concert - Khánh Ly” tại Hà Nội, đơn vị tổ chức đã trả tác quyền cho VCPMC 262 triệu đồng cho 2 đêm diễn. “Sau đó, chúng tôi nhận được ý kiến cho rằng, số tiền đó là quá lớn. Điều này hoàn toàn không hợp lý. Chúng tôi không rành về luật nên vẫn nghĩ luật đã quy định mức giá như thế thì mình bắt buộc phải theo. Chúng tôi tìm hiểu lại và nhận ra không phải như vậy. Vì vậy, để chuẩn bị cho đêm nhạc tiếp theo, đại diện Ban tổ chức từng đến Trung tâm VCPMC với mong muốn thỏa thuận mức tác quyền phù hợp hơn. Nhưng VCPMC từ chối đàm phán và tuyên bố chỉ làm việc khi Ban tổ chức đồng ý mức giá do Trung tâm đề ra là 7,5 triệu đồng mỗi bài hát. Chúng tôi cảm thấy mình đang bị bắt chẹt, áp đặt mức giá tác quyền”, đại diện Công ty Đồng Dao nói.

Phía Đồng Dao cho biết, việc trả phí trực tiếp cho các nhạc sĩ hoặc các chủ sở hữu khác như với nhạc sĩ Phú Quang hoặc công ty Phương Nam (đơn vị sở hữu tác quyền nhạc Phạm Duy) đều chỉ tính mức một triệu đồng mỗi tác phẩm.

Cuối cùng, với trung gian của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phía Đồng Dao đạt thỏa thuận trả choVCPMC 250 triệu đồng tiền tác quyền cho cả hai đêm diễn của Khánh Ly, tính thêm thuế VAT là tổng cộng 275 triệu đồng. Trong chương trình, Khánh Ly thể hiện khoảng 23 ca khúc của nhiều nhạc sĩ như: Nguyễn Ánh 9, Phú Quang, Trương Quý Hải, Trịnh Công Sơn...

VCPMC là cánh tay nối dài của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch?

Tinh ý sẽ nhận ra dòng báo cáo tổng kết hoạt động năm 2016 của VCPMC: “tổng số thành viên đã uỷ quyền tại Chi nhánh phía Nam là 2.326 tác giả trên tổng số thành viên VCPMC cả nước là 3.550 tác giả/chủ sở hữu”. Người đứng đầu Chi nhánh phía Nam của VCPMC là ông Đinh Trung Cẩn, một quan chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tất cả các show diễn mang tính nghi thức lễ hội ở các tỉnh phía Nam, thường có tổng đạo diễn là ông Đinh Trung Cẩn.

Trong VCPMC, ông Đinh Trung Cẩn làm cấp phó cho ông Phó Đức Phương, song mọi chuyện đi thu tiền tác quyền, hay “la làng” về tác quyền, chủ yếu chỉ một mình ông Phó Đức Phương. Mở ngoặc nói thêm, trước khi ngồi vào ghế VCPMC, ông Phó Đức Phương là quan chức của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thông tin).

Nhạc sĩ Quốc Trung nhận xét: “Tên là Trung tâm bảo vệ, nhưng thực ra họ là một trung tâm khai thác độc lập, kiểu như một công ty dịch vụ uỷ thác. Việc một ông giám đốc phải đi đòi tiền tận nơi diễn cho thấy năng lực và mục đích thật sự của họ là gì. Tôi thấy thương cho Phó Đức Phương với tư cách là một đồng nghiệp và nghi ngờ năng lực bộ máy của Trung tâm tác quyền đó khi để ông giám đốc phải đi đến tận nơi biểu diễn đòi tiền và mặc cả như vậy”.

Nhạc sĩ Lê Quang nói rằng trong show Khánh Ly do Đồng Dao thực hiện, còn xảy ra vụ ông Phó Đức Phương cự nhạc sĩ Phú Quang, khi phía Đồng Dao trưng ra giấy tờ đã sòng phẳng tác quyền 2 đêm diễn với riêng nhạc sĩ Phú Quang, nên từ chối chuyện đòi thu của ông Phó Đức Phương. Nhạc sĩ Lê Quang nêu quan điểm: “Dù tôi đã ủy thác quyền tác giả cho Trung tâm đi chăng nữa, thì quyền tác giả của tôi vẫn phải giữ nguyên. Nếu có đơn vị tổ chức nào mà muốn liên lạc thẳng với tôi để trả tiền tác quyền thì cũng đúng thôi. Đồng ý hay không đồng ý tác quyền phải do tác giả quyết định. Không thể nào có chuyện VCPMC lại có thể đại diện tất cả khía cạnh của nhạc sĩ Việt Nam để ký kết hết các vấn đề liên quan được”.

“Bây giờ ông Phương bảo đếm số ghế, đếm làm sao được? Ở Nhà hát Lớn Hà Nội, gọi là 550 ghế, nhưng Nhà hát đã lấy cả hàng ghế E để làm giấy mời. Ngoài ra, chúng tôi còn mối quan hệ của các Bộ, Ban ngành ở Trung ương, mỗi buổi diễn ít nhất phải 70-80 giấy mời, vậy làm sao tính được theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa, tính theo số ghế để thu tiền?”. Một công ty tổ chức biểu diễn phân tích tiếp: Trả tiền bản quyền sau buổi diễn thì hợp lý hơn là nộp tiền trước, bởi trên thực tế, nhà tổ chức phải xin cấp phép từ trước hàng tháng trời, sau đó đến ngày tổng duyệt, có những bài bị cắt khỏi danh mục xin phép. Chẳng hạn xin cấp phép 22 ca khúc, Trung tâm thu cả 22, đến khi diễn chỉ 18 ca khúc, nhưng nhà tổ chức đòi lại tiền bản quyền thì Trung tâm nhất quyết không trả...

Mới đây, ông Phó Đức Phương đã ký một thông báo gửi đến nhiều chủ quán café với yêu cầu phải nộp tiền tác quyền với giá 70.000 đồng mỗi ghế, mỗi năm. Các chủ quán cho rằng VCPMC nên cho các cơ sở kinh doanh đăng ký những bài họ thường xuyên phát cũng như nắm biểu giá mỗi tác phẩm. “Thực tế có nhiều bản nhạc suốt năm chúng tôi không phát, giờ bị thu tiền và lại thu theo số ghế của quán là không hợp lý”, nhiều chủ quán nói kèm bức xúc khi đại diện của VCPMC gửi yêu cầu thu tiền mà không đưa ra giấy tờ chứng minh họ được các tác giả ủy quyền. Một số chủ quán nói rằng họ chỉ sử dụng nhạc Pháp từ những năm 1930 - 1940 để phát thì cơ sở nào để VCPMC thu tiền?.

“Tôi ở nhà mở nhạc trên youtube ra nghe có phải đóng tiền không? Tương tự, tôi là chủ quán cà phê, tôi vào trang youtube mở nhạc để tôi nghe ở quán của tôi thì tôi có phải trả tiền không? Khách hàng vào quán rồi bật nhạc trên youtube lên thì khách có phải đóng tiền không? Câu trả lời ai cũng biết là trên youtube đã lấy tiền từ quảng cáo rồi, nếu có bản quyền không ai được up lên youtube”. Nhiều chủ quán cà phê cắc cớ hỏi như vậy.

Và liệu nếu không có sự chống lưng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì ông Phó Đức Phương có dám tùy tiện thu – chi đến thế hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét