NGUYỄN QUỐC VƯƠNG
(GDVN) - Chúng tôi là người làm nghề chuyên nghiệp, làm thầy chứ có phải dưa hay lợn đâu mà chờ giải cứu?
LTS: Trong mấy ngày qua lời kêu gọi “giải cứu giáo viên” của Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT được dư luận bàn luận sôi nổi.
Điểm trọng tâm nhất của lời kêu gọi là giải pháp mỗi học sinh (phụ huynh) tiểu học hàng tháng góp 100 nghìn đồng lập ra một quỹ gọi là “Quỹ giải cứu giáo viên tiểu học” hay “Quỹ khuyến dạy”. Số tiền này sẽ được dùng để trả cho giáo viên.
Là một giáo viên dạy Lịch sử, dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần lời kêu gọi này nhưng thầy Nguyễn Quốc Vương cứ nghĩ đó như một câu chuyện đùa, thầy nhận định đây là một ý tưởng đáng kinh ngạc.
Trong bài viết gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vương chỉ rõ sự kinh ngạc đó.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Một lời kêu gọi thiếu tế nhị và phản cảm
Là một giáo viên, cho dù không phải là giáo viên tiểu học và tự nhận là một người giáo viên có thể tự cứu mình không cần chờ “giải cứu”, tôi thấy đây là một kêu gọi thiếu tế nhị và thẳng thắn hơn có thể coi là một “đề nghị khiếm nhã”.
Những năm gần đây, từ “giải cứu” thường được dùng để chỉ việc người dân ở khắp nơi dùng tiền mua dưa hấu, khoai lang, thịt lợn bị ế thừa do cung vượt quá cầu hoặc không tìm được thị trường.
Thầy Nguyễn Quốc Vương cho rằng, giáo viên cần được đối xử công bằng chứ không cần giải cứu như dưa hấu, thịt lợn (Ảnh tác giả cung cấp)
Lập một cái quỹ có tên “giải cứu” dành cho giáo viên - người mà từ trước đến nay vẫn được vinh danh là những người làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” liệu có thích hợp không?
Làm thế, sẽ có giáo viên nóng mặt mà kêu lên rằng “chúng tôi là người làm nghề chuyên nghiệp, làm thầy chứ có phải dưa hay lợn đâu mà chờ giải cứu?”.
Hơn nữa, nguồn tiền của quỹ này lại được người kêu gọi chủ trương “bổ” vào đầu mỗi học sinh.
Xin hỏi Tiến sĩ Lê Trường Tùng rằng, tiến sĩ có biết học sinh và phụ huynh cả nước năm nào cũng khổ sở vì những khoản lạm thu không?
Giả sử như phụ huynh có vui vẻ đóng những đồng tiền ấy với hi vọng rằng giáo dục sẽ tốt lên, con cái mình sẽ có môi trường học tập tốt và tiến bộ thì liệu các giáo viên có thanh thản và vui vẻ cầm lấy những đồng tiền đó không?
Học sinh sẽ nghĩ gì khi mỗi lớp, mỗi trường có một cái quỹ với mục đích như thế?
Bất khả thi và bất hợp lý
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới, chuyện các cá nhân quan tâm đến giáo dục đóng góp, ủng hộ tiền bạc để xây dựng trường lớp, giúp đỡ thầy cô về tài chính không phải là hiếm.
Ở Việt Nam hiện tại, cũng không thiếu các nhà hảo tâm đã và đang làm điều ấy.
Tuy nhiên, cách thức lập một quỹ lấy tiền trả lương cho giáo viên và thu trực tiếp vào phụ huynh học sinh từng lớp bất chấp hoàn cảnh, nguyện vọng của từng người là cách làm bất khả thi.
Thậm chí quỹ này sẽ không thể ra đời được vì không huy động được tiền.
Những quỹ làm từ thiện hay phục vụ các hoạt động xã hội ngay khi ra đời đã thu hút được tiền là do chính bản thân những người khởi xướng đã đóng góp luôn một phần thậm chí toàn bộ tài sản của mình.
Nếu ở Việt Nam, có cá nhân nào đó có tài sản lớn và sạch sẽ, dùng nó làm quỹ phát triển giáo dục giống như bà Kuroyangagi Tetsuko - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Totto-chan bên cửa sổ” thì khi ấy có lẽ người dân sẽ không ngần ngại dùng tiền của mình ủng hộ cho giáo dục.
Ý tưởng này cũng rất bất hợp lý vì trên thực tế đội ngũ giáo viên tiểu học công lập không phải là những người khó khăn nhất về đời sống.
Những giáo viên tiểu học dạy ở các trường được hỗ trợ đặc biệt, những giáo viên có hợp đồng dài hạn ở các trường công lập ở thành phố thậm chí còn có đời sống tương đối tốt. Thu nhập của họ đến từ rất nhiều nguồn có tên và không tên. Nhiều giáo viên thậm chí rất giàu có so với mặt bằng chung của xã hội.
Nếu không tin, Tiến sĩ Lê Trường Tùng có thể kiểm định lại điều này qua khảo sát chính các giáo viên đang dạy các trường tiểu hoc công lập ở Hà Nội và các phụ huynh có con đang học cấp học này.
Khó khăn nhất phải là các giáo viên dạy ở những địa phương có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các giáo viên trẻ dạy các môn “phụ” như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân...và đang ở diện “giáo viên hợp đồng”.
Nhiều giáo viên trong số này cứ nghỉ hè là lại lo vì nghỉ hè thì thường không có lương và phải bươn chải đủ nghề để sống.
Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ giáo viên có đời sống kinh tế khó khăn là họ cần tới giải cứu, nhất là theo cách Tiến sĩ Tùng nêu ra.
Cái giáo viên cần nhất hiện nay là một cơ chế sòng phẳng, minh bạch, công khai và dân chủ để giáo viên được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Giáo viên cần phải được nhận được khoản tiền lương xứng đáng với công sức và trí tuệ mà họ đã bỏ ra, cống hiến cho xã hội.
Tất nhiên, điều kiện đổi lại là chỉ những ai có đủ năng lực, phẩm chất mới tồn tại được ở vị trí là người giáo viên.
Điểm bất hợp lý lớn nữa của ý tưởng lập “Quỹ giải cứu giáo viên” là nó mâu thuẫn với những điều luật, văn bản liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước, chính quyền địa phương đối với giáo dục.
Trách nhiệm đối với tiền lương của giáo viên đặc biệt là giáo viên ở bậc học giáo dục nghĩa vụ như tiểu học trước hết thuộc về nhà nước và chính quyền địa phương.
Ngân sách dành cho giáo dục hàng năm không nhỏ, ngân sách này phải được tính toán hợp lý để ưu tiên cho những lĩnh vực trọng yếu như giáo dục nghĩa vụ.
Người dân có thể hợp tác, đóng góp tài chính cho giáo dục nghĩa vụ ở nhiều dạng khác nhau tùy thuộc tình cảm và điều kiện của họ nhưng không thể ép họ có nghĩa vụ đóng góp thêm trong khi họ đã phải nộp thuế và nộp nhiều thứ phụ phí khác.
Đúng ra giáo dục tiểu học phải hoàn toàn miễn phí kể cả sách giáo khoa cho đúng tinh thần “giáo dục nghĩa vụ”.
Ở Nhật Bản hiện nay, học sinh từ tiểu học tới trung học cơ sở (giáo dục nghĩa vụ) hoàn toàn không phải nộp học phí và được nhận miễn phí sách giáo khoa.
Ở một số trường trung học phổ thông Nhật Bản hiện nay cũng đã thực hiện việc miễn học phí cho học sinh. Đấy là một cách để đảm bảo “bình đẳng cơ hội giáo dục” và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tất cả mọi cuộc cải cách giáo dục suy cho đến cùng có thành công hay không đều phụ thuộc vào người giáo viên. Đào tạo giáo viên và tái đào tạo giáo viên là một vấn đề lớn mà cải cách giáo dục ở Việt Nam đang đối mặt.
Để có thể làm tốt công việc này, trước hết người giáo viên phải sống được đàng hoàng bằng tiền lương-khoản thu nhập chính đáng lẽ ra họ phải được hưởng khi lao động và cống hiến cho xã hội.
Người ta sẽ không thể say mê làm việc và có khát vọng vươn lên không ngừng trong nghề nghiệp nếu như bản thân từng người không có lòng tự hào về nghề mình làm.
Một trong những thứ quan trọng nhất tạo nên lòng tự hào ấy là sự tự tin họ có thể sống tốt bằng tiền lương. Vì vậy, cái mà giáo viên chúng tôi cần là sự đối xử công bằng chứ không phải là những lời hô hào giải cứu.
Mọi ý kiến đóng góp, thầy cô có thể gửi về hòm thư tòa soạn: toasoan@giaoduc.net.vn.
Tòa soạn xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Quốc Vương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét