Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

“Chiến tranh" tiền lẻ

NGUYỄN TƯỜNG THỤY




Ngày hôm qua 9/9/2017, đến lượt trạm thu phí Biên Hòa phải xả cổng vì lái xe dùng tiền lẻ thanh toán phí BOT gây ách tắc giao thông.
Sự việc bắt đầu xảy ra vào khoảng 16g50. Lái xe dùng tiền có mệnh giá thấp 200, 500, 1000 và 2000 đồng, thậm chí cả tiền xu để trả phí qua trạm BOT tuyến tránh Tp Biên Hòa. Trạm này cầm cự chưa được 30 phút thì thất thủ buộc phải xả trạm theo hướng từ Sài Gòn đi Dầu Giây.
Việc “chiến tranh” tiền lẻ lan sang trạm BOT Biên Hòa đã được báo động ngay từ khi trạm Cai Lậy buộc phải xả trạm nhiều lần dẫn đến tạm ngừng thu phí do lái xe trả bằng tiền lẻ. Cũng như trạm Cai Lậy, trạm Biên Hòa đặt ở vị trí trên Quốc lộ 1 nên những xe dù không đi trên đường BOT cũng phải trả phí. Hồi đó, nghe nói Biên Hòa rút kinh nghiệm từ Cai Lậy nên đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó khi tới lượt mình nhưng không hiểu sao vẫn vỡ trận.
Nhưng không phải sau Cai Lậy là đến Biên Hòa ngay mà trước khi cánh lái xe mang quân đến Biên Hòa thì trạm Văn Lâm (Hưng Yên) ngày 4/9 cũng đã bị tấn công bẳng tiền lẻ và cũng phải xả trạm. Việc ùn tắc ở Quốc lộ 5 còn lan sang ngày tiếp theo 5/9/2017.  Nếu Cai Lậy và Biên Hòa lập lờ lợi dụng đường tránh để ăn gian sang cả đường cũ thì các trạm ở Quốc lộ 5 ngang ngược hơn là thu thẳng phí ở đường cũ để hoàn vốn cho đường mới, tức là đi đường này lại phải trả phí cho đường khác.
Cai Lậy cũng chưa phải là trạm đầu tiên bị tấn công bẳng tiền lẻ mà khởi đầu có lẽ là Bến Thủy. Ngày 9/4/2017, lái xe cũng dùng tiền lẻ trả phí gây nên ách tắc giao thông ở cầu Bến Thủy và trạm này đã phải chào thua buộc phải tháo khoán. Trạm Bến Thủy cũng “can tội” đặt sai vị trí, thu phí cả những xe không hề đi trên tuyến tránh thành phố Vinh.
Tình hình cho thấy, cánh lái xe cứ tấn công vào trạm nào thì giành thắng lợi ở trạm đó. Nguyên nhân là họ có lẽ phải và biết luật chơi và họ trở thành những “triệu phú tiền lẻ”
Thứ nhất là dùng tiền mệnh giá thấp là hợp pháp, ngược lại, nếu ai chê không nhận tiền lẻ là vi phạm pháp luật.
Thứ hai là, phí bảo trì đường bộ, lái xe đã phải trả trong mỗi lần đăng kiểm định kỳ hoặc khi phương tiện làm thủ tục nhập cảnh nên không thể thu thêm lần nữa đối với các tuyến đường cũ. Việc thu phí lập lờ ở các trạm BOT gần đây liên tiếp bị lái xe và công luận vạch ra. Đây là nỗi oan ức của lái xe nhưng chưa cãi được nên trước mắt họ sử dụng vũ khí là tiền lẻ để đối phó và có hiệu quả ngay lập tức.
Về phía trạm BOT, khi ùn tắc giao thông thì họ buộc phải xả trạm một cách cay đắng vì theo qui định, nếu để ùn tắc giao thông, trạm sẽ bị phạt, mức phạt tùy theo độ dài ùn tắc, số lượng xe bị ùn tắc và thời gian ùn tắc.
Nguyên nhân thắng lợi còn ở chỗ cánh lái xe đã biết bảo nhau, thống nhất hành động. Mạng Internet là một phương tiện hữu hiệu của họ. Có rất nhiều trang Bạn hữu đường xa của lái xe các tỉnh, nhiều tỉnh hay cùng một tuyến đường kết nối họ với nhau, chia sẻ những thông tin bổ ích.
*
Lâm vào tình trạng ùn tắc phải xả cổng, dẫn đến thất thu, phản ứng đầu tiên là từ phía chủ đầu tư. Họ qui kết cho lái xe gây ùn tắc giao thông, trích xuất từ camera từng số xe để lập danh sách yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, vì lái xe chơi đúng luật nên cơ quan chức năng dù có muốn bênh bồ cũng khó mà chiều lòng người đẹp. Chỉ trừ một vài ý kiến lơ thơ của một cán bộ chức năng hay vị luật sư thiên quyền nào đó còn hầu như đều cho rằng không thể xử phạt lái xe do hành vi dùng tiền lẻ qua trạm. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang nói thẳng công an Tiền Giang không tham gia xử lý những vấn đề liên quan đến tiền lẻ tại trạm thu phí Cai Lậy. Lực lượng công an có mặt tại trạm này là để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông. Còn cánh nhà báo và bạn đọc của họ bênh vực lái xe còn hăng hơn nữa.

Tuy nhiên, khác với Tiền Giang, khi hội chứng tiền lẻ lan đến trạm Văn Lâm (Hưng Yên) thì công an tỉnh này lập tức thể hiện quyền lực của mình một cách rất cứng rắn. Ông  Đào Trọng Bằng, Trưởng Phòng Hình sự Công an tỉnh Hưng Yên cho biết lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo điều tra làm rõ yếu tố kích động, lôi kéo lái xe và người dân tham gia. Tất nhiên, hành vi dùng tiền lẻ họ không dám động tới. Cơ quan điều tra Công an Hưng Yên đã triệu tập nhiều lái xe, người dân liên quan đến vụ việc, củng cố hồ sơ làm rõ yếu tố kích động, lôi kéo lái xe, người dân vi phạm pháp luật và “đe” sẽ khởi tố vụ án khi đủ căn cứ. Nữ tài xế đầu tiên dùng tiền lẻ để phản đối Trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 đã bị triệu tập 2 lần. Một tài xế khác bị ép viết tường trình theo hướng có sẵn tiền lẻ thì trả chứ không phải phản đối phí cao, nhiều lái xe khác bị triệu tập. Những chiếc máy quay của công an mặc sắc phục và cả của những người mặc thường phục dí sát vào cảnh lái xe mang tiền lẻ ra thanh toán để hù dọa nhưng lái xe vẫn thản nhiên coi như không có vì họ tin ở việc làm của mình. Xem ra, Công an Hưng Yên ra tay rất “chuyên chính vô sản”. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ đơn giản là khởi tố mấy người cầm đầu nếu có để răn đe mà họ phải đối phó với việc dùng tiền lẻ để trả phí BOT như thế nào đây.


Những trạm BOT kể trên không phải chỉ mấy tháng gần đây nó mới xuất hiện (trừ trạm Cai Lậy hoạt động từ 1/8 ). Nhiều năm nay, lái xe vẫn cam chịu trả những khoản phí vô lý cho qua chuyện. Chỉ đến khi giá vé qua các trạm theo nhau tăng một cách tùy tiện, thu tiền như trấn lột để đáp ứng cơn khát hoàn vốn thì cánh lái xe mới đồng loạt phản ứng và những trạm BOT đặt sai vị trí mới được vạch ra. Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT thì hiện nay cả nước có 8 cái trạm như vậy: trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh); trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa); Trạm Bến Thủy (Nghệ An); trạm Quán Hầu (Quảng Bình); trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (thu phí tuyến đường tránh Vĩnh Yên); trạm Trảng Bom (Đồng Nai); trạm Cai Lậy (Tiền Giang) và trạm Km 2123 Quốc lộ 1 (thu phí tuyến đường tránh Sóc Trăng).
*
Trong “chiến tranh” tiền lẻ, tưng bừng nhất là trạm Cai Lậy. Trạm Cai Lậy sau nhiều lần xả trạm tình thế, phải buông từ ngày 15/8/2017 cho đến nay và chưa biết khi nào thu phí trở lại. Những ngày tiền lẻ nối nhau qua trạm Cai Lậy hồi tháng 8 có nhiều chuyện vui, rôm rả trên mạng xã hội. Những cô gái rời ca bin đến tận buồng lái nhận từ tay các chàng trai từng tờ tiền lẻ một với vẻ mặt kiên nhẫn nhưng không hề khó chịu và không hiếm những nét mặt khả ái với nụ cười tươi tỉnh trên môi; những mẩu đối thoại hoặc trêu ghẹo nhau của các chàng lái xe lém lỉnh tạo ra những nụ cười sảng khoái cho người xem. Có người còn chế ra bài hát dựa theo nhạc “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” nghe thật vui nhộn. Báo chí thì không cần giấu cảm tình dành cho cánh tài xế mỗi khi đưa tin.


Người ta ủng hộ phe “nổi loạn” là có lý do của nó. Tâm lý quần chúng thường bênh vực những người yếu thế, thiệt thòi, ghét thói tham lam, cậy tiền, cậy thế. Cuộc chiến này chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Chỉ khi nào các trạm hút tiền trở về đúng vị trí và phí qua trạm phải hạ xuống mức hợp lý thì vấn đề mới giải quyết được.
Cai Lậy, Hưng Yên tới Biên Hòa
Cho mình theo với bạn đường xa
Ngày mai sang BOT nào đây nhỉ
Tiền lẻ tưng bừng như pháo hoa.

10/9/2017
NTT


4 nhận xét:

  1. Nặc danh12/9/17 6:13 SA

    Phải tìm hiểu xem sau lưng trạm thu phí Hưng yên là COCC nào ! hay lại là con của một ông bà nào đó trong BCT hay BBT ,cứ đúng luật mà làm ,chính phủ đâu có đề ra luật tien nhỏ tiền lớn .tiền nào cũng do ngân hàng nhà nước phát hành ,không thu là phạm luật ,các bác tài đả thấy sức mạnh của mình chưa ,nếu đoàn kết lại không gì là không thể ! nếu chính quyền hưng Yên làm sai luật các bạn thử nghỉ chạy trong vòng 1 tuần lể là biết ngay kết quả ,lưu thông hàng hóa đứng thì kinh tế xem như chết

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh14/9/17 6:30 CH

    Đi trên đường là tự do của con người. Ngay cả chế độ Phát Xít Đức cũng không làm trò tởm lợm (BOT) này.

    Trả lờiXóa
  3. - Tìm hiểu về máy in tem nhãn brother
    tại đây
    Daco máy in nhãn

    Trả lờiXóa