Hình như đang phấn khởi vì cái lò
nhóm mãi nó mới nóng và đang cháy, ông Nguyễn Phú Trọng tiện tay sờ luôn đến
Nguyễn Xuân Anh, bí thư Tp Đà Nẵng. Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận “ông Nguyễn Xuân Anh đã sử dụng bằng cấp
không đúng quy định, thiếu trung thực; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng
ôtô và 2 nhà do doanh nghiệp biếu” (báo Tuổi trẻ).
Khi công luận đang hồi hộp theo dõi
vụ đại án Ngân hàng Đại Dương với đề nghị cả án tử hình hoặc đang “quan ngại” một
số vụ gần đây có vẻ như chìm xuống thì việc đột ngột công bố kết luận của
UBKTTW về Nguyễn Xuân Anh khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, đây lại
là biểu hiện đáng mừng.
Về tuổi tác thì Nguyễn Xuân Anh chỉ
là hàng cháu gọi ông Trọng bằng bác theo nghĩa thân tình, vì trước khi nghỉ,
ông Nguyễn Văn Chi (bố đẻ Nguyễn Xuân Anh) cùng là ủy viên Bộ Chính trị với ông
Trọng và còn kém tuổi ông. Không biết khi UBKTTW đưa ra kết luận về “tội trạng”
của Nguyễn Xuân Anh, anh có thảng thốt nhắc tên ông Trọng mà kêu: Bác ơi, bác nỡ
lòng nào?
Vậy là chẳng có bác cháu gì cả. Chẳng
những thế, ông Trọng còn phớt lờ ngay cả quan điểm lạ của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm
khen rằng con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, trong
hệ thái tử đảng, Nguyễn Xuân Anh không phải là mục tiêu chính. Người ta nghĩ đến
Nguyễn Xuân Anh thì ít mà nghĩ đến Nguyễn Thanh Nghị thì nhiều hơn. Nguyễn
Thanh Nghị đang làm bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, là con trai cả của ông Nguyễn Tấn
Dũng. Anh cũng từng được nhắc đến trong mấy vụ lùm xùm như vụ mượn xe biển xanh
hay sai phạm về đất đai tại huyện đảo Phú Quốc. Rồi người ta quay trở lại “lo”
cho em trai của Nguyễn Xuân Anh là Nguyễn Xuân Ảnh, được bổ nhiệm làm Phó Tổng
cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi mới 33 tuổi. Chức to, tuổi bé như vậy,
liệu có vấn đề gì về qui trình bổ nhiệm không.
Hệ thái tử đảng thì nhiều lắm. Các
cậu ấm, cô chiêu này được bổ nhiệm vào những chức vụ cao hơn nhiều so với tuổi
còn khá non, nhưng không phải thuộc diện “tuổi trẻ tài cao” mà đi lên dưới cái
bóng của phụ mẫu. Việc bổ nhiệm cũng từ thấp lên cao nhưng nhanh đến chóng mặt.
Điều này làm cho nhân dân bức xúc. Người ta bất lực nhắc lại câu ca dao từ thời
phong kiến “Con vua thì lại làm vua”.
Phải công nhận một điều, không thấy
ông Nguyễn Phú Trọng mang con cái mình ra làm “hạt giống đỏ”. Không có thông
tin con ông làm gì, ở đâu, đang được ươm ở vườn nào, mà nếu có thì đã không
tránh khỏi con mắt của công luận. Đến Wikipedia cũng phải bỏ mục gia đình trong
trang viết về ông. Vì vậy, ông chẳng ngại
gì mà không dám sờ đến các thái tử đảng, chẳng nể nang gì các ông thái thượng
hoàng. Nhưng cũng nhiều người nghi ngờ, cho rằng ông đốt lò chỉ là để thanh trừng
phe phái chứ không chống tham nhũng triệt để.
*
Cái lò của ông Trọng đang cháy. Việc
làm của ông tuy không đồng ý về phương pháp nhưng được nhiều người trong đó có
cả phe dân chủ hoan nghênh, vì bất kể chế độ nào cũng cần chống tham nhũng.
Tuy nhiên xét về lâu dài cần phải
tính đến chuyện khi ông nghỉ rồi, người kế nhiệm ông có hăng say cho củi tiếp
vào lò hay không, hay để nó nguội lạnh? Cứ cho là điều đó được tiếp tục đi thì
để đốt đến triệu thanh củi (trong số 4,5 triệu đảng viên) thì phải mất bao
nhiêu thời gian? Lại còn phải tính cả những cây xanh sẽ bị “củi hóa” nữa. Vì với
thể chế này, một cây lành lặn cũng sẽ nhanh chóng bị “sâu hóa” khi hòa vào guồng
máy vận hành đất nước, nếu không, lập tức bị bật văng ra ngoài.
Có ý kiến rất hay cho rằng thành
tích của ngành công an không phải là phá được bao nhiêu vụ án, mà là làm sao
không để xảy ra tội phạm hoặc để số vụ án ngày một ít đi. Việc đốt lò cũng
tương tự như thế, nó chỉ là biện pháp tình thế. Điều quan trọng là đừng để cây
xanh biến thành củi vì sâu bệnh. Một chế độ dân chủ sẽ hạn chế tối đa tham
nhũng. Tiếc rằng, những người đang đấu tranh cho dân chủ đang bị ông Trọng và đồng
chí của ông bố ráp và nhiều người đã vào tù. Nhốt dân chủ vào tù và diệt tham
nhũng là một mâu thuẫn mà nhiều người cố tình không nhận ra. Hay là họ muốn giữ
cái nơi sinh ra nhiều củi để đốt, để có việc làm cho… vui.
23/9/2017
Nguyễn Tường Thụy
"Nhốt dân chủ vào tù và diệt tham nhũng là một mâu thuẫn mà nhiều người cố tình không nhận ra"
Trả lờiXóaKhông mâu thuẫn chút nào cả . Nhốt dân chủ là không cần dân chủ, diệt tham nhũng là làm trong sạch Đảng . 2 chuyện không liên quan gì tới nhau nếu chế độ, theo bản chất, đã không dân chủ .
"Nhốt dân chủ vào tù và diệt tham nhũng là một mâu thuẫn mà nhiều người cố tình không nhận ra"
Giải pháp có thể là người thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người của phe khác, và hy vọng người đó sẽ dùng chiêu chống tham nhũng để thanh trừng phe của Tbt Nguyễn Phú Trọng bây giờ . Cứ luân phiên nhau, nước ta chả bao giờ hết chống tham nhũng vì chả bao giờ hết tham nhũng .
"Có ý kiến rất hay cho rằng thành tích của ngành công an không phải là phá được bao nhiêu vụ án, mà là làm sao không để xảy ra tội phạm hoặc để số vụ án ngày một ít đi"
Beria thời Stalin có 1 giải pháp, là đưa ra chỉ tiêu người nhập kho cho công an từng quận, và cũng như hồi xưa, vượt chỉ tiêu sẽ có thưởng . Nhiều người ở tù -> số tội phạm/ác giảm .
Câu "cách mạng ăn thịt con đẻ mình" bây giờ phải bổ xung là phe cách mạng này ăn thịt con đẻ của phe cách mạng kia . Hay đúng hơn, vì tương lai con em chúng ta, kỷ luật con em thuộc phe X
Mượn Hồ diệt Quắc thôi chứ củi với lò gì.
Trả lờiXóa