Một bài báo cũ đăng từ 2015 nhưng đọc rất thú vị:
Nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đã tới Việt Nam để khám phá vẻ đẹp của đất nước chúng ta. Nhưng ít người biết, một chính trị gia từng làm tới chức Tổng thống Cộng hòa Pháp, đã có chuyến đi dã ngoại suốt từ Hà Nội vào Đà Nẵng trên ngựa trong một tuần!
Người đó là ông Paul Doumer (1857-1932), Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897-1902, sau là Tổng thống Pháp từ 1931-1932. Ông tiến hành chuyến đi nói trên, mà bây giờ giới trẻ hay gọi là “đi phượt”, tức là đi tự túc, vì mục đích khám phá, không cần tiện nghi, khi mới sang Đông Dương nhậm chức chưa lâu.
Ông Doumer là chính trị gia thuộc nhóm cấp tiến tại Paris. Xuất thân trong gia đình lao động, ông tốt nghiệp cử nhân Toán học, sau đó lấy thêm bằng Luật rồi trở thành chuyên gia tài chính. Ông cũng là nhà báo. Năm 1895, ông là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ thủ tướng Léon Bourgeois.
Ông là người đưa ra đề nghị đánh thuế lợi tức để chính phủ có thêm tiền, đụng chạm đến quyền lợi của giới tư bản, nên các đại diện của giới tư bản trong quốc hội bác đề nghị, nội các sụp đổ. Sẵn dịp Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau chết vì bệnh kiết lị, chính phủ đề xuất ông sang thay thế, ông nhận lời. Lúc đó, Doumer mới 38 tuổi, để lại 5 người con đang học tập tại Paris. Sau này trong chiến tranh thế giới thứ nhất, 4 người con của ông đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ nước Pháp.
“Ngựa sải thẳng đét”
Câu chuyện về chuyến đi suốt từ Bắc vào Trung của viên Toàn quyền được ông ghi lại trong cuốn hồi ký L’Indochine Française (Souvenirs) kể lại đoạn đường 800 km mà ông cùng người tùy tùng, thiếu tá Nicolas, trải qua (từ trang 232 đến 236). (1)
Thực ra không phải ông đi “phượt” vì thú du sơn ngoạn thủy. Ông đi vì công việc. Là người mê mải với các công trình khai thác bản xứ, là ông muốn tự mình xem xét địa thế để xây dựng con đường xe lửa liên Đông Dương.
“Vào mùa khô ráo trên đất Bắc (Tonkin), tức tháng Giêng, tháng Hai dương lịch, có một lần tôi thử cưỡi ngựa chạy từ Hà Nội xuống đến Đà Nẵng, đường dài độ tám trăm cây số”, ông viết. “Ấy là tôi muốn tận mắt xem xét lấy phong cảnh và địa hình địa thế những nơi nào thuận tiện để đặt con đường sắt, phóng tàu hỏa xuyên Đông Dương, trước khi các kỹ sư chuyên môn dâng đồ án thiết kế cho tôi sau này. Tôi không cần nghi lễ đón tiếp long trọng, không cần cờ xí, kèn trống và tiệc tùng linh đình. Hành lý của viên võ quan hộ vệ của tôi, chỉ thu gọn lại trong một cái túi da (serviette) treo bên hông ngựa là đủ”.
Ông Doumer chỉ cần các quan Nam triều sắp đặt sao cho mỗi dịch trạm có ngựa khỏe thay cho ngựa mỏi, vài tên quân lính biết săn sóc ngựa và rành rẽ đường sá để chỉ dẫn nếu cần.
Chắc rằng từ sơ khởi, các nhà cai trị Pháp đã nhắm hướng tuyến xe lửa vòng từ Phủ Lý xuống Nam Định, khi ông Doumer kể rằng: “Cho ngựa phi nước đại suốt Nam Định qua Ninh Bình, trải qua các tỉnh lị từ Thanh Hóa đến Nghệ An, có dừng chân vài chỗ để xem xét những vị trí nên đặt đường xe lửa sau này. Nhờ khí trời mát mẻ, phong cảnh quang đãng, ngựa sải thẳng đét, chạy được suốt ngày đến cả trăm cây số mà không biết mệt”.
Ông mô tả khá kỹ lưỡng khí hậu ở các vùng đất đi qua: “Qua đến địa phận Hà Tĩnh thì trời đổi khác. Hết nắng tới mưa dạt dào. Đã có mươi phen, chúng tôi phải dùng đến chiếc áo mưa che bằng cao su, nhưng hễ tạnh đôi chút thỉ phải cởi, vì áo nặng trĩu trên vai khó chịu. Mặc dù vậy, nhờ đất cứng, ngựa chạy không lún móng, nên vẫn phi được nước đại như thường”.
Ướt như chuột lội
Qua những dòng nhật ký của Doumer, chúng ta cũng mới hình dung phong cảnh đèo Ngang hồi cuối thế kỷ 19: “Đến dãy Hoành Sơn (Portes d’Annam) tức cửa ải để vào mấy tỉnh miền Trung, chúng tôi phải xuống ngựa đi bộ, leo triền núi dốc như thang đứng, tay nắm chặt sợi cương dắt ngựa, chân bước gập ghềnh, trời thì mưa tầm tã, rồi lại phải nương tay dắt ngựa xuống dốc, rồi gặp cả một vùng cát lún, nhưng cũng không có gì là khổ cực cho lắm.
Tuy nhiên, qua khỏi dãy Hoành Sơn thì khí hậu không còn như khí hậu xứ Bắc. Mưa ôi là mưa, nước ôi là nước. Nước từ trên trời rơi xuống, nước từ trong không khí thấm vào, nước từ dưới đất xông lên. Mưa như xối, mưa không dứt hột, mưa đầy đồng, đất mềm lún, nước chan hòa, ngựa không thấy đường... Khe rạch đều ngập.
Chưa đầy một giờ đi dưới cơn mưa trút nước này, những áo caosu của chúng tôi, tuy là thứ áo chắc chắn, chế tạo từ bên Pháp, đều thấm nước trở nên vô dụng. Nước mưa thấm vào vai, ướt dần vào, áo nỉ, áo lót đều ướt rượt, và từng giọt từng giọt, nước mưa chảy vào giày ống, biến nó thành “ống chứa nước”, hết còn là giày!
Tội nghiệp cho đôi ngựa, thấy nặng, chở thêm, rồi thấy thêm nặng vì đất thêm mềm, chân ngựa chạy lún, đất trở nên sình lầy, giữ chân ngựa lại”.
Đến thị xã Đồng Hới, trời vẫn mưa không ngớt, hai thầy trò nghỉ ngơi một giờ tại nha môn dinh Công sứ Quảng Bình, có cơm no, có lửa hơ sau lưng làm quần áo bớt ướt, rồi lại từ giã lên đường. Các khe suối đều tràn ngập, ngựa lội nước, ngập tới ức ngựa rồi tới bộ yên, khiến hai người “ướt như chuột lội” không còn chỗ nào có thể ướt thêm nữa. Sự mệt mỏi thể hiện qua từng dòng nhật ký:
“Chúng tôi cũng đã đi đến nước không còn thiết tha đến sự gì nữa, cũng không cần kéo chân lên, khi ngựa lội qua chỗ cạn cũng không cần tránh lúc ngựa làm nước văng tung tóe. Đến lúc hoàng hôn, chúng tôi đến một ngôi chùa dự định là nơi tá túc đêm này và cũng là nơi thay hai ngựa. Nhưng chỉ trơ trọi hai giường chõng bằng tre, vạt giường cũng bằng tre, chùa thì vách phên không có, trống trơn một nóc. Trời lạnh ở mức 8-10 độ, có thể ngủ lại trong bộ quần áo ướt rượt này không?”.
Vậy là hai thầy trò chỉ dừng chân nghỉ, rồi tiếp tục lên đường, vì tính toán khi ngựa chạy, máu huyết trong người cũng vận động, nên tuy dầm mưa, vẫn ấm người hơn.
Thầy trò ông Doumer đi suốt đêm không ngừng, tin cậy người lính An Nam đưa đường nói rằng biết đường rành rẽ. Hai ngựa cứ phi nước đại theo chân người lính trong màn đêm huyền bí, cho tới khi tới một nơi nghỉ chân mà theo dự kiến sẽ nghỉ vào sáng hôm sau. May là ngựa mới để thay đã có sẵn. Một chuyện đáng chú ý là khi người lính dẫn đường loay hoay chọn lối tại một ngã ba, nhiều dân làng (được báo trước là có quan lớn đi qua) đã đốt đuốc đưa đường dẫn quan Toàn quyền đi đến chốn. Khi tới trạm nghỉ, ông Doumer tặng họ mấy đồng bạc, họ đều lấy làm ngạc nhiên khi ông quan Tây to nhất xứ Đông Dương không những chịu dầm mưa dãi nắng mà còn đối xử tử tế với người phục dịch.
Đến một bến sông, cây cầu bị nước dâng ngập, trời tối không nhìn rõ, phải nhờ người vào làng tìm thuyền, ông tìm đến một túp lều sẵn có đống lửa.
Những dòng nhật ký cho thấy ông Doumer đúng kiểu là người rất thích hợp với các chuyến đi “bụi”, không nề hà chuyện thiếu tiện nghi:
“Tôi kéo lại gần nửa một cái ghế băng làm bằng cây tạp, bề ngang độ hai gang tay, rồi nằm trên băng ghế, quay mặt vào lửa. Ôi, nó êm khoái làm sao. Thật là sung sướng, hạnh phúc tràn trề... Tôi trở mình trên băng, cái băng vừa chật hẹp, tôi cố giữ thăng bằng rồi ngủ vùi lúc nào không hay.
Tôi dám khuyên các vị khách lữ hành, một khi đã chán chê với cảnh cực lạc nhung lụa của các nước văn minh, xin hãy nếm thử cảnh đìu hiu cô quạnh như tôi hôm nay vậy, họa may mới biết thú”.
Chiều hôm đó, thầy trò Doumer đến Huế, đồ hành lý chuyển theo tàu thủy đã đến nơi trước. Sau bữa tiệc chiêu đãi của Khâm sứ Trung kỳ, sáng hôm sau, thầy trò lại lên ngựa, chạy miết đến ba giờ chiều, hết quãng đường dài 110km đã sửa sang tốt đẹp, nối liền thành phố Huế, vượt đèo Hải Vân qua thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, quãng đường 800km từ Hà Nội vào Đà Nẵng, ông Doumer cưỡi ngựa đi hết đúng một tuần.
Một người liêm khiết và không vụ lợi
Tuy là người thay mặt nước Pháp cai trị cả 3 nước Đông Dương, nhưng ông là người không thích lễ nghi quan cách. Như lần triều đình Huế tiễn ông chính thức từ kinh đô vào Đà Nẵng để lên tàu đi công cán, cử phụ chánh đại thần Nguyễn Thân (ông viết “nhân vật đứng thứ 3 trong triều đình”) cùng đoàn tùy tùng võng lọng kèn nhạc hộ giá, với nghi lễ như của nhà vua tuần du, thì ông cùng sĩ quan tùy tùng quất ngựa chạy thẳng vào Đà Nẵng trước, để đoàn quân triều đình dễu dện khiêng võng che tàn cho viên lính thủy đánh giày phục vụ Toàn quyền tên là Picard!
Paul Doumer là người để lại rất nhiều công trình có giá trị về nhiều mặt cho Việt Nam, như Viện Viễn đông Bác cổ, lập Trường Cao đẳng ở Hà Nội để học sinh không còn phải qua Trung Quốc học. Năm 1901, ông đã đến Đà Lạt và quyết định chọn nơi đây thành đô thị nghỉ mát cho người Pháp tại Đông Dương và tài trợ cho bác sĩ Yersin xúc tiến việc thành lập thành phố.
Ngoài ra ông còn là người rất chú trọng công tác xây dựng các công trình hạ tầng. Cùng với đường sắt xuyên Việt, ông còn để lại ba cây cầu ở ba miền là cầu Long Biên (sau được gọi tên là cầu Doumer), cầu Tràng Tiền, và cầu Bình Lợi cho xe lửa chạy ở Sài Gòn.
Ngoài ra, nhiều cây cầu khác cũng xuất hiện trong thời kỳ trị nhậm của ông như ở Hải Phòng, Hải Dương, Việt Trì, Lào Cai, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Ông cũng là người chủ trương mở mang cảng Hải Phòng và xây dựng tuyến đường sắt lên Vân Nam để khai thác tài nguyên. Báo chí Pháp đã mỉa mai gọi ông là “người theo chủ nghĩa đường sắt”.
Ở miền Nam, năm 1901, ông còn cho khởi công con đường đá từ Sài Gòn đi Tây Ninh để thông thương với Campuchia. Tuy nhiên, để có tiền phục vụ các công trình này, ông cũng cho tăng các thứ thuế, khiến dân chúng rất khổ cực.
Quan lại triều đình Huế coi ông Doumer là người rất hách. Sách sử cho biết các quan trong triều nghĩ mãi mới ra cách phiên âm tên ông sang âm Hán Việt là “Đô Mỹ đại nhân”. Các sử gia Pháp cũng cho biết là người rất cố chấp, cả đời ông đối nghịch với Paul Blanchy, Hội trưởng Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Ông Blanchy suốt đời bênh vực cho quyền lợi của xứ Nam Kỳ, còn Doumer thì đem hết quyền hành để đem lợi ích cho xứ Bắc. Khi Blanchy chết, ông Doumer tuy đang ở Sài Gòn nhưng không đến dự đám tang, cũng không cử người thay mặt đến đưa tang!
Henri Lamagat, tác giả cuốn Souvernirs d’un vieux Journalistre Indochinois, có nhận xét ông Doumer là “một nhân vật vĩ đại của nước Pháp và của thuộc địa Pháp, liêm khiết và không chút vụ lợi”. Ông Lamagat cho rằng ông Doumer chỉ có một lỗi duy nhất là chỉ chú tâm vun vén cho đất Bắc mà không bỏ phần cho đất Nam.
Từ năm 1902, sau khi về nước, ông lại sôi nổi tham gia hoạt động chính trị, cùng với Giám quốc Raymond Poincare và Thủ tướng Clémenceau xây dựng lại nước Pháp sau thế chiến thứ nhất. Từ chức Chủ tịch Thượng viện, ông được bầu làm Tổng thống Pháp năm 1931, là tổng thống thứ 14 của Cộng hòa Pháp. Tuy nhiên, ngày 6.5.1932, Paul Doumer bị một gã tâm thần người Nga tên là Gorguluff bắn, và qua đời vào ngày hôm sau, lúc đó ông 75 tuổi.
Là con của một công nhân đường sắt, những công trình đường sắt mà ông Doumer khởi tạo trên đất Việt Nam hơn 100 năm qua, đến nay vẫn còn có giá trị lớn trong nền kinh tế nước ta!
(1). Nhà xuất bản Vuibert & Nony, Paris in năm 1903. Đã được học giả Vương Hồng Sển dịch lại một số phần đăng trong cuốn di cảo “Dỡ mắm”, NXB Trẻ, 2014.LÊ TIÊN LONG
Nguồn Lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét