NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Hội chứng sợ ghi hình
Công an và quan chức chức Việt Nam chẳng mặn mà gì với việc bị ghi hình khi tiếp xúc với nhân dân mà quyền lợi hai bên xung đột nhau như đàn áp biểu tình, cưỡng chế đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vụ việc.
Trước hết nói về công an. Khi một ai bị bắt vào đồn, việc đầu tiên của công an là tước điện thoại, máy ảnh, xóa các hình ảnh đã ghi trước đó hoặc tháo thẻ nhớ, nhúng điện thoại vào nước. Khi đã vào đồn rồi, không thể nói tới chuyện ghi những gì diễn ra trong đồn. Không phải vì điện thoại bị tước mà vì nếu có giấu được, giơ lên quay cũng bị ăn đòn ngay lập tức. Vì vậy, nhiều người vỡ đầu, gãy răng, sưng vều môi miệng, mặt mũi khi từ trong đồn ra nhưng không thể có video thể hiện việc ấy nó diễn ra như thế nào.
Khi không có cơ sở pháp lý nào, để ngăn cản người dân ghi hình, họ thường ra lệnh miệng. Từ kẻ có tí chức như đội trưởng đội phó, trưởng phó công an phường xã đến công an viên, dân phòng đều có thể ra lệnh không được quay phim chụp ảnh. Khi người dân không nghe mà tiếp tục thực hiện, chúng dùng bạo lực đập máy, cướp và đánh luôn cả người ghi hình chúng. Tôi là người từng bị đánh, bị cướp máy khi ghi hình công an nhiều lần, ví dụ ở Trại giam số 6 Nghệ An, ở Thái Bình, trong những lần bị canh chặn, trong các cuộc biểu tình và khi ghi hình cảnh sát giao thông. Có người cứ mỗi lần gặp công an ra về lại phải mua máy khác, cùng với mua thuốc chữa trị hay nhập viện.
Trong khi đó, chúng tự cho quyền ghi hình người dân bất cứ trường hợp nào, trong đồn công an, khi đàn áp dân... Thậm chí khi đưa một cái giấy mời cũng phải nhiều đứa đi, đứa xồng xộc vào nhà đưa giấy, đứa dí máy quay vào người được “mời” đứa sẵn sàng lao bổ vào cướp máy nếu bị ghi hình.
Những biển cấm quay phim chụp ảnh đặt khắp nơi, thích thì đặt chẳng theo qui định nào, nói tâm lý của những kẻ hoạt động trong bóng tối.
Hội chứng sợ ghi hình từ công an lan sang quan chức. Tâm lý này địa phương nào cũng có, cấp nào cũng có, từ phường xã đến trung ương.
Tại sao quan chức sợ công dân ghi hình? Nó có mấy lý do: Thứ nhất là do khi tiếp xúc với dân, hầu hết không đảm bảo được tính quang minh, chính trực, công tâm mà thường để cảm tính chi phối: quát nạt, ra oai, nói năng bừa bãi, cù nhầy làm cho người dân sợ hay chán nản không muốn kéo dài việc kiện cáo khi thấy nó chẳng đi đến đâu. Thứ hai là trình độ không có, nói năng tùy tiện, lơ mơ về pháp luật nên nếu quay phim, người ta dễ đánh giá trình độ của cán bộ tiếp dân đến đâu. Tức là họ sợ lòi cái đểu, cái dốt ra trước bàn dân thiên hạ. Ghi hình còn ghi được cả lời hứa hẹn, nếu nuốt lời dù sao cũng khó hơn là lời nói gió bay. Tất nhiên, khó không có nghĩa là không dám nuốt lời.
Cần thu hồi văn bản vi hiến
Để gỡ cho quan chức thoát khỏi thế bị phơi bày khi tiếp xúc với dân, ngày 3/1/2019, chính quyền Hà Nội (HN) ra quyết định cấm công dân ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của cán bộ. Quy định này lập tức bị công luận phản đối mạnh mẽ, vạch ra sự vô lý và cho rằng qui định vi phạm quyền giám sát của công dân, ra trái thẩm quyền... tóm lại đây là một văn bản vi hiến cần thu hồi.
Bằng qui định này, chính quyền HN tìm cách che giấu sự thiếu trách nhiệm, trình độ non kém hay phong cách khó coi của quan chức. Còn người dân, họ không có quyền gì ngoài quyền ghi lại hình ảnh lời nói của cán bộ để có cơ sở mà kêu, nay bị chính quyền HN tước mất.
Trong khi người nhà nước sợ ghi hình thì ngược lại, người dân không hề e ngại công an ghi hình họ. Không có ai tìm cách lẩn tránh khi bị ghi hình. Điều này cũng nói lên bên nào đàng hoàng, có lẽ phải còn bên nào không.
Nếu cán bộ tiếp dân làm đúng, làm tốt, lẽ ra cần khuyến khích công dân quay phim để tuyên truyền cho hình ảnh cán bộ mẫu mực, tận tụy với dân, đúng là công bộc của dân, điều này tốt chứ sao lại cấm. Cấm là để che giấu cái xấu. Thế thôi.
Tại sao HN cấm ghi hình quan chức mà chưa cấm ghi hình công an? Vì khi tiếp xúc với dân, công an đông hơn, được huấn luyện về trấn áp, có công cụ đàn áp và công an cũng tàn bạo hơn. Nó có thể dùng luật rừng mà không bị trừng phạt. Có cho phép ghi hình cũng không thể làm gì được đối với lực lượng này.
Điều ngạc nhiên là lẽ ra, thủ đô phải gương mẫu cho các địa phương khác trong việc giáo dục công chức, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân thì HN lại ra một quyết định đầy tai tiếng như thế.
Chính quyền HN từng có tiền sự vể việc ra văn bản bừa bãi. Không phải bây giờ mà cách đây 8 năm, UBND Hà Nội ra một văn bản bôi bác chưa từng thấy, đó là thông báo cấm biểu tình ra ngày 18 tháng 8 năm 2011. Bản thông báo không có ai ký mà chỉ có cái dấu treo. Nơi nhận không có và số công văn cũng không có nốt. Vì vậy cán bộ địa phương chỉ dám thò ra cho những người biểu tình xem rồi thu về vội chứ không dám giao. Có lẽ lịch sử hành chính thế giới chưa bao giờ có một văn bản quái đản như thế.
Bản thông báo không có số, không người ký, không nơi nhận của chính quyền HN
Nếu chính quyền HN không thu hồi quyết định cấm công dân ghi hình cán bộ tiếp dân thì sẽ tạo tiền lệ cho các tỉnh thành khác cũng ra quyết định cấm đoán tương tự vì cán bộ địa phương nào cũng sợ bị ghi âm, ghi hình chứ không riêng gì Hà Nội.
11/1/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét