Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Thân phụ Tiến sĩ Phạm Chí Dũng mong muốn vận động để con trai cụ sớm được trả tự do

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Xuống sân bay Tân Sơn Nhất, việc đầu tiên của tôi là đến thăm gia đình Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ngay trong buổi tối đầu tiên.
Tiếp chúng tôi có thân phụ Phạm Chí Dũng là cụ Phạm Văn Hùng, thân mẫu và vợ anh, chị Bùi Hồng Loan.
Qua tìm hiểu từ trước và trực tiếp đến thăm, tôi cảm nhận được đây là một gia đình gồm 3 thế hệ có nền nếp. Mọi thành viên trong gia đình tôn trọng việc làm của từng người.
Sau khi Phạm Chí Dũng bị bắt, tôi được biết có nhiều người đến chia sẻ với gia đình nhưng chủ yếu là bạn bè, đồng chí của cụ Hùng.  Trong số người đến thăm, nay tôi biết thêm có bà phó bí thư thành ủy. Bà này đến ngay buổi chiều 21/11 nhưng không đả động gì đến việc Phạm Chí Dũng bị bắt, có lẽ đến chỉ để thăm dò.
Không có không khí ảm đạm buồn bã của một gia đình có người vừa bị bắt liên quan đến chính trị. Ngược lại, gia đình tiếp chúng tôi rất niềm nở. Ngồi nói chuyện được một lúc, chúng tôi định vào chào cụ ông nhưng cụ đã tập tễnh đi ra để tiếp khách (cụ bị ngã vẫn còn di chứng, đang tích cực điều trị). Ngoài cái chân đau ra thì trông cụ khỏe mạnh và minh mẫn hơn so với tuổi 88 của mình. Tôi nhận thấy Phạm Chí Dũng có dáng dấp của cha. Cụ nói chuyện chậm rãi, nhỏ nhẹ như cân nhắc cẩn thận từng lời nói của mình.
Tất nhiên là câu chuyện của chúng tôi xoay quanh việc Phạm Chí Dũng bị bắt.
*
Phạm Chí Dũng bị công an Tp HCM bắt vào buổi sáng ngày 21/11/2019 làm dậy sóng công luận trong nước và quốc tế. Cáo buộc của công an xem ra thật ghê gớm: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, “Phạm Chí Dũng có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thành phố”.
Tuy nhiên, xem qua biên bản khám xét, có thể thấy, bằng chứng cho cái gọi là “rất nguy hiểm” đó là những bài viết lưu trên máy tính mà chúng ta đã đọc ở trên mạng, ngoài ra còn có ít danh thiếp, giấy tờ ngân hàng...
Căn cứ vào biên bản khám xét nhà Tiến sĩ Phạm Chí Dũng có thể hiểu lý do để nhà cầm quyền bắt anh là một số bài viết đã đăng trên mạng mà nhiều người đã biết tới. Cũng không hiểu tại sao viết bài trên mạng lại có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự thành phố được. Tôi biết Phạm Chí Dũng không nghĩ đến việc anh có thể bị bắt về viết bài phản biện. Anh chỉ cho đó là quyền biểu đạt chính kiến, quyền tự do ngôn luận. Anh cho rằng nếu bắt người viết phản biện đó là đàn áp tự do báo chí. Nhưng trớ trêu thay, anh lại bị bắt về điều đó.
Có thể nói, “tội” của Phạm Chí Dũng là tội nói thật.
Trước hết, là anh nói thật về tình hình đất nước. Tôi chưa thấy Phạm Chí Dũng bịa đặt ra hay xuyên tạc điều gì. Những bức tranh ảm đạm về chính trị, kinh tế, xã hội là có thật mà ai cũng nhận thấy, thậm chí còn phù hợp với những phát biểu của lãnh đạo, các nghị quyết của đảng và báo chí của nhà nước. Anh dựa vào thông tin trên báo chí của nhà nước để phân tích một cách khá thuyết phục trên cơ sở tư duy nhạy bén của mình.
Thứ hai là anh nói thật suy nghĩ, đánh giá, nhận xét, nhận định và dự đoán của mình. Và cái sự nói thật này làm cho nhà cầm quyền hay phe nhóm nào đó khó chịu.
Thứ ba là “tội” đối với bản thân anh và gia đình, đó là anh tin vào pháp luật. Với trình độ của anh, anh biết rõ giới hạn pháp luật cho phép đến đâu. Nhưng khi một chế độ không thượng tôn pháp luật thì cái ranh giới ấy lại là do ý chí của ai đó qui định. Nó xê dịch và rất mơ hồ.
Điều 25 Hiến Pháp ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
Tuy điều này thòng một câu “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” nhưng người ta không tìm thấy “phápluật qui định” ở đâu vì quốc hội chưa ra luật. Vì thế những quyền ấy lại do theo cách hiểu của từng người. Không thể vì những quyền ấy chưa được luật hóa mà cấm tiệt quyền của công dân. Còn nếu căn cứ vào nghị định nào đó thì lại là việc trái khoáy vì nghị định không thể dùng để điều chỉnh luật.
Về việc thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cụ Hùng cũng cho rằng, Hiến pháp đã qui định công dân có quyền lập Hội. Việc chưa ra luật về lập hội là trách nhiệm của quốc hội, nên không thể kết tội những người đứng ra thành lập Hội. Khi chưa ra luật thì không thể tước đi quyền lập hội của công dân. Vì vậy trong việc thành lập Hội Nhà báo Độc lập, Phạm Chí Dũng và những người sáng lập không có lỗi.
Tôi có nói với cụ, Hội Nhà báo độc lập chỉ là một tổ chức trong rất nhiều hội đoàn xã hội dân sự hiện nay. Có điều đó là Hội có tiếng nói mạnh mẽ nhất về tự do báo chí.
Về các bài viết của Phạm Chí Dũng, cụ Hùng nhận xét Phạm Chí Dũng đề cập đến các vấn đề nhạy cảm.
Có một điều, dư luận xung quanh việc Phạm Chí Dũng bị bắt, người ta không cho là Phạm Chí Dũng bị bắt vì vi phạm pháp luật mà chỉ đặt ra vấn đề, tại sao Phạm Chí Dũng bị bắt vào thời điểm này. Trong đó theo tôi, lý do thuyết phục nhất là bối cảnh chính trị hiện nay đang trước thềm đại hội đảng lần thứ 13 sẽ được tổ chức vào năm 2021, tức là chỉ còn hơn 1 năm nữa nên cần phải bịt miệng Phạm Chí Dũng lại. Trong khi Phạm Chí Dũng như ta đã biết, anh “tọc mạch” vào tất cả mọi chuyện, không né tránh điều gì, từ chuyện “phe nhóm”, “giới chóp bu”, “đấu đá”, “đối thủ chính trị”, “kinh tế suy thoái”... cho đến chuyện “á khẩu” trước tình hình Việt Nam bị Trung Cộng ngang ngược xâm phạm chủ quyền (tôi để trong ngoặc kép những cụm từ Phạm Chí Dũng hay dùng). Mà những vấn đề anh nêu ra và diễn đạt lại có sức thuyết phục người đọc. Thế mới “nguy hiểm”. Anh chẳng kiêng nể nhưng cũng chẳng xúc phạm ông bà nào, cứ tuồn tuột mà nói. Luật pháp không có điều nào cấm nói thật về cá nhân, kể cả lãnh đạo. Có lẽ người ta cho anh là “công khai vi phạm pháp luật” là vì thế.
*
Trong buổi thăm hỏi chủ nhà muốn lưu khách, còn khách thấy thời gian đã dài. Có rất nhiều câu chuyện mà tôi không tiện kể. Khác với cụ bà tính tình xởi lởi, nhanh nhẹn, cụ ông lại khá kiệm lời. Có lẽ nhãn quan chính trị giữa chúng tôi với cụ vẫn còn những khoảng cách. Những vấn đề tôi vừa nêu trên là nội dung chúng tôi bày tỏ với cụ. Chúng tôi nói về Phạm Chí Dũng để nói lên rằng, việc làm của anh là không vi phạm pháp luật; rằng, con trai cụ là một người tài năng, trong sáng, am hiểu thời cuộc, luôn luôn nặng lòng với đất nước. Mọi trăn trở của anh chỉ mong sao cho đất nước này tốt đẹp hơn mà thôi, không thể gọi là tuyên truyền chống nhà nước được.
Tôi nghĩ, tiếp xúc với chúng tôi, cụ hiểu thêm về con trai mình, ít nhất là về uy tín của Phạm Chí Dũng với thế giới bị coi là “phản động” là “thế lực thù địch" và tình cảm của những người hoạt động xã hội dân sự dành cho anh.
Trước khi quay trở vào phòng nghỉ vì không ngồi được lâu, cụ Hùng bày tỏ mong muốn công luận lên tiếng có hiệu quả để Phạm Chí Dũng sớm được trả tự do

14/12/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét