Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

NGHỆ SĨ NHÂN LOẠI HAY NGHỆ SĨ XÓ BẾP?

Nguyễn Hoàng Đức


Chưa bao giờ hình ảnh con người ở mọi ngành nghề cho đến cả ngành dịch vụ lại đòi hỏi tầm vóc nhân loại như hiện nay. Xưa kia người ta có thể yên ổn bình thản co cụm sống trong lũy tre làng, mặc cho thiên hạ phát triển tiến bộ hay đi về đâu. Nhưng ngày nay, như người ta vẫn nói: thế giới đang là một cái làng. Các phi trường nở rộ khắp nơi, nhiều người đi làm bằng máy bay, nhiều người khác leo lên máy bay chẳng khác gì đi xe buýt, như vậy ở sân bay đầu kia du khách đáp xuống sân bay đầu này, không thể có giá dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ khác hẳn nhau, mà người ta sẽ so sánh tức khắc để thấy mình được dịch vụ thế nào. Rõ ràng ngay đến cả công việc dịch vụ cũng được chuẩn hóa mang tính quốc tế cũng như toàn cầu. Với điện thoại vệ tinh, internet nối mạng toàn cầu người ta liên lạc với nhau trong nháy mắt, điều đó còn nhanh và tiện hơn phạm vi trong một cái làng ngày trước.

Những kỹ nghệ cao như thông tin, máy bay, vệ tinh, xe hơi… càng đòi hỏi tầm vóc nhân loại hơn bao giờ hết, một chiếc ô tô, một máy bay ngày nay cho dù mang bất kể thương hiệu gì thì đều là tổ hợp lắp ráp rất nhiều linh kiện của nhiều công ty thuộc nhiều nước khác nhau. Đến mức người ta nói: ngày nay không thể có công ty nào tồn tại được một mình.

Trong khoa học, nghệ thuật, và văn chương cũng vậy, nếu không vươn lên tầm nhân loại, chỉ mang tầm sau lũy tre làng, thấp hơn là xó bếp thì nói làm gì. Việc này là hiển nhiên, và người ta bước vào hệ thống nhân loại mới có thể mang tầm nhân loại. Đơn giản như một đội bóng đá muốn thi đấu quốc tế, thì không thể chơi theo luật riêng, mà anh phải chơi theo luật quốc tế chung mà bất cứ đội bóng nào muốn tham gia thi đấu đều phải tuân thủ. Có luật thi đấu chung, mới có thể phân ra đội nào quán quân, đội về nhì, và đội về bét.

Nghệ thuật cũng như thi ca, không thể coi đó là một bộ môn riêng, không dám so đọ thì làm sao biết được mình ở tầm nào? Nếu không biết cứ vui vầy với nhau kẻ tung người hứng, à uôm khen tặng hội thảo, nói người này cách tân người kia đổi mới, nhưng lại không hề chỉ ra được chổ nào cách tân, chỗ nào đổi mới, thì khác nào nói à uôm, phiếm chỉ, tùy tiện, thiếu trách nhiệm, được chăng hay chớ. Nghệ thuật một khi đã tùy tiện, thiếu trách nhiệm thì còn gì để nói.

Nghệ thuật của chúng ta, ai nhân loại, ai xó bếp? Nếu không có thước đo nhân loại thì chúng ta chỉ là xó bếp thôi. Một chuyên gia hội họa Nhật Bản sang Việt Nam, thấy nhiều họa sĩ cứ đề vống giá tranh cao ngất ngưởng có nói: “ Chính các bạn còn không mạo hiểm mua tranh của nhau, thì làm sao mong người nước khác bỏ nhiều tiền ra mua tranh của các bạn. Các bạn hiểu nhau nhất mà không đánh giá cao về nhau, làm sao có thể mong người nước ngoài rất tinh khôn lại ù ù cạc cạc nhắm mắt liều mua tranh của các bạn?”

Chúng ta đều biết, vàng mỗi nước có khác nhau, vàng Tây, vàng Ta, rồi vàng Tầu, dẫu vậy người ta đều qui về tuổi vàng, cái nào vàng non, cái nào vàng già, vàng chín hay vàng mười. Cái đó gọi là giá trị chung. Giá trị phổ quát.

Triết gia Hegel nói về giá trị phổ quát chắc chắn như thế này: Giá trị phổ quát như con đường quốc lộ của mỗi dân tộc, người ta không thể đi xa nếu không đi theo đường quốc lộ.

Tất nhiên có hàng triệu người Việt chưa bao giờ ra khỏi tỉnh, khỏi huyện, có cả những chiếc xe cải tiến đi băng qua đường tầu hay quốc lộ số một, nhưng không có nghĩa nó tham gia vào đường quốc lộ để đi xa. Và tất nhiên nếu nó không đi xa thì chỉ loanh quanh trở về nhà, rồi từ trên nhà xuống bếp. Triết gia Hegel còn nói: “Những gì là giá trị cục bộ chỉ là bỉ ổi”. Đúng không? Không có giá trị chung, người Việt bảo chỉ là:

“Thổi kèn khen lấy”,

hoặc là “Ở nhà nhất mẹ nhì con? Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”,

hoặc “chuột trù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm”, hay “mèo khen mèo dài đuôi”

và “mẹ hát con khen hay”…

Như vậy, người Việt cũng muốn nói: không có thước đo chung, tất cả chỉ là ích kỷ và bỉ ổi.

Giờ hãy soi vào ngành thơ Việt Nam. Trời ơi chúng ta khó mà từ chối đó là một vũng tép riu, văng cả cứt đái, cả “đếch” cả gãi háng vào thơ vẫn được giải quán quân. Hầu hết làm thơ là do tức cảnh sinh tình vài câu ngắn tũn. Tức cảnh sinh tình thiếu một ý chí và một ý định từ đầu đó cũng chỉ là tùy tiện. Và ở đời chẳng có gì tùy tiện được chăng hay chớ mà thành vĩ đại. Sau khi chỉ có tùy tiện, lại hà hơi thổi ống gọi là thơ lên đồng của thánh thần, thì quả là một cách bịp bợm, hy vọng nghệ thuật là thứ xổ số, đánh mấy tờ trúng giải cao. Hầu hết nhà thơ của chúng ta là các tổ nhóm ông già hết đát, bà già về hưu, chợ búa mưu sinh, nông dân vết vụ cấy cầy, trẻ em mới lớn hát xướng hò vè nhân tiện thả câu kiếm tí danh, cũng dễ được lắm, chỉ cần vài bài leo lên báo là giấc mơ thành hiện thực liền… Trong đầu mấy nhà thơ này chỉ có mấy khẩu quyết: “làm thơ để chơi cho vui ấy mà!” “Thơ khó lắm không biết thế nào đâu!”

Mới đây, tôi có gặp một nhà thơ thuộc cán bộ trong khung, nghĩa là anh ta vừa duyệt thơ, vừa chấm giải thơ người khác, nhưng thơ của mình thì chẳng có tiếng tăm gì. Thơ mình không hay vẫn có thể chấm người khác nhờ vào trình độ thưởng thức của mình. Nhưng trình độ của anh ta thì sao? Nói về trường ca, anh ta liền đọc ngay phương ngôn “ca ca – cứt cứt” của Xuân Diệu. Phương ngôn này chắc chúng ta học thuộc chưa đến 5 giây. Về thơ, anh ta chẳng đưa ra tiêu chí nào ngoài khen người này biết làm thơ, người kia thì chớ có hy vọng làm thơ. Nếu để so sánh có lẽ anh ta chưa đạt tầm một chiếc xe cải tiến băng qua quốc lộ thơ. Một con người trình độ bằng vài hạt bụi như thế sao có thể vươn đến tầm thơ cao cả?

Người phương Tây có câu “người ta chớ bao giờ nên tranh cãi về sở thích”. Nếu khen thơ người này chê thơ người kia mà không có tiêu chí chỉ dựa trên sở thích thì chẳng khác gì người ta tranh cãi về việc tôi thích ăn món này, tôi không thích ăn món kia. Nếu đem ý thích của thức ăn ra để khen chê văn thơ và nghệ thuật thì đó chỉ là mấy anh đầu bếp nghiệp dư cây nhà lá vườn. Bởi lẽ đầu bếp chuyên nghiệp trong các nhà hàng, họ luôn biết các món được nấu thế nào, đi với rượu gì, ăn trước hay ăn sau…

Dù thơ có hay cỡ nào đi nữa, nhưng với người Hy Lạp, nhà thơ đoản ca coi như không chấp. Còn ở Trung Quốc cả vạn nhà thơ Đường cũng không sánh nổi một cuốn sách trong bộ Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân. Vậy thì mấy anh thơ xó bếp mậu dịch, không bao giờ dám minh bạch ra gió tranh tài tranh sức, thì đừng có ra vẻ huyền bí úm ba la về mấy vần thơ không tư tưởng của mình, để rồi ỷ thế con dấu cho rằng thơ mình mới là thơ và được lĩnh giải, còn người khác thì không phải là thơ. Đấy chỉ là cách nghĩ bao cấp ưu tiên những hàm răng đường sữa bé nhỏ thôi. Còn trong gió dân sự “muôn hoa đua nở” thì mấy vần thơ đó có khác gì mấy mẩu tem phiếu dùng để mua cá ươn mắm thối?


NHĐ 01/06/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét