Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Quốc hội Châu Âu tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền

Bản dự thảo Quyết Nghị chung của 6 chính đảng tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được đem ra thảo luận trước khoáng đại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg sáng thứ năm 9-6-2016. RFA PHOTO/Ỷ Lan


Bản dự thảo Quyết Nghị chung của 6 chính đảng tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được đem ra thảo luận trước khoáng đại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg sáng thứ năm 9-6-2016. Cuộc thảo luận vô cùng sôi nổi với những lời phát biểu nồng nhiệt của các Dân biểu với nhiều bằng chứng lộ liễu đang xảy ra hằng ngày tại Việt Nam.

Đa số thông qua

Sau cuộc thảo luận suốt buổi sáng, lúc 12 giờ trưa Chủ tịch phiên khoáng đại yêu cầu lấy biểu quyết. Hầu như đa số tuyệt đối 751 Dân biểu đại diện 28 quốc gia Châu Âu đồng thanh biểu quyết thông qua Quyết Nghị.

Sau đây là một số phát biểu tiêu biểu sự quan tâm của Quốc hội Châu Âu đối với một quốc gia xa cách mấy mươi nghìn dặm.

Dân biểu Jose Ignacio Fera: (Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu, người Bồ Đào Nha)

Cho đến bao giờ Liên Âu còn được phép tự mãn với chế độ độc tài như Venezuela và Việt Nam? Cả hai nhóm quốc gia này khởi đầu tên nước bằng chữ “V”. Nhưng không phải là chữ V của sự chiến thắng (Victory), mà là chữ V của sự độc ác (Villainy). 
-DB Jose Ignacio Fera

“Tại Nhà nước độc đảng Việt Nam, kể từ năm 1975 Đảng Cộng sản cai trị trên 90 triệu dân, không cho phép bất cứ ai thách thức lãnh đạo Đảng và kiểm soát Quốc hội cũng như các toà án. Tại Việt Nam, tự do dân sự, tự do ngôn luận và nhân quyền là những khái niệm không được nghiêm chỉnh thừa nhận, và những vi phạm các nhân quyền cơ bản xảy ra hằng ngày.

Ngài Thích Quảng Độ, một Tăng sĩ Phật giáo được đề cử Giải Nobel Hoà bình năm nay 2016, là một tù nhân vì lương thức được Ân xá Quốc tế công nhận, đã trải qua hơn 30 năm tù đày cho sự đối lập ôn hoà chế độ Cộng sản. Ngài từng tuyên bố, tôi xin trích :

‘Một xã hội văn minh chẳng bao giờ cho phép bất cứ chính phủ nào, với bất cứ ý thức hệ hay chế độ chính trị nào, xúc phạm các nhân quyền phổ quát và cô lập nhân dân sau bức màn sắt khi nại cớ “không can thiệp” vào nội bộ các quốc gia.’

Thưa quý vị đồng viện, cho đến bao giờ Liên Âu còn được phép tự mãn với chế độ độc tài như Venezuela và Việt Nam? Cả hai nhóm quốc gia này khởi đầu tên nước bằng chữ “V”. Nhưng không phải là chữ V của sự chiến thắng (Victory), mà là chữ V của sự độc ác (Villainy).”

Dân biểu Demermaeker: (Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu, người Bỉ)

“Việt Nam mang hai bộ mặt khác nhau. Một bộ mặt trẻ trung, năng nổ, còn bộ mặt kia là nhà nước độc đảng — sự kiểm soát của Đảng Cộng sản là toàn triệt. Chế độ phản ứng theo đường lối hoang tưởng trước mọi phê phán, và các nhà bloggers, các tín đồ tôn giáo hay ai khác đều bị đàn áp. Thật quá rõ chuyện Việt Nam phục tùng ông Anh Cả Trung quốc. Linh mục Nguyễn Văn Lý vừa được thả, nhưng biết bao người khác vẫn còn bị giam giữ. Ngài Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã bị giam nhốt trên 30 năm. Chúng tôi kêu gọi Liên Âu hãy áp lực trả tự do cho Ngài.”

Nữ Dân biểu Frédérique Ries: (Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu, người Bỉ)

Biểu quyết thông qua Bản dự thảo Quyết Nghị chung của 6 chính đảng tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam tại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg sáng thứ năm 9-6-2016. RFA PHOTO/Ỷ Lan.

“Thưa ông Chủ tịch. Các cuộc biểu tình tiếp nối tại Việt Nam sau vụ tai tiếng môi sinh đã như châm lửa vào thuốc súng trong tháng tư. Bản Quyết nghị của chúng tôi hiển nhiên tố cáo cuộc đàn áp tàn bạo do chính quyền chỉ huy, rồi cuộc viếng thăm của Tổng thống Obama tháng năm vừa qua quả thực đã được sử dụng như bằng chứng ngoại phạm để nhà cầm quyền tiếp diễn bắt bớ tuỳ tiện. Khắp mọi ngày, các nhà báo, các bloggers, các người hoạt động bảo vệ nhân quyền, các lãnh đạo tôn giáo bị bắt bớ. Đây là điều chẳng có chi ngạc nhiên khi Việt Nam bị báo động đỏ trên thang hạng thế giới về đàn áp tự do báo chí.

Chúng tôi không ngừng tố giác các vi phạm nhân quyền tiếp diễn và chúng tôi yêu sách trả tự do cho những ai bị vất vào sau chấn song sắt, như trường hợp Ngài Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo và biểu tượng của phong trào Phật giáo Việt Nam. Ngài bị cướp mất tự do một cách liên tục cho tới nay kể đã 34 năm tròn. Nay Ngài đã 88 tuổi.

Thưa ông Chủ tịch. Hiện nay Ngài Thích Quảng Độ bị quản thúc không lý do, không xét xử tại Saigon. Sức khoẻ Ngài khá suy kiệt. Chúng tôi yêu cầu khẩn cấp Bà Mogherini đặt hết uy lực của vị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Liên Âu để đạt cho được việc trả tự do cho Ngài Thích Quảng Độ và những tù nhân khác. Xin cám ơn.”

Nữ Dân biểu Barbara Lochbihler: (Đảng Xanh, người Đức)

“Cuộc thảo luận hôm nay đến từ cuộc đàn áp hung bạo những cuộc biểu tình tiếp theo thảm hoạ môi sinh. Liên Âu đã mở cuộc điều tra độc lập về những nguyên nhân của thảm trạng. Nhưng cũng là điều quan trọng để bảo đảm cho sự đền bù các nạn nhân, và tất cả những ai bị bắt bớ qua những cuộc biểu tình phải được trả tự do, bởi vì đơn giản là họ sử dụng quyền tự do ngôn luận. Đã nhiều năm nay chúng ta chứng kiến sự gia tăng các nỗ lực của Việt Nam để bắt bớ hay bịt miệng những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền như trường hợp Nguyễn Văn Đài bị bắt một ngày sau cuộc Đối thoại nhân quyền Liên Âu. Điều cho thấy Việt Nam sử dụng nhà tù để bịt miệng nhân dân.”

Dân biểu Csaba Sogor: (Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, người Hung Gia Lợi)

Dự thảo lần thứ 5 Luật Tôn giáo và tín ngưỡng trình lên Quốc hội là một sự vi phạm Công ước Nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. 
-DB Csaba Sogor

“Dự thảo lần thứ 5 Luật Tôn giáo và tín ngưỡng trình lên Quốc hội là một sự vi phạm Công ước Nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Thật quá rõ, các điều luật trong Dự thảo Luật sẽ hành xử như công cụ đầy quyền lực để kiểm soát với những giới hạn rộng rãi trong việc hành đạo hay tín ngưỡng tại Việt Nam. Liên Âu cần thúc đẩy Việt Nam viết Dự thảo Luật Tôn giáo mới tuân thủ những nghĩa vụ của Việt Nam theo điều 18 của Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị, nhằm bảo đảm việc hành đạo cho bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào tại Việt Nam không bị điều kiện hoá theo cách xử lý của nhà nước công nhận hay không, đăng ký hay chấp thuận.

Trên tất cả, tự do cơ bản về tôn giáo hay tín ngưỡng phải được trở thành thực tại ở Việt Nam.”

Trong cuộc tiếp xúc riêng với Dân biểu Ramon Tremosa i Bacells, người Tây Ban Nha là một trong những người bảo trợ cho bản Quyết Nghị, khi được hỏi liệu Việt nam không cải tiến về nhân quyền, thì Hiệp ước Tự do mậu dịch đang ký kết giữa Liên Âu và Việt Nam sẽ ra sao ? Ông trả lời:

“Theo tôi, tôi nghĩ rằng Hiệp ước Tự do mậu dịch Liên Âu - Việt Nam cần chận đứng, bao lâu Việt nam không chịu tôn trọng nhân quyền. Và tôi nghĩ rằng quan điểm này được nhiều bạn đồng viện ở Quốc hội Châu Âu ủng hộ. Cho nên chúng ta phải theo dõi cẩn thận bằng cách nào Hiệp ước này tiến triển, vì đây là vấn đề tối ư quan trọng đối với chúng ta.”

Những điểm quan trọng

Bản Quyết Nghị Quốc hội Châu thông qua hôm nay có những điểm yêu sách quan trọng như:

Điều 2, Kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt tức khắc mọi cuộc sách nhiễu, hăm doạ, đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, xã hội, môi sinh ; nhấn mạnh rằng chính quyền phải tôn trọng quyền hoạt động thông qua sự phản kháng ôn hoà và trả tự cho tất cả những người bị bắt trái phép ; đòi hỏi trả tự do tức khắc cho tất cả các nhà hoạt động bị bắt tuỳ tiện như Lê Thu Hà, Nguyễn Văn Đài, Trần Minh Nhật, Trần Huỳnh Duy Thức và Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ;

Điều 4, Tố cáo sự kết án và tuyên án nặng nề đối với các nhà báo và các bloggers như Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thuý và Đặng Xuân Diệu và kêu gọi trả tự do cho họ;

Điều 6, Biểu tỏ mối quan tâm về sự cân nhắc của Quốc Hội đối với Luật Hội và Luật Tôn giáo và tín ngưỡng vốn trái chống với các tiêu chuẩn quốc tế về tự do lập hội và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng;

Điều 8, Tái kêu gọi việc xét lại một số điều luật đặc thù trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam đã được sử dụng để triệt tiêu tự do ngôn luận ; nhận thấy điều đáng tiếc trong con số 18 nghìn tù nhân được ân xá ngày 2-9-2015 chẳng có một người nào là tù nhân chính trị ; tố cáo những điều kiện giam giữ và nhà tù tại Việt Nam và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam bảo đảm không giới hạn quyền được luật sư bào chữa;

Điều 10, Kêu gọi nhà cầm quyền chấm dứt đàn áp tôn giáo và sửa đổi Luật tôn giáo để tái hồi địa vị pháp lý của những tôn giáo không được thừa nhận ; kêu gọi Việt Nam thu hồi Dự thảo lần 5 Luật tôn giáo và tín ngưỡng, hiện đang bàn thảo tại Quốc hội, và chuẩn bị Dự thảo Luật Tôn giáo mới tuân thủ theo các nghĩa vụ của Việt Nam đối với Điều 18 của Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị ; kêu gọi trả tự do cho Mục sư Nguyễn Công Chính, Trần Thị Hồng và Ngô Hào;

Điều 14, Kêu gọi Chính phủ Việt Nam tiếp cận mời Thủ tục đặc biệt LHQ, đặc biệt mời Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về Tự do ngôn luận và Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về tình trạng những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền;

Điều 16, (…) Nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu và Việt Nam, đặc biệt nếu cuộc đối thoại này được thi hành cụ thể ; nhấn mạnh rằng cuộc đối thoại này phải mang lại hiệu quả và định hướng thành tựu;

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu tại Quốc hội Châu Âu, Strasbourg.

RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét