Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

VNTB- Đắc Lắc: Ea Nao náo động trong 'bạo lực cách mạng'

Nhóm phóng viên VNTB


(VNTB) - Ea Nao, một buôn làng đẹp và bình yên nằm sát thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc đã trở nên náo động, xáo trộn vì vụ việc cưỡng chế đất đai có một không hai trên địa bàn Tây Nguyên từ trước đến nay.

Vào lúc 6 giờ sáng ngày 14-7-2016, dọc đường liên huyện dẫn đến buôn Ea Nao bỗng nhiên xuất hiện hàng trăm xe cảnh sát đủ các kiểu. Tiếng còi , tiếng xe gầm rú rung chuyển cả núi đồi. Hàng ngàn người dân hai bên đường đứng lặng... người đang ngồi, kẻ đang đứng ngơ ngẩn nhìn nhau...

Theo thông tin mà VNTB có được, chính quyền tỉnh Đắc Lắc đang thực hiện việc cưỡng chế gần 100 hec ta đất của đồng bào người sắc tộc thiểu số Ê Đê cư ngụ hàng bao đời nay ở buôn Ea Nao. Vào năm 1984, chính quyền tỉnh Đắc Lắc vận động và cưỡng ép nhiều hộ dân Ê Đê ở buôn Ea Nao tham gia vào nông trường bằng hình thức góp đất, rồi sau đó trồng cây cao su. Điều trớ trêu đã đến: đất của người dân bỗng biến thành đất của nông trường, và người dân có trách nhiệm nộp tô cho nông trường.

Vài năm gần đây, do cây cao su đã già cho năng suất thấp, và giá cao su xuống thấp nên thu nhập của người dân buôn Ea Nao bị ảnh hưởng mạnh, cuộc sống lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Vào năm 2012, nông trường 30 tháng 4 đã tiến hành chặt cây cao su, và đất đã bị bỏ hoang. Người dân Ea Nao đã gửi đơn lên chính quyền, yêu cầu trả lại đất để người dân yên tâm trồng trọt, nhưng chính quyền đã không chấp nhận. Các hộ dân đã trồng cây cà phê và một số loại cây khác trên đất bỏ hoang này- thực chất là nương rẫy thuộc quyền sở hữu chính đáng của họ từ rất xa xưa.

Theo nhiều nguồn tin, chính quyền tỉnh Đắc Lắc đã không đồng tình với việc bà con tộc người Ê Đê ở buôn Ea Nao tự ý chuyển đổi cây trồng, họ sợ những vấn đề “nhạy cảm”-“bạo loạn”, nên chính quyền đã quyết định cưỡng chế đất bằng cách cày phá nát hàng chục hec ta cà phê đang non xanh.

Người dân Ê Đê buôn Ea Nao chỉ biết đứng nhìn cảnh tàn phá hoa màu của mình. Mặc dù một số người dân phản đối bằng hình thức ôn hòa nhưng đã bị lực lượng cảnh sát trấn áp quyết liệt.

Theo nguồn tin của VNTB, các lực lượng cưỡng chế đã tiến hành bắt giữ 7 người Ê Đê, bao gồm: 1 / Y SAN ÐI (AMA SAI), 2/ Y SOM HWING, 3 /AMA XUYÊN, 4/ Y TLŬK HWING ( AMA NHI ), 5 / Y P.I NA NIÊ, 6 / H NUUEN ADRƠNG (con gái), 7/Y HÁI NIÊ... Một số người dân phải nhập viện trong các ngày 14,15/7/2016. Một phụ nữ mang thai bị dí điện té ngã, hàng chục người bị thương trong lúc xô xát với công an vẫn chưa được khám chữa trị. Các bệnh viện không chịu nhận khám chữa cho người sống trong buôn Ea Nao trừ khi được công an đưa tới. Trong cuộc cưỡng chế, có người bị đánh gãy sống mũi, một bé gái vị thành niên thấy bất công, lấy mấy ảnh,điện thoại ra chụp hình đã bị hàng chục nữ công an và nam công an xông vào bóp cổ, giật máy ảnh và điện thoại khiến em ngất xỉu. 

Những người bị bắt đi đã bị thẩm vấn, đánh đập, bắt viết tờ khai, viết cam kết, và mỗi người phải chịu phạt 5 -10 triệu đồng theo giấy phạt của công an. 

Công an cho rằng những người bị tạm bắt giữ là những người ''gây rối trật tự công cộng''.

Một lần nữa, để "xử lý" một vấn đề thuần túy xã hội, chính quyền và công an Tây Nguyên đã sử dụng "bạo lực cách mạng". Lực lượng cảnh sát, dân phòng, dân quân... cùng các loại xe đặc chủng mà có thể ví như đội "binh chủng hợp thành" đang khiến cho vai trò của Ban chỉ đạo Tây Nguyên được vinh thăng ý nghĩa chính trị trong công cuộc "phòng chống các thế lực thù địch", thay vì chia sẻ với kế mưu sinh khốn khó của những người dân tộc sắp lâm vào cơn đói kém.

1 nhận xét:

  1. Nặc danh19/7/16 8:58 CH

    Tôi tìm hoài một hành động tử tế đẹp lòng dân của nhà nước này mà không thấy. Hôm nay lại đọc bản tin này. Những người Thượng mộc mạc rồi làm sao sống? còn gì để sống? tương lai của con em họ sẽ ra sao? Kẻ ác còn có khi dừng tay nhưng nhà nước này thật sự không còn gì là nhân tính, chữ ác không đủ diễn tả họ.

    Trả lờiXóa