Kính Hòa, phóng viên RFA
Những lao động nữ ngồi chờ việc trên một
con đường ở Hà Nội vào ngày 28 tháng Ba năm 2016. AFP photo
Bất ổn xã hội kéo dài
Một cuộc biểu tình có hàng ngàn người
tham gia lại nổ ra tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào ngày một tháng chín. Người ta xuống
đường vì môi trường, đòi nhà máy thép Formosa phải đóng cửa.
Như vậy là từ đầu tháng Năm đến nay, những
cuộc biểu tình lớn đến hàng ngàn người liên tục nổ ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà
Tĩnh, và Quảng Bình. Nguyên nhân của những cuộc biểu tình là thảm họa môi trường
tại Vũng Áng đã làm hàng ngàn người sống nhờ vào biển phải mất việc làm, nước
biển nhiễm độc đe dọa cuộc sống.
Một đặc điểm của những cuộc biểu tình
này là được tổ chức chặt chẽ, đại đa số người tham gia là giáo dân Công giáo được
các vị lãnh đạo tinh thần dẫn dắt.
Blogger Nguyễn Vũ Bình, người từng làm
việc cho Tạp chí cộng sản của đảng cầm quyền nhận xét về phong trào đối kháng
hiện nay sau thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử phát triển kinh tế Việt
Nam:
Sự dồn nén của người dân về vấn đề cá chết, ô nhiễm môi trường trong cả nước đang sục sôi. Số người bị ảnh hưởng và nhận thức được về tác hại là vô cùng lớn, nhưng họ chưa có, chưa được tổ chức lại để lên tiếng._ Blogger Nguyễn Vũ Bình
Sự dồn nén của người dân về vấn đề cá chết,
ô nhiễm môi trường trong cả nước đang sục sôi. Số người bị ảnh hưởng và nhận thức
được về tác hại là vô cùng lớn, nhưng họ chưa có, chưa được tổ chức lại để lên
tiếng. Vì vậy, nhà cầm quyền dễ dàng bẻ gãy sự phản kháng có tính chất đơn lẻ
đó. Nhưng khi giáo phận Vinh đồng lòng lên tiếng, từ những đức cha lãnh đạo
giáo phận, cho tới các giáo xứ, giáo họ người giáo dân đồng lòng đứng lên thì
nhà cầm quyền Việt Nam đã không dám ra tay đàn áp số lượng người cực lớn như vậy.
Ý nghĩa lớn nhất của sự kiện người công giáo đứng lên tại Vinh là sự động viên
tinh thần rất lớn cho những người đấu tranh khắp cả nước, cho phong trào dân chủ.
Sự kiện này cũng khẳng định, khi người dân đồng lòng, lại có sự tổ chức thì
không một thế lực nào có thể ngăn cản nổi sức mạnh của người dân.
Những cuộc biểu tình này không hề được mấy
trăm tờ báo chính thống của nhà nước đề cập đến, cũng giống như những sự kiện
mà nhà nước cảm thấy bất lợi từ trước đến nay. Tuy nhiên tầm mức của thảm họa
môi trường lần này lớn hơn. Trên trang blog của tờ Kinh tế Sài Gòn, tuy không đề
cập đến các cuộc biểu tình, nhưng tác giả Nguyễn An Sa nói đến những hệ lụy khó
lường nếu xã hội bất ổn vì thảm họa môi trường:
Khủng hoảng môi trường nếu tiếp tục kéo
dài sẽ khó tránh khỏi một viễn cảnh khác: người dân nghèo, dễ bị tổn thương sẽ
không còn trụ vững trên quê nhà, vùng biển của họ; sẽ xuất hiện những đợt di cư
tị nạn môi trường lớn. Kịch bản này sẽ gây ra những xáo trộn xã hội, tổn thất
kinh tế, thách thức lớn đối với an ninh và phát triển. Nhưng đây là kịch bản dường
như các cơ quan chức năng chưa dự tính đến.
Biển chết
Trong một đêm mưa gió giữa cơn bão Thần
sét, blogger nhà báo Đoan Trang cùng các bạn vào Vũng Áng Hà Tĩnh. Hãy lắng
nghe cô tả cảnh biển Hà Tĩnh trong bài viết Nỗi buồn của biển:
Xế chiều, khi ghe của chúng tôi trở về,
một vài phụ nữ ở trong xóm trên bờ cũng chạy ra đón, giúp kéo ghe lên bãi.
Nhưng trong khoang… trống huếch trống hoác. Không có gì cả. Và chúng tôi cảm thấy
đắng ngắt: Vẫn tiếng hò ấy, vẫn những giọng nói chào đón ấy, vẫn những động tác
quen thuộc ấy của dân biển ngàn đời nay, song có cái khác hoàn toàn, là không
còn niềm vui “thuyền anh mãi về cho cá bạc đầy khoang” nữa. Những nụ cười trở nên vô cùng gượng gạo.
Sao biển buồn đến thế?
Nỗi buồn đó lan đến cả những người Việt
xa xứ. Trong những ngày mùa hè này, khi về thăm quê hương, đứng trước bãi biển
Nha Trang, vẫn còn xanh trong, bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên cảm thán:
Biển ngày xưa vẫn thế, ngày nay vẫn thế
và muôn đời vẫn vậy. Sóng và cát. Giận dữ và dịu êm. Nhưng chỉ có con người thì
quay lưng với biển. Đứa con như bị biển bỏ rơi trong sự chết chóc của đầu độc,
sự cô đơn của vắng thuyền cá xa khơi, sự vụn vỡ trong xé nát của thương trường.
Biển bị biến thành xô bồ, hỗn mang. Thất thểu và thất vọng. Tôi e rằng, giờ bạn
sẽ không bao giờ tìm thấy sự yên bình của biển thế nữa trên chính quê hương
mình. Một mình ra biển, nhưng ở đó bạn không được một mình, bạn không có được
thiên đường biển vắng riêng cho bạn nữa. Nếu có, thì chỉ là biển của ngày xưa.
Một mùa hè biến động
Nhà báo Bùi Tín nhận xét rằng vụ Formosa
Hà Tĩnh là một đại án, nhưng trong mùa hè năm nay không chỉ có đại án Formosa
mà còn có đại án Yên Bái, một viên chức nhà nước hạ sát hai lãnh đạo cao cấp nhất
của tỉnh, rồi tự sát. Một đại án làm tốn bao nhiêu từ ngữ của các blogger. Ông
Bùi Tín viết rằng hết biển chết, rồi lại đến tiếng gầm thét của núi rừng.
Mà mùa hè này không chỉ có hai đại án
đó, mà còn có nhiều vụ khác nữa, trong đó có vụ
một thiếu niên 11 tuổi tự sát vì nghèo túng. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tự
hỏi sao tính mạng con người Việt Nam lại rẻ rúng đến như thế.
Một cựu viên chức nhà nước là ông Phạm
Quang Long còn liệt kê thêm hàng loạt những vụ khác nữa, và theo ông thì trách
nhiệm đó là của tất cả mọi người:
Những chuyện tương tự nhiều lắm. Tôi
cũng không muốn làm phiền lòng ai vì những chuyện chẳng hay ho này. Tôi chỉ muốn
nói là căn bệnh mất khả năng thấy hổ thẹn, tự thấy mình có lỗi đang trầm trọng.
Nó không chỉ xảy ra với đám "dân
gian” mà đã thấm vào đám công chức, trong đó có cả công chức cao cấp, cả người
đã được học hành. Mà đau nhất là nó lại ngấm vào hệ thống, có ở nhiều nơi lắm.
Làm sao đây để dân khí công chức đừng
rơi xuống mức mà trước đây ngay cả những kẻ thất phu cũng không mắc phải? Trong
chuyện này mỗi chúng ta cũng có trách nhiệm vì đã rủ áo, khoanh tay đứng ngoài,
những tưởng cứ tránh xa nó, cứ không dối trá thì mình sẽ được yên ổn. Ta đã nhầm
và phải gánh chịu những sai lầm của chính mình.
Nông dân ngồi trò chuyện trên một vùng đất
đang được đô thị hóa ở ngoại ô Hà Nội hôm 4/4/2016. AFP photo
Nhà báo Đoan Trang kêu gọi trách nhiệm của
các nhà báo Việt Nam:
Các bạn nhà báo thân mến: Xin các bạn đừng
im lặng nữa. Nếu có thông tin, xin các bạn hãy chia sẻ. Nếu sợ không an toàn,
hãy tìm cách. Không ai cấm được các bạn tạo ra những bút danh, tên giả để gửi
bài ra bên ngoài (như Chềnh A Sáng năm nào, các bạn nhớ không?). Không ai cấm
được các bạn bí mật gửi thông tin cho những người các bạn tin tưởng. Xin hãy
tin tôi: Nếu chúng ta thực sự chiến đấu vì quyền được biết của độc giả,
khán-thính giả, chúng ta không chết đâu.
Trong cái không khí vẫn còn vương vấn
mùi những cón cá chết tại biển Hà Tĩnh, vẫn đang sực sôi những cuộc biểu tình của
giáo dân Công giáo miền Trung, thì một đại dự án luyện thép nữa được công bố tại
bờ biển Nam Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận, vốn là một nơi cũng nổi tiếng với biển
xanh cát trắng nhiều tiềm năng du lịch.
Ông Tô Văn Trường viết trên trang
Bauxite Việt Nam rằng không thể có được vừa hải sản, vừa thép, vừa du lịch
trong cơ chế quản lý và con người Việt Nam hiện nay.
Rời bỏ sự đồng thuận
Trong không khí đó một đảng viên, ông Võ
Văn Thôn, tại Sài Gòn bỏ đảng. Luật sư
Lê Công Định nhận xét về vụ bỏ đảng mới nhất đó:
Tôi lập luận, Đảng Cộng Sản Việt Nam
không còn là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, cũng không còn đại diện
cho quyền lợi của dân tộc trong thời đại nhiều chuyển biến như hiện nay, thay
vào đó chỉ là một ổ tham nhũng không hơn không kém; vậy lý do nào để mọi người
tiếp tục đứng trong hàng ngũ ấy?
Nhưng suy nghĩ của luật sư Lê Công Định
lại không phải là dễ dàng với nhiều người đã từng đứng trong hàng ngũ của đảng.
Tác giả Hải Tượng viết trên trang Dân Luận:
Tôi chỉ muốn nói là căn bệnh mất khả năng thấy hổ thẹn, tự thấy mình có lỗi đang trầm trọng.- Ông Phạm Quang Long
Đảng Cộng Sản Việt Nam rồi đây sẽ xóa
tên thêm một người trong danh sách đỏ. Đối với rất nhiều người đảng viên, họ
luôn canh cánh trong lòng câu hỏi mình vì đảng, nhưng đảng có vì mình hay
không? Đảng bây giờ đã thay đổi rất nhiều.
Nhà văn Phạm Thị Hoài mô tả hình ảnh của
đảng cộng sản hiện nay, qua lăng kính của vụ Yên Bái:
Vấn đề của phần lớn các quan chức trong
một chính quyền kiểu Việt Nam là họ không có một diện mạo riêng nào hết. Họ nhuộm
tóc và rẽ ngôi giống nhau, phụ nữ thì đều uốn tóc. Thân hình họ phát triển mạnh
như nhau. Họ đoàn kết trong những chiếc áo sơ mi trắng giắt trong quần màu đen
và cả trong những chiếc quần tắm nhiều màu trên bãi biển, phụ nữ thì trong những
chiếc áo dài râm ran hoa và kim tuyến.
Họ sống sót qua những lộ trình tiến thân
như nhau để giành một chỗ ngồi nhạy cảm như nhau trên những chiếc ghế cùng một
loại gỗ quý cùng một gu chạm trổ trong những văn phòng cùng một phong cách
trang trí ở những trụ sở cùng một mô hình thiết kế. Họ đọc những bài diễn văn
trùng nhau và ra những chỉ đạo giống hệt nhau, cả tốc độ nói và cách ngắt câu của
họ cũng y chang nhau. Họ chung sở thích về xe hơi, về tường cổng bao quanh biệt
thự, về tủ kính phòng khách, về trường học cho con cái, về cặp xách đi họp, về
nén hương dâng trong đền thờ, về các điếu văn, vòng hoa và cả những người phúng
viếng trong tang lễ của chính họ.
Vụ Yên Bái cũng có thể đơn thuần là một
tai nạn, dù khó tin tới mức nào. Quan chức cộng sản cao cấp hay gia đình họ
cũng có quyền hưởng những trớ trêu lãng xẹt của số phận. Song bức màn bí mật có
lẽ là đặc điểm nhận dạng cuối cùng của những người cộng sản sau tiến trình biến
tướng và chà đạp chính lý tưởng của họ. Nó phủ lên tất cả, khiến một chuyện
tình cũng thành thông tin cấm đoán và sau mỗi đồng chí về hưu là một âm mưu căng
thẳng.
Ông Võ Văn Thôn rời bỏ sự đồng thuận, sự
bí mật đó của đảng, nhưng ông không chọn ngày thành lập đảng để làm chuyện ấy,
người ta cho rằng ông bỏ đảng một cách tự nhiên, và điều đó chính là một tín hiệu
lành mạnh giữa mùa hè nhiều biến động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét