Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Cách chức ủy viên bộ chính trị của Đinh La Thăng mới chỉ là ‘bước 1’?

Thiền Lâm

(VNTB) - Chưa có gì bảo đảm là ông Đinh La Thăng đã hoàn toàn thoát nạn sau khi bị 90% Ban chấp hành trung ương bỏ phiếu cảnh cáo về mặt đảng và do đó phải thôi chức ủy viên bộ chính trị.



Sự việc cay đắng trên của Đinh La Thăng xảy ra vào ngày 7/5/2017, đúng vào lễ kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam.
Nhưng lại là một thắng lợi mang tính lịch sử của Nguyễn Phú Trọng, nếu nhớ lại hình ảnh ông Trọng khăn tay chấm mắt trước vẻ rạng rỡ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012.
Giờ đây, ông Thăng đương nhiên bị mất chức bí thư thành ủy TP.HCM. Nhưng mất mát lớn nhất ngay trước mắt là ông Nguyễn Tấn Dũng đã không còn có “người mình” trấn tại TP.HCM - trung tâm của toàn bộ hai khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Bởi ngay giờ đây, Tổng bí thư Trọng có thể ung dung tiến hành phân công và điều động một ủy viên bộ chính trị khác “tiến về Sài Gòn” để thay Đinh La Thăng.
Nhưng còn số phận của người vẫn còn là ủy viên trung ương Đinh La Thăng sẽ ra sao?
Có người mừng cho ông Thăng: hú hồn, ông chỉ bị cảnh cáo chứ không bị khai trừ đảng. Tức vẫn có thể “hạ cánh an toàn”.
Nhưng một số người lại tỏ ra hoài nghi: công sức ông Trọng và Ủy ban Kiểm tra trung ương bỏ ra đến thế để điều tra về lịch sử Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dưới thời Đinh La Thăng chẳng lẽ chỉ nhắm đến mỗi việc đưa ông Thăng ra khỏi Bộ Chính trị? Thế còn hàng loạt gói thầu bị nghi ngờ ở Petro Vietnam và ở  Bộ Giao thông vận tải vào thời ông Thăng thì để đâu? Và cả nửa tỷ đô la “biến mất” ở Venezuela? Vân vân…
Thực tế mà nhìn nhận, một khi đã mất chức ủy viên bộ chính trị, việc tồn tại trong Ban chấp hành trung ương chỉ mang tính tạm bợ. Điều gì sẽ xảy ra nếu sau “bước 1” bị cách chức ủy viên bộ chính trị, Đinh La Thăng tiếp tục bị điều tra về Petro Vietnam, 800 tỷ đồng góp vào Ngân hàng Đại Dương đã không cánh mà bay, những gói thầu bị nghi ngờ “lại quả”…, để sau đó kết quả điều tra được thông báo cho Ban chấp hành trung ương. Khi đó, cơ quan được xem là cao nhất của đảng này lại một lần nữa “làm việc” với Đinh La Thăng. Và sau đó, nếu tình hình trở nên “rất nghiêm trọng”, không loại trừ kịch bản khai trừ đảng.
Mà đã bị khai trừ đảng thì xem như miễn trừ khả năng bất khả xâm phạm trước pháp luật truy cứu hình sự. Có thể, đó sẽ là “bước 2” mà những người bên đảng toan tính.

Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là nếu Thăng không bị “mổ” đến nơi đến chốn, làm sao “đảng ta” có thể tìm được đường “tiếp cận” cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét