Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Gạ Quảng Ninh không được, Trung Quốc lại dụ Cao Bằng vay vốn làm đường

Thiền Lâm

(VNTB) - Nếu chính quyền Cao Bằng, vì một lý do ẩn giấu nào đó mà quá mặn mà vay vốn Trung Quốc, số vốn vay này phải đưa vào dạng “tự vay tự trả”. Nhưng một tỉnh nghèo như Cao Bằng thì lấy đâu ra ngoại tệ để trả món vay 300 triệu USD?

UBND tỉnh Cao Bằng mới đề xuất Thủ tướng Chính phủ đầu tư tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Nửa năm sau việc gạ gẫm cho tỉnh Quảng Ninh vay 300 triệu USD để làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nhưng rốt cuộc đã bị tỉnh này từ chối sau khi bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, giờ đây Trung Quốc lại đang dụ dỗ một dịa phương khác biên giới phía Bắc là chính quyền tỉnh Cao Bằng, cũng với món vay 300 triệu USD để làm đường cao tốc từ Đồng Đăng, Lạng Sơn đến cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng.
Không hề rút được bài học kinh nghiệm nào từ Quảng Ninh, chính quyền Cao Bằng vội vã đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ tham mưu vay 300 triệu USD từ Trung Quốc. Cao Bằng còn “khôn lanh” đến mức “chỉ điểm” cho Thủ tướng rằng Bộ Giao thông Vận tải là địa chỉ cần đứng ra vay Trung Quốc.

Nhưng Bộ Giao thông Vận tải lại là cơ quan phải hứng chịu mũi dùi của dư luận xã hội khi quá nhiệt tình đề xuất Chính phủ vay 300 triệu USD cho tỉnh Quảng Ninh vào cuối năm ngoái. Còn vào lần này, hẳn đã “rút kinh nghiệm sâu sắc”, Bộ giao thông Vận tải đã phản hồi chính quyền Cao Bằng rằng bộ này không phải là đối tượng được vay lại, nên đề xuất Thủ tướng để UBND tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn đảm nhiệm việc vay.

Vậy thực chất của những món tiền cho vay mà Trung Quốc nhiệt tình gợi ý là gì?

Một chuyên gia phản biện độc lập là ông Lê Đăng Doanh đã lôi toạc thực chất nguồn gốc rất đặc biệt của số vay 300 triệu USD trên: số tiền này được lấy ra từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc, chứ không phải là hỗ trợ xuất nhập khẩu. Nghĩa là điều kiện đi kèm của khoản vay này là Việt Nam phải nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc.

Ông Lê Đăng Doanh giải thích: “Trung Quốc hiện nay đang thừa quá nhiều thép và xi măng. Năng suất hằng năm của Trung Quốc đối với mặt hàng thép là 1.200 triệu tấn, Trung Quốc chỉ dùng 600 triệu tấn, số dư còn lại đang tìm cách đẩy sang liên minh châu Âu, sang Mỹ cũng như các nước khác… và đang bị các nước chống đối kịch liệt. Cho nên, bây giờ Trung Quốc dùng miếng “mồi” 300 triệu USD này. Nếu Việt Nam nhận lời vay vốn thì Việt Nam phải nhập toàn bộ thép, xi măng, thiết kế thi công, công nhân lẫn giám sát của Trung Quốc”.

Cho tới nay, đã có quá nhiều dẫn chứng rất cụ thể về hậu quả quá trầm trọng từ các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.

“Đòn bẩy” của Trung Quốc là ở chỗ ban đầu họ đưa ra thiết kế rất thấp tuy nhiên, sau khi thực hiện thì giá cứ bị “đẩy lên”, dần dần giá chào rẻ ban đầu sẽ trở nên “rất đắt”. Dự án đường cao tốc trên cao Cát Linh - Hà Đông là bài học nhãn tiền, khiến đội vốn lên 100%, kéo dài thời gian từ năm này qua năm khác.

Một trong những mánh khóe rất phổ cập của nhà thầu Trung Quốc là bỏ thầu với giá khá thấp, nhưng sau đó tống công nghệ lạc hậu vào dự án, đồng thời đòi tăng chi phí bổ sung trong quá trình thực hiện dự án… để bù đắp “thiệt hại”.

Từ nhiều năm qua, chính sách cho vay tín dụng của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào mưu tính chính trị. Nếu chi phối được đối tượng vay, Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn cho vay với lãi suất ưu đãi, mà dẫn chứng gần nhất là Campuchia đã được Trung Quốc viện trợ hơn 600 triệu USD trong năm 2015.

Cũng cần nói thêm, gánh nặng nợ công đã khiến Chính phủ Việt Nam chìm ngập. Vào năm 2017, Chính phủ chỉ còn dám bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài với hạn mức 700 triệu USD, giảm rất mạnh so với những năm trước.

Bởi thế, nếu chính quyền Cao Bằng, vì một lý do ẩn giấu nào đó mà quá mặn mà vay vốn Trung Quốc, số vốn vay này phải đưa vào dạng “tự vay tự trả”.

Nhưng một tỉnh nghèo như Cao Bằng thì lấy đâu ra ngoại tệ để trả món vay 300 triệu USD?

2 nhận xét:

  1. "Nhưng một tỉnh nghèo như Cao Bằng thì lấy đâu ra ngoại tệ để trả món vay 300 triệu USD?". Dễ mà Cao Bằng chỉ cần bán một ít đất gần biên giới cho TQ là được chứ gì. Đường làm sẵn rồi giao đất cho nó luôn.

    Trả lờiXóa
  2. "Nhưng một tỉnh nghèo như Cao Bằng thì lấy đâu ra ngoại tệ để trả món vay 300 triệu USD?". Dễ mà Cao Bằng chỉ cần bán một ít đất gần biên giới cho TQ là được chứ gì. Đường làm sẵn rồi giao đất cho nó luôn.

    Trả lờiXóa