Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Điều chuyển Bí thư Thăng: Ghế nóng vẫn nóng

Thiên Điểu


(VNTB) - Sau cú kỷ luật và điều chuyển ông Thăng, nhiều khả năng sẽ còn một số vị trí quyền lực đứng đầu các địa phương mang tính trọng điểm, chiến lược như Thanh Hoá ( yết hầu miền Trung); Kiên Giang (bản doanh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)… sẽ tiếp tục được đưa vào cuộc đua bố trí nhân sự đang ngày một gay gắt hơn.

"Lãnh chúa" Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến (trái) và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. 


Việc ông Đinh La Thăng giữ chức Bí thư Thành uỷ Hồ Chí Minh được ví như vào “ngồi ghế nóng” vốn sớm đã được tiên đoán kết cục hôm nay. Tuy nhiên, dư luận khi đó mải chú ý vào những phát ngôn và động thái của cá nhân ông Thăng nên đến khi ông Thăng bị kỷ luật do liên quan ông Trịnh Xuân Thanh mới râm ran bàn lại về cuộc đấu nhân sự trong nội bộ chính quyền ở thượng tầng.

Việc đoán trước kết cục của ông Thăng không phải là đoán mò hay dự cảm mà có logic rất rõ ràng: Ông Thăng được cho là nhân vật thân cận của triều đại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - người bị loại bởi một cuộc bầu cử chỉ có duy nhất ở Việt Nam là “đại biểu nhiệm kỳ cũ sắp mãn nhiệm bầu lãnh đạo đương nhiệm cho nhiệm kỳ mới”. Thông điệp tấn công phe cánh là rõ ràng và được lấp đầy sự hợp lý bởi cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng đang phát động. Ghế Bí thư thành phố giàu có nhất nước về quyền lực thực tế chỉ thua Tổng Bí thư một chút, thường là ghế dành cho “quy hoạch” cao hơn trong Bộ Chính trị. Đặt quyền lực ấy vào tay ông Thăng có thể ví von như câu chuyện ngụ ngôn “đem của gửi nhà kẻ trộm”, khiến đối phương không thể cùng lúc vừa củng cố quyền lực vừa phải tính toán phương án giữ mình trong một khoảng thời gian nào đó. Khi bộ máy nhân sự mới về cơ bản đã xong, cái gì cần đến sẽ phải đến chứ không quá khó hiểu.

Ngay khi thông tin kỷ luật ông Thăng được đưa ra, người ta đồn đoán về 4 ứng cử viên “nặng ký” nhất để thay thê. Ông Nguyễn Thiện Nhân được chọn có vẻ là tương đối nhanh so với bối cảnh hiện tại. bề ngoài có vẻ như là một lộ trình bình thường nhưng phía sau còn không ít bí ẩn khi đi tìm đáp án cho câu hỏi: Tại sao không phải ai khác mà là ông Nhân ?

Tuy là thông tin không chính thức, nhưng nếu điểm lại danh sách 4 ứng viên mà dư luận bàn tán trước khi bổ nhiệm ông Nhân sẽ thấy ngay người được chọn vẫn chưa phải là lựa chọn lâu dài cho mục tiêu “thay máu” nhân sự, không cần xét đến tốt hay xấu.

Đứng đầu danh sách trong tin đồn là hai nhân vật đều trong ngành Công án là Tướng Tô Lâm, đương kim Bộ trưởng Bộ công an – cơ quan quyền lực nhất về trị an xã hội và hành pháp và ông Trương Hoà Bình (hiện giữ chức Phó Thủ tướng, Phó bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ). Thời gian giữ “ghế nóng” của cả hai vị này chưa lâu, lỗ hổng quyền lực trong BCA và kiến thiết bộ máy cho Chính phủ còn rất nhiều là điều đương nhiên. Việc không phải là tướng Tô Lâm cho thấy mục tiêu nắm giữ BCA sau thời của đương kim Chủ tịch nước hiện nay được ưu tiên hơn. Nếu nhìn vào các động thái liên quan ngoài xã hội, điều dễ thấy là: Từ sau khi tướng Tô Lâm lên nắm quyền, cách thức trấn áp phong trào hoạt động XHDS tăng lên mức gay gắt, nặng tay hơn qua những vụ bắt bớ với nhiều lý do kém thuyết phục hơn. Các tình tiết liên quan cũng dễ gây nguy hiểm, bất ổn xã hội hơn khi xuất hiện tình trạng mâu thuẫn giữa dân với chính quyền có nhiều vụ nặng nề hơn mà vụ Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) và vụ “giang hồ” công khai tấn công những người bất đồng chính kiến ở Sài Gòn mà không cần che giấu thông tin hay che mặt như trước đây. Khó nói đây là chủ ý của ông Lâm – dù trách nhiệm là đương nhiên – nếu đặt thêm nghi vấn những “lỗ hổng” trong BCA đang cố tình gây bất lợi cho ông.

Việc xử lý về những cái chết trong tù và những đối tượng công khai tấn công nhóm hoạt động XHDS ở Sài Gòn vừa quan trong thời gian gần đây sẽ là câu trả lời về chân dung ứng viên ghế nóng này – đồng thời cũng là nét phác hoạ rõ nhất về quan điểm của Đảng CSVN về vấn đề dân chủ, nhân quyền.. trong tương lai gần.

Đối với trường hợp ông Võ Văn Thưởng, tính cách và những gì người ta biết về ông cho thấy sẽ là “thả hổ về rừng” nếu thay thế ông Đinh La Thăng nắm giữ thành phố Hồ Chí Minh. “Dự án Đặc khu hành chính” sẽ khởi động. Đương nhiên đây không phải là lựa chọn mong muốn trong bối cảnh còn phải lo củng cố bộ máy lại xuất hiện mô hình đặc quyền gắn với một người có tầm ảnh hưởng tốt trong dư luận như ông Thưởng.

Ứng viên được chọn cũng là ứng viên cuối cùng chính là ông Nguyễn Thiện Nhân. Một nhân vật được cho là có có trình độ đào tạo bài bản nhất trong dàn lãnh đạo nói chung của cả nước, dư luận nhìn chung đánh giá về ông có thể nói là tương đối sạch sẽ. Nhưng chú ý phân tích một chút thì nếu trong chính trị, ông có biểu hiện mang hơi hướng mô phạm đúng với phương diện một trí thức khi không có biểu hiện rõ ràng về việc phe nhóm hay tranh đua quyền lực. Nhưng khi nắm giữ vị trí Bộ trưởng bộ Giáo dục thì trong vụ hacker Bùi Minh Trí tấn công trang chủ của Bộ, dư luận đã một thời xôn xao về cách thức chỉ đạo xử lý cậu hacker thiếu niên này lại hoàn toàn trái ngược hẳn với hình ảnh mô phạm của ông. Những lùm xùm về việc thiếu minh bạch qua việc tính toán chi phí giáo dục đại học và một số chuyện khác ít bị dư luận “soi” đến trách nhiệm của ông. Nhưng không phải không có mà là do khi đó dư luận ít chú ý mảng giáo dục hơn các mảng khác. Những khẩu hiệu “hai không; năm không” của ông Nhân với kết quả là những con số không mờ nhạt cho thấy ông khó mà ngồi yên được lâu ở vị trí mới.

Độ “nóng” của ghế Bí thư thành uỷ mà ông Nhân được chọn với những gì ông thể hiện lâu nay cho thấy đây cũng là cú “đặt cược” sinh mạng chính trị cho chính ông chứ không hề đơn giản ở yếu tố trung hoà quyền lực.

Sau cú kỷ luật và điều chuyển ông Thăng, nhiều khả năng sẽ còn một số vị trí quyền lực đứng đầu các địa phương mang tính trọng điểm, chiến lược như Thanh Hoá ( yết hầu miền Trung); Kiên Giang (bản doanh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)… sẽ tiếp tục được đưa vào cuộc đua bố trí nhân sự đang ngày một gay gắt hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét